Đạo và Đời

Hoa Lan phản ảnh đạo Bồ Tát - phần Xuất Tục

Friday, 31/08/2018 - 11:26:57

Nếu chúng ta tập trung vào hạt giống quang minh - chủng tử tự JA thì chúng ta sẽ trở thành cái quang minh đó, trở thành trí huệ nhập thế. Chúng ta vào trong cuộc sống và không còn bị xoay chuyển nữa.

Bài THẦY HẰNG TRƯỜNG
(Chương Trình Radio Khai Tâm 470)

Hôm nay, Thầy nói về đề tài rất cũ kỹ là Xuất Tục Nhập Thế. Xuất Tục Nhập Thế là triết lý chủ đạo, là signature, là chữ ký quan trọng của Hội Từ Bi Phụng Sự, mà cũng là pháp mà Thầy lúc nào cũng nói tới cả.

Xuất Tục Nhập Thế tóm tắt Đạo Bồ Tát, mà đạo Bồ tát được tóm tắt trong Kinh Hoa Nghiêm. Cho nên chữ Xuất Tục Nhập Thế nói tới con đường của Bồ Tát, con đường mà chúng ta đi theo khi bắt đầu tu.
Lúc đầu chúng ta tu theo bản đồ Xuất Tục Nhập Thế. Sau đó, khi chúng ta tu cao hơn nữa, thì chúng ta sẽ dùng phương thức Ly Thế Gian Nhập Pháp Giới.

Cho nên, có 4 đoạn:
1. Xuất Tục
2. Nhập Thế
3. Ly Thế Gian
4. Nhập Pháp Giới
Chủ đề Xuất Tục Nhập Thế cũ rồi nhưng sao hôm nay Thầy lại nói tiếp lại nữa vì Thầy có hứng thú rất lớn. Khi ở bên Đài Loan, Thầy có nghe nói tới cuộc triển lãm về hoa lan. Mỗi năm Đài Loan rất nổi tiếng vì họ có cả mấy trăm loại hoa lan được triển lãm. Người ta từ khắp nơi trên thế giới đều tới để tham dự, cũng như để trình bày và nhất là để chia sẻ kinh nghiệm làm sao nuôi trồng những hoa lan tuyệt đẹp.
Nhiều khi chúng ta mua những hoa lan bên ngoài rất rẻ nhưng lại có giá trị rất cao. Hoa lan đặc biệt không phải một loại hoa do chúng ta trồng mới có, mà nó hiện diện rất nhiều trong thiên nhiên. Nhiều đến độ gần như nước nào cũng có một loại lan nào đó. Có những hoa lan leo xuống, tỏa xuống, có hoa lan ăn vào trong cây, mọc trong cây, ký sinh trong cây, có hoa lan mọc ngược lên, có hoa lan mọc gần bờ nước, có những hoa lan mọc ở chỗ khô khan, và trên đỉnh núi cũng có nữa. Hoa lan rất lạ, chỗ nào cũng có cả.

Hình dạng hoa lan rất là hay. Khi nở ra rồi thì nó bung ra hoàn toàn. Và nó không chết từ từ như những loài hoa thường. Như hoa hồng, hoa cúc, bất kỳ hoa nào cũng héo từ từ, lúc đó, nó không còn vẻ đẹp nữa.

Khi thấy quá trình héo hon đó, chúng ta chịu không nổi nên mang bỏ thùng rác.
Nhưng hoa lan thì đặc biệt từ lúc chúng ta mua về hay trồng nó, lúc hoa khai mở, thì nó nở bung ra. Hoa lan không héo liền, nó nằm như vậy hoài một thời gian khá lâu. Khi hoa lan héo thì trong vòng 1, 2 ngày thì chúng ta thấy nó rụng xuống, hoặc thấy nó héo, nhưng không héo giống những hoa khác. Tính chất héo của nó rất đặc biệt. Chúng ta thấy nó cũng còn tươi, rồi đột nhiên thấy nó đóng lại và nó rất dễ rơi, khi ta đụng một cái thì nó rớt xuống đất.

Cả thời gian khai mở thì đặc biệt hoa lan rất đẹp. Chúng ta chuộng hoa lan là vì sự khai mở của nó. Hoa lan nở rất đẹp & giữ màu sắc đẹp như vậy hoài.

Người chơi lan thì có thú trồng lan, họ có thú làm cho hoa lan nở ở nhiều dạng, thành những chùm lan thật là đẹp. Khi nó lay động trong gió thì chúng ta thấy rất sống động giống như những dancers đang nhảy múa. Người trồng lan là người có sự quan hoài, chăm sóc hoa lan giống như là chăm sóc một người vậy. Một cây lan như là một người, một chúng sanh vậy.

Thầy thường nghĩ rằng hoa lan tượng trưng cho Đạo Bồ Tát. Đạo Bồ Tát là đạo khi chúng ta mở tâm ra rồi thì không bao giờ đóng tâm lại nữa. Mở ra thì mình mở hoài, mở hoài.

Trong kinh điển nói rằng: Phát cái tâm bồ tát thì khó lắm. Tâm Bồ Tát là tâm gì? là cái tâm rộng rãi, rộng lượng, muốn đi giúp chúng sanh, đi cứu người.

Thường thường, người ta nói rằng: ồ, ta phát tâm rộng lớn, nhưng khi có người chửi mắng thì ta bị thối tâm - thụt lùi lại. Có người nào bạc đãi, thì ta chịu không nổi, không còn giữ được nhẹ nhàng nữa, ta bắt đầu lui ra, không muốn tu nữa, ở nhà đóng cửa lại. Đó là nói về tình trạng chúng ta chưa có thật phát tâm bồ tát. Khi chúng ta phát tâm bồ tát rồi, thì ta sẽ không bao giờ đóng lại nữa.

Câu chuyện Thầy muốn nói là có một em bé người Mỹ tên Steve, em này không bao giờ ra khỏi vùng địa hạt của mình cả. Nhưng có một lần, trường của em làm một field trip để học tiếng Tây Ban Nha. Em được gởi đi qua một nước để trao đổi học tiếng với nhau, tức là nước Mexico, ngay phía Nam của nước Mỹ.

Em đi qua học trao đổi trong vòng ba tuần. Theo lời em kể, có một lần em đi theo một nhóm người Mexican đi làm cứu tế trong vùng nông thôn nước Mễ. Chuyến đi đó tuy chỉ có một ngày, nhưng em được tiếp xúc với những người nghèo khổ, mà em không ngờ họ ở ngay ở phía Nam nước Mỹ, đâu có xa xôi gì. Bồng những đứa bé nhỏ nghèo và tội, dễ thương, rõ ràng chúng không được ai chiếu cố, lo lắng cả, tự dưng em phát sinh lòng thương rất lớn. Chưa bao giờ em nghĩ tới rằng có những người nghèo khổ, bệnh hoạn, mà trẻ tuổi hơn em như vậy. Em sống ở California, miền Nam nước Mỹ, gặp cảnh ngộ như vậy, em thức tỉnh liền.

Cái tâm thương những người nghèo khổ, nó mạnh mẽ vô cùng và không bao giờ đóng lại. Khi về lại bên Mỹ ở Orange County, em bắt đầu viết thư nói với bạn bè của mình hãy giúp cho tổ chức từ thiện y tế ở những vùng nông thôn bên Mexico.

Chuyện rất nhỏ, nhưng rất đẹp. Như khi phát tâm, mở tâm rồi thì ít khi đóng lại lắm. Đóng lại chẳng qua là vì mình không cho nó cơ hội mà thôi.

Đối với hoa lan thì hoa tượng trưng cho sự khai mở - mở ra rồi thì không đóng lại. Đóng lại tức là nó chết luôn, không còn hiện hữu của cái thân xác nữa.

Hoa lan có lẽ tượng trưng cho Đạo Bồ Tát hay nhất bởi vì chỗ nào cũng có thể có hoa lan cả. Cũng vậy, ta thấy rằng đạo bồ tát ở tất cả các nơi nào có chúng sanh & ai có tâm cũng đều có thể tu Đạo Bồ Tát.
Trong phạm vi nhỏ này, thì Thầy nói tới cái hình dạng của hoa lan. Hoa lan có ba cánh hoa nằm phía sau chĩa lên trên như hình tam giác. Ba cánh này như một tam giác chĩa lên. Ba cánh ở phía trước thì giống như tam giác chĩa xuống. Cái đỉnh của tam giác phía dưới là cái lưỡi của hoa lan.

Hình dạng tam giác chĩa lên thì rất mạnh. Nhưng mà tam giác ba cánh hoa chĩa xuống thì nhiều khi nhỏ. Cái lưỡi của hoa lan nhỏ, không to.




Thầy muốn mượn hình ảnh đó để nói rằng Đạo Bồ Tát có thể tóm tắt bằng 4 chữ Xuất Tục Nhập Thế.
Xuất Tục thì giống như ba cánh hoa lan nằm phía sau tạo hình tam giác chĩa lên-tượng trưng cho con đường Xuất Tục. Con đường Xuất Tục là con đường mình tự tu.

Và ba cánh hoa lan nằm phía ngoài - tam giác chĩa xuống - tượng trưng cho con đường Nhập Thế.
Con đường đi xuống là con đường Nhập Thế. Con đường đi lên là con đường Xuất Tục. Đó là hình ảnh dễ hiểu: đạo bồ tát nằm ngay trong đoá hoa lan.

Nếu bác chơi Lan, mổi ngày bác cầm xem, thì đây là đạo bồ tát. 3 cánh phía sau là xuất tục, 3 cánh phía trước là nhập thế.

Thì ra khi nào chúng ta hướng cuộc đời mình ra bên ngoài thì gọi là Nhập thế cho nên 3 cánh hoa chĩa xuống dưới thì lúc nào cũng nằm phía ngoài.
Nhưng xuất tục là con đường chúng ta tự tu, thì nằm bên trong, không ai thấy cả.
Ba cánh hoa có ý nghĩa rất hay. Bây giờ Thầy xin giải nghĩa, chúng ta ghép ý nghĩa của đạo bồ tát, con đường tu của mình vào trong hoa.

XUẤT TỤC

Tam giác phía sau, tức là cánh hoa chĩa lên và có hai cánh hoa phụ trợ nằm phía sau, đó là tam giác đi lên. Đó là tam giác của Xuất Tục.

1) Cánh đầu tiên chỉa lên tượng trưng cho sự Buông Xả trong con đường tự tu. Buông xả là letting go. Buông Xả có hai cái đi theo với nó. Letting Go rồi mình Step Up, bước lên và mình Integrate, là kết hợp.
Thầy đặt cánh hoa chĩa lên, độc nhất chỉ có một cánh hoa chĩa lên thôi, cánh hoa đó là Let Go - Step Up - and Integrate; Buông Xả - Bước Lên - và Kết Hợp.

Buông xả là gì? là buông đi những khó khăn, đau khổ mà mình đang có, mà nhiều khi mình buông xả không được. Step up là mình vươn lên, để biết rằng có cái nhìn mới, ánh sáng mới, cuộc sống mới. Kết hợp là mình kết hợp với cuộc sống đó, với ý nghĩa đó, với tư tưởng đó.
Nhiều khi cái nhìn của mình thấp quá, thì bây giờ mình ngẩng đầu nhìn cao lên. Rồi mình phải integrate, mình hợp nhất với cái gì mình đang nhìn ở phía trên.

Cánh hoa đó rất là quan trọng. Nó rất lớn ở trong hoa lan. Nó to vô cùng. Cũng vậy đó là bước quan trọng nhất trên con đường mình tu.

Khi bác xuất tục là khi bác tự tu – thế nào là tự tu? là khi mình nhắm mắt lại. Thế nào là tu với người, tức là mình mở mắt ra, mình nắm tay người ta.
Con đường Nhập Thế là con đường mở mắt ra, tu với người khác, mình nắm tay họ, mình đi vào trong cõi trần gian này.

Khi Xuất Tục, chữ Buông Xả hay vô cùng. Tại vì khi bác ngồi nhắm mắt lúc ngồi thiền, nhiều khi bác không buông xả được ý tưởng, chuyện này chuyện kia.

Có người vừa buông xả, vừa nhắm mắt thì ngủ luôn. Cái đó cũng không phải. Vì ngủ luôn là hiện tượng mình buông quá mức! Mà nhiều khi vừa buông vừa ngáy nữa thì không phải là buông xả!
Buông Xả là chúng ta ngồi và nhắm mắt lại, nhìn vào hơi thở của mình. Rồi lắng lòng mình xuống, im lặng và buông xả những ý tưởng về cuộc đời mình đang sống bên ngoài. Tạm thời, chúng ta nói rằng tôi muốn sống cuộc đời nội tâm của tôi, tôi không cần cuộc sống bên ngoài vì tôi cần cuộc sống nội tâm. Chỉ bằng cách nhìn vào hơi thở thôi hay một hình ảnh trong đầu ta thôi, thì ta đã bắt đầu đi vào con đường Xuất Tục rồi - ta ra ngoài cái trần thế, cái tục lụy rồi.

Cho nên Buông Xả là sự cắt đứt với những cái mà chúng ta đang níu kéo. Nhiều khi vì những chuyện níu kéo bên ngoài mà mình cần phải nhắm mắt lại. Có nhiều người chỉ cần đi bách bộ ở bãi biển thôi là đã buông bỏ được những chuyện bên ngoài.

Chúng ta cần có cuộc sống của nội tâm, cuộc sống của chính mình. Mình không thể nào có cuộc sống với mọi người mãi mãi được. Nhưng mình cũng không thể nào chỉ có cuộc sống với chính mình mà thôi. Mình phải có cuộc sống với người khác. Đó là một sự cân bằng rất quan trọng.

Khi chúng ta tu thì điều làm cho ta vươn lên là đặc tính Buông Xả. Cho nên nhiều khi ngồi thiền hoài mà ta không tiến bộ là vì mỗi khi ngồi là mình nghĩ tới chuyện đi buôn, đi bán, đi chợ, đi chơi, mình nghĩ chuyện lung tung hoài. Không được đâu bác. Do đó, khi nhắm mắt lại là chúng ta nên nghĩ tới việc buông hết. Không mở mắt ra và engage nữa, chúng ta phải disengage. Chúng ta phải buông ra.
Thành ra việc buông xả đó cũng là một khả năng, một đặc tính rất cao của con người trong cuộc sống của mình. Nhiều khi chúng ta không buông xả được những hình ảnh trong đầu của mình. Chúng ta phải nên có những lúc mang hình ảnh người khác. Mà cũng có lúc chúng ta nên buông cac hình ảnh đó ra. Lúc đó cuộc sống mới toàn diện được.

Còn không, nếu mình buông hết thì cũng không được. Mình phải buông lúc nào mình cần buông, chuyện nào mình cần buông trong lúc đó. Và mình phải nắm những chuyện nào mình cần nắm. Ví dụ như công việc, công tác của mình, hoặc việc nuôi nấng con cái, hoặc là việc học hành của mình, thì mình cần phải nắm lấy.

Cho nên buông đúng lúc, đúng chuyện, đúng thời điểm, đúng chỗ, là chuyện quan trọng. Có người thì lúc cần buông lại không buông, lúc cần mở mắt thì lại không mở mắt, làm trật đi con đường tu hành của mình.

Do đó, khi nói đến Buông Xả, thì đó là phần quan trọng nhất. Bác hỏi có cách gì không? Không. Nhiều khi nó là một sự nhận tri, nhận biết. Mình nhận tri rằng bây giờ mình đang ngồi như vậy thì sao lại nghĩ tới chuyện làm việc, tại sao lại nghĩ tới những chuyện khác. Mình phải để thời gian để nghĩ những chuyện của công việc vào lúc khác chứ. Phải có lúc để cho mình lắng lòng xuống chứ.

Buông Xả phải là sự nhận tri của mình.

2) Cái cánh lan thứ nhì thì có thể nằm bên trái của chúng ta, gọi là cái lá Nhận Tri – Self Awareness, hay Awareness.

Sự nhận tri, nhận biết này tức là sự tri giác, hay giác tri của mình. Là một sự nhận biết. Thí dụ như vừa rồi chúng ta nói tới buông xả thì ta phải nhận biết là mình buông xả. Khi bước lên thì chúng ta nhận biết là mình đang bước lên. Ăn thì biết ăn. Uống thì biết uống. Lạnh thì biết lạnh. Nóng thì biết nóng. Những nhận tri đó là lúc chúng ta mở mắt ra.

Khi nhắm mắt lại thì chuyện nhận tri lớn nhất là nhận tri bóng tối, những điểm mù mà mình tạo ra. Cái nhận tri bóng tối, điểm mù của mình nó không dễ chịu.

Ví dụ, trong cuộc sống mà chúng ta lỡ nói một lời nào đó, thì khi ta ngồi xuống, cái chuyện nói lỡ lời đó thế nào nó cũng trồi lên trong tâm của mình. Mà khi nó trồi lên thì tự nhiên tâm mình rất là khó chịu. Nhưng mà chúng ta phải biết là mình có làm cái chuyện đó. Cho nên sự nhận tri, nhận biết có nghĩa là chúng ta biết mình đã làm sai. Nhận tri xong rồi, mình buông ngay.

Cho nên, buông xả và nhận tri thường đi chung với nhau rất là đẹp. Buông là mình phải nhận tri nó. Mà nhận tri nó là mình sẽ step up bước lên. Và mình kết hợp với một tâm thức mới. Tâm thức mới chính là cái tâm thức làm chúng ta biết mình có thể tái tạo được cái vận mạng của mình, chúng ta có thể sửa đổi cái lỗi lầm của mình. Chúng ta có thể sống cuộc đời mới trong giây phút ngay lập tức sau khi mình nhận tri.

Vì vậy, sự nhận tri nhận biết này, chúng ta gọi là self awareness, rất là quan trọng.
Chúng ta cần thấy được điểm mù của mình. Nhiều khi chúng ta ngồi tu nhưng không thấy điểm mù. Điểm mù của mình vẫn còn. Người nào nói tới điểm mù của mình thì mình giận, mình tức lên. Nhiều khi chúng ta cũng buồn là mình không biết điểm mù của mình ở đâu. Trong cuộc sống nhiều khi chúng ta không hề hay biết mình có những điểm mù, mình tự kiêu, cao ngạo vô cùng.
Có một bác đó làm thơ rất nhiều. Hễ khi nào có hình đẹp thì bác làm thơ. Rồi bác gởi cho Thầy. Có lúc Thầy nhận trên phone mấy chục bài thơ luôn, gắn liền với những hình ảnh bác thấy. Bác này là người Đài Loan, những bài thơ đó là thơ thất ngôn tứ tuyệt, 4 câu 7 chữ, nhiều khi rất là dài.

Thầy đọc thì cũng thấy rất thích thú. Thầy viết lại một câu thôi: bác nhìn thấy cái đẹp như vậy nhưng bác có cảm thấy được cái điểm mù của mình thế nào hay không?

Bác không thể trả lời rõ ràng. Bác chỉ thấy được những chuyện bên ngoài, mà không thấy được cái điểm mù ở bên trong. Sau khi nghe Thầy đặt câu hỏi như vậy, bác bắt đầu nhìn lại để làm sao biết được điểm mù bên trong.

Khi ta thấy được điểm mù bên trong rồi thì nó sẽ đưa tới một chuyện rất đặc biệt. Bây giờ khi mà những hình ảnh mà bác gởi kèm với mấy bài thơ, bác reflect lại `À đây nè, đây là điểm mù của tôi nè. Thầy cho một thí dụ cụ thể: bác gởi Thầy một tấm hình chụp một vị tăng Tây Tạng đang ngồi trên chiếc thuyền con. Có một đám hải âu bay qua. Vị tăng này ngẩn đầu lại để nhìn đám mây. Bài thơ diễn tả hình ảnh đàn chim bay đi, quay lại nhìn thì thấy đó là một hình ảnh đẹp, thấy rằng giây phút đó không dễ dàng có trong tâm thức của mình, giây phút mà mình nắm được, thấy được đàn chim bay đi. Bác sửa lại bài thơ đó: “đây là hồi đầu thị ngạn" – quay đầu lại thì tức là tới bến rồi đây.

Thì ra ta không thấy được cái giây phút đẹp của mình, và ta cũng không thấy được giây phút mà bao nhiêu cái đẹp biến đi như những con hải âu bay đi. Văn vẻ của nó đi từ chỗ thấy hình ảnh bên ngoài tới chuyện cảm thấy mình có những lỗi lầm, thì quay đầu lại mình sẽ tới ngay bến.
Khi giác tri được điểm mù của mình thì chúng ta cũng không cần nói cho ai biết cả. Vì điểm mù là điểm mù của mình, chứ không phải của ai khác.
Trong câu chuyện trên, bác ta đã externalize – bác đem cái điểm mù của mình
hiện ra trong bài thơ. Chúng ta không cần làm thơ. Nhưng chúng ta cần biết điểm mù của mình. Nhiều khi ta có điểm mù mà ta không hề biết. Ta tiếp tục sống với điểm mù của mình mãi mãi. Và cứ cho rằng là mình đúng hoài hoài.

Ta không hề biết được những cảm xúc của người khác, không hề biết được những cái đau khổ của những chuyện xung quanh. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình đúng, mình ngon lành. Chúng ta chỉ hiểu mình thôi. Chúng ta không nghĩ rằng điểm mù lớn nhất là mình chẳng bao giờ lắng nghe nỗi đau khổ của người khác, ví dụ như vậy.
Cho nên cuộc sống của chúng ta đặc biệt vô cùng: chúng ta có khả năng giác tri điểm mù của mình.
Tóm lại:
i- Buông xả đi những vướng bận.
ii- Giác tri, nhận biết điểm mù của mình. Đó là khả năng thứ hai. Đó là cánh hoa phía bên tay trái.
3) Cánh hoa bên tay phải, đó là sự Chuyên Chú. Khi chúng ta tu luyện - tức là Xuất Tục - lúc ngồi thiền, thì mình cần một sự chuyên chú kinh khủng. Nếu bác không chuyên chú tới mức độ chuyên nhất là không được.

Nhiều khi chúng ta ngồi lắng lòng, biết cái điểm mù, biết buông xả, nhưng lại không chuyên chú. Óc chúng ta không tập trung được, nghĩ loạn xà ngầu, tới trăm ngàn chuyện thì nguy to.
Vì chúng ta có thể ngồi thiền nhiều lắm, năm, mười, mười lăm phút, cả giờ luôn. Ngồi tháng này qua tháng nọ, nhưng nếu chúng ta không tập trung thì chỉ là ngồi đó vọng tưởng. Cái vọng tưởng nghĩ loạn xà ngầu đó là bệnh của con người. Và khi mình nghĩ loạn xà ngầu thì mình không giác tri được điểm mù của mình. Chúng ta chỉ ngồi đó và nghĩ cho đỡ tức, chúng ta generate những tư tưởng mà chúng ta tự mình đánh lộn trong lúc mình ngồi. Mình sát phạt những chuyện của người này người kia. Mình giận dữ, mình lẫy những chuyện của người nọ. Rồi trong tâm ta, ta nghĩ sẽ nói những câu nói cho hả cái giận của mình, hay nói sao mà làm người ta tức, người ta bực.

Những chuyện đó đều là do thiếu sự tập trung của mình. Khi chúng ta tập trung là chúng ta có một đề tài để tập trung, có một mục tiêu để tập trung lúc ngồi thiền.
Mục tiêu tập trung rất là quan trọng.

Đề tài để tập trung đó có thể là hơi thở, là bước khởi đầu. Đức Phật dạy rằng, hơi thở gần như là cửa ngõ để vào đạo. Khi tu thiền thì chúng ta nên tập cho hơi thở nhẹ nhàng xuống.
Chúng ta có thể tập trung vào sự thư giãn của bắp thịt của mình.

Tập trung vào sự thư giãn của da thịt, xong rồi đến sự thư giãn của những cơ phận trong người của mình. Rồi tập trung vào sự thư giãn của những năng lượng để cho người mình nhẹ bớt. Cuối cùng, chúng ta có thể tập trung vào sự thư giãn của những tư tưởng – nhiều khi tư tưởng mình dữ quá, mạnh quá, ăn hiếp quá, bức xúc quá, nghẹt quá, khó chịu quá. Chúng ta tập thư giãn đi những chuyện đó.
Tập trung vào những sự thư giãn đó là cả một khoa học để cho chúng ta chuyên chú hơn. Vì khi bị những bắp thịt co thắt, chúng ta bị những stress làm cho khó chịu trong người, thì dù muốn tập trung cỡ nào cũng rất khó khăn. Cho nên, chúng ta cần nên tập trung vào sự thư giãn. Xong rồi chúng ta tập trung vào hơi thở cho nhẹ nhàng ra. Sau đó, nếu cần thì chúng ta tập trung vào một đề tài thiền quán.
Đề tài thiền quán đó có thể là một chủng tử tự, một chữ mà nó sản sinh ra ánh sáng trong nội tâm. Từ sự sản sinh ra ánh sáng trong nội tâm, thì chúng ta có thể chuyên nhất để mình trở thành ánh sáng.
Sự chuyên chú đó đưa tới một kết quả rất quan trọng: là mình trở thành cái gì mà mình tập trung vào. Tập trung vào sự thư giãn thì mình trở thành sự thư giãn. Mình tập trung vào sự thư giãn cực độ thì mình sẽ trở nên bất động.

Mình tập trung vào sự hít thở cho nhẹ nhàng thì mình sẽ trở thành sự nhẹ nhàng. Khi tập trung vào sự nhẹ nhàng tới cực độ thì chúng ta sẽ trở thành sự tĩnh lặng. Và khi trở thành sự tĩnh lặng cực độ đó hoài thì chúng ta mất đi cái thân xác, mất đi cái hơi thở, mất đi cái tư tưởng. Và khi sự tĩnh lặng đi tới chỗ cực độ thì chúng ta bắt đầu tới sự an nhiên vô cùng.

Do đó, sự tập trung làm cho chúng ta thăng tiến hoài. Nếu mình tập trung vào hạt giống quang minh - chủng tử tự, thí dụ là chủng tử tự VA tới cực điểm thì mình sẽ trở thành chủng tự tự đó. Tức là mình sẽ trở thành quang minh. Mà quang minh của chủng tử tự VA tức là lòng đại bi vô lượng.

Nếu chúng ta tập trung vào hạt giống quang minh - chủng tử tự JA thì chúng ta sẽ trở thành cái quang minh đó, trở thành trí huệ nhập thế. Chúng ta vào trong cuộc sống và không còn bị xoay chuyển nữa.
Sự tập trung nó kinh khủng vô cùng. Nó làm cho mình trở thành.

Tóm lại, khi chúng ta xuất tục, ngồi thiền thì nhớ là mình phát triển 3 điều: khả năng buông xả, khả năng nhận tri điểm mù của mình, và khả năng chuyên chú cực độ.

Đó là ba cánh hoa nằm phía sau của hoa lan. Ba cánh hoa này tạo hình tam giác chỉa lên, 3 cánh hoa nằm phía trước tạo hình tam giác chỉa xuống. Tuần sau Thầy sẽ nói tới 3 cánh hoa này, là sự Nhập Thế.
Ngày hôm nay mình đã nói tới 3 cánh hoa nằm phía sau chỉa lên, Thầy nhắc lại, nó tượng trưng cho:
Sự buông xã (hướng lên)
Sự Nhận tri (bên trái)
Sự Chuyên chú (bên phải)



Buông xả
Bước lên
Kết hợp

Nhận tri    Chuyên chú

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT