Thế Giới

Hoa Kỳ muốn biến Đài Loan thành kho vũ khí “con nhím” chống Trung Cộng

Thursday, 06/10/2022 - 08:26:13

Nếu Trung Cộng phong tỏa Đài Loan, Mỹ có thể sẽ nghiên cứu con đường tiếp tế cho Đài Loan - bằng đường biển hoặc đường hàng không.


Các quân nhân đang vác đạn đại bác đến xe tăng trong một cuộc tập trận với đạn thật kéo dài hai ngày, tại huyện Bình Đông ở cực nam đảo Đài Loan, ngày 7 tháng 9, 2022, đề phòng một cuộc đổ bộ của quân Trung Cộng. (Ceng Shou Yi/ NurPhoto via Getty Images)

  

Mỹ đang tăng cường nỗ lực xây dựng một kho vũ khí khổng lồ ở Đài Loan, sau khi nghiên cứu các cuộc tập trận gần đây của quân đội và không quân Trung Cộng xung quanh hòn đảo, theo lời của các viên chức với báo New York Times mới đây.

 

Các cuộc tập trận cho thấy Trung Cộng có thể sẽ phong tỏa hòn đảo như một màn dạo đầu cho bất cứ nỗ lực xâm lăng nào, và Đài Loan sẽ phải tự cầm cự cho đến khi được Hoa Kỳ hoặc các quốc gia khác đến can thiệp.

 

Nhưng nỗ lực biến Đài Loan thành kho vũ khí đã và đang gặp nhiều thử thách. Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đã ưu tiên gửi vũ khí đến Ukraine, điều này đang làm giảm lượng dự trữ của các quốc gia đó, trong khi các công ty sản xuất vũ khí lại rất miễn cưỡng mở dây chuyền sản xuất mới mà không có lượng đơn đặt hàng dài hạn ổn định.

 

Cũng không rõ Trung Cộng có thể trả đũa như thế nào nếu Hoa Kỳ gia tăng vận chuyển vũ khí đến Đài Loan, một hòn đảo dân chủ, tự quản mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của Trung Cộng.

 

Các viên chức Mỹ đang xác định số lượng và loại vũ khí có thể bán cho Đài Loan, bằng cách lặng lẽ nói với các viên chức Đài Loan và các nhà sản xuất vũ khí rằng Mỹ sẽ từ chối đơn đặt hàng đối với một số hệ thống lớn để ưu tiên số lượng vũ khí nhỏ hơn, cơ động hơn.

 

Đầu tháng 9 chính quyền Biden thông báo đã phê duyệt gói vũ khí thứ sáu cho Đài Loan - một khoản mua bán trị giá $1.1 tỷ Mỹ kim gồm 60 hỏa tiễn Harpoon chống hạm ven biển. Các viên chức Hoa Kỳ cũng đang thảo luận về cách hợp lý hóa quy trình bán và giao hàng.

 

Tháng trước, Tổng Thống Joe Biden nói rằng Hoa Kỳ “không khuyến khích” sự độc lập của Đài Loan, đồng thời nói thêm, “Đó là quyết định của Đài Loan.”

 

Kể từ năm 1979, Hoa Thịnh Đốn đã có chính sách trấn an Bắc Kinh rằng Mỹ không ủng hộ sự độc lập. Tuy nhiên, Ngoại Trưởng Trung Cộng, Vương Nghị, cho biết trong một bài phát biểu tại Hiệp Hội Á Châu vào tháng trước rằng Hoa Kỳ đang làm suy yếu lập trường đó “bằng cách lặp đi lặp lại các cuộc trao đổi chính thức và mua bán vũ khí, bao gồm nhiều vũ khí tấn công.”

 

Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng đã tiến hành các cuộc tập trận vào tháng 8 với các tàu hải quân và chiến đấu cơ tại các khu vực gần Đài Loan. Trung Cộng cũng bắn hỏa tiễn đạn đạo vào vùng biển ngoài khơi Đài Loan, bốn trong số đó đã bay qua đảo.

 

Quân đội Trung Cộng đã hành động sau khi bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. Nhưng ngay cả trước đó, các viên chức Hoa Kỳ và Đài Loan đã theo dõi chặt chẽ hơn khả năng xảy ra một cuộc xâm lược, bởi vì cuộc tấn công của Nga vào Ukraine khiến nguy cơ Đài Loan bị tấn công có vẻ trở nên thực tế hơn, mặc dù các lãnh đạo Trung Cộng chưa tuyên bố rõ ràng về thời gian thiết lập quyền cai trị đối với Đài Loan.

 

Hoa Kỳ sẽ không thể tiếp tế cho Đài Loan dễ dàng như Ukraine vì thiếu các tuyến đường bộ từ các nước láng giềng. Các viên chức cho biết, mục tiêu bây giờ là bảo đảm rằng Đài Loan có đủ vũ khí để tự vệ cho đến khi có sự trợ giúp. Tháng trước, ông Biden nói rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Cộng thực hiện một "cuộc tấn công chưa từng có" vào đảo quốc - lần thứ tư ông tuyên bố cam kết đó thay vì duy trì lập trường giữ "chiến lược mơ hồ " đối với Đài Loan như các tổng thống Hoa Kỳ trước đây.

 

Biến Đài Loan thành kho đạn đã được các viên chức thảo luận rất nhiều. Quan điểm là cần kéo dài thời gian Đài Loan có thể tự cầm cự, tránh để Trung Cộng “hái” được Đài Loan trước khi các nước khác đến trợ giúp.

 

Các viên chức Mỹ ngày càng nhấn mạnh đến nhu cầu cung cấp cho Đài Loan các loại vũ khí cơ động, nhỏ hơn có thể chống phá tàu chiến và chiến đấu cơ của Trung Cộng.

 

Các loại vũ khí rất phổ biến trong quân đội Ukraine, như hỏa tiễn chống xe tăng Javelin và NLAW và hỏa tiễn phòng không Stinger đã hiệu quả chống lực lượng Nga. Gần đây, người Ukraine đã hạ gục quân đội Nga bằng các bệ phóng hỏa tiễn di động do Mỹ sản xuất có tên HIMARS.

 

Để biến Đài Loan thành một “con nhím,” tức là một thực thể gây khó khăn cho đối phương với rất nhiều vũ khí, các viên chức Mỹ đã tìm cách hướng các đối tác Đài Loan đặt mua nhiều vũ khí hơn và ít hệ thống hơn cho một cuộc chiến mặt đất thông thường như xe tăng M1 Abrams.

 

Các viên chức Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao cũng đã nói chuyện thường xuyên về những vấn đề này kể từ tháng Ba với các công ty vũ khí Mỹ, gồm cả tại một hội nghị kỹ nghệ về Đài Loan trong tuần này ở Richmond, Virginia.

 

Các viên chức và cựu sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ tin rằng Đài Loan cần một số lượng lớn những thứ vũ khí nhỏ để phòng thủ phân tán, và gần đây Đài Loan đã mua hỏa tiễn Harpoon và Stinger từ Hoa Kỳ. Đài Loan cũng sản xuất vũ khí riêng để tự vệ, gồm tàu rải mìn, hệ thống hỏa tiễn phòng không và hỏa tiễn hành trình chống tàu chiến.

 

Các viên chức trong chính quyền của bà Tổng Thống Thái Anh Văn nói rằng họ nhận ra nhu cầu tích trữ vũ khí nhỏ nhưng nếu vấn đề về sự chậm trễ giữa các đơn đặt hàng và các chuyến hàng.

 

Một số nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi giao hàng nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Thượng Viện đang cứu xét đề nghị cung cấp $6.5 tỷ Mỹ kim hỗ trợ an ninh cho Đài Loan trong 4 năm tới và bắt buộc Mỹ phải xem đảo quốc này như một “đồng minh lớn không thuộc NATO.”

 

Trong khi đó ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư Ký Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các công ty chế tạo vũ khí muốn nhận các đơn đặt hàng lâu dài trước khi thực hiện việc sản xuất. Các giám đốc vũ khí từ Hoa Kỳ và hơn 40 quốc gia khác đã gặp nhau trong tuần qua tại Brussels, Bỉ để thảo luận về các vấn đề cung cấp và sản xuất dài hạn.

 

Nếu Trung Cộng quyết định thiết lập một cuộc phong tỏa hải quân xung quanh Đài Loan, các viên chức Mỹ có thể sẽ nghiên cứu con đường tiếp tế cho Đài Loan - bằng đường biển hoặc đường hàng không – đường nào sẽ ít gây đụng độ trực tiếp với Trung Cộng.

 

Mỹ cứu xét việc gửi các máy bay chở vũ khí của Hoa Kỳ từ các căn cứ ở Nhật Bản và Guam đến bờ biển phía đông của Đài Loan. Bằng cách đó, bất cứ chiến đấu cơ nào của Trung Cộng muốn bắn hạ máy bay Mỹ sẽ phải bay qua Đài Loan, nơi chiến đấu cơ Trung Cộng có nguy cơ bị Đài Loan bắn rơi.

 

Các viên chức cho biết Trung Cộng đã nghiên cứu sự thất bại của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Vì sợ bị thất bại, Trung Cộng không muốn tấn công Đài Loan nếu có nguy cơ không thành công, cho dù rất nhỏ.

 

Tổng Thống Biden đã bốn lần nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Mặc dù sau mỗi lần ông nói vậy thì Tòa Bạch Ốc lại đính chánh không có thay đổi chính sách đối với Đài Loan. Thế giữa giữa các viên chức Tòa Bạch Ốc và Tổng Thống Biden thì người ta tin lời của ông Biden là lập trường của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT