Thế Giới

Hoa Kỳ lo ngại Trung Cộng giam hàng ngàn người Hồi

Wednesday, 18/04/2018 - 08:09:06

Các nhóm nhân quyền ước tính, các nhà tù này đang giam giữ vô thời hạn hàng chục ngàn người, dưới danh nghĩa là những người này cần được giáo dục chính trị.

BẮC KINH - Vào thứ Tư, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, Hoa Thịnh Đốn có thể sẽ trừng phạt các viên chức Trung Quốc tham gia vào đợt bố ráp lớn ở Tân Cương, nếu sự việc này bị coi là vi phạm nhân quyền. Phụ tá Ngoại Trưởng Laura Stone nói, Hoa Kỳ rất lo ngại về việc Trung Quốc giam giữ hàng chục ngàn người Uygur và những người Hồi giáo khác, và Washington có thể sẽ hành động theo luật nhân quyền Global Magnitsky 2016.
Trong khi đó, Bắc Kinh gọi đợt bố ráp là chiến dịch chống khủng bố, và coi đây là hành động cần thiết để loại trừ các tổ chức ly khai và cực đoan khỏi Tân Cương - một khu vực rộng lớn có hơn 10 triệu người Hồi giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người đã bị bắt với các tội như vào xem các trang web nước ngoài, hoặc liên lạc với thân nhân ở nước ngoài. Lên tiếng trước các phóng viên ở Bắc Kinh, bà Stone nói Hoa Kỳ rất lo ngại việc thân nhân của 6 ký giả Hoa Kỳ đã bị bắt giam. Sáu ký giả này có 4 người là công dân Hoa Kỳ và 2 người là thường trú nhân, chuyên đưa tin về tình hình Tân Cương, và đang làm việc cho đài Radio Free Asia ở Washington.
Bà Stone khẳng định sẽ tiếp tục nhắc đến vấn đề này với chính phủ Trung Quốc, và kêu gọi Bắc Kinh nên tuân thủ trình tự xét xử hợp pháp đối với những người bị giam giữ. Chính quyền Tân Cương đã thành lập một mạng lưới nhà tù hoạt động không dựa trên luật pháp. Các nhóm nhân quyền ước tính, các nhà tù này đang giam giữ vô thời hạn hàng chục ngàn người, dưới danh nghĩa là những người này cần được giáo dục chính trị.

Pháp: Công nhân đường sắt phản đối cải tổ
PARIS – Nhân viên ngành đường sắt ở Pháp đã tiếp tục đình công vào ngày thứ Tư, cũng là ngày đình công thứ 7 trong tháng, nhằm phản đối kế hoạch cải tổ lớn đối với hãng đường sắt thuộc sở hữu chính phủ. Tuy nhiên, Tổng Thống Emmanuel Macron đã khẳng định ông sẽ không nhượng bộ. Cuộc đình công dài hạn, dự kiến sẽ kéo dài tới cuối tháng 6, đang bước vào giai đoạn thử thách cho các công đoàn ở hãng đường sắt SNCF, sau khi Hạ Viện Pháp phê chuẩn dự luật chấm dứt vị thế độc quyền của SNCF vào 1 ngày trước đó.
Tổng Thống Macron, khi đối đầu với người biểu tình, đã nhắc lại quyết tâm của ông trong việc cải tổ SNCF, và nói rằng người biểu tình “có thể than phiền, nhưng không thể cản trở quốc gia.” Hãng SNCF cho biết, khoảng 19.84% nhân viên của hãng không chịu làm việc, giảm bớt so với tỷ lệ đình công 22.5% vào ngày 12 tháng 4, và 30% và ngày 3 tháng 4. Cả 4 công đoàn đường sắt đều biểu tình chống lại kế hoạch cải tổ, vốn được cho là đợt cải tổ lớn nhất kể từ khi ngành đường sắt ở Pháp được quốc hữu hóa vào năm 1937.
Đây cũng là một thử thách lớn cho ông Macron, để ông chứng tỏ quyết tâm trong việc cải tổ kinh tế và xã hội, trong nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2022. Vào thứ Tư, chỉ 1 trong 3 đoàn tàu cao tốc TGV là còn hoạt động, và các dịch vụ quốc tế giảm còn khoảng 75% so với ngày thường. Tuy nhiên, các ảnh hưởng này được cho là đã giảm khá thấp so với những ngày đầu khi cuộc đình công mới nổ ra.

Cuba chọn người kế nhiệm Chủ Tịch Castro
HAVANA – Vào thứ Tư, quốc hội Cuba đã bầu chọn ông Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi, làm người kế nhiệm Chủ Tịch Raul Castro. Ông Castro, 86 tuổi, sẽ rời chức vụ chủ tịch sau 10 năm cầm quyền. Tuy nhiên, sự ra đi của ông được cho là sẽ không tạo ra thay đổi gì đáng kể tại Cuba, ít nhất là trong tương lai gần. Ông Diaz-Canel là thành viên khá cương quyết của đảng Cộng Sản Cuba, và hiện đang là phó chủ tịch nước. Ông Diaz-Canel ra đời sau cuộc cách mạng Cuba 1959, và có vẻ là người có tư tưởng tự do. Sau nhiều năm thăng tiến trong đảng Cộng Sản, ông Diaz-Canel được coi là lựa chọn an toàn để tiếp tục kế thừa tư tưởng chính trị của anh em nhà Castro và các lãnh đạo cách mạng.
Theo dự đoán, tân chủ tịch Cuba sẽ không thay đổi quy định về 1 đảng lãnh đạo, mà trước tiên sẽ tìm cách vận động sự ủng hộ từ giới bảo thủ trong đảng. Ngoài ông Diaz-Canel, quốc hội - vốn chỉ mang tính hình thức của Cuba - cũng bỏ phiếu chọn 30 thành viên Hội đồng nhà nước. Tân chủ tịch và các đồng nghiệp sẽ tuyên thệ vào thứ Năm. Ông Castro sẽ tiếp tục là lãnh đạo đảng Cộng Sản Cuba, vốn được định nghĩa trong hiến pháp là “lực lượng cao nhất hướng dẫn xã hội và chính phủ.” Như vậy, ông Castro sẽ tiếp tục là người có quyền lực nhất tại Cuba, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Tân Phó Chủ Tịch Cuba sẽ là ông Salvador Mesa, 72 tuổi.

Nam Hàn sẵn sàng nhượng bộ để giải trừ hạt nhân
SEOUL – Một cố vấn cao cấp của Nam Hàn hôm thứ Tư cho biết, nước này có thể sẽ chấp nhận nhượng bộ rất nhiều, nếu Bắc Hàn đồng ý đình chỉ chương trình hạt nhân. Ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt về an ninh và đối ngoại của Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in, nói rằng, ông hy vọng cuộc họp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Nam – Bắc Hàn sẽ đạt được những kết quả tốt. Ông Chung-in nói thêm, Tổng Thống Moon có thể sẽ đệ trình một tuyên bố hòa bình chính thức với Bắc Hàn lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, nếu hai nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận lịch sử này.
Ông Chung-in nói: “Nếu cam kết giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng đáng tin cậy, họ sẽ nhận lại những hỗ trợ về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, quân sự, chính trị và ngoại giao.” Theo ông Chung-in, Hoa Kỳ, một đồng minh chính của Nam Hàn, có thể cũng sẽ có những nhượng bộ. Những lợi ích mà Bắc Hàn nhận được có thể bao gồm việc nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế, đưa Bình Nhưỡng khỏi danh sách tài trợ khủng bố, và Nam Hàn từ bỏ dự án phòng thù hỏa tiễn của Hoa Kỳ.
Những bình luận của ông Chung-in đưa ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều, dự kiến diễn ra vào ngày 27 tháng 4. Hội nghị là kết quả của những nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên của Seoul và Bình Nhưỡng. Hội nghị liên Triều nếu thành công sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Nhân viên Liên Hiệp Quốc bị tấn công ở Douma
SYRIA – Nhóm nhân viên Liên Hiệp Quốc đến Syria để hỗ trợ điều tra vũ khí hóa học đã bị tấn công, khiến cuộc điều tra bị trì hoãn. "Nhóm nhân viên Liên Hiệp Quốc đã bị bắn trong lúc đang làm nhiệm vụ ở Douma. Không ai trong số họ bị thương và mọi người đã quay lại thủ đô Damascus,” một viên chức Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Tư. Đại sứ Anh tại Hòa Lan Peter Wilson nói, nhóm nhân viên hôm thứ Ba đã tới 2 địa điểm ở thị trấn Douma, dưới sự hộ tống của lực lượng Nga. Tại hiện trường thứ nhất, nhóm này bị một đám đông biểu tình phản đối nên họ phải rút đi. Tại hiện trường thứ hai, "họ trở thành mục tiêu của một vụ tấn công bằng súng và một vụ nổ,” ông Wilson nói, dẫn thông tin từ lãnh đạo Tổ chức ngăn cấm vũ khí hóa học OPCW - Ahmet Uzumcu.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây cáo buộc chính quyền của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad gây ra vụ tấn công hóa học ngày 7 tháng 4 ở thị trấn Douma, thuộc đông Ghouta, khiến hàng chục người thiệt mạng. Syria và Nga bác bỏ cáo buộc này. Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, liên quân Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã không kích 3 cơ sở được cho là nơi chế tạo và lưu trữ vũ khí hóa học của Syria.
Các chuyên gia của OPCW sẽ bắt đầu điều tra tại Douma, sau khi đội an ninh của Liên Hiệp Quốc hoàn thành việc kiểm tra hiện trường. Chuyên gia OPCW sẽ xác định xem liệu có đúng một vụ tấn công hóa học đã xảy ra hay không. Do nhóm an ninh chưa hoàn thành nhiệm vụ ở Douma, ông Uzumcu cho biết OPCW chưa thể xác định khi nào thì các chuyên gia có thể bắt đầu làm việc. Cả hai nhóm hiện đều ở Damascus.

Chủ Tịch Trung Quốc có thể sắp thăm Bắc Hàn
BẮC KINH - Chủ tịch Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đến Bắc Hàn sau tháng 5, trong bối cảnh quan hệ giữa hai đồng minh đang ấm lên. Chuyến thăm được cho là sẽ "sớm diễn ra,” có thể là sau hội nghị giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, theo một viên chức ẩn danh cho biết hôm thứ Tư.
Nếu ông Tập thăm Bắc Hàn, đây sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông đến nước này kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 11, 2012. Mối quan hệ giữa Bắc Hàn và đồng minh lâu năm Trung Quốc đã ấm lên trong tháng qua, khi Kim Jong-un đến Bắc Kinh vào cuối tháng ba. Truyền thông nhà nước Bắc Hàn khi đó đưa tin rằng, ông Tập đã nhận lời mời đến thăm Bình Nhưỡng.
Vào tuần sau, ông Kim sẽ gặp Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in tại khu phi quân sự DMZ. Hai miền Triều Tiên có thể đang đàm phán để chính thức chấm dứt cuộc chiến 1950-1953. Về mặt lý thuyết, hai bên vẫn trong tình trạng chiến tranh do chỉ ký thỏa thuận đình chiến vào năm 1953, chứ chưa có hiệp ước hòa bình.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT