Thế Giới

Hố đất sụp khổng lồ xuất hiện tại Rome

Friday, 16/02/2018 - 01:45:26

Hố đất hình thành ngay kế bên một khu công trường xây dựng. Các tòa nhà tại đây bị phá dỡ vào năm ngoái, và nhiều tòa chung cư mới đang sắp được xây lên.



ROME – Một vụ sụp đất đã xảy ra tại một khu dân cư ở thủ đô Rome, Ý, vào tối thứ Tư, kéo theo nhiều xe hơi, và khiến hơn 20 gia đình phải di tản khỏi 2 tòa chung cư gần đó. Các hình ảnh tại hiện trường cho thấy nhiều xe hơi nằm rải rác dưới đáy hố đất sụp, sâu khoảng 33 feet, tại khu dân cư Balduina ở phía tây bắc thủ đô. Không có ai bị thương trong sự việc. Một cư dân cho biết một số dấu hiệu cảnh báo đã xảy ra trước đó, và sàn nhà của nhà cô từng rung chuyển vào vài ngày trước khi hố đất hình thành.
Hố đất hình thành ngay kế bên một khu công trường xây dựng. Các tòa nhà tại đây bị phá dỡ vào năm ngoái, và nhiều tòa chung cư mới đang sắp được xây lên. Trời đã mưa rất lớn tại Rome vào 1 ngày trước khi hố đất sụp xuất hiện. Thị Trưởng Rome Virginia Raggi đã đến thăm khu vực gặp nạn, và cho biết công trường xây dựng đã bị đóng cửa, đồng thời, một cuộc điều tra cũng được mở ra để xác định những bên phải chịu trách nhiệm.

Tổng thống Venezuela dọa xông vào Hội Nghị Châu Mỹ
CARACAS – Hội nghị các nước châu Mỹ, diễn ra vào tháng 4 tại thủ đô Lima của Peru, đã thu hồi thiệp mời đối với Tổng Thống Venezuela Nicolas Maduro. Tuy nhiên, ông Maduro tuyên bố, bằng mọi giá ông sẽ có mặt tại hội nghị này. Trong cuộc họp báo trước các ký giả quốc tế, ông Maduro nói: “Bất kể bằng đường bộ, đường biển, hay đường hàng không, tôi sẽ đến Hội nghị các nước châu Mỹ, để nói lên sự thật về Venezuela.”
Trong khi đó, Peru nói rằng ông Maduro không được chào đón tại hội nghị do nước này chủ trì. Thông báo của Peru được ủng hộ bởi một chục quốc gia Mỹ La-tinh, những nước cho rằng chính phủ Maduro đang phá vỡ các quy tắc của nền dân chủ. Các nước này cáo buộc Venezuela đang cố gắng tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống có lợi cho ông Maduro, bằng cách ngăn cản hầu hết các ứng cử viên đối lập được người dân ủng hộ. Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bầu cử tại Venezuela, dự kiến diễn ra vào ngày 22 tháng 4.
Từng là một trong các nước giàu nhất châu Mỹ La-tinh, Venezuela hiện nay đang lún sâu vào khủng hoảng kinh tế và chính trị, sau gần 2 thập kỷ bị cai trị bằng chế độ xã hội chủ nghĩa. Lên tiếng tại Phủ tổng thống ở Caracas, ông Maduro cũng tỏ ra không e ngại trước những lời đe dọa của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson. Ông Tillerson trước đó từng nói rằng Hoa Kỳ có thể tăng trừng phạt đối với Venezuela, bao gồm cả lệnh cấm mua bán dầu. Đáp lại, ông Maduro nói, nếu Hoa Kỳ không mua dầu của Venezuela, chính phủ Caracas vẫn có thể tìm đến các khách hàng khác.

Phó thủ tướng Úc bị tạm đình chỉ chức vụ
CANBERRA – Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull trong phiên điều trần tại quốc hội vào hôm thứ Năm cho biết, Phó Thủ Tướng Barnaby Joyce “sẽ tạm nghỉ” từ thứ Hai tuần sau, và ông Joyce sẽ không thể giữ vai trò quyền thủ tướng trong khi ông Turnbull đi công du. Ông Joyce, 50 tuổi, có quan hệ tình ái với cô Vikki Campion, 33 tuổi, từng là thư ký báo chí của ông. Cô Campion đang mang thai. Ngoài công việc tại văn phòng ông Joyce, Campion còn được thuê đảm nhận 2 vị trí khác trong chính phủ với mức lương cao.
Hiện ông Joyce vẫn từ chối các yêu cầu từ chức. Thượng Viện Úc đã phê chuẩn đề nghị kêu gọi ông từ chức. Phó Thủ Tướng Joyce cho rằng, ông không vi phạm quy định gì về việc thuê cô Campion. Ông Joyce có cuộc hôn nhân kéo dài 24 năm và từng vận động tranh cử trong chiến dịch dựa trên "các giá trị gia đình.” Vụ tai tiếng đã đẩy chính phủ của Thủ Tướng Turnbull vào hỗn loạn, làm tăng căng thẳng giữa đảng Tự Do và đảng Quốc Gia của ông Joyce trong liên minh cầm quyền. Tuần sau, ông Turnbull sẽ đến Washington gặp Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Tỷ lệ ủng hộ ông Joyce giảm mạnh xuống còn 43%, theo cuộc thăm dò công bố hôm thứ Năm, so với 63% hồi ông thắng cử tháng 12, 2017. Thủ Tướng Turnbull cho hay, ông Joyce sẽ phải xem xét lại vị trí lãnh đạo đảng Quốc Gia, đồng thời tuyên bố quy định mới, cấm các viên chức chính quyền có quan hệ tình ái với nhân viên.

Trung Cộng tức giận vì TT Ấn thăm khu vực tranh chấp
BẮC KINH – Vào ngày thứ Năm, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phản đối chuyến thăm của Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi đến bang Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh nói rằng New Delhi cần tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm mâu thuẫn giữa 2 nước. Trung Quốc gọi vùng phía đông Himalaya là Nam Tây Tạng, và coi chuyến đi của ông Modi là một nỗ lực nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ tại khu vực này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, tuyên bố: “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề biên giới Ấn – Trung là không thay đổi. Chính phủ Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận nơi gọi là bang Arunachal Pradesh, và phản đối chuyến đi của lãnh đạo Ấn Độ đến khu vực tranh chấp.” Ông Cảnh Sảng cũng thêm rằng, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được một thỏa thuận quan trọng về cách giải quyết tranh chấp, và New Delhi cần tuân theo các thỏa thuận này.
Chặng dừng tại Arunachal Pradesh là một phần trong chuyến công du đến các bang vùng đông bắc Ấn Độ của Thủ Tướng Modi. Trong thông điệp trên mạng xã hội Twitter, ông Modi viết, ông rất vui vì được đến bang Arunachal Pradesh và gặp các người dân tại đây. Ấn Độ và Trung Quốc đã cải thiện quan hệ trong những năm gần đây, nhưng giữa 2 nước vẫn còn tồn tại mối nghi ngờ sâu sắc, liên quan đến vấn đề tranh chấp biên giới, vốn đã từng gây ra cuộc chiến ngắn vào năm 1962. Vào mùa hè năm ngoái, quân đội hai bên đã có cuộc đối đầu căng thẳng trong vài tháng, tại vùng cao nguyên Doklam ở biên giới.

Nepal có thủ tướng mới
KATHMANDU - Tổng Thống Nepal Bidhya Bhandari hôm thứ Năm đã trao chức vụ thủ tướng cho ông K.P. Sharma Oli, một người theo chủ nghĩa cộng sản trung dung, đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử gần đây. Ông Oli, người từng ngồi tù 14 năm vì phản đối chế độ quân chủ vào các thập niên 70 và 80, được bổ nhiệm làm thủ tướng chỉ vài giờ sau khi người tiền nhiệm Sher Deuba từ chức. Ông Oli cũng từng là thủ tướng từ năm 2015 đến 2016, sau khi hiến pháp hiện nay của Nepal được chính thức hóa.
Tân thủ tướng cho biết, ông sẽ thúc đẩy hòa bình và phát triển Nepal, một trong các nước nghèo nhất thế giới. Quốc gia này hiện đang đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ do các thủ tục chồng chéo làm nản lòng các doanh nghiệp, nạn tham nhũng tràn lan và công việc tái thiết bị đình trệ, sau khi trận động đất năm 2015 khiến 9,000 người thiệt mạng.
Liên minh thiên tả của ông Oli được cho là khá thân cận với Trung Quốc, trong khi chính phủ tiền nhiệm lại gần gũi hơn với Ấn Độ. Cả hai cường quốc châu Á đều đang cố gắng lôi kéo chính phủ Kathmandu bằng các khoản viện trợ và đầu tư, nhằm có được một đồng minh có vị trí địa lý chiến lược. Nepal đã từng chìm trong bất ổn chính trị kể từ khi cuộc xung đột với phiến quân Maoist kết thúc vào năm 2006, và chế độ quân chủ bị hủy bỏ 2 năm sau đó. Ông Oli là thủ tướng thứ 26 của Nepal, và là lãnh đạo của một liên minh bao gồm cả phe phiến quân Maoist trước đây.

Tân tổng thống Nam Phi quyết chống tham nhũng
CAPE TOWN - Phó tổng thống Nam Phi đã được quốc hội nước này bầu làm tân tổng thống, sau khi ông Jacob Zuma từ chức. Trong diễn văn đầu tiên với tư cách tân tổng thống Nam Phi, ông Cyril Ramaphosa hôm thứ Năm thề sẽ chiến đấu chống tham nhũng, với ẩn ý nhắm đến những cáo buộc đối với người tiền nhiệm Jacob Zuma. "Hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết tham nhũng đều là các mục tiêu của chúng tôi,” ông Ramaphosa nói trước quốc hội. "Các vấn đề đó sẽ được giải quyết, và ngày mai chúng tôi sẽ xác định các bước đi sắp thực hiện.”
Ông Ramaphos nhận chức phó tổng thống Nam Phi từ năm 2014 và trở thành một chính trị gia sáng giá của quốc gia châu Phi này, sau khi thay ông Zuma giữ vai trò lãnh đạo đảng cầm quyền ANC hồi tháng 12, 2017. Ông Zuma lãnh đạo ANC từ năm 2007 và làm Tổng Thống Nam Phi từ năm 2009. Nhiệm kỳ của ông sẽ chính thức kết thúc vào giữa năm 2019, nhưng áp lực buộc ông phải từ chức đã gia tăng trong vài tuần qua, liên quan đến nhiều cáo buộc tham nhũng, gây tổn hại đến hình ảnh và uy tín của ANC.
Ông Zuma từ chức vài giờ sau khi cảnh sát khám xét ngôi nhà sang trọng của gia đình tỷ phú gốc Ấn Độ Gupta. Việc khám xét liên quan đến một dự án trang trại sản xuất bơ sữa của chính phủ, mà các công tố viên cho rằng được lập ra để gian lận. Nhà chức trách đã thu giữ $19 triệu Mỹ kim ngân sách cấp cho dự án và đóng băng trương mục ngân hàng của ông Atul Gupta.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT