Tiêu Thụ

Hiểu thế nào về những lời quảng cáo?

Saturday, 27/12/2014 - 08:16:09

Đội nghiên cứu tại Đại Học Stanford kết luận, nói chung, những thủ thuật và sản phẩm dùng tế bào gốc để làm đẹp, hoặc chống lão hóa, chưa được kiểm chứng khoa học.

Bài ERIC TRẦN

Nói về các vấn đề của người tiêu thụ mà chưa nói tới những quảng cáo đang phát triển như “nấm sau mưa” về dược thảo và tế bào gốc thì coi như còn mắc nợ độc giả. Mở bất cứ một chương trình TV tiếng Việt nào lên vào bất cứ giờ nào, chúng ta cũng sẽ được nghe những quảng cáo rất bùi tai, những hình ảnh thật “mãn nhãn” về hiệu quả của các sản phẩm này. Hình ảnh những MC nổi tiếng, những cô người mẫu vốn đã đẹp, lại được trau chuốt cho đẹp thêm qua các kỹ thuật video hiện đại, cầm những chai dược thảo dưỡng da, duy trì tuổi trẻ … không khác gì như thu hồn khán thính giả. Là người phải móc túi ra để tiêu thụ những sản phẩm này, chúng ta nên hiểu thế nào về nội dung những quảng cáo ấy?

Nhưng chưa khoa học gia nào dám nói rằng tế bào gốc có khả năng “căng da mặt” phục hồi tuổi trẻ!



Tế bào gốc và những ích lợi được quảng cáo

Hôm nay, xin giới hạn về đề tài rất “hot” là tế bào gốc (stem cells). Nghiên cứu tế bào gốc hiện vẫn là một khoa học mới, nhưng có rất nhiều hứa hẹn sẽ được ứng dụng để trị liệu nhiều thứ bệnh, từ ung thư, tiểu đường cho tới các bệnh tim mạch thần kinh. Đó là điều có thật. Nhưng chúng ta cần để ý chữ “hứa hẹn,” có nghĩa là mọi sự vẫn còn trong vòng nghiên cứu. Giới khoa học chân chính chưa ai dám nói chắc về điều gì.
Nhưng giới kinh doanh thương mại thì khác, những lời quảng cáo nghe không khác gì như đinh đóng cột về các hiệu quả thần dược của sản phẩm tế bào gốc, và đã giúp nhà sản xuất bỏ túi được khá nhiều tiền từ những hoạt động kinh doanh “cơ hội” này, khiến giới quan sát đã phải lên tiếng báo động.
Tờ Irish Times (Ái Nhĩ Lan Thời Báo) đã mạnh miệng tố cáo những kẻ xào nấu tin tức khoa học về tế bào gốc để bán những sản phẩm thực chất là vô dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng, cho những bệnh nhân đang bị bệnh ngặt nghèo. Tờ báo cho biết có người phải trả tới $150,000 để được chữa trị bằng tế bào gốc. Riêng tại nước Mỹ hiện nay, có khoảng 100,000 người đã từng sử dụng các liệu pháp được nói là dùng tế bào gốc, nhưng chưa hề được xác nhận hiệu quả.
Còn tác dụng thẩm mỹ thì sao? Các tế bào gốc có giúp da mặt chúng ta mịn màng, và body mềm mại hấp dẫn như các cô người mẫu cầm sản phẩm quảng cáo trên TV không? Chắc là không! Bác sĩ Michael Longaker, cùng với các đồng sự của ông thuộc Trung Tâm Y Tế Đại Học Stanford, đã viết trong đặc san Plastic and Reconstructive Surgery ( Giải Phẫu Thẩm Mỹ và Tái Tạo Hình) số phát hành tháng Tám, 2014 như sau: “Tế bào gốc có một tiềm năng rất lớn. Nhưng thị trường hiện nay đã tràn ngập những lời tuyên bố không bằng chứng về hiệu quả của các liệu pháp có thể đưa lại tai biến cho người sử dụng. “ Các thành viên trong đội nghiên cứu của Bác Sĩ Longaker cho biết tiếp, những biện pháp được nói là dùng tế bào gốc để căng da mặt (facelifts), nâng ngực, trẻ trung hóa bộ phận sinh dụng không những là vô căn cứ (unsubstantiated) mà còn nguy hiểm cho khách hàng nữa.
Hiện nay, bác sĩ Longaker cho biết, cơ quan Quản Trị Dược Phẩm Thực Phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới chỉ chấp thuận một thủ thuật dùng tế bào gốc để trị những vết nhăn rất nhỏ trên gương mặt - hoàn toàn không có nghĩa là căng da mặt - và những sản phẩm dùng để thực hiện thủ thuật ấy cũng được theo dõi và quản lý rất gắt gao.
Đội nghiên cứu tại Đại Học Stanford kết luận, nói chung, những thủ thuật và sản phẩm dùng tế bào gốc để làm đẹp, hoặc chống lão hóa, chưa được kiểm chứng khoa học.

Phản ứng của giới kinh doanh

Những người đang kinh doanh các sản phẩm tế bào gốc dĩ nhiên không mấy vui khi nghe các nhà khoa học phát biểu ý kiến như vậy. Thậm chí, gần đây, báo chí trong cộng đồng người Việt đã đăng tải rộng rãi tin tức về một khoa học gia gốc Việt, tiến sĩ Vu Thương Nguyen (có lẽ họ Vũ tên Nguyên, suy ra từ cách viết trong văn bản tiếng Anh là Nguyen Thuong Vu) bị dính líu vào một vụ kiện, mà bên nguyên đơn nói rằng, ông sẽ phải bồi thường $1.4 triệu đô vì những nhận xét khoa học của ông về tế bào gốc đã làm thiệt hại đến doanh thu của nguyên đơn. Kết thúc vụ kiện, nguyên đơn trưng ra được phán quyết của tòa án, buộc bị cáo phải bồi thường $1.4 triệu theo đề nghị của nguyên đơn. Lý do: Không phải vì bị cáo thua kiện, mà chỉ vì bị cáo không ra hầu tòa.
Thực ra, bị cáo Vũ Thượng Nguyên không thể ra hầu tòa, vì không có ai mang tên đó cả. Và thực tế, người thắng kiện cũng không thể truy thâu số tiền $1.4 đó từ ai cả.
Chỉ có một người tên Nguyễn Thượng Vũ (họ Nguyễn, tên Vũ), cũng là một khoa học gia, mang học vị tiến sĩ, và cũng đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh giác về các sản phẩm tế bào gốc. Ông tiến sĩ họ Nguyễn tên Vũ này có ra tòa nhiều lần, nhưng tòa không công nhận ông là bị cáo, mà tòa cho rằng là một người khác, họ Vu tên Nguyen theo văn kiện tố tụng.
Nghe đâu ông tiến sĩ thực, Nguyễn Thượng Vũ, đang tính sẽ kiện ngược lại bởi vì vụ việc không liên quan tới ông, mà lại gây cho ông quá nhiều phiền phức.
Thực hư của vụ kiện đến giờ này là như thế. Có thể nói nó đã kết thúc, nếu tiến sĩ Nguyễn Thượng Vũ không khởi kiện ngược lại. Là người trong giới tiêu thụ, nhất là những người đang muốn sử dụng sản phẩm tế bào gốc để có làn da đẹp như người mẫu, chúng ta cũng nên theo dõi.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT