Văn Nghệ

Hiệp Hội Tác Quyền Việt Mỹ ra mắt tại Little Saigon

Friday, 21/02/2020 - 06:27:18

Vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam, trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và tại Hoa Kỳ không phải là vấn đề mới xảy ra

Từ trái qua phải, nhạc sĩ Vũ Thành An, nhà thơ Ngô Tịnh Yên, bà Lê Nguyệt Hạnh (vợ nhạc sĩ Trần Duy Đức), ca sĩ Hương Thơ, ca sĩ Nhật Hạ, MC Hồng Vân cùng hát ca khúc Nếu Có Yêu Tôi (thơ Ngô Tịnh Yên, nhạc Trần Duy Đức). (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

Bài BĂNG HUYỀN

Vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam, trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và tại Hoa Kỳ không phải là vấn đề mới xảy ra mà đã là chuyện khá phổ biến suốt thời gian qua, diễn ra ở nhiều lãnh vực như biểu diễn, website, Youtube… Với nhiều hình thức vi phạm khác nhau, sử dụng tác phẩm không xin phép, hát sai lời của tác giả, sửa chữa, cắt xén tác phẩm… Tình trạng vi phạm diễn ra phức tạp, chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời đã và đang gây tổn hại cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền.

Tối Chủ Nhật, ngày 16 tháng 2, 2020, tại Nhà Hàng Ngọc Sương (thành phố Westminster) Hiệp Hội Tác Quyền Việt Mỹ (Vietnamese American Copyright Association Inc. – VACA Inc.) là hiệp hội các tác giả mọi ngành nghệ thuật, nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của các hội viên, được sự cố vấn pháp luật của Luật Sư Trương Phú Hoà, do nhạc sĩ thầy phó tế Vũ Thành An làm hội trưởng đã chính thức ra mắt cộng đồng.

Đến tham dự, ngoài thành viên của các cơ quan truyền thông báo chí Việt ngữ, còn có những người bạn, thân hữu của Vũ Thành An, và có nhạc sĩ-luật sư Trần Thị Thu Cúc (thành viên trong ban cố vấn của VACA), nhạc sĩ Diệu Hương, nhạc sĩ HạĐỏ BíchPhượng (đại diện cho VACA tại Orange County), nhà thơ Ngô Tịnh Yên (thành viên trong ban cố vấn của VACA), nhạc trưởng Thomas Ngô, ca sĩ Nhật Hạ (thành viên trong ban cố vấn của VACA), bà Lê Nguyệt Hạnh, vợ của nhạc sĩ Trần Duy Đức (ông là thành viên trong ban cố vấn của VACA), ca sĩ Lê Toàn, ca sĩ Hương Thơ, nhạc sĩ guitar Phương Thảo… Trong phần hai chương trình, nhạc sĩ Vũ Thành An và những ca sĩ nhạc sĩ này đã gửi tặng khách tham dự những tác phẩm âm nhạc đặc sắc do Hồng Vân làm MC.

Phát biểu khai mạc, nhạc sĩ Vũ Thành An cho biết, “Hiệp Hội Tác Quyền Việt Mỹ là một tổ chức được chính phủ Hoa Kỳ cấp phép hoạt động vào ngày 25 tháng 11, 2019 (số Tax ID là 8044181675). Mục đích là bảo vệ tác quyền (quyền tác giả) của các hội viên là các tác giả thuộc mọi ngành nghề nghệ thuật, từ nhạc sĩ, tới nhà thơ, nhà văn tới họa sĩ, nhiếp ảnh… Hiệp Hội hoạt động với tôn chỉ bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan đối với các tác phẩm của hội viên, được luật pháp Hoa Kỳ công nhận và bảo hộ trên tinh thần Công Ước Berne 1980 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Hội viên tự nguyện gia nhập hiệp hội để cùng nhau chung sức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình. Hội viên ủy thác quyền tác giả và các quyền liên quan cho hiệp hội làm người đại diện, để được bảo vệ và khai thác.”


Nhạc sĩ Vũ Thành An đọc diễn văn khai mạc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 


Theo nhạc sĩ Vũ Thành An, “Các vị nghệ sĩ sáng tác đã để bao tâm huyết viết ra những tác phẩm hay để chúng ta thưởng thức. Trước hết chúng ta cùng bầy tỏ lòng tri ân với quý vị ấy, những người đã làm đẹp cuộc đời , sáng tác ra những tác phẩm để chúng ta được vui hơn và làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn. Trong thời gian qua có những nhạc sĩ sáng tác những ca khúc được cả chục triệu người nghe nhưng lại sống trong nghèo đói và chết đi trong âm thầm. Một số vị đã có sự nghiệp lớn nhờ vào những tài sản trí tuệ của nhạc sĩ trong khi các vị nhạc sĩ ấy thường bị bỏ quên, thậm chí không được giới thiệu tên tác giả, các ca khúc bị hầu hết hát sai lời và các nhạc sĩ không biết nơi nào lên tiếng và cũng ngại khi nói chuyện tiền bạc.”
Tác giả của những Bài Không Tên bày tỏ mong muốn, “Kính mong quý khán thính giả khuyến khích các vị tổ chức chương trình ca nhạc, các ca sĩ nhớ chia xẻ lợi nhuận từ những ca khúc do các nhạc sĩ đã sáng tác ra. Đây là sự thể hiện lòng tri ân với các nhạc sĩ đồng thời cũng là việc làm chính đáng hợp lẽ công bằng.”
Nhắn gửi đến các ca sĩ trong bài diễn văn của mình, nhạc sĩ Vũ Thành An nói, “Chắc quý vị cũng công nhận rằng chính nhờ một tác phẩm của một tác giả nào đó đã khiến cho quý vị thành danh và chắc là quý vị cũng muốn tri ân vị nhạc sĩ đó? Một cách cụ thể quý vị có thể trích ra một phần nhỏ lợi nhuận của mình từ 5 - 10% để tặng cho nhạc sĩ, cũng giống như mời nhạc sĩ một tô phở một ly cà phê... Một cách thiết thực xin quý vị nhắc ban tổ chức show ký thỏa thuận sử dụng tác phẩm và trả tác quyền trước show để tránh rắc rối về sau khi tác giả tranh tụng.”


Nhạc sĩ Vũ Thành An hát ca khúc Bài Không Tên 101 (nhạc Vũ Thành An, lời của luật sư nhạc sĩ Trần Thị Thu Cúc) do nhạc sĩ guitar Phương Thảo đệm đàn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 


Riêng với ban tổ chức các show nhạc, nhạc sĩ Vũ Thành An kêu gọi, “Các tác phẩm ca nhạc một thành phần chủ yếu một show ca nhạc. Trong mỗi show quý vị đã trả thù lao cho ca sĩ rất cao, có vị trên 10 ngàn dollar cho mỗi Show. Trong khi đó chắc quý vị cũng muốn trả tác quyền cho tác giả nhưng không biết tìm đâu. Việc này đã kéo dài mấy chục năm không những trên đất Mỹ mà diễn ra khắp nơi trên toàn thế giới. Trong tinh thần tri ân nghệ sĩ mong quý vị hãy trả tác quyền cho tác giả, nhất là những nhạc sĩ sống trong nghèo khó và chết đi trong âm thầm mà những tác phẩm của họ được triệu người yêu thích và tiếp tục được hát lên khắp nơi. Xin quý vị liên lạc với chúng tôi sớm để trả tác quyền cho các tác phẩm, tài sản trí tuệ của các tác giả mà quý vị đã và sẽ xử dụng.”

Phần cuối của bài diễn văn, nhạc sĩ Vũ Thành An gửi lời mời, “Kính mời các văn nghệ sĩ tham gia làm hội viên, không chỉ riêng nhạc sĩ mà tất cả nghệ sĩ sáng tác thuộc đủ ngành nghệ thuật như: Văn Chương, Thi Ca, Nhiếp Ảnh, Nghiên Cứu... Đối với các tác giả đã qua đời xin người thân của các tác giả ấy liên lạc với chúng tôi để giúp làm thủ tục thừa kế. Hội sẽ làm thủ tục copyright cho các tác phẩm của quý vị tại United States Library of Congress và bảo vệ tác quyền của quý vị trên toàn thế giới. Luật sư của hội sẽ đại diện quý vị mỗi khi có tranh tụng. Trước nay chỉ có một số rất ít nhạc sĩ đã tiến hành thủ tục pháp lý, nhờ luật sư bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Nay Hội Tác Quyền Việt Mỹ sẽ đại diện giúp bảo vệ tác quyền của các hội viên, đặc biệt các vị thiếu khả năng tài chánh. Giá biểu của một tác phẩm là quyết định của chính tác giả, Hội chỉ làm người đại diện liên lạc với các bên mà thôi. Hội sẽ thực hiện một website để đưa nguyên bản những tác phẩm của quý vị để mọi người tham khảo giúp tránh tình trạng hát sai nhạc sai lời tác phẩm của quý vị. Nói chung Hội là trung tâm liên lạc của các hội viên. Trang Web của Hội (www.Vaca.Global) sẽ có trang riêng của mỗi nghệ sĩ hội viên, nhạc sĩ, ca sĩ, văn sĩ, thi sĩ... để người thưởng ngoạn có thể liên lạc.”


Nhạc sĩ Diệu Hương hát Vì Đó Là Em ca khúc do chính cô sáng tác. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Tác quyền và sự tôn trọng các tác giả

Nhạc sĩ Diệu Hương là khách mời của buổi ra mắt VACA. Trước khi gửi tặng mọi người ca khúc Vì Đó Là Em do chính cô sáng tác, nhạc sĩ Diệu Hương chia sẻ vài điều, “Khi quý vị đến thưởng thức một buổi hòa nhạc hay một đại nhạc hội nào đó, thường thì người ta ca tụng người ca sĩ, nhạc công, kể cả người tổ chức chương trình. Có những khán giả chẳng biết người nhạc sĩ của bài hát đó là ai, và cũng có khi người ta không tìm hiểu về tác giả, mà chỉ chủ yếu ca tụng người ca sĩ. Ra mắt Hiệp Hội Tác Quyền Việt Mỹ do nhạc sĩ Vũ Thành An tổ chức là một việc rất đáng quý và giá trị. Để cho những nhạc sĩ Việt Nam khắp nơi trên thế giới sẽ nhận được những quyền lợi và được chú ý nhiều hơn. Sự công bằng cho người nhạc sĩ, chính là phần thưởng cho người nhạc sĩ, có khi không to lớn lắm, nhưng mà đó là sự thiết thực cho sự sáng tạo mỗi ngày mỗi nhiều hơn, để họ có thể cống hiến cho nền văn nghệ của người Việt trên thế giới. Phần thưởng về sự công bằng đó là món quà, là tặng phẩm dành cho người nhạc sĩ và theo Diệu Hương, đó chính là tác quyền.”

Thi sĩ Ngô Tịnh Yên, tác giả của rất nhiều bài thơ được người yêu thơ yêu thích và cũng có nhiều bài thơ của cô được các nhạc sĩ trong nước và hải ngoại phổ nhạc, trong đó có bài Nếu Có Yêu Tôi do nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc. Thi sĩ Ngô Tịnh Yên nói với Viễn Đông, “Tôi ủng hộ anh Vũ Thành An lập ra Hiệp Hội Tác Quyền Việt Mỹ. Dẫu biết là rất khó khăn, nhưng cứ đi đi thì sẽ thành đường thôi. Tôi mong chuyện tác quyền là cần tôn trọng tác giả. Có nhiều bài hát phổ thơ của tôi hay của những nhà thơ khác, nhưng khi phát trên radio, không hề nhắc đến tên nhà thơ. Có khi họ chỉ nói tên ca khúc, tên nhạc sĩ cũng không có luôn. Họ không hề có sự tôn trọng tác giả thì nói gì đến tiền tác quyền. Tôi đã thay mặt anh Trần Duy Đức về Việt Nam đến Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam để hỏi về tiền tác quyền khi ca khúc Nếu Có Yêu Tôi được sử dụng trong nước rất nhiều. Thì họ lại trả lời với tôi là ở nước ngoài các trung tâm cũng đâu có trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ bên Việt Nam đâu, mà bên Việt Nam phải trả cho nhạc sĩ ở hải ngoại. Tôi hỏi sao quý vị biết là ở hải ngoại, các trung tâm không trả tác quyền? Họ chỉ có cười trừ với tôi. Tôi nghĩ ca khúc Nếu Có Yêu Tôi nếu được trả tiền tác quyền đầy đủ, thì anh Trần Duy Đức đã trở thành triệu phú rồi.”


Phần văn nghệ trong buổi ra mắt VACA được khách tham dự hưởng ứng nhiệt tình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Được mời làm thành viên trong ban cố vấn của VACA, thi sĩ Ngô Tịnh Yên cho biết ngoài tác quyền cho nhạc sĩ trong các show diễn, cô còn quan tâm đến tác quyền trên Youtube cũng là một vấn đề. Thi sĩ Ngô Tịnh Yên kể, “Có một lần tôi bỏ lên Youtube bài hát Lẻ Loi (nhạc Trần Duy Đức, thơ Ngô Tịnh Yên) do Minh Phượng vừa đàn vừa hát, tôi đã quay trong đêm nhạc Trần Duy Đức. Tôi không rõ ai báo cáo, sau khi tôi đăng lên Youtube, thì bị Youtube đá ra, bảo tôi đã vi phạm bản quyền, treo giò tôi ba tháng trời, không cho tôi đăng bất cứ gì lên Youtube trong suốt ba tháng. Trong khi cũng trên Youtube có rất nhiều bài nhạc phổ thơ của nhiều nhạc sĩ và các thi sĩ, trong đó có phổ thơ tôi được đăng lên Youtube mà chẳng trả tiền tác quyền cho tác giả (nhạc sĩ, thi sĩ). Đây là sự vi phạm bản quyền trắng trợn thì vẫn được đăng trên Youtube, có lẽ Youtube không biết, vì không ai báo cáo sự vi phạm đó.”

Nhạc trưởng Thomas Ngô cho biết, “Tôi sẽ tham gia hiệp hội, tôi ủng hộ các nhạc sĩ sáng tác. Vì nếu không trả tác quyền cho người sáng tác, là không công bằng cho họ. Vì các ca khúc là sản phẩm trí tuệ, các ca sĩ được trả nhiều tiền khi đi hát, các nhạc sĩ sáng tác thì không được gì cả. Ngoài ra tác quyền cũng nên trả cho nhạc sĩ hòa âm. Các nhạc sĩ Việt Nam đa phần chỉ viết phần giai điệu thôi. Nhạc sĩ sáng tác viết ca khúc ví như một ngôi nhà chỉ có phần cốt, nền, còn trang trí sao cho đẹp thì đó là phần của nhạc sĩ viết hòa âm, cấu trúc được tác phẩm hoàn chỉnh. Những người nhạc sĩ làm hòa âm là thêm một lần sáng tác lần thứ hai. Nếu những tác phẩm có hòa âm viết hay sẽ nâng cao phần trình diễn của các ca sĩ. Riêng với cộng đồng Việt Nam tôi không biết như thế nào, nhưng với cộng đồng quốc tế, những người nhạc sĩ viết hòa âm cũng phải được trả bản quyền khi sử dụng phần viết hòa âm của họ.”

Nói về sự minh bạch tài chánh của VACA, nhạc sĩ Vũ Thành An nói với nhật báo Viễn Đông, “Bảo đảm các nhạc sĩ làm hội viên của hội là chúng tôi có hồ sơ tài chánh rõ ràng. Bài nào hát lúc nào, ở đâu trả bao nhiêu tiền, đều có sổ sách đưa lên trên trang web của hội. Mọi người đều có thể vào trang web để xem, biết là ngày đó, show nhạc đó trả tác quyền bao nhiêu. Ai cũng có thể kiểm soát được. Nếu khán giả đi xem show đó, thì sẽ biết show nhạc đã trả tác quyền hay chưa? Chuyên viên thuế CPA Michael Dzũng Đào giúp lo về sổ sách kế toán cho hiệp hội, bảo đảm tiền gửi vào hợp pháp, đi ra hợp pháp, có nộp thuế đúng thủ tục.”

Lường trước những khó khăn phải vượt qua, nhạc sĩ Vũ Thành An nói, “Chắc chắn vạn sự khởi đầu nan. Tôi không ngại khó khăn, tôi làm không vì cá nhân tôi. Nếu tôi nhận được tiền tác quyền từ những tác phẩm của mình được các bầu show trả thông qua VACA Inc., thì tôi sẽ để hết cho hội trong việc điều hành và cho quỹ tương trợ các nhạc sĩ gặp khó khăn tài chánh. Mục đích xa hơn của hội không chỉ lấy tác quyền, mà sẽ trở thành hiệp hội tương trợ văn nghệ sĩ và đồng thời là nơi cho người trẻ có cơ hội trình diễn tác phẩm của mình. Thêm một điều quan trọng là VACA sẽ đưa nguyên bản các tác phẩm của các nhạc sĩ là hội viên của hội, để tránh tình trạng hát sai nhạc, sai lời. Tôi và nhiều nhạc sĩ khác đều không vui mỗi khi nghe ca khúc của mình ca sĩ hát lời sai hoàn toàn, có khi sai một chữ làm sai hẳn ý nghĩa bài hát.”
Nhạc sĩ Vũ Thành An rất mong có sự cộng tác từ các ca sĩ. “Nếu ca sĩ chỉ nhận hát show nhạc nào mà nhà tổ chức có trả tác quyền cho nhạc sĩ, thì chắc chắn Hiệp Hội Tác Quyền Việt Mỹ sẽ thành công trong việc bảo vệ tác quyền cho các tác giả.”
Nếu quý vị muốn liên lạc với VACA Inc. về vấn đề tác quyền, xin hãy vào website: www.vaca.global, hoặc email vacacopyright@gmail.com.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT