Phóng Sự

Hiện tượng Võ Hoàng Yên (kỳ 5)

Sunday, 28/08/2016 - 10:00:53

Ngay như ông thầy Yên cũng có nói nếu đứa trẻ tâm thần bình thường, không bị bệnh, mà chỉ bị dị tật gì đó không thể nói, thì ông sẽ chữa được. Tuy nhiên điều khiến tôi thắc mắc là sau ca chữa cho trẻ bị câm có thể nói được đó có kéo dài vĩnh viễn được không?”

Bài BĂNG HUYỀN

Một ý kiến khác

Đối với những người bị bệnh liệt, phải chạy chữa biết bao thầy thuốc, tốn kém tiền bạc, công sức, mất thời gian có khi nhiều năm trời mà bệnh vẫn không hết. Vậy mà khi gặp được lương y Võ Hoàng Yên, được thầy Yên dùng tay, vận dụng sức lực toàn thân để bấm, day huyệt đạo, kéo, co duỗi chân tay của người bệnh giúp họ đi lại được dù chỉ là chút ít; hoặc bấm, day vào mang tai người bệnh rồi dùng tay bấm, giật cuống lưỡi người bệnh sang trái, sang phải giúp được người bệnh nói được những câu nói đầu tiên và nghe được âm thanh của thế giới xung quanh, điều mà họ đã không thể làm được trong một thời gian dài. Vì vậy, với những bệnh nhân này, họ tri ân thầy Yên, tôn ông là thần y là điều đương nhiên. Do đó cũng dễ hiểu khi những lời khen tặng tài chữa bệnh của lương y Võ Hoàng Yên đăng trên các trang mạng vẫn nhiều hơn những lời phê phán, suốt bao năm qua, bệnh nhân đi tìm thầy Yên để được chữa bệnh càng ngày càng đông, chứ không hề giảm bớt.

Thanh niên tạm đứng lên được.


“Theo tôi, tài chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên thật đặc biệt. Tôi nghĩ việc ông có học y thuật là một chuyện, nhưng ông còn được trời phú cho một khả năng đặc biệt hơn người khác để trị được một số bệnh, tận mắt tôi nhìn thấy cách ông chữa và có kết quả ngay lập tức, thật sự là tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, tôi thật sự thán phục.” Đây là điều mà bà Dung, là một nha sĩ tại Sài Gòn trong thời gian vừa qua sang Nam California để thăm thân nhân chia sẻ. Bà đã có mặt trong buổi chữa bệnh của lương y Võ Hoàng Yên tại khách sạn Ramada hôm 21 tháng 5 năm 2016 và kể lại cho phóng viên Viễn Đông những điều mà bà tận mắt chứng kiến về cách lương y Võ Hoàng Yên chữa bệnh với ý kiến khách quan của một người chưa hề biết về lương y Võ Hoàng Yên, nên khi nghe người chị đưa chồng đi gặp thầy Yên để chữa bệnh nhân dịp lần đầu tiên thầy Yên đến miền Nam California, bà đã háo hức đi cùng để xem, vì tò mò.

Bà Dung kể: “Trong lúc xếp hàng cùng với vợ chồng chị gái từ đầu giờ sáng ở dưới nhà để chờ được gọi lên lầu để chữa bệnh, tôi thấy có một cậu bé khoảng 5-6 tuổi bị câm từ nhỏ, vẻ ngoài cậu bé nhìn rất bình thường, lanh lợi, nhưng lại không nói được, chỉ ú ớ khi chơi Ipad cùng các anh chị em họ của cậu, đến khi đầu giờ chiều tôi đã lên lầu, tôi thấy cậu bé đó được thầy Yên chữa, đây thực sự là trường hợp có hiệu quả. Với những bệnh nhân bị câm điếc, tôi thấy hầu hết mấy đứa nhỏ khi đưa vào chữa, do nhìn thấy người khác được chữa trước đó la khóc, biết là đau lắm, nên chúng rất sợ, không chịu há miệng ra cho ông chữa, nhưng chỉ cần bố mẹ mấy đứa nhỏ kêu, đứa nhỏ chỉ hơi há miệng ra, là ông chụp được ngay cái lưỡi của mấy đứa nhỏ rất chuyên nghiệp tôi thấy ông có thủ thuật tôi xin tạm dùng hình ảnh so sánh là cách ông chụp đầu lưỡi của thằng bé giống như là chụp đầu con rắn vậy. Khi ông chụp được lưỡi của đứa nhỏ, ông làm gì thì không biết, nhưng sao khi ông vặn vẹo, nó la lên vì đau, riêng thằng bé tôi nói, chỉ sau vài phút ông vặn vẹo trong lưỡi của nó, nó bật được tiếng nói ngay lập tức 1 câu tiếng Mỹ rất dài, tôi nghe không kịp, nên không hiểu nó nói gì, cậu bé đó nói nhanh lắm và câu dài, chứ không phải từng chữ như một số bệnh nhân trước đó, sau khi ông chữa, thì ông nói, bệnh nhân nói theo chậm chậm từng từ, riêng cậu bé này bật ra nói câu dài tiếng Mỹ. Trong lúc ông chữa sau khi kéo lưỡi thằng bé, tôi thấy ông còn bấm các huyệt trên cổ, khi đó trên trán thằng bé nổi lên 2 cục u to lắm, ông đã gõ để 2 cục u đó lặn xuống, có lẽ rất đau, nên nó la dữ lắm, nó đã buột miệng buông ra câu chửi tục bằng tiếng Mỹ “F... you!” Mẹ cậu bé bèn kêu con lặp lại theo lời của cô ấy là “Adi Đà Phật, thầy ơi giúp con”, vậy là thằng bé cứ lập lại theo lời của mẹ, nó nói rất rõ ràng, chứ không hề bị đớt. Bố mẹ thằng bé đã khóc vì mừng khi thấy con mình nói được. Sau khi chữa xong, ông thầy Yên có dặn thằng bé không được chơi game nữa, khi ông nói thì nó cũng dạ và hứa không chơi nữa. Tôi nghĩ có thể trước đó bố mẹ thằng bé vì chiều con, cho con chơi game, xem phim nhiều quá, nên nó đã tích lũy những câu nói từ phim. Thành ra câu nói đầu tiên khi nó được ông thầy Yên chữa, nó nói câu tiếng Mỹ. Cậu bé này là ca chữa mà tôi được chứng kiến thấy thật ngoạn mục. Còn một số ca khác thì tôi thấy ông có điều trị, nhưng lại không nói được, vì nhìn bệnh nhân có trí óc không bình thường như thằng bé nãy giờ tôi kể. Hoặc có những đứa bé được chữa, khi đó có thể đau quá, nó không chịu nói, nhưng sau đó tôi thấy nó đứng chung với bà con, bố mẹ, thì có nói từng chữ, tuy rằng không thông thạo như thằng bé mà tôi kể nãy giờ. Ngay như ông thầy Yên cũng có nói nếu đứa trẻ tâm thần bình thường, không bị bệnh, mà chỉ bị dị tật gì đó không thể nói, thì ông sẽ chữa được. Tuy nhiên điều khiến tôi thắc mắc là sau ca chữa cho trẻ bị câm có thể nói được đó có kéo dài vĩnh viễn được không?”

Riêng về cách chữa trị bệnh nhân câm điếc của lương y Võ Hoàng Yên, trên báo Người Lao Động trong nước (http://nld.com.vn/suc-khoe/vi-sao-luong-y-yen-duoc-tiep-tuc-chua-benh-cuu-nguoi), bài viết “Vì sao Lương y Yên được tiếp tục chữa bệnh cứu người?” của tác giả Tân Tiến, có ghi: “Theo Giáo sư Hoàng Bảo Châu, nguyên Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam: “Cách chữa trị của lương y Yên cho thấy bước đầu đạt kết quả. Cách chữa trị này áp dụng kiểu xoa bóp trong võ thuật, tác động chủ yếu lên gân cơ bị tổn thương. Việc móc ngay cổ họng bệnh nhân nhằm cố gắng phục hồi thanh quản đã không vận động trong thời gian dài. Thứ hai, cầm lưỡi kéo ra, trong y học hiện đại không có thủ thuật nào cầm lưỡi kéo và quay, mục đích chính nhằm phục hồi cơ ở lưỡi, vì lưỡi mềm mại mới nói được. Trên cơ sở đó mọi người đều thấy bệnh nhân nói được ngay. Phương pháp này có cơ sở khoa học, đó là tác động trực tiếp vào những cơ quan bị rối loạn. Còn về lâu dài do các căn bệnh trên (câm điếc, liệt) do tổn thương ở não, nếu tổn thương não nặng thì phục hồi chậm còn nhẹ thì phục hồi nhanh. Vì vậy, nếu bệnh nhân được chẩn trị thường xuyên sẽ chóng phục hồi”.

Sự kiên trì của bố mẹ bệnh nhân đi tìm thầy Yên chữa bệnh cho con
Kể thêm về những điều mà mình đã được tận mắt nhìn thấy tại buổi chữa bệnh của lương y Võ Hoàng Yên ở khách sạn Ramada từ sáng đến 8 giờ tối ngày 21 tháng 5 năm 2016, bà Dung cho biết bà có nói chuyện với bố mẹ của một cậu thanh niên khoảng ngoài 30 tuổi, bị bệnh gì không rõ dù chữa tây y nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân và không chữa trị được, bởi chân tay của cậu thanh niên bị co rút. Mẹ của cậu thanh niên đã kể cho bà nghe về quá trình bị bệnh của con trai họ và sự kiên trì của họ đưa con đi tìm thầy Yên chữa bệnh. Đây là lần chữa thứ tám rồi, và có tiến triển sau mỗi lần chữa, nên họ cứ bám theo thầy Yên suốt và chính ông thầy cũng nói trong buổi chữa bệnh là ông nhận cậu thanh niên đó làm con nuôi.

Bà Dung nói:
“Bố cậu thanh niên là sĩ quan VNCH nên đã bị đi tù cải tạo sau tháng 4 năm 1975. Thời gian sau khi ông ra tù, vơ chồng ông có con, gia đình phải đi kinh tế mới, phải sống ở khu hố bom, đời sống rất cực khổ. Thằng bé khi sinh ra bình thường, vẫn đi học như những đứa trẻ bình thường khác cho đến 8 tuổi hay 12 tuổi (tôi nhớ không rõ lắm) mới bắt đầu bị bệnh. Khi đó cậu ta không hề di chuyển được, quặt quẹo, lúc nào đầu cũng quẹo, miệng chảy nước miếng, không tự làm được gì hết, bố mẹ phải phục vụ hết từ vệ sinh cá nhân, cho ăn, phải chăm sóc từng li từng tí. Đi chữa tây y thì không được, đành chịu bó tay. Khoảng vài năm trước, người mẹ có nghe tiếng của thầy Võ Hoàng Yên, cô có niềm hy vọng là ông chữa được cho con trai mình, nên mấy lần ông sang Mỹ này chữa bệnh, cô đã tìm đến nhưng không thể nào gặp được ông thầy. Cô đã phải về Việt Nam để tìm ông, xin số điện thoại của ông thầy, gọi cho ông nhiều lần mà ông không bắt máy. Tôi nghĩ cũng đúng thôi, vì nếu ai gọi ông cũng bắt máy hết thì ông làm sao chữa hết cho số bệnh nhân tìm đến ông rất đông. Thành ra số điện thoại lạ thì chắc là ông không bắt máy rồi.”

Bà Dung kể tiếp:
“Vì cô ấy là người Công giáo, sau khi nhiều lần gọi vẫn không được, trước khi gọi cho thầy Yên lần nữa, cô có cầu Chúa là xin là Chúa muốn giúp đỡ thì hãy cho ông thầy bắt máy nghe điện thoại. Còn nếu gọi lần này mà ông thầy vẫn không nghe thì coi như cô sẽ bỏ luôn, không tìm cách đưa con gặp thầy Yên chữa bệnh nữa. Sau khi cầu nguyện xong, cô bấm điện thoại gọi, thì lần này ông thầy lại bắt máy nghe. Khi nghe cô kể qua hoàn cảnh của con trai mình, ông thầy cho cô địa chỉ để tìm đến nơi ở của thầy tại Việt Nam và nhận chữa cho con trai cô. Sau đó mỗi lần thầy qua Mỹ, là thầy thông báo cho cô biết nơi thầy đến như Tesax, San Jose là 2 điểm thầy hay đến hằng năm, vậy là cô cứ bám theo để đưa con trai đến chữa. Lần nào thầy sang Mỹ, thầy cũng ưu tiên chữa cho con trai của cô.”

Bà Dung bày tỏ:
“Đương nhiên tôi không nghĩ là anh chàng sẽ đứng lên đi như mọi người bình thường, nhưng kiên trì chữa, thì có thể anh chàng sẽ tự lên xe lăn được. Hôm chữa xong, tôi có nghe thầy Yên kêu cậu thanh niên hãy vịn thầy đứng lên, cậu thanh niên không đứng thẳng được, nhưng đứng theo kiểu của cậu, rồi từ từ tự lết đến xe lăn và ngồi vào xe. Qua trường hợp của cậu thanh niên này, tôi thấy là rõ ràng bệnh nhân không thể ngồi tại chỗ mà trông chờ thầy Yên đến điều trị, mà tự bản thân người nhà bệnh nhân phải tiếp tục đưa bệnh nhân tìm thầy Yên để được chữa nhiều lần. Cậu thanh niên này có sự tiến triển như vậy là nhờ bố mẹ của cậu ấy đã kiên trì kinh khủng, vì họ thấy có kết quả, nên cứ bám theo thầy Yên suốt như vậy. Tôi có hỏi thăm khi phải đưa con trai đi theo thầy khắp nơi để được thầy chữa, có tốn kém nhiều không? Thì cô cho biết cũng may di đình cô có xưởng may ở bên Mỹ, nhờ đó mà có tiền để vợ chồng cô đưa con trai đến những nơi thầy Yên tới chữa bệnh.”

Bà Dung nói rằng hôm đó ngoài cậu thanh niên trên bà thấy có một cậu thanh niên cao to lắm cũng bị liệt, ông bố phải đỡ đằng sau lưng, cậu không thể ngồi được, nhưng thầy Yên đã từ chối chữa, vì cậu thanh niên đó không hợp tác cùng ông thầy, do bố mẹ cậu thanh niên năn nỉ quá, thì ông cũng đồng ý chữa, thầy Yên chữa cho cậu khoảng hơn nửa tiếng, cuối cùng cậu thanh niên đó ngồi vững, không cần người đỡ phía sau lưng nữa, trong khi trước đó bị quặt quẹo, muốn ngồi phải có ông bố đỡ phía sau, hoặc cho nằm. Nhưng theo bà kết quả chữa cho cậu thanh niên này sẽ không tồn tại lâu dài, nếu gia đình cậu thanh niên không tiếp tục đưa cậu đi chữa tiếp và sự nỗ lực ý chí của cá nhân người bệnh muốn được chữa, hợp tác cùng thầy Yên, thì mới hy vọng đạt được kết quả lâu dài.

Bà Dung kể thêm là bà còn chứng kiến một trường hợp rất thú vị, có một bệnh nhân nữ khoảng 60 tuổi khi đến chữa bệnh liệt, ban đầu bà ấy được mấy đệ tử của thầy Yên chữa, nhưng khi điều trị xong, phải có 2 người nhà đỡ 2 bên thì bà ấy mới đứng lên được, tự đứng thì không giữ được thân mình, cứ bị rớt xuống.

“Người đệ tử thầy Yên điều trị cho bà ấy cũng phải gần một tiếng đồng hồ, thấy bà ấy đau đớn lắm, la dữ lắm, nên tôi mới để ý tới, vì trước đó chỉ lo nhìn ông thầy Yên chữa thôi. Thấy người của bà ta đỏ lên những chỗ được kéo vuốt. Ông Yên nhìn thấy vậy, có kêu bà ấy lên ghế của ông đang chữa để ông tiếp tục chữa cho bà. Tôi thấy ông vuốt, bẻ chân tay của bà. Nhìn cách ông chữa những bệnh nhân bị liệt, ông phải tốn sức rất nhiều, vì vậy ông điều trị vài bệnh nhân bị liệt, là phải ngưng để chuyển qua chữa bệnh nhân câm điếc, ít dùng sức hơn để ông lấy lại sức, sau đó mới quay lại chữa bệnh nhân bị liệt tiếp tục. Khi ông chữa cho bà ta, ông thực hiện những động tác kéo xương cho bà, bà cũng bị đau, nhưng không đến nỗi la như đệ tử ông chữa, ông chữa khoảng 10 phút, ông biểu bà đứng lên, bà đứng hơi xiểng niểng, ông có nói đùa là “trong vòng mấy nốt nhạc thôi, bà sẽ đứng được”. Thế rồi ông nắn những huyệt gì đó trên lưng của bà ta, đúng y như lời ông nói, chỉ vài phút sau bà đứng lên được, ông bảo bà đi đi, thì bà đi chầm chậm, sau đó ông kêu bà chạy đi, bà chạy luôn, dĩ nhiên chạy chậm chứ không nhanh. Nhưng bà chạy chầm chậm vòng quanh mấy cái ghế chữa bệnh, mọi người nhìn xem náo nức hẳn lên, vỗ tay rần rần, vì nhìn thấy hiệu quả ngay trước mắt. Khi bà được chữa xong, bà rơi nước mắt và khóc, cám ơn thầy Yên và quỳ lạy ông thầy. Bà ấy kể cho ông thầy Yên và mọi người cùng nghe là trước khi được thầy Yên chữa bà giống như con chó ở trong nhà, di chuyển chủ yếu là bò không, chứ không đi được bình thường, bà chán sống lắm, không thích sống nữa, vì vậy khi được thầy chữa xong bà mừng lắm. Với trường hợp người bệnh này, tôi cũng không rõ bà ấy có duy trì được kết quả như vậy vĩnh viễn luôn hay không, hay bà ấy có còn phải chữa tiếp không?”

Bà Dung chia sẻ:
“Hôm đó tôi thấy có một ông cũng như tôi, tò mò đến xem thầy Yên chữa bệnh, ông ta đứng bên cạnh tôi lúc còn đang xem ông thầy Yên chữa bệnh hồi đầu giờ chiều, ông cho biết ông là người đạo Công giáo, ông hỏi tôi đến từ hồi nào, thấy thầy Yên chữa ra sao, tôi có kể cho ông nghe những gì tôi chứng kiến, ông ta nói tôi xạo, ông ta không tin, rồi khẳng định có thể là do những người bệnh là người của ban tổ chức sắp xếp đưa vào, không có bệnh, nhưng giả bộ nói bệnh rồi vào chữa, để thấy có kết quả lừa mọi người. Tôi nói, nếu ông không tin thì cứ đứng xem đi rồi tự đánh giá. Sau đó, chính ông ta là người chen vào tận chỗ thầy Yên chữa bệnh, để bắt tay ông thầy, rồi giành micro phát biểu trước mọi người là ban đầu ông không tin tài chữa bệnh của thầy Yên, giờ thì thấy quả là kỳ diệu, thán phục ông thầy là người có tài à“

Kết thúc phần chia sẻ của mình, bà Dung nói: “Từ sáng đến chiều hôm 21 tháng 5 xem ông thầy Yên chữa bệnh, tôi thấy ông chỉ chữa được khoảng 20 bệnh nhân bại liệt, trong khi bệnh nhân bị liệt đến chờ chữa thì đông lắm. Vì mỗi ca chữa bại liệt, ông chữa khoảng 30 phút đến 1 tiếng, trong lúc chữa ông nói chuyện cho mọi người nghe cũng khá nhiều. Tôi có ghi lại địa chỉ ông chữa bệnh bên Việt Nam để khi về lại bên đó, nếu có dịp gặp những đứa trẻ bị câm thì tôi sẽ giới thiệu người thân của trẻ tìm đến ông để chữa. Tôi thấy những ca chữa câm điếc với những trẻ có trí óc bình thường, có thể có hiệu quả lâu dài. Khi ông khai thông được gì đó trong lưỡi, vòm họng của trẻ, giúp nó nói được. Còn chữa bệnh liệt thì cần phải nhiều thời gian, phải tiếp tục chữa nhiều lần chứ không phải chỉ một lần là thành công. Tôi phải công nhận là ông thầy Yên có một số tài năng chữa bệnh rất đặc biệt.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT