Phóng Sự

Hiện tượng Võ Hoàng Yên (kỳ 3)

Sunday, 14/08/2016 - 10:24:23

Bà N giải thích, “Vì hai người là cô đệ tử và ông tóc trắng cứ đưa người quen của mình vào, nên những người đã ghi danh và có số thứ tự phải đợi chờ đến phiên mình vẫn không được vào chữa. Họ đã được một ngày riêng là thứ Sáu rồi, nhưng đến thứ Bảy vẫn tiếp tục đưa người quen mình vào chữa.

Bài BĂNG HUYỀN

Những buổi khám bệnh của lương y Võ Hoàng Yên từ trước đến nay, từ trong nước hay ra hải ngoại luôn được thông báo là chữa bệnh miễn phí, lương y Võ Hoàng Yên chưa bao giờ nhận thù lao cho việc chữa bệnh của mình, thậm chí ngay cả thuốc uống, người bệnh cũng được cấp thuốc Nam miễn phí. Trên các bài báo trong nước và những bài viết phổ biến trên mạng internet, lương y Võ Hoàng Yên đã giải thích việc ông luôn chữa bệnh miễn phí cho mọi người, “Xin nói thật, hồi đó nhà tôi quá nghèo, tôi sống, học tập và lớn lên đều được nhiều thượng tọa giúp đỡ. Trong đó, có nhiều thượng tọa là ân nhân ở Bình Dương. Do vậy, việc tôi khám, trị bệnh hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân là chủ yếu giúp đời, trả ơn cuộc đời.

“Hiện nay, ngoài việc trị bệnh và truyền đạt lại cho học trò trị bệnh giúp đời, tôi còn làm Giám Đốc Công Ty Cổ Phần Phú Bình Yên, chuyên sản xuất và trồng cao su ở thôn 3, xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Do vậy, tiền bạc đối với tôi không thành vấn đề mà niềm vui lớn nhất là nhìn thấy những người ngồi xe lăn đứng dậy đi được, những đứa trẻ, người già câm điếc nói lại được những âm từ phát ra, không phải mất nhiều tiền bạc chạy đôn chạy đáo nhiều nơi khám chữa bệnh. Cái đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi.”

Ban tổ chức yêu cầu bệnh nhân đóng góp tiền giúp thầy Yên xây chùa?

Nhưng theo người viết email “Báo động Coi Chừng Bị Lừa” (đã trích đăng trong bài Hiện tượng Võ Hoàng Yên kỳ 1) kể rằng đã được ban hướng dẫn của buổi khám bệnh tại khách sạn Ramada vào thứ Bảy, ngày 21 tháng 5, 2016 yêu cầu cúng dường một số tiền để xây chùa, nên cả gia đình của người này hoan hỉ đóng góp $500. Bà N (nhân vật không muốn tiết lộ tên thật) đưa chồng bị liệt, đi lại khó khăn do đột quỵ đến gặp lương y Võ Hoàng Yên để chữa trị tại khách sạn Ramada (Gadern Grove) vào thứ Bảy 21 tháng 5, cho biết bà cũng có đóng góp $200, dù đã biết rằng đây là buổi chữa bệnh miễn phí.
Bà N giải thích, “Vào sáng hôm 21 tháng 5, trước khi buổi chữa bệnh (ở trên lầu) được bắt đầu, ông Võ Hoàng Yên có ra đứng ngay cầu thang nói vọng xuống chào mừng mọi người và cho biết ông được tặng một miếng đất ở bên Houston, mới làm lễ động thổ để xây chùa. Nguyện ước của ông là xây được nhiều chùa để có nơi chữa bệnh miễn phí cho mọi người.

Khi đó người ta đã đến đông nghẹt ở lobby của khách sạn, cả người đã có hẹn lẫn người không có hẹn, ai nấy đều kiên nhẫn đứng đợi.

“Mỗi khi có ai ra đứng ở cầu thang (có người gác bên dưới) nói gì đó là mọi người lại nhao nhao lên hỏi chừng nào đến lượt mình. Mọi người nghe ông Yên nói vậy, ai nấy đều có vẻ thương cảm cho tình yêu nhân loại của thầy. Một lúc sau tôi lên được trên lầu, nhờ khi ấy ban tổ chức thông báo cho phép 20 người được lên lầu để xem thầy Yên chữa bệnh, tôi nhanh chân ùa lên theo mọi người, còn chồng tôi lúc bấy giờ đã được cô bạn đẩy xe lăn lên trước đó bằng thang máy (đi cửa sau). Cái cửa sau này sau đó cũng bị đóng kín có người gác đàng hoàng.

“Lên được trên lầu rồi, tôi mới điền giấy tờ cho chồng tôi, nhìn vào danh sách bệnh nhân, biết chồng tôi có số thứ tự 15, nên tôi yên trí ngồi chờ tiếp. Nhưng vì chờ lâu quá, hơn 2 tiếng đồng hồ, không thấy được kêu vào chữa, nên tôi đã đẩy xe lăn của chồng vào thẳng bên trong phòng chữa bệnh. Lúc đó tôi gặp một cô người quen, cô ta đeo bảng tên là thiện nguyện viên của ban tổ chức.

“Cô ta nhận ra chồng tôi và tôi, chủ động đến chào xởi lởi, rồi chỉ cho tôi đẩy xe lăn của chồng tôi xếp vào dãy hàng sắp được vào chữa, cô ta đưa cho tôi một hồ sơ mới, kêu tôi điền lại hết giấy tờ và đưa kèm theo một bao thơ để tôi bỏ tiền vào. Tôi không mang theo tiền mặt nhiều, nên định đóng góp bằng chi phiếu, nhưng cô ta nói không nhận chi phiếu, thành ra tôi vét túi có $200 bỏ hết vào bì thư rồi đưa cho cô ta để đóng góp cho việc xây chùa mà tôi đã nghe ông Yên nói trước đó với mọi người.”

Bà N nói thêm, “Tôi không nghĩ là ban tổ chức cố tình lừa bịp, có lẽ những người ở xung quanh ông Võ Hoàng Yên đã lợi dụng để đưa phong bì ra, rồi lấy tiền của người đóng góp. Thật ra, tôi chỉ tự trách tôi, là người Việt Nam đã sống ở Mỹ nhiều chục năm rồi, vậy mà vẫn quen kiểu thủ tục đầu tiên. Cứ ai đưa phong bì thì móc túi đưa tiền, không chịu suy xét. Thật ra đâu có ai bắt buộc mình đưa tiền đâu.
“Qua chuyện của tôi, tôi chỉ mong những người khác nếu sau này có đi chữa với thầy Yên, thì đừng cho tiền gì hết, vì cho tiền xong, không được chữa thì sẽ tức giận cho là ban tổ chức lừa. Cũng đừng nên trông mong gì nhiều quá rồi thất vọng. Nếu được thì tốt, không được thì thôi, vì ông Yên cũng nói rõ ràng những bệnh ông không chữa được. Tôi thấy rằng ông Võ Hoàng Yên không lừa bịp về tài chữa bệnh của mình, mà do người bệnh đã đặt hy vọng vào ông quá cao, xem ông là thần y, nên thất vọng vì không được như mong muốn.”

Những điều không hay tại buổi chữa bệnh

Tuy nhiên, theo bà N, điều mà bà thấy không đứng đắn khi đưa chồng đi gặp thầy Võ Hoàng Yên để chữa bệnh là cách làm việc của những người trong ban tổ chức, mà cụ thể là cô đệ tử của thầy Yên, người đã đứng ra thông báo về buổi chữa bệnh trên TV, và một ông có đầu tóc trắng phếu.

Bà N kể, “Người quen của tôi nhờ thường xem truyền hình của cộng đồng, biết được thông báo về buổi chữa bệnh miễn phí của lương y Võ Hoàng Yên, đã gọi điện thoại ngay và lấy hẹn giùm cho chồng tôi, và trước hai ngày buổi hẹn diễn ra, ban tổ chức còn gọi điện cho tôi, nhắc về buổi hẹn đến chữa bệnh và cho tôi biết buổi hẹn của chồng tôi là 8 giờ sáng ngày 21 tháng 5 tại khách sạn Ramada.

“Vì lo xa, dù được báo là đến chữa bệnh lúc 8 giờ, tôi vẫn rời nhà đi từ 6 giờ sáng, đến nơi là 6 giờ 30. Vậy mà tôi đã thấy có mấy chục người ngồi đợi tại lobby của khách sạn. Mấy người đến trước chuyền cho tôi tờ giấy để điền tên, tôi nhìn vào thấy đã có 62 người ghi danh rồi. Hỏi ra, tôi mới biết là họ tự làm danh sách, ai đến thì cứ chuyển cho người đó ghi tên vào thôi, và cũng biết được là mấy người đó không có lấy hẹn theo số điện thoại ban tổ chức thông báo trên các cơ quan truyền thông. Họ nghe tin có ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh miễn phí, thì cứ tới đại thôi, chứ không có hẹn gì hết.

“Trong lúc tôi ngồi đợi thì có thêm nhiều người đến, có khoảng hơn 100 người ghi danh trên danh sách tự phát đó. Đến gần 8 giờ sáng thì có mấy người thiện nguyện viên của ban tổ chức xuất hiện khiêng bàn lên trên lầu (là nơi để chữa bệnh). Họ cho biết cứ đứng ở dưới chờ, họ kêu tên thì mới được lên lầu. Và có cảnh vệ chặn cửa từ ngay cầu thang, không cho ai lên hết. Trong lúc ngồi đợi, tôi có nghe thấy khoảng 5- 7 người đòi lên lầu để được chữa bệnh và nói với mấy thiện nguyên viên là “hôm qua thứ Sáu, ngày 20 tháng 5, tôi đã đến nhưng chưa được khám, ban tổ chức dặn sáng hôm nay sẽ được khám, tôi sẽ là số 1.”

Nhưng các thiện nguyện viên trong ban tổ chức không cho họ lên và nói họ cứ đợi, khi nào được kêu tên thì mới lên. Về sau tôi mới hiểu ra là ngày thứ Sáu, 20 tháng 5, là ngày ông Võ Hoàng Yên dành chữa riêng cho thân nhân của các thiện nguyện viên tại phòng chữa chiropractor của cô đệ tử. Nhưng có nhiều người biết tin thì cứ ào tới, nên ông đã không chữa hết được, còn dư một số người thì được hẹn qua ngày hôm sau.”

Bà N than phiền, “Trong lúc chờ ở dãy hàng bệnh nhân chuẩn bị được ông Yên chữa, lúc đó gần giờ nghỉ trưa, tôi có thấy một cô ca sĩ và người trong gia đình khoảng 5- 7 người đi theo đẩy xe lăn của ba cô ấy vào dãy sắp được thầy Yên chữa, dù từ đầu giờ tôi chẳng thấy họ xếp hàng gì cả. Có cả má của một cô ca sĩ khác cũng vào dãy hàng sẽ được chữa, dù không đến đợi từ sáng như các bệnh nhân khác.
“Khi đó tôi mới vỡ lẽ ra là từ sáng đến lúc đó, ông thầy Yên toàn chữa bệnh cho những người quen của cô đệ tử, hoặc bệnh nhân của cô. Ngoài cô này đưa người (đa số là bệnh nhân của cô) vào chữa bệnh, tôi còn thấy có một ông tóc trắng, dáng người bệ vệ cũng đưa người quen của ông ta vào để chữa. Tôi có hỏi cô đưa tôi phong bì để bỏ tiền vào, ông ta là ai, cô ta cho biết ông ta là bạn thân của thầy Võ Hoàng Yên, nhờ ông ta mà thầy mới qua Mỹ để chữa bệnh.”

Bà N kể tiếp, “Tới trưa, khoảng 12 giờ 30 hay 1 giờ gì đó thầy Yên và các đệ tử của thầy nghỉ để ăn trưa, chúng tôi vẫn tiếp tục ngồi chờ. Vì không nghĩ là thời gian chờ được chữa lâu vậy, nên lúc sáng đi, tôi chỉ mang cho chồng bánh mì để ăn, còn tôi và cô bạn với cô em gái đi cùng vẫn chưa ăn sáng, khi đó đói meo. Khi chúng tôi đi xuống tìm mua đồ ăn, thì thấy xung quanh khách sạn là các tiệm của người Đại Hàn, không mua được món gì, đành mua tạm bịch bắp rang lên nhai cho đỡ đói, rồi ngồi chờ đợi tiếp.
“Trong lúc chờ đợi, tôi có nói chuyện với vài bệnh nhân cũng chờ đợi như mình. Có một ông ngồi xe lăn, cho biết đây là lần thứ ba ông đi chữa bệnh với ông Võ Hoàng Yên. Lần đầu và lần thứ nhì ông lên San Jose và Houston (là hai nơi thầy Yên từng đến chữa bệnh miễn phí trước đây), nhưng cả hai lần ông cũng phải xếp hàng chờ đợi và đều không được chữa, đành phải ra về.

“Cả hai vợ chồng hiền lắm, chẳng hề bon chen gì hết, chẳng than phiền gì, mà chỉ ngồi chờ thôi. Có lẽ vì vậy mà lần này lần thứ ba, cũng lại tiếp tục chờ, mà vẫn chưa được chữa. Tôi còn nói chuyện với một bà từ Canada, đi theo bà là ông em sống tại Mỹ. Bà bệnh (do đột quỵ) cũng khoảng 10 năm, bị liệt bên trái, tay và chân bị quẹo, không đi được, phải ngồi xe lăn. Trên danh sách ghi danh với ban tổ chức bà là bệnh nhân số 1 để được thầy Võ Hoàng Yên chữa, vậy mà tới giờ mọi người nghỉ ăn trưa, bà cũng vẫn phải xếp hàng chờ đợi, chưa được vào chữa.”

Bà N giải thích, “Vì hai người là cô đệ tử và ông tóc trắng cứ đưa người quen của mình vào, nên những người đã ghi danh và có số thứ tự phải đợi chờ đến phiên mình vẫn không được vào chữa. Họ đã được một ngày riêng là thứ Sáu rồi, nhưng đến thứ Bảy vẫn tiếp tục đưa người quen mình vào chữa.

“Cuối cùng thì bà số 1 cũng được chữa sau khi hết giờ ăn trưa, khoảng hơn 3 giờ gì đó, nhưng trước khi chữa cho bà, thầy Yên có chữa cho một cậu thanh niên ngoài 30 tuổi bị bệnh gì không rõ, chân tay co rút xương, đầu quặt quẹo, không thể đi bình thường được, mà chỉ lết thôi. Nghe nói là cậu thanh niên này đã chữa với thầy Yên được 8 lần rồi, ông nhận cậu này là con nuôi của ông. Sau khi nghỉ ăn trưa vào thì ông Yên chữa cho cậu thanh niên đó trước, chữa cho bệnh nhân câm điếc rồi mới chữa cho bà bệnh nhân số thứ tự là 1 trên danh sách của ban tổ chức.”

Theo bà N thì việc chữa bệnh của thầy Yên cho mỗi bệnh nhân bị bại liệt kéo dài khoảng gần một tiếng đồng hồ. Bà thấy ông nói nhiều hơn là chữa, nhất là khi có phóng viên các đài TV đến quay hình và phỏng vấn. Có lẽ vì chữa cho những bệnh nhân này, ông phải dùng sức nhiều quá để kéo chân, kéo tay, bấm huyệt cho người bệnh, nên những lúc ông nói chuyện là ngưng chữa để lấy sức.

Bà N cho biết, “Suốt nhiều giờ ngồi xem thầy Yên chữa bệnh, tôi thấy cứ sau khi chữa cho một hay hai bệnh nhân bị bại liệt, thì ông Yên quay qua chữa cho những bệnh nhân câm điếc, vì chữa bệnh nhân câm điếc ông không cần dùng sức nhiều như chữa bệnh bại liệt bệnh. Những bệnh nhân câm điếc thì ông kéo lưỡi ra rồi vặn lưỡi qua lại, sau đó bấm huyệt hai bên hàm, đau lắm, tôi thấy mấy đứa nhỏ khóc quá trời.
“Có bà bị đầu cứ gục xuống, ông thầy bẻ một hồi thì đầu bà thẳng lên được. Bệnh nhẹ thì chữa một lần là thấy hiệu quả ngay. Có một anh từng bị đột quỵ, phải nằm tại nursing home, người vợ đưa đi chữa với cô đệ tử của thầy Võ Hoàng Yên thì ngồi lên được, hôm đó, vợ anh ta đưa anh ta đến được thầy Yên chữa thì anh ta đi được vài bước, ông thầy khuyên anh ta tiếp tục đến gặp cô đệ tử để chữa.”

Bà N kể lại ca chữa bệnh của thầy Yên với bà bệnh nhân số 1 trong danh sách chữa bệnh, “Tôi thấy ông Yên kéo chân cho bà ấy, nhìn mặt thấy bà rất đau, ông lấy thế rồi bấm huyệt, bấm rất mạnh tay và kéo xương, sau đó tôi thấy bà đứng lên được nhưng rất chuệnh choạng. Bà phải xoạc chân kia ra để giữ thăng bằng. Nhưng khi ông Yên thả ra thì bà lại không tự đứng được. Theo tôi, ông thầy phải chữa nhiều lần cho bà và bà phải tiếp tục đi vật lý trị liệu thì mới hy vọng lành bệnh, chứ không phải chỉ cần đến gặp ông nắn một lần là hết bệnh ngay.

“Những người bị tai biến, tay bị liệt, bị khoèo ông thầy có nắn cũng không hết. Bố của cô ca sĩ kia, dù sau giờ ăn trưa được đưa vào để thầy Yên chữa, nhưng ông nhìn và nói không chữa được, họ đành phải ra về. Còn ông ngồi xe lăn đã đi lần này là lần thứ ba vẫn chưa được thầy Yên chữa, đến chiều tối, ông ấy đành phải chịu cho đệ tử của ông Yên chữa.”

Bà N nhận xét, “Thật sự thì những người thiện nguyên viên của ban tổ chức làm việc rất đàng hoàng, có lòng giúp những người bệnh, tuy cũng có một vài thiện nguyện viên tỏ ra ta đây quan trọng, hách dịch với đồng hương. Có lẽ mấy thiện nguyên viên này không biết nội tình bên trong việc cô đệ tử và ông tóc trắng đưa người quen vào chữa mà chẳng lấy hẹn, xếp hàng gì hết.

“Theo tôi, ban tổ chức nên làm việc công tâm, khi đã thông báo cho đồng hương ghi danh lấy hẹn đến chữa bệnh thì nên làm đúng như đã thông báo, chứ không nên hứa cuội, hứa ảo. Những người trong ban tổ chức không nên đưa người thân, người quen mình vào chữa mà chẳng hề xếp hàng chờ đợi gì hết, đây là điều không hay chút nào. Chính vì vậy mới có dư luận người ta phê phán là đúng rồi. Như chồng tôi có số 15 mà cũng nhờ tôi bon chen đẩy chồng tôi vào hàng chữa câm điếc thì chồng tôi mới được chữa một chút, hay như bà bệnh nhân số 1, phải chờ đến chiều tối mới được chữa. May mắn là còn được chữa, còn những người khác phải chờ cả ngày, phải ra về, chẳng được chữa.”

Dẫu phải mất thời gian, tiền bạc mà vẫn không được như ý khi đưa chồng đi gặp thầy Yên chữa bệnh, nhưng bà N cho rằng, “Dầu sao cả ngày ngồi ở đó, tôi cũng học được rất nhiều bài học ý nghĩa về tình người, về tình cha mẹ thương con khi phải lặn lội và kiên trì đưa con đi gặp thầy Yên nhiều lần để con được chữa, về văn hóa người Việt Nam, học được nhiều bài học rất hay.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT