Đạo và Đời

Hãy thương yêu trong thời đại của thù ghét, dịch bệnh

Wednesday, 05/02/2020 - 07:02:41

Mỗi ngày, khi theo dõi tin tức thời sự trên truyền hình, truyền thanh hay báo giấy, điều mà chúng ta không thể tránh khỏi là phải thấy những thảm họa

Người dân mang khẩu trang trong lúc bước đi trên một con đường trong khu phố Flushing tại quận Queens Borough, thành phố New York hôm thứ Tư, ngày 5 tháng 2, 2020. Mới mấy tuần trước, các khoa học gia từng hy vọng dịch coronavirus mới sẽ được kiểm soát bên trong nội địa Trung Quốc. Giờ đây dịch viêm phổi này đã lan đến nhiều quốc gia bên ngoài Á Châu. (Getty Images)


Bài ĐỒNG PHÚC

Mỗi ngày, khi theo dõi tin tức thời sự trên truyền hình, truyền thanh hay báo giấy, điều mà chúng ta không thể tránh khỏi là phải thấy những thảm họa do thiên tai hay nhân tai mang đến, những cảnh tượng đau lòng gây ra giữa người với người hay với loài thú, phải nghe những phát ngôn chỉ nhằm kích động sự thù hận, gây chia rẽ, phải chứng kiến những cuộc đối đầu, tranh chấp tưởng chừng như không bao giờ dứt, hết đợt này lại đến đợt khác, đưa con người vào những cuộc quay như đèn kéo quân hay trò chơi vô bổ chẳng bao giờ chấm hết.

Những thông tin về tai họa từ khắp nơi trên thế giới, những cuộc đấu đá từ các thủ đô của chính trị, từ các chế độ độc ác, đến những tranh chấp, xung đột ở địa phương xung quanh, chúng đều làm tăng thêm năng lượng tiêu cực trong chúng ta. Có mấy ai xem tin tức trên truyền hình hay qua mạng xã hội mà không nổi quạu, nổi sân, nổi khùng theo những cuộc tranh cãi, chọn cho mình một lập trường, một quan điểm rồi sẵn sàng ăn thua đủ với những ai có quan điểm ngược lại. Thế là sống trong điên đảo như trong Bát Nhã Tâm Kinh có nói tới.

Hay chúng ta phải nổi… da gà trước những thảm họa kinh hồn gây chết chóc đến rợn người, lo sợ những chuyện tệ hại nhất có thể xảy đến cho bản thân chúng ta, cho gia đình mình.

Nhân loại đang sống giữa thời đại của mạng lưới thông tin phủ ngập đến từng người trong từng phút, từng giây, đến tận bàn tay của mọi người qua những phương tiện văn minh nhất của nhân loại. Bấm một cái là truyền hình màn mỏng “dán” trên tường trong phòng ăn hay phòng ngủ sẽ đưa chúng ta đến những nơi xa cả ngàn cây số, để xem mấy A Tu La đang cãi nhau, hại nhau. Chỉ cần mở chiếc máy điện thoại thông minh “vặt” là trong tích tắc chúng ta sẽ có ngay những tin tức cập nhật nhất về những biến cố đang xảy ra ở bất cứ nơi nào trên trái đất.

Tại Hoa Kỳ đây, những vụ nổ súng ở xa hay ở gần đều làm cho chúng ta cảm thấy hoang mang, bất an như nhau, khiến người người muốn thủ sẵn vũ khí để tự vệ, chống lại những kẻ nào dám đe dọa mình, một phần vì chúng ta không tin tưởng ở cảnh sát hay chính quyền có thể cứu được mình.
Những dịch bệnh đang lan truyền mau chóng từ quốc gia này đến quốc gia khác cũng làm cho chúng ta lo sợ, nhanh chân và nhanh tay chen lấn với thiên hạ để mua khẩu trang, mặt nạ che kín miệng, mũi, ngăn chặn mấy con vi trùng mà chúng ta không thể thấy bằng mắt.

Sợ, lo lắng làm cho chúng ta cảm thấy bất lực trước những sự việc đang xảy ra trong đời sống chung quanh và trên khắp thế gian này, gây hao mòn năng lượng trong thân và tâm, mất đi sự sống mà đáng lý chúng ta phải biết tận dụng để có một cuộc đời hữu ích, vì được làm thân người là điều hiếm quý vô cùng.

Nhưng làm sao tránh bị bao trùm trong năng lượng tiêu cực khi mà đời sống đòi hỏi chúng ta phải theo dõi tình hình ở mọi nơi?

Một câu hỏi nữa là liệu chúng ta có cần phải coi tin tức mỗi ngày hay không? Khó có thể trả lời dứt khoát là không, vì hầu hết chúng ta không phải là kẻ tu hành, không thể sống biệt lập ở một nơi yên tịnh nào đó và chỉ chuyên ngày đêm tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, uống trà, xem hoa để được giác ngộ kiểu như “đêm qua, một cành mai nở trước sân.” Chúng ta cần biết chút ít thông tin để có thể sống hòa đồng với mọi người trong xã hội, còn có thể giúp ích người khác với chút kiến thức từ truyền thông.

Nhưng cần biết bao nhiêu là đủ là điều mà mỗi người phải tự biết lấy. Ngay cả những người tu hành thời nay mà còn bận bịu xem truyền hình, coi YouTube, lên Facebook mỗi ngày, có khi suốt ngày, để theo dõi những chuyện thiên hạ sự, thì huống gì những kẻ phàm phu như chúng ta đây không vướng vào những chuyện tầm thường đó. Điều không hiếm thời nay là ngay trong chánh điện của một ngôi chùa, một vị tăng có thể chỉ giảng Phật pháp đâu chừng vài phút, nói chung chung về nhân quả, sanh tử luân hồi, rồi dành hàng chục phút sau cho những chuyện chính trị, tham gia vào những đề tài đang gây sân hận giữa người với người trong dân gian. Giải thoát đâu không thấy, chỉ thấy thêm vướng mắc dưới những sáo ngữ.

Vậy làm sao xem tin tức mà không bị rơi vào tiêu cực, không cảm thấy bất lực trước những gì đang diễn ra trên thế gian?

Lấy một ví dụ cho những cảm xúc tiêu cực khi chúng ta xem tin trên màn ảnh. Hiện nay thiên hạ khắp thế giới đang lo lắng trước sự lan truyền của dịch viêm phổi coronavirus, tên chính chức là 2019-nCoV, xuất phát từ thành phố Vũ Hán bên Trung Hoa. Cảm xúc tiêu cực đầu tiên là sợ hãi, âu lo, xong lan dần đến giận dữ, thù ghét.

Lo lắng là điều dễ hiểu, vì dịch viêm phổi này đang lây lan quá mạnh trong khi các khoa học gia chưa có thuốc chữa. Nhưng sao lại có sự thù ghét trong đó?

Dân tộc Việt vốn có lịch sử tranh chấp hầu như không bao giờ ngừng với dân tộc Hán, tranh giành từ văn hóa đến lãnh thổ, nên sau thời gian cảm thấy lo sợ trước dịch bệnh mới nhất trên trái đất, chúng ta quay sang thái độ không ưa người Hán tộc, cho là họ đã làm chuyện ác nên giờ đây bị quả báo. Điều đó chắc không sai. Nhưng nếu xét về nhân quả, ngay người Việt chúng ta cũng bị hại bởi chính thái độ tiêu cực như vậy. Ở các quốc gia Tây Phương hiện nay, người gốc Á Châu mà trong đó có cả người Việt chúng ta đây, đang bị một số người khác màu da châm chọc, ghét bỏ như ghét người Trung Hoa. Thế ra dịch viêm coronavirus không chỉ hại thân mà còn gây tâm bệnh.

Vậy làm sao để đối trị những cảm xúc tiêu cực? Chúng ta chỉ cần quay trở về với Đức Phật. Ngài đã chỉ cho chúng ta biết dùng từ bi và trí huệ để đánh tan lòng sân hận và si mê. Hãy dùng tình thương làm vũ khí đối trị những tin dữ. Nếu buông xả được cái ngã, cái tôi, từ mức độ bản thân đến dân tộc, chúng ta sẽ thấy ngay những người ở Vũ Hán cũng chính là chúng ta đây. Họ với ta là một, cùng là chúng sanh đang vãng lai ở cõi ta bà này.

Thương yêu là việc chúng ta có thể làm, sẽ tạo năng lượng tích cực, bảo đảm là như vậy. Bạn không tin thì hãy thử cầu nguyện cho những người đang bị nhiễm bệnh, mong cho họ mau bình phục, hãy tụng Chú Đại Bi cho họ, nguyện cho lòng từ bi của Chư Bồ Tát, Chư Phật đến cứu vớt họ, thì sự thù ghét không chỉ tiêu tan trong tâm ta mà còn biến mất ở chung quanh ta. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khuyên điều đó dành cho các Phật tử đến viếng ngài ở Ấn Độ mới đây. Dân tộc Tây Tạng của ngài Đạt Lai Lạt Ma đã chịu không biết bao nhiêu nổi khổ trước sự đối xử tàn ác của người Hán. Vậy mà ngài vẫn bảo chúng ta hãy cầu nguyện cho dân tộc Trung Hoa.

Bạn không tin ở năng lực từ bi thì hãy thử nở một nụ cười với mọi người mà chúng ta gặp trong ngày, cho dù người đó là kẻ ta không ưa chút nào, chắc chắn niềm vui sẽ nở ra trong lòng bạn, và năng lượng tích cực, lạc quan sẽ tăng cao, xóa tan những cảm xúc tiêu cực, không cho chúng có cơ hội được tích tụ.
Áp dụng phương pháp thương yêu đến với người đang bệnh, đang lâm nạn xem có vẻ dễ thực hiện, chẳng tốn một xu nào, tiền trong ngân hàng của bạn sẽ không hao mất một đồng nào, vậy sao bạn không làm?

Còn đối với những chính khách, những lãnh tụ đang làm chuyện ác, gây chia rẽ, thì làm sao mà thương nổi mấy vị đó? Thương được chứ sao không. Chúng ta hãy thương họ vì họ đang tạo nghiệp dữ, không biết, không tin mình đang làm chuyện ác, chắc chắn họ cần được cứu vớt một khi rơi xuống vực thẳm của nghiệp báo.

Khi dùng lòng từ bi để cứu độ một người khác, thì thật ra chúng ta đã tự cứu mình ra khỏi hố sâu của cái ác, để trở về với cái thiện. Hay đúng hơn, tình thương là phản ứng của tâm thiện trước những cảnh ác ở trần gian.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT