Đạo và Đời

Hậu sự

Thursday, 07/10/2021 - 08:09:17

Bây giờ tôi nói tới hậu sự, tức là việc sau khi mình chết. Nhiều vị nghĩ rằng...


Một pho tượng trong Nghĩa Trang Okunoin tại Koya, Nhật Bản. (BradBeattie / Wikimedia)


Lời Thiền Sư THÍCH THANH TỪ

Bây giờ tôi nói tới hậu sự, tức là việc sau khi mình chết. Nhiều vị nghĩ rằng khi mình chết phải trối trăn lại với con cháu phải làm thế này, làm thế kia cho mình. Điều đó dư. Tại sao?

Bởi vì thân này do tứ đại hòa hợp mà thành, chúng ta sống cũng mượn tứ đại mà sống: uống nước giúp cho thủy đại, ăn giúp cho địa đại, thở giúp cho phong đại, v.v.. Như vậy bốn đại đó nhờ vay mượn bên ngoài mới tồn tại.

Đến khi chết là không vay mượn nữa thì trả về cho tứ đại.
Tứ đại trả về tứ đại thì chỗ nào cũng là tứ đại hết.
Tại xứ người, tứ đại cũng là tứ đại; ở quê hương mình thì tứ đại cũng là tứ đại.
Đừng nghĩ bỏ thân ở xứ người là thiệt thòi.

Thiệt thòi nhất là cái tâm, tinh thần của mình ra đi mà không sáng suốt, đó mới thật thiệt thòi. Còn thân tứ đại này bỏ ở đâu cũng được hết.

Người ta hay nói thân này là thân cát bụi cho nên khi chết trả về cho cát bụi, chứ không phải trả về xứ mình, thành vàng thành ngọc gì, cho nên đừng quan trọng nó.

Thân này để cho con cháu giải quyết bằng cách nào thuận lợi nhất thì tốt, mình khỏi cần dặn dò gì hết, khỏi cần bắt buộc gì hết.

Dặn dò bắt buộc nhiều khi làm cho con cháu càng thêm lúng túng. Thí dụ nơi đó không có lò thiêu mà bảo phải thiêu, trong khi có đất chôn mà không chịu chôn. Hay ngược lại, chỗ đó không có đất chôn mà có lò thiêu, mình lại không chịu, nói thiêu nóng lắm, phải tìm đất chôn. Như vậy con cháu lo sợ không biết tìm đất đâu mà chôn, càng làm cực khổ cho người sống chớ không có ích lợi gì.

Đã là thân tứ đại hoại rồi thì còn biết gì nữa mà sợ nóng? còn biết gì nữa mà đòi đem về quê hương? Biết chăng là cái tinh thần, cái tâm của mình.

Do đó quý vị đừng có lầm lẫn thân này phải trở về quê mình mới tốt. Nghĩ như vậy là sai lầm. Chính cái tâm của chúng ta, tâm sáng thì đi tới chỗ tốt, điều đó mới quan trọng.

Đó là những lời nhắc nhở để quý vị biết sau khi chúng ta có trăm tuổi, không làm phiền hà cho con cháu.
Tôi chỉ nói một phần ngắn cho quý vị biết khi đau, bệnh và già sắp lâm chung. Theo đó, quý vị có hướng chọn lựa, đừng bị tâm phàm tục làm cho mình đau khổ ngay hiện tại và kéo dài sau khi lâm chung. Đó là những điều thiết yếu.

Mong rằng tất cả quí Phật tử nghe rồi, khéo ứng dụng để tự cứu mình, đó cũng là lời Phật dạy cho chúng ta thoát khổ.
(Trích trong bài giảng “Cho Người Già Bệnh” được Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ giảng tại Tu Viện Thường Chiếu năm 1996.)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT