Đời Sống Việt

Hát để Học Tiếng Việt

Wednesday, 14/12/2016 - 11:14:44

Khán phòng vang lên những tràng pháo tay để cổ vũ tinh thần cho các em bước sang bài hợp ca thứ hai, “Tuổi Hoa Niên”, diễn tả hình ảnh đang lớn đầy vui tươi của các em

Bài PHƯỢNG VŨ

Cách đây hơn 1 tuần tôi nhận được email của Thiên Hương, đoàn trưởng Du Ca Nam CA, chuyển thư mời của cháu Mê Linh đến các bác,cô chú Du Ca Nam Cali, mong các cô chú sẽđếndự buổi ra mắt CD "Học Tiếng Việt qua bài hát" để ủng hộ tinh thần các Mầm Non Du Cacủa chúng ta. Cái gì chứ liên quan đến Du Ca và học tiếng Việt là tôi luôn sẵn sàng “có tôi đây!” nên vội trả lời liền:
- Chắc chắn chị sẽ đến để ủng hộ tinh thần em và cháu Mê Linh.

Phạm Mê Linh



Buổi tối chúa nhật khi chúng tôi tới nơi thì khán phòng đã đầy người, tôi thấy nhiều anh chị trong nhóm Du Ca nam CA đi để ủng hộ “mầm non Du Ca” nhà, và có rất nhiều các em hướng đạo thuộc Liên Đoàn Hướng Đạo Hướng Việt, nơi cô bé Phạm Mê Linh 16 tuổi xuất thân. Chưa bao giờ tôi thấy một buổi sinh hoạt văn nghệ mà lại gặp rất nhiều khuôn mặt thân quen trong cộng đồng như hôm nay.

Trên sân khấu chương trình đã bắt đầu với bản hợp ca của các em hướng đạo qua bài “Hãy hát lên tuổi thơ”. Giọng hát các em còn non nớt, nhưng thật hồn nhiên dễ thương như lời bài hát:

Hãy hát lên tuổi thơ, như lời gà buổi sớm, như lời chim ban chiều.
Hãy hát vang dù cho nắng một ngày rực rở, mưa một ngày quạnh hiu.

Khán phòng vang lên những tràng pháo tay để cổ vũ tinh thần cho các em bước sang bài hợp ca thứ hai, “Tuổi Hoa Niên”, diễn tả hình ảnh đang lớn đầy vui tươi của các em:

Tuổi hoa niên, tuổi hoa niên,

khóm măng non xinh tươi vươn lên
Tuổi ngây thơ đẹp vui tươi
Cánh hoa mai hương thơm vườn đời.

Rất mừng khi người Việt Nam phải lìa bỏ quê hương sang sinh sống ở xứ người, nhưng con em chúng ta vẫn còn có những môi trường tốt đẹp để rèn luyện làm một người Việt Nam tốt, tiếp tục giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam và đặc biệt là biết giữ gìn tiếng nói Việt, mà hôm nay em Phạm Mê Linh, 16 tuổi, Thanh Sinh của Liên Đoàn Hướng Việt, Irvine, California (Hướng Đạo Việt nam) và Girl Scout Troop 1809 (Hướng Đạo Hoa Kỳ) đã bỏ công sức để thực hiện Gold Award Project mang tên “Sing To Learn Vietnamese With Ease!” Ôi! một cô bé chỉ mới 16 tuổi mà đã quan tâm tới việc giữ gìn tiếng Việt trong thế hệ trẻ của mình và bỏ bao nhiêu công sức để thực hiện một dự án nhằm giúp các em nhỏ thấy vui thích và sẽ học Việt Ngữ được dễ dàng hơn. Thật là một tấm lòng đáng trân quý và tự hào để chúng ta không lo lắng sợ thế hệ trẻ sẽ quên đi tiếng Việt.

Phạm Mê Linh đã tâm sự vì sao em đã chọn đề tài này: “Con thấy nhiều trẻ em Việt Nam bây giờ không nói được tiếng Việt nên không gần gũi với ông bà, làm cho ông bà không vui. Trong Hướng Đạo cũng có nhiều em không hát được nhạc Việt Nam làm cho không khí sinh hoạt không hào hứng. Mỗi khi hát con thấy vui, thấy hăng hái, vì vậy con nghĩ nếu nghe và hát theo nhạc Việt Nam thì sẽ học tiếng Việt được dễ dàng hơn.”. Mê Linh nói đúng âm nhạc là phương tiện tốt nhất để giáo dục trẻ em, vì chúng thích nghe và thích hát theo, nó còn làm cho các em vui để học và dễ nhớ hơn. Hãy xem những bài thơ hay sau khi được các nhạc sĩ phổ nhạc, sức lan rộng của nó mạnh hơn gấp bội lần . Âm nhạc chính là đôi cánh giúp nội dung bay xa và tồn tại lâu dài, cho nên học tiếng Việt qua bài hát sẽ giúp các em nhớ lâu
Tiếp theo cả khán phòng cùng hát chung với các em hướng đạo bài "Cái nhà là nhà của ta". Bài hát này thật xưa, nhưng nó vẫn còn nằm trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam luôn bị đe dọa xâm chiếm bởi Tàu Cộng. Bài hát càng trở nên có ý nghĩa hơn:

Cái nhà là nhà của ta

Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm nhớ nước non nhà

Mọi người vừa hát vừa vỗ tay, hát đã mấy lần rồi mà vẫn còn muốn hát hoài. Rồi tiếp đến 1 bài hát khác thật dễ thương, thật dễ nhớ như bài Vần U cũng của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đình Hiếu. Các chữ có vần U đã lần lượt được giới thiệu theo thứ tự của các phụ âm b,c,d,đ,g,h,à qua những câu hát thật hồn nhiên, giản dị:
"Em cha thì gọi là CHÚ
Đi mưa đi nắng che DÙ
Trời mát ngồi ghế xích ĐU, u ú ù...
Bạn thân thì phải hợp GU
Ăn đòn đau khóc HU HU
Học dốt làm toán bí LÙ..."
Đúng là các em nói tiếng Việt chưa giỏi, nghe là biết các em sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng khi hát các em phát âm rất chuẩn. Điểm nổi bật là các em hướng đạo sinh rất lễ phép, mỗi lần được nhắc "Các con có thể xuống được rồi" là các em luôn nhớ cúi đầu chào khán giả đàng hoàng rồi mới xuống. Các Trưởng đôi khi quên nhắc, nhưng các "sói con" lúc nào cũng nhớ. Sinh hoạt hướng đạo làm cho các em dạn dĩ và tự tin hơn để sau này lớn lên thành người hữu ích cho xã hội. Nhìn các em vừa hát bài chữ O vừa làm động tác "ngáy khò khò" thiệt dễ thương làm sao! nhất là khi nghe lời khuyên dạy các "sói con" khoanh tay cúi đầu "Vâng ạ!" làm khán giả ai cũng thích thú! Nhưng có lẽ màn độc đáo nhất là phần trinh diễn của các “Sói già” mà MC gọi là “Big Boy” tức là các Trưởng Bố ông nào cũng “đô” con, mặc đồng phục hướng đạo mà lại có đeo cái yếm sữa trước ngực làm ai nhìn cũng mắc cười. Đã vậy mỗi người còn cầm theo cái bình sữa, vì các sói già hát bài “Vần I” nên phải vừa hát vừa diễn tả bé khóc “tí tí” rồi bú “tì tì” , xong cười “khì khì”... Đúng là các big boy hát quá dễ thương nên hát xong được mọi người vỗ tay khen “Hoan hô anh này 1 cái, hoan hô anh này...”

Chị bạn bên cạnh, hồi nãy tôi tới nhà đón đi, trời vừa tối vừa lạnh nên lầm bầm, “Thiệt tình đi vụ này là để ủng hộ tinh thần TH, chứ mấy đứa nhỏ hát thì có gì mà hấp dẫn...” Bây giờ tôi thấy chị đang cười toe, giơ mấy ngón tay lên hát học đếm với các em và cả khán phòng, “1 ngón tay nhúc nhích này, 2 ngón tay nhúc nhích này... cũng đủ cho ta yêu đời" Chị hát một cách hào hứng, vừa làm động tác vừa nói:
- Đi tham dự mấy chương trình này vui quá, vừa vui lại vừa có ý nghĩa. Ai không đi thiệt là uổng!
- Đó là chưa kể mỗi người còn được tặng một CD “Học tiếng Việt qua bài hát” đem về!
- Rồi ai ở xa thì sao?
- Sẽ được cho lên you tube cho những người ở xa vào nghe
Mọi người như đang hòa mình vào niềm vui với tâm tình của các em qua bài hát "Vui đến trường" của Nhật Ngân

"Vui vui quá sáng nay cuối tuần

Theo Ba Me ra phố em đi đến trường
Học Việt ngữ thật vui, học được tiếng Mẹ Cha
Học những gì thiết tha với quê hương cội nguồn
Vui vui quá sáng nay em vui thật vui..."

Nhằm thay đổi không khí trên sân khấu, thay vì mặc đồng phục hướng đạo, trên sân khấu các em thiếu nữ đã mặc áo bà ba và nón lá để trình diễn ca khúc "Tôi yêu" mang đầy tình tự dân tộc

Tôi yêu quê tôi yêu mãi bây giờ còn yêu

Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hòa
Yêu anh yêu em yêu nước yêu trời gần xa...

Học tiếng Việt không chỉ giúp các em hiểu biết về văn hóa Việt Nam mà còn giúp các em yêu thêm quê hương Việt Nam của mình. Như bài "Con tim Việt Nam" của Hồng Trang thật ý nghĩa

"Trong con tim em, Việt Nam đầy tràn

Trên đôi môi em, Việt Nam rộn ràng...
Em muốn Việt Nam là chính con người em...để em hiểu đâu là tình nghĩa Việt Nam"

Nghe các em hát mà tôi thấy lòng xúc động. Đúng là khi "Em muốn Việt Nam là chính con người em.." thì em phải nói được tiếng Việt giỏi. Tôi nhớ có lần NS Thanh Trang đã nói “Chúng ta đi mang theo quê hương, và điều chúng ta có thể mang theo dễ dàng khắp nơi chúng ta đến, đó chính là Tiếng Nói quê hương“

Học tiếng Việt các em còn được dạy lễ nghĩa, dạy yêu kính ông bà, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương anh em trong nhà và luôn biết "đi thưa về trình" theo văn hóa Việt Nam. Với kinh nghiệm giảng dạy Việt Ngữ lâu năm, tôi thấy rõ phụ huynh nào quan tâm đến việc học tiếng Việt của con, nhắc con làm bài tập, chở con đi học đều, nói chuyện tiếng Việt với con ở nhà...Kết quả là các em vừa học giỏi, vừa ngoan và luôn biết lễ phép với ông bà, ba mẹ, thầy cô. Tôi nhớ lại em David một học sinh Việt Ngữ đã lâu, ba em là người Mỹ, nên mẹ em cứ lo con trai mình không nói được tiếng mẹ đẻ. Bà cho David đi học Việt Ngữ và luôn quan tâm theo sát em. Mỗi lần đón con về bà đều đợi gặp cô giáo để hỏi han tình hình học tập của con, nhắc con làm bài đầy đủ và nói tiếng Việt với con ở nhà... Kết quả sau này không những David nói tiếng Việt giỏi mà còn viết những đoạn văn được đăng lên trang thiếu nhi của các báo Việt Ngữ. Không những thế, em còn tham gia đi trình diễn văn nghệ cộng đồng, em mặc áo dài khăn đóng hát dân ca rất hay. Sau này một lần gặp lại, mẹ David cho biết rất vui về những tiến bộ của con, nhất là mặt đạo đức lễ nghĩa Việt Nam, em ăn nói lúc nào cũng “Dạ, thưa”, biết hiếu thảo với cha mẹ... nên đã khiến ba em rất vui và bắt đầu học tiếng Việt để nói chuyện với vợ con để "Cả nhà cùng nói tiếng Việt'.

Ngược lại những em đi học Việt Ngữ nhưng phụ huynh chẳng quan tâm, coi như thầy cô giáo “babysit” con em trong vài giờ, thì khi vào lớp các em toàn nói tiếng Mỹ, tiếng Việt không nói được, bá nghênh, bá ngang, gần như không biết lễ nghĩa là gì? Có nhiều phụ huynh Việt Nam sang đây chỉ chú trọng vào trường Mỹ và sự thành đạt nghề nghiệp tương lai của các con, mà quên phần dạy lễ nghĩa. Đây mới chính là phần quan trọng để tạo nên một Con Người đúng nghĩa. Kết qủa là có nhiều cha mẹ có con học thành đạt nhưng tiêm nhiễm lối sống Mỹ, cư xử với cha mẹ bạc tình, bạc nghĩa. Nhiều cha mẹ già sống cay đắng trong các nhà dưỡng lão, hay cô đơn trong góc phòng hiu quạnh nào đó, che giấu giọt lệ , nuốt nước mắt vào trong vì không muốn để ai biết nỗi niềm bạc phước của mình.

Người Việt không chỉ học Chữ để biết đọc, nói, viết mà còn học Nghĩa, đó là Lễ Nghĩa, là đạo làm Người:
“Tiên học Lễ, hậu học Văn” hoặc “ Kính trên, nhường dưới”…

Học tiếng Việt sẽ góp phần rất tích cực để xây dựng Lễ Nghĩa cho các em. Bên cạnh đó các em còn luôn được nhắc nhở "Tôi là người Việt Nam" như lời bài hát của Lê văn Khoa:

"Nếu ai có hỏi em, Em là người nước nào?
Em sẽ xin thưa rằng,
Em là người Việt Nam trong máu xương.
Hồn linh em, gan, ruột em, óc, tim, từng tế bào … đây Việt Nam.
Dù em có ly hương, em luôn nhớ em là người nước Nam"

Như Quỳnh Anh hát bài “Hello Việt Nam” đã nổi tiếng khắp thế giới. Tình yêu quê hương và tự hào là người Việt Nam phải được thổi vào hồn các em từ thuở ấu thơ. Hy vọng mọi người hãy góp bàn tay để làm cho tiếng Việt và văn hóa Việt Nam mỗi ngày thêm tươi mới ở xứ người. Đừng để đời sống máy móc, kim tiền nơi xứ người cuốn phăng đi tiếng nói và giá trị tinh thần cao quý của Văn hóa Việt Nam. Hãy cố giữ cho thế hệ con cháu chúng ta vẫn còn là NGƯỜI VIỆT NAM vì :

“Giọt nước cũng nhớ nguồn,

Lá không quên rừng,
Chắc em sẽ còn
Nhớ lại Việt Nam..”(N.Đ.Toàn)
Trên sân khấu bài hợp ca cuối cùng đang được hát vang cùng với khán giả để kết thúc chương trình văn nghệ đặc biệt và nhiều ý nghĩa:

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời

Xin cám ơn Mê Linh đã bỏ công sức trong 5,6 tháng để thực hiện dự án này, dĩ nhiên cũng xin cám ơn “hậu phương” từ cộng đồng đã hỗ trợ giúp em hoàn thành một công việc hết sức ý nghĩa và đáng quý. Cám ơn các Sói Con, Chim Non, Thiếu Nam, Thiếu Nữ, Thanh Sinh và các Trưởng của Liên Đoàn Hướng Việt đã góp tiếng hát trong chương trình. Bên cạnh đó không thể quên cám ơn Ba Mẹ Mê Linh đã thổi tình yêu tiếng Việt, văn hóa Việt vào tâm hồn con từ thuở nhỏ. Anh chị có thể cùng Liên Đoàn Hướng Việt hãnh diện vì đã đào tạo được một thế hệ trẻ năng động, và có tấm lòng hướng về cội nguồn, mà Mê Linh là một nhân tố nổi bật.

Ra về được tặng CD “Học tiếng Việt qua bài hát”, lên xe tôi mở ra để nghe ngay, một lần nữa lại như được đắm mình trong thế giới tuổi thơ ngày xưa. Ngoài trời đêm đen đầy giá lạnh, nhưng tôi thấy trong lòng vẫn dâng lên niềm ấm áp khi được nghe lại những câu hát như gợi nhớ cả một khung trời sinh hoạt tuổi trẻ ngày xưa luôn kêu gọi yêu thương, gắn bó nhau, mà bây giờ nghe lại vẫn thấy thấm...

"Gần nhau, trao cho nhau yêu thương tình loài người

Gần nhau, trao cho nhau tin yêu đừng gian dối
Gần nhau, trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người."

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT