Chuyện Nước Pháp

Hành trình theo đường bộ với xe hơi đến thủ đô Paris (kỳ 1)

Monday, 15/01/2018 - 10:17:57

Chiều dài các chiếc xe từ ba thước sáu đến bốn thước hay hơn nữa tùy hãng sản xuất. Coi vậy mà hỏi tới thì ít ai nói đúng mấy con số này.

Bài NGỌC DIỄM

Qua thế kỷ thứ 21 với phát minh tối tân GPS (Global Positioning System) định hướng qua vệ tinh không gian giúp đỡ, chúng ta có thể đi du lịch xa không lo lắng nhiều về việc tìm đường xá cực khổ như trước. Ngày xưa, phải chuẩn bị khi đi là luôn luôn có nhiều bản đồ phải mang theo vì thủ đô Paris là một rừng xe cộ và đại lộ rộng mênh mông. Thế mới biết cách tổ chức phân chia đường xe chạy như bên Mỹ không chằng chịt vô lối mà giống như chia ô vuông bàn cờ trong thành phố giúp ngưới lái xe dễ định hướng hơn là bên Tây.
Nhìn sâu hơn nữa, đó là công việc chuyên môn của những kỹ sư cầu cống và xa lộ xuất thân từ trường đại học đào tạo ra họ. Nói nôm na theo người bình dân ta là đội đá vá… đường có sẵn do cha ông làm rồi. Người Pháp dùng vạch kẽ chia đường ra hai bên xuôi ngược bằng sơn trắng trong khi Hoa Kỳ sơn màu vàng. Bên Tây, màu này dành riêng cho trạm xe buýt. Còn hai màu xanh dương và đỏ là chỗ không cho xe thường đậu qua các vạch chia lô riêng biệt màu trắng. Lằn kẽ trắng liên tục đầy đặn cấm qua mặt và lằn kẽ chấm chấm đột thưa không liên tục cho phép qua bên tay trái, đó là quy tắc dành cho quốc lộ hay trong thành phố chỉ có một con đường hai chiều.


Tháp Ép-Phen, tượng trưng thủ đô, năm 2000. (Tư liệu)

Thường khi, đường rộng đủ cho hai chiếc xe chạy ngược chiều nhau, mỗi bên có ba thước rưỡi để thoải mái chạy tới đều đều. Xe nhà của chúng ta có chiều rộng standard cho tài xế và người ngồi kế bên khoảng từ một thước sáu cho tới một thước tám cho xe cỡ lớn như xe jíp. Chiều dài các chiếc xe từ ba thước sáu đến bốn thước hay hơn nữa tùy hãng sản xuất. Coi vậy mà hỏi tới thì ít ai nói đúng mấy con số này.


Chúng tôi di chuyển trên quốc lộ số 4, vừa đến làng nhỏ tên là Soudé. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Quốc gia Pháp rộng lớn hơn nửa triệu cây số vuông và sắp hạng thứ sáu trên thế giới về kinh tế nên hệ thống đường xá cho xe cộ vận chuyển cũng rất mạnh. Tổng cộng có khoảng 950,000 cây số đường bộ trong số đó có 12,000 là xa lộ chạy nhanh hơn với vận tốc tối đa cho phép 130 cây số giờ. Thường khi là 110 cây số giờ, là khoảng 68 mph bên Mỹ. Khi chạy xe nơi đường trường quốc lộ thì con số này xuống 90, trong thành phố là 50 và làng mạc nhỏ khoảng 30 hay 40. Một trong những đặc điểm của cấu trúc chi tiết đường xá Pháp là họ rất thường dùng những cái gọi là Rond Point, Ngã Tư-Năm-Sáu hay Bảy-Tám ở thủ đô lớn để giảm vận tốc xe cộ xuống nhờ vậy tránh được nhiều tai nạn. Khi vào trong Rond Point rồi thì các xe đến sau phải nhường đường không được vào tức thì và cứ thế mà luân phiên vô rồi ra theo thứ tự trước sau.

Đến đây, tôi xin mở dấu ngoặc kể lại câu chuyện xưa của bằng lái xe bên nhà trước năm 75. Hiện giờ tuy lái xe bình thường nhưng tôi vẫn phải thi lấy bằng lái xe tạm thời bên Mỹ lúc lưu trú ngắn hạn nơi đó. Bằng lái nguyên thủy được… mua trước từ bên nhà. Số là cha mẹ bỏ tiền lo cho con cái học qua vài giờ biết cách điều khiển xe rồi đi thi cho có lệ rất dễ dàng. Sau đó có tấm bằng lái xe trên giấy tờ ghi rõ theo luật lệ hiện hành cũng như bằng cấp tú tài được dịch sang tiếng Pháp đóng dấu thị thực. Khi vừa qua tới Pháp du học bà con rất tốt bụng thúc dục tôi đổi ngay qua bằng lái Pháp vì còn kịp lúc có sự công nhận tương đương. Quả nhiên, sau 75 thì tất cả đều thay đổi.

Thi lấy bằng lái xe bên Tây rất khó, mặc dù về lý thuyết lại dễ đậu dưới dạng câu hỏi và câu trả lời, đừng sai quá sáu lỗi trên 40. Lúc lái xe thực hành mới là rụng lia chia vì chỉ cần phạm pháp ba cú là bay tuốt. Chẳng hạn, giám khảo kêu ta de xe vào bờ lề trên dốc cao rất khó làm đúng ngay cú một, lúc thì vào ngã tư chạy ngần ngừ chưa dám vô vì xe đông quá cũng bị lỗi, hay quên để đèn báo hiệu lúc vào xa lộ; có thí sinh quẹo cua leo lề hơi nhiều là bị trừ liền.

Mới nghĩ lại thấy cha mẹ mình đã lo cho con cái chu đáo. Tôi được chỉ dẫn thực hiện cách sang số xe từ point mort hay số không là xe đứng yên cho đến số một, hai, ba, bốn, năm càng chạy nhanh hơn nữa và số de để lui lại phía sau. Cách đạp thắng, nhấn ga -máy gia tốc, nhả côn tức là embrayage -máy ly hợp, lấy đèn hiệu nhỏ trái-phải và dùng đèn lớn ban đêm cũng như phân biệt rõ cần số, tay lái, ba bàn đạp quan trọng nhất dưới chân tài xế v.v.. Nhờ học căn bản nên sau đó tôi tiếp tục thực hành đúng và học hỏi thêm luôn luôn.

Ngày xưa chưa có dây nịt an toàn, ngày nay các chỗ ngồi đều có đủ số chỗ có dây và văn minh hơn nữa là túi nhựa phồng to bung ra bảo vệ người lái khi có va chạm mạnh. Luật lệ chạy xe hơi bên Tây càng ngày càng khó, bắt buộc tài xế phải biết tên từng phần cấu tạo đầu máy xe hơi và nắm rõ các thùng dầu máy, nước làm nguội máy, nước rửa kính xe. Quanh tôi, thân nhân bạn bè ai nấy muốn có bằng lái xe đều thi lại từ hai đến ba lần, một cú một đậu ngay rất hiếm có.

Một ông bạn dân khoa học từ Việt Nam qua làm việc, thấy ở lại Pháp quá tốt và đã đem được vợ con sang, cố gắng thi lấy bằng lái xe. Trời hỡi, ông thi ba lần bốn lượt cứ trượt vỏ chuối hoài! Tức quá, mà tốn bộn bạc cả ngàn đồng mỗi cú thi, ông bèn bàn với phu nhân ghi tên học lấy bằng xem sao. Một trong hai vợ chồng biết lái xe là được lắm rồi. Không ngờ chị cũng bị rớt te tua lúc thi thực hành bao nhiêu lần y như anh! Cuối cùng cả nhà dọn ra phố chính, tôi nghe nói khỏi phải đi đâu bằng xe hơi nữa, cứ thi nhau lấy buýt hay đi bộ, thế là xong chuyện. Đám trẻ con chịu trận, khi lớn lên tại đây chúng nó sẽ xoay sở khá hơn bố mẹ là cái chắc.
 


Bằng lái xe bên Pháp với bảy loại khác nhau, dưới là Cali.

Trở lại hành trình dài 300 cây số bằng xe hơi mà chúng tôi lái quen có thể đi về trong ngày, thay nhau lái không mỏi chân hay đau lưng như lúc mới bắt đầu. Đi và về là 600, chạy thật mau không nghỉ trên xa lộ và quốc lộ thì chỉ tốn sáu giờ, tương đương với xe lửa thế kỷ 20. Hiện giờ, qua đầu thế kỷ 21, xe hỏa chạy siêu tốc chỉ còn ba giờ cho đi và về! Ngược lại, tiền vé tốn gấp ba lần dùng xe hơi mình lái lấy.
Nhờ Tổng Thống Macron khi còn làm Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế năm 2015 ra luật cho tự do cạnh tranh mà xe Autocar xuất hiện cũng như trước đó có Blablacar là đi nhờ xe nhà người khác chở. Cả hai đều lấy giá rẻ, tiết kiệm nhiều nhưng thời gian lâu lắc. Được cái này thì mất cái kia, cũng như câu tục ngữ thời đại tiền nào của nấy.

 

Cảnh đồng ruộng hai bên đường đơn điệu, trước khi gặp sự thay đổi. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Bóng dáng xinh đẹp của những cây phong lợi “éolien” hiện ra. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Vừa tách ra xa lộ, sau khi chạy chừng 30 cây số trong ngoại ô thành phố, chúng tôi nhìn thấy những cây uống gió khổng lồ thanh mảnh với ba cánh nhọn màu trắng đứng thành chùm từ phía xa. Trông chúng đẹp chứ, và xóa đi bớt sự đồng điệu hơi nhàm chán của phong cảnh ruộng đất hai bên đường xe chạy. Lần đi này của chúng tôi lại thấy cộng đồng cây gió phát điện mang tên Eolien trở thành đông đảo hơn. Quả nhiên, sử dụng năng lượng sạch sẽ từ Thần Gió qua trung gian cây hứng lấy nó -Aiolos tiếng Hy Lạp nghĩa là vậy, tiếng Pháp là eolien từ éole mà ra- đang thành phong trào xanh càng ngày càng phát triển nhiều thêm khắp nơi. Theo các chuyên gia, trồng cây kim loại thế này đứng hứng gió trên biển rộng mênh mông phát ra điện sẽ đủ cho thế giới dùng!
 

Có 10 cây chắn gió tạo điện chung quanh những cánh đồng hai bên đường xe chạy.

Khắp thế giới có chừng 50,000 địa điểm trồng cây phong lợi như vậy để tạo điện từ gió. Riêng tại địa phương vùng đại Đông, mỗi ngày tạo được bốn việc làm từ công trình xây dựng, bảo quản và khai thác các cánh điện gió từ năm 2016 đến nay.
(Còn tiếp một kỳ)





Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT