Hoa Kỳ

Hãng truyền thông khuyến cáo về nạn video giả

Monday, 23/04/2018 - 11:31:20

Ông Peele, trang tin BuzzFeed, và hãng Monkeypaw Productions đã hợp tác để dựng lên video giả này, nhằm giúp người xem thấy được mối nguy hiểm của deepfake – tức những video được chỉnh sửa "để khiến người xem tưởng ai đó đã nói hoặc làm gì đó,” dù điều đó không hề xảy ra.


Một video giả từng được lan truyền trên YouTube với hình ảnh ông Barack Obama được ghép với giọng nói của ông Jordan Peele, nói xấu ông Donald Trump.


NEW YORK - Trang BuzzFeed mới đây đã công bố một video giả mạo cựu Tổng Thống Barack Obama, nhằm khuyến cáo về việc các video giả có thể xuất hiện trong tương lai. Một video "trông như thật,” trong đó ông Obama gọi Tổng Thống Trump là "kẻ móc túi" đã được lan truyền rất nhanh trong ngày thứ Ba, cho thấy mối nguy hiểm của “video giả”, còn gọi là “deepfake.”

Trên thực tế, tất nhiên ông Obama không hề nói những từ đó, mà giọng nói trong video thực ra là của Jordan Peele, đạo diễn người Mỹ gốc Phi đầu tiên thắng giải “Kịch bản gốc xuất sắc” tại Oscar 2018 với phim Get Out. Bằng việc sử dụng một chương trình điều chỉnh, có tên là FakeApp, hãng BuzzFeed đã dùng một video gốc của Tổng Thống Barack Obama, sau đó “dán” phần miệng của ông Peele lên miệng của ông Obama trong video, và chỉnh lại các cử động của khuôn hàm cho khớp với chuyển động của miệng. Quá trình chế tạo video giả này mất khoảng 56 tiếng.

Ông Peele, trang tin BuzzFeed, và hãng Monkeypaw Productions đã hợp tác để dựng lên video giả này, nhằm giúp người xem thấy được mối nguy hiểm của deepfake – tức những video được chỉnh sửa "để khiến người xem tưởng ai đó đã nói hoặc làm gì đó,” dù điều đó không hề xảy ra.

Deepfake thật ra không còn là nguy cơ, mà đã xảy ra thật sự, sau khi gương mặt của một số ngôi sao bị cố tình ghép vào video khiêu dâm, gây nhiều phiền phức cho người nổi tiếng.

Với những công nghệ video mới kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), deepfake dự kiến sẽ bùng phát trong thời gian tới. Những mạng xã hội đang đau đầu với nạn tin giả trong tương lai sẽ còn vất vả hơn, khi phải phát triển công nghệ nhận biết các deepfake.
Các thông tin sai sự thật, một khi đã xuất hiện trên các mạng xã hội, sẽ có cơ hội lan rất nhanh. Một phần vì con người có xu hướng thích đọc và chia sẻ những tin mang tính giật gân, bạo lực, gây tranh cãi. Một thông tin giả mạo có thể thu hút tới 50,000 lượt chia sẻ mà không cần kiểm chứng. Deepfake cũng sẽ lây lan theo kiểu tương tự.
Video giả của hãng Buzzfeed có thể trông còn hơi không tự nhiên, do kỹ thuật này còn khá mới. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là, việc chế tạo video này không đòi hỏi các máy điện toán hiện đại hay các chương trình mắc tiền. Video kiểu này sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tương lai, và sẽ khó phân biệt hơn, như nhân vật Obama trong video giả đã khuyến cáo rằng: “Hãy tỉnh táo.”



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT