Thế Giới

Hàng trăm di dân đeo bám xe lửa ở Mexico để đi lên phía bắc

Friday, 26/04/2019 - 10:00:02

Hàng trăm di dân lậu muốn tìm đường đến Hoa Kỳ đã leo lên một xe lửa chở hàng tại miền nam Mexico vào chiều tối thứ Năm, để được đến biên giới phía bắc nhanh hơn và tránh được sự cản trở của chính quyền Mexico

Hàng trăm di dân đeo bám xe lửa ở Mexico để đi lên phía bắc

IXTEPEC – Hàng trăm di dân lậu muốn tìm đường đến Hoa Kỳ đã leo lên một xe lửa chở hàng tại miền nam Mexico vào chiều tối thứ Năm, để được đến biên giới phía bắc nhanh hơn và tránh được sự cản trở của chính quyền Mexico. Việc các di dân leo lên nóc đoàn xe lửa La Bestia (The Beast – Quái vật) diễn ra sau khi một lượng lớn di dân lậu đào tẩu khỏi trung tâm tạm giữ ở thành phố Tapachula ở phía nam vào chiều thứ Năm. Chính quyền địa phương cho biết khoảng 1,300 người đã trốn thoát, nhưng một số ít người đã quay về lại trung tâm tạm giữ sau đó.

Hàng trăm di dân lậu, nam, nữ, và cả trẻ em, đến từ nhiều nước, đã ngồi trên nóc của đoàn xe lửa chở hàng khi xe lửa rời khỏi thị trấn Arriaga ở bang miền nam Chiapas. Cơ quan di trú ước tính ít nhất 395 người đã đi lậu trên đoàn xe chở hàng này. Một nhóm lớn di dân đã rời khỏi đoàn xe lửa vào ngày thứ Sáu, khi xe lửa chạy đến thành phố Ixtepec. Anh Erick Morazan, 28 tuổi, người Honduras, nói rằng: “Tôi biết di chuyển kiểu này là rất nguy hiểm, nhưng đây là cuộc sống của một di dân.” Tổng Thống Donald Trump trước đó đã đe dọa đóng cửa biên giới với Mexico, nếu Tổng Thống Andres Lopez Obrador không hành động gì để ngăn di dân lậu.

Cảnh sát Sri Lanka truy lùng 140 nghi can có liên hệ với IS

COLOMBO – Vào ngày thứ Sáu, một vụ nổ súng đã xảy ra khi cảnh sát Sri Lanka thực hiện một vụ bố ráp, và lực lượng an ninh vẫn đang truy tìm 140 người được cho là có liên hệ với Nhà Nước Hồi Giáo (IS), tổ chức đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom vào lễ Phục Sinh khiến 253 người thiệt mạng. Những người Hồi giáo tại Sri Lanka đã được khuyên nên cầu nguyện tại nhà, sau khi Cơ quan tình báo quốc gia khuyến cáo rằng có thể sẽ xảy ra các vụ tấn công báo thù.

Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sri Lanka cũng kêu gọi công dân Mỹ nên tránh các nơi thờ phượng, vì nhà chức trách lo ngại có thể sẽ có thêm các vụ tấn công nhắm vào các trung tâm tôn giáo. Tổng giám mục Colombo, Hồng Y Malcolm Ranjith, nói với phóng viên rằng ông đã được xem một hồ sơ nội bộ, khuyến cáo về nguy cơ tấn công mới nhắm vào các nhà thờ, do đó, mọi thánh lễ Công giáo vào Chủ Nhật này sẽ bị hủy bỏ trên toàn bộ đảo quốc Sri Lanka.

Tổng Thống Maithripala Sirisena cho biết nhiều thanh niên trẻ tuổi ở Sri Lanka đã tham gia Nhà Nước Hồi Giáo từ năm 2013, và nhà chức trách đang truy tìm 140 người có liên quan với IS. Gần 10,000 binh sĩ đã được điều động để tìm kiếm nghi can và bảo vệ an ninh cho các cơ sở tôn giáo. Tại miền đông, một vụ nổ súng đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và một nhóm nam giới, trong một chiến dịch bố ráp.
Các nghi can cũng kích nổ bom tự sát gây ra 3 vụ nổ. Nhà chức trách thu giữ nhiều trang phục và cờ mang biểu tượng của IS, 150 kíp nổ, 150,000 bi sắt, thiết bị bay không người lái, và ít nhất một đai bom tương tự với loại được dùng trong loạt tấn công hồi đầu tuần. Cảnh sát Sri Lanka cho tới nay đã bắt giữ ít nhất 76 người, bao gồm cả các công dân Syria và Ai Cập.

Công dân Mỹ được thả sau 5 năm bị giam tại Venezuela

CARACAS – Một công dân Hoa Kỳ, bị bắt trong giai đoạn bạo động ở Venezuela, đã được thả sau khi bị giam suốt 5 năm. Anh Todd Leininger, 37 tuổi, bị bắt vào tháng 4, 2014, về điều mà gia đình anh gọi là những cáo trạng được giàn dựng. Anh Leininger được thả vào ngày thứ Năm. Một viên chức Venezuela gọi vụ phóng thích này là cử chỉ nhằm cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng vụ phóng thích anh Leininger là quá chậm trễ, vì tòa án Venezuela đã ra lệnh thả công dân Mỹ này từ tháng 11 năm ngoái. Chính quyền Venezuela cáo buộc anh Leininger hỗ trợ phe đối lập trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Venezuela hiện vẫn còn giam giữ một số công dân Hoa Kỳ, bao gồm cả 5 giám đốc của hãng dầu Citgo.

Kim Jong-un bất ngờ cắt ngắn chuyến thăm Nga

VLADIVOSTOK – Vào chiều thứ Sáu, đoàn xe lửa bọc thép chở Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un đã rời thành phố cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga để trở về Bình Nhưỡng. Các truyền thông Nga cho hay lịch trình đã được cắt ngắn 4 tiếng rưỡi so với kế hoạch ban đầu, theo yêu cầu của phái đoàn Bắc Hàn. Trước khi lên xe tới nhà ga, ông Kim đã dự tiệc trưa với thống đốc Vladivostok và các thương gia địa phương. Lãnh đạo Bắc Hàn được cho là đã hủy kế hoạch thăm công viên hải dương và xem chương trình biểu diễn nghệ thuật.

An ninh ở thành phố cảng Vladivostok với 500,000 dân được thắt chặt kể từ khi ông Kim Jong-un tới đây hôm thứ Tư. Mọi con đường trong trung tâm thành phố vào ngày thứ Sáu đã bị cấm xe hoàn toàn để phục vụ phái đoàn Bình Nhưỡng. Ông Kim trước đó đã tới đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Vinh quang của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Nga. Lễ đặt vòng hoa diễn ra trễ hơn 2 tiếng so với dự kiến. Vào ngày thứ Năm, sau cuộc hội đàm với Kim Jong-un, Tổng Thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc tháo gỡ những bế tắc nhằm đẩy nhanh quá trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Cảnh sát New Zealand mất mặt vì bị lấy trộm súng

PALMERSON NORTH – Vào ngày thứ Sáu, đội chống tội phạm New Zealand đã lục soát các ngôi nhà ở vùng Palmerston North trên Đảo Bắc, để truy tìm nghi can đánh cắp 11 khẩu súng từ Sở cảnh sát Palmerston North. Nghi can Alan James Harris, 38 tuổi, được cho là đã đột nhập vào sở cảnh sát vào sáng thứ Năm để trộm số vũ khí này. Một cảnh sát đã nhìn thấy Harris trong bãi đậu xe của sở cảnh sát Palmerston North. Nhà chức trách sau đó tìm thấy chiếc xe mà kẻ này dùng để chạy trốn, nhưng vẫn chưa tìm ra số súng bị mất. Harris là người có tiền án và từng nhiều lần chạm mặt cảnh sát.

"11 khẩu súng được cất giữ trong kho tang vật của sở cảnh sát, trong đó có ít nhất 1 khẩu súng trái phép. Đây không phải là vũ khí của cảnh sát mà là vũ khí chuẩn bị đem tiêu hủy,” bà Sarah Stewart, chỉ huy cảnh sát, cho biết. Bà Stewart cho hay vụ trộm súng này khiến lực lượng cảnh sát cảm thấy "rất xấu hổ” và khẳng định điều này lẽ ra không được xảy ra. Bà cam kết lực lượng cảnh sát sẽ không để tình huống tương tự tái diễn và kêu gọi người dân giữ lòng tin vào lực lượng hành pháp. Số súng bị mất là các khẩu súng được người dân New Zeland giao nộp cho cảnh sát, sau khi nước này phê chuẩn đạo luật mới, cấm người dân sở hữu súng trường bán tự động kiểu quân sự, sau vụ thảm sát tại 2 đền thờ Hồi giáo ở Christchuch khiến 50 người thiệt mạng.

Theo luật, người dân New Zealand sẽ phải nộp súng cho cảnh sát địa phương trước ngày 30 tháng 9. Đến lúc này, khoảng 3,000 khẩu súng đã được giao nộp, hoặc được chủ sở hữu thông báo trên mạng để cảnh sát đến thu giữ.

Lũ lụt tại Indonesia khiến hàng trăm người phải di tán

JAKARTA - Cơ quan đối phó thảm họa Indonesia ngày thứ Sáu cho biết, mưa lớn đã trút xuống thủ đô Jakarta, khiến nước sông Ciliwung tràn bờ, gây ngập lụt tại ít nhất 17 khu vực, buộc hàng trăm người dân phải di tản. Nhiều con đường ở khu vực phía đông thành phố bị ngập 1 mét nước. Nhà chức trách đã dùng xuồng cao su để giải cứu những người bị kẹt tại các vùng bị ngập sâu hơn. Cơ quan đối phó thảm họa khuyến cáo mực nước ở một số đập vẫn còn ở mức cao đáng lo ngại, đồng thời kêu gọi người dân đề phòng tình trạng lũ lụt sẽ tiếp tục kéo dài.

Hiện chưa có báo cáo nào về người bị thương hay thiệt mạng. Vào ngày thứ Tư, truyền thông địa phương đưa tin ít nhất 4 người đã chết và 2 người mất tích tại Trung Java sau khi mưa lớn gây lũ quét tại khu vực này. Hồi tháng trước, ít nhất 104 người thiệt mạng và hơn 10,000 người phải di tản sau khi lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở Papua, phía đông Indonesia. Lũ lụt thường xảy ra vào mùa mưa của Indonesia, kéo dài từ tháng 10 hàng năm cho tới tháng 4 năm sau.

Phi công đình công, hàng ngàn hành khách bị ảnh hưởng

ĐAN MẠCH - Phi công của hãng hàng không đa quốc gia Scandinavia (SAS) ở Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch đã đồng loạt đình công vào ngày thứ Sáu, khiến 70% chuyến bay của hãng này bị hủy. SAS cho biết việc phi công đồng loạt đình công tại 3 quốc gia có thể ảnh hưởng khoảng 170,000 hành khách vào cuối tuần này. Trước đó, công đoàn lao động đã kêu gọi 1,500 phi công đình công vào ngày thứ Sáu, nếu SAS không đáp ứng yêu cầu tăng lương cùng những yêu cầu khác, sau khi các cuộc đàm phán trước đó thất bại.

"Cuộc đình công này đã có thể không xảy ra nếu SAS thỏa hiệp với chúng tôi. Thay vào đó, chúng tôi lại thấy SAS quản lý theo lối suy nghĩ rằng nhân viên phải chấp nhận điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ, giờ làm việc thất thường, và sự không an toàn trong công việc,” ông Rene Arpe, chủ tịch công đoàn phi công Đan Mạch, giải thích. Trong thông cáo hôm thứ Sáu, SAS khẳng định họ hy vọng 2 bên quay lại đàm phán để đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt. "Hậu quả của cuộc đình công này là nhiều chuyến bay đường dài, nội địa và châu Âu đã bị hủy. Hàng ngàn hành khách sẽ bị ảnh hưởng" – SAS nói.

SAS khẳng định họ đã chuẩn bị để tiếp tục thương lượng, nhưng nếu các yêu cầu của phi công được đáp ứng, công ty sẽ đối mặt với nhiều hậu quả tồi tệ. Các phi công của SAS tại Thụy Điển yêu cầu được tăng thêm 13% lương, so với mức lương hiện tại là trung bình $9,800 Mỹ kim/tháng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT