Người Việt Khắp Nơi

Hàng ngàn người Mỹ gốc Việt, kể cả con của lính Mỹ, có thể bị trục xuất chiếu theo chính sách của Trump

Monday, 03/09/2018 - 11:19:21

Nhiều người đến khi còn nhỏ tuổi, được đi học, làm việc, đóng thuế, và lập gia đình. Mấy thập niên sau, cuộc sống của họ có thể bị đập tan nát.


Ông Robert Huỳnh trong hình chụp chung với hai bà dì Mable Charles, bên trái, và Bennye Hayes tại  Sulphur Springs, Texas năm 2016.  Cha ông là một lính Mỹ và mẹ ông là người Việt Nam. Ông đến Mỹ năm 14 tuổi theo diện con lai và nay có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, một nơi ông không quen biết ai. (Hình do  Robert Huỳnh cung cấp cho báo Post)

Tựa đề trên đã được chuyển ngữ từ một bài viết đăng trên nhật báo Washington Post vào cuối tháng Tám vừa qua, với tựa là “Thousands of Vietnamese, including offspring of US troops, could be deported under tough Trump policy.” Bài báo đó được tóm lại dưới đây.

Ông Robert Huỳnh là con của một quân nhân Hoa Kỳ mặc dù ông chưa bao giờ gặp mặt cha của ông. Mẹ ông là người Việt Nam, và bà mang thai ông trong thời chiến Việt Nam. Vào năm 1984, chín năm sau khi người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, Robert Huỳnh lúc đó 14 tuổi, đã theo mẹ đến Louisville, tiểu bang Kentucky, cùng với một em trai và một em gái cùng mẹ khác cha. Họ được đến Hoa Kỳ theo diện con lai Mỹ.

Ngày nay ông Robert Huỳnh được 48 tuổi, có một con trai và hai cháu nội trai. Họ sống tại Kentucky. Ông đang có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, một quốc gia mà ông chưa hề trở lại từ ngày rời nơi đó và cũng không có thân bằng quyến thuộc hoặc bạn bè ở đó.

Robert Huỳnh là một trong khoảng 8,000 người gốc Việt đang bị mắc kẹt trong chính sách di trú rất khắc nghiệt của chính phủ Trump. Theo chính sách này, Sở Di Trú Mỹ gia tăng trục xuất những di dân có thẻ xanh nhưng chưa có bằng quốc tịch, và những người này phạm luật Hoa Kỳ.

Gia đình ông Robert Huỳnh đang có những tiệm làm móng. Cá nhân ông từng phạm luật thời ông trên 20 tuổi. Ông từng bị giam gần ba năm vì tội buôn ma túy hóa chất; sau này, ông bị phạt một năm tù treo vì tội lái xe trong lúc say rượu, và ông cũng bị thêm một bản án phạt treo vì tội cùng bạn gái thành lập phòng kéo máy cờ bạc bất hợp pháp ở Texas, nơi ông đang sống tại thành phố Houston.

Robert Huỳnh nhìn nhận rằng ông đã phạm lỗi lầm và muốn bị trừng phạt cho những tội đó, nhưng được làm lại cuộc đời ở đất nước Hoa Kỳ này. Giờ đây ông có thể mất hết mọi quyền lợi ở nước Mỹ.

Ông nói với báo Post qua điện thoại, “Mẹ tôi đã 83 tuổi, và tôi muốn có mặt ở đây khi bà qua đời. Tôi không biết ai ở Việt Nam. Cuộc đời của tôi là ở nước Mỹ này.

Gần 1.3 triệu người Việt Nam đã đến Mỹ từ năm 1975. Hầu hết là người tị nạn mà trong đó có cả những “thuyền nhân” từng được báo chí nhắc tới rất nhiều vào cuối thập niên 1970, khi mà người Việt phải vượt biển rời bỏ chế độ cộng sản để tìm tự do. Họ ra khơi trên những chiếc thuyền thiếu an toàn và chứa đầy người.

Những di dân mới đến được cấp thẻ xanh để sống hợp pháp tại Hoa Kỳ. Thế nhưng có nhiều người như ông Robert Huỳnh. Họ thiếu vốn học thức, khả năng ngôn ngữ, và sự trợ giúp về pháp lý để có thể lấy bằng công dân Hoa Kỳ.

Nhiều người đến khi còn nhỏ tuổi, được đi học, làm việc, đóng thuế, và lập gia đình. Mấy thập niên sau, cuộc sống của họ có thể bị đập tan nát.

Lý do là chính phủ Trump đã xét lại thỏa thuận 2008 mà Cộng Sản Việt Nam đã ký kết với chính phủ George W. Bush. Theo thỏa thuận đó, những người Việt  Nam đến Mỹ trước khi hai quốc gia bình thường hóa ngoại giao vào năm 1995 sẽ không bị xem là đối tượng có thể bị trục xuất. Giờ đây, chính phủ Trump nói rằng bất cứ di dân nào chưa có quốc tịch đều có thể bị trục xuất, nếu họ từng phạm tội tại Hoa Kỳ.

Một số người đã chỉ trích chính phủ Trump không tôn trọng thỏa thuận từng ký năm 2008. Trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nêu ra một điều khoản trong thỏa thuận từng ký với Việt Nam, rằng hai quốc gia được quyền “duy trì quan điểm pháp luật của họ” liên quan đến những di dân từng đến Mỹ trước năm 1995.

Bộ Ngoại Giao cho biết, “Quan điểm của Hoa Kỳ là mỗi quốc gia đều có trách nhiệm luật pháp quốc tế để nhận lại công dân của họ, khi công dân này bị một quốc gia khác trục xuất.”

Theo quan điểm của chính phủ Trump, thỏa thuận năm 2008 không nhằm bảo vệ một thành phần di dân tránh bị đàn áp chính trị khi họ bị đuổi về Việt Nam.

 Theo tiết lộ của một viên chức cao cấp giấu tên nói với nhật báo, chính phủ Trump lý luận rằng thỏa thuận 2008 đã được ký nhận chỉ sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam gặp “bế tắc” và không thể giải quyết vấn đề di dân đến Mỹ trước năm 1995.

Viên chức này nói, “Chúng tôi đã gặp tình trạng là trong nhiều năm Việt Nam không muốn nhận bất cứ một người nào bị trục xuất. Giả thuyết [cho thỏa thuận 2008] là hãy tạo một hệ thống nào đó có thể áp dụng được, để cho Việt Nam có thể đồng ý nhận một số phạm nhân.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT