Bình Luận

Hãng giầy Xero Shoes

Wednesday, 04/09/2019 - 07:12:23

Xero Shoes là hãng giầy của Mỹ -100% Mỹ- chủ nhân là bà Lena Phoenix và chồng -ông Steven Sashen- cư ngụ tại thành phố Broomfield, tiểu bang Colorado.


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Xero Shoes là hãng giầy của Mỹ -100% Mỹ- chủ nhân là bà Lena Phoenix và chồng -ông Steven Sashen- cư ngụ tại thành phố Broomfield, tiểu bang Colorado. Hãng thành lập từ năm 2009, và đang sinh hoạt vững vàng thì gặp nạn tariffs.
Họ ngạc nhiên rồi phản đối vì tổng thống đánh thuế nhập cảng 25% trên chuyến hàng của họ vừa cặp bến.
Có lẽ ông Trump tưởng là hàng Tầu; họ cãi Xero Shoes là hàng Mỹ, do chính họ -những công dân Mỹ 100% vẽ kiểu, cung cấp nguyên liệu, trả lương thầy thợ làm việc trong hãng của họ, nhưng chỉ vì hãng họ lập ra nằm trên đất Tầu, mà tổng thống tưởng giầy Xero Shoes là giầy Tầu, loại hàng phải đóng thuế tariffs nặng nhất trong mọi thứ hàng nhập cảng.


Bà Lena Phoenix và ông Steven Sashen là chủ hãng Xero Shoes, trụ sở ở thành phố Boulder, tiểu bang Colorado. (Getty Images)



Mẫu hàng của hãng Xero Shoes (NY Times)

Vợ chồng dắt nhau đi khiếu nại, nhưng rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận sự thật Xero Shoes là sản phẩm Made in China.
Tổng thống bảo họ, “Đem hãng về Mỹ, mướn thợ Mỹ làm giầy, thì khỏi đóng thuế tariffs.”
Lệnh tổng thống thật giản dị, thật dễ hiểu, nhưng khó tuân hành, vì mỗi đôi giầy cần đến 3 tiếng đồng hồ công thợ mới ráp thành. Mà lương thợ Mỹ đắt hơn lương thợ Tầu đến $16 đồng mỗi tiếng đồng hồ, khiến giá thành của đôi giầy đắt hơn $48, trong lúc giá bán mỗi đôi giầy lại chỉ có từ $49.99 đến $104.95
Thị trường Mỹ là chốn tranh thương ráo riết, không tính từng đồng là khó sống còn, huống chi tăng giá thành lên đến $48 đồng thì chỉ còn có cám mà ăn; vợ chồng bảo nhau “không nghe lời tổng thống được.”
Trước khi cuộc chiến thương mại làm đảo lộn mọi thứ, bà Lena Phoenix ngày đêm băn khoăn tìm cách khai triển thương vụ sản xuất giầy mà hai vợ chồng đã cần cù trong nhiều năm dài để xây dựng những bước khởi đầu ngay trong căn nhà họ ở.

Sau giai đoạn thử nghiệm thành công, là giai đoạn chiết tính giá cả; họ sang Trung Quốc khảo giá, và thấy với giá công nhân Tầu, họ có thể kiếm lời kha khá trên mỗi đôi giầy. Vợ chồng lăn ra xây xưởng, mua máy, mua nguyên liệu, và mướn thợ, huấn luyện thợ nghề may và nghề đóng giầy.
Mọi chuyện hoàn thành mỹ mãn, họ trở về nước, chờ những chuyến hàng đầu tiên về để bước qua giai đoạn doanh thương sản phẩm họ tự tạo ra bằng công sức của hai vợ chồng.
Mọi việc dễ dàng trong giai đoạn 9 năm đầu, như đa số doanh nghiệp sinh hoạt dưới công thức: sản xuất hàng trong xưởng Tầu với giá công nhân rẻ, rồi tiêu thụ hàng trên thị trường Mỹ với giá bán lẻ khá cao.
Bà Phoenix choáng váng với trở ngại thuế nhập khẩu -25% trên giá mỗi đôi giầy- một nửa số tiền lời mà bà ước tính. Bà có thể bán với giá cao hơn? Giải pháp đó đưa Xero Shoes vào chỗ chết rất nhanh chóng, vì không thể cạnh tranh được với những hãng giầy khác, cũng làm ở ngoại quốc. Bà kỳ vọng tung hàng ra với giá thấp hơn để dành thị trường, kỳ vọng đó không còn thực hiện được nữa.
Một vấn đề khác lớn hơn là phải dời xưởng ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc để tránh mức thuế quan quá nặng tổng thống Mỹ dành cho sản phẩm Tầu.

Ông Trump đắc ý với kế hoạch thuế quan của ông, và coi đó như một biện pháp buộc các công ty Mỹ từ bỏ Trung Quốc dời xưởng về nước, mà không buồn hiểu rằng Made in the USA là việc đã lỗi thời - không thể nào làm được, ít nhất cho một số mặt hàng.
Bà Phoenix trách Trump -một người thành công trên thương trường- mà không hiểu bài toán căn bản của mọi doanh nhân là một vốn bốn lãi, rồi ép bà vào chỗ phải sản xuất giầy Made in USA với giá vốn của đôi giầy trên $50 Mỹ kim.
Ông không buồn nghĩ đến câu hỏi: tiền đâu bà chia cho người bán lẻ, trả công cho người làm dịch vụ phụ.
Bà Phoenix kêu trời, “Quả là điên; mọi việc đang xuôi chèo, mát mái thì chính phủ gây chiến tranh thương mại với Tầu, trong lúc thị trường Mỹ vẫn cạnh tranh sống chết từng đồng một.”
Vấn đề không chỉ là bối rối cho riêng bà Phoenix, mà còn là bối rối cho ông Trump nữa; ông đầy thiện chí muốn giải quyết vấn đề thất nghiệp cho người Mỹ, giải quyết bằng cách bảo bà Phoenix “không thích thuế tariffs thì dọn xưởng về Mỹ.”

Xero Shoes dọn về Mỹ, sẽ mướn thợ Mỹ đóng giầy thể thao, Boeing, Ford, GM, và hàng ngàn công nghệ khác rồi cũng phải theo Xero Shoes dọn xưởng về Mỹ, mướn thợ Mỹ đóng máy bay, ráp xe hơi, làm điện thoại di động, sinh hoạt kinh tế sẽ rộn ràng, nhộn nhịp. Thất nghiệp sẽ là chuyện hoang đường, là tác phẩm của những vị tổng thống không tài giỏi như Trump.
Đầy thiện chí, vô cùng yêu nước, nhưng Trump chỉ vụng tính có một điểm: giá thành của một đôi giầy thể thao Xero Shoes.

Chuyên gia thị trường thế giới Chad P. Bown của tổ chức Peterson Institute bảo Trump, “Hai công nghệ đóng giầy và may mặc không bao giờ trở về Mỹ được vì đó là nghề tay chân, cần nhiều nhân công, và nhân công Mỹ rất đắt, khiến giá thành của giầy và quần áo quá cao, kể cả trong thị trường mắc mỏ của Mỹ.”
Trump chỉ còn có 15 tháng nữa; khoảng thời gian đó có đủ để ông học bài học kinh tế sơ đẳng này không?

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT