Thế Giới

Hạn hán đe dọa đàn hồng hạc non tại Nam Phi

Friday, 01/02/2019 - 09:42:15

Dù là nơi có số lượng hồng hạc nhiều nhất tại miền nam châu Phi, đập Kamfers, nằm ở phía bắc Kimberley, lại khô hạn thường xuyên và phụ thuộc chủ yếu vào nước mưa.

CAPE TOWN – Các nhà bảo tồn đang chuyển hàng trăm con hồng hạc Lesser Flamingo non từ nơi sinh trưởng của chúng – một đập nước đang bị hạn hán tại Nam Phi – tới khu bảo tồn chim ở Cape Town, để cứu chúng khỏi cái chết vì đói và thiếu nước. Vào thứ Tư, các tình nguyện viên tại Quỹ bảo tồn các loài chim ven biển (SANCCOB) ở Nam Phi vẫn đang chăm sóc đàn hồng hạc non, và cho chúng ăn một hỗn hợp làm từ trứng, bột ngũ cốc, và tôm nghiền nhỏ.
Nơi sinh của chúng, đập Kamfers ở Northern Cape, là 1 trong 3 nơi sinh sản duy nhất của loài hồng hạc tại miền nam châu Phi, hai nơi còn lại ở Namibia và Botswana, theo giám đốc nghiên cứu của SANCCOB, Katta Ludynia. Các con hồng hạc non được cứu sẽ cần từ 3 đến 4 tháng để trưởng thành, và hiện chưa rõ liệu chúng sau này sẽ được thả vào môi trường tự nhiên ở Cape Town, hay được vận chuyển qua hàng trăm cây số để quay về nhà ở Kimberley.
Bà Ludynia cho biết khu bảo tồn đang chăm sóc khoảng 550 con hồng hạc non, hầu hết chúng đều bị mất nước khi mới được đến đây vào thứ Hai, sau khi chúng bị cha mẹ bỏ rơi để đi tìm thức ăn. Đàn hồng hạc đang được chuyển đến khu bảo tồn bằng máy bay và đường bộ. SANCCOB là một trong một số trung tâm trên khắp Nam Phi chăm sóc khoảng 2,000 con hồng hạc non được giải cứu khỏi con đập. Dù là nơi có số lượng hồng hạc nhiều nhất tại miền nam châu Phi, đập Kamfers, nằm ở phía bắc Kimberley, lại khô hạn thường xuyên và phụ thuộc chủ yếu vào nước mưa.

Nga thu hồi tranh quý bị trộm
MOSCOW – Vào thứ Tư, cảnh sát Nga đã trả lại bức tranh quý, bị đánh cắp “một cách táo bạo” vào cuối tuần qua, cho những người sở hữu hợp pháp. Bức tranh đã bị đánh cắp ngay giữa ban ngày từ phòng triển lãm Moscow Tretyakov vào Chủ Nhật, khi tên trộm đánh lừa các vị khách bằng cách giả dạng làm nhân viên phòng triển lãm. Cơ quan điều tra hình sự Moscow hôm thứ Hai cho biết đã bắt giữ một nghi can 31 tuổi và lấy lại tác phẩm bị mất. Nghi can cho đến nay vẫn không nhận tội.
Hiện tại, bức tranh sẽ được trả lại cho viện bảo tàng Nga ở St. Petersburg, nơi nó sẽ được trưng bày vĩnh viễn. Giám đốc bảo tàng Nga, ông Vladimir Gusev, đã đích thân đóng gói bức tranh quý với sự giúp đỡ của một cảnh sát trong buổi lễ trao trả. Bức tranh là tác phẩm của họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh Arkhip Kuindzhi, vẽ cảnh một ngọn núi ở Crimea. Hoàn thành vào năm 1908 ngay trước khi ông Kuindzhi qua đời, bức tranh được định giá khoảng $1 triệu Mỹ kim.

Sầu riêng giá $1,000 Mỹ kim mỗi trái ở Indonesia
INDONESIA - Giống sầu riêng có tên “J-Queen” đang được bán trong một cửa hàng tại Tasikmalaya, Tây Java với mức giá đến 14 triệu ruipah mỗi trái, tương đương $994 Mỹ kim. Trái sầu riêng này được quảng cáo là có mùi thơm như bơ đậu phộng. Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm của người dân Indonesia là $3,847 Mỹ kim, theo số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2017. Như vậy, giá của mỗi trái sầu riêng “J-Queen” cao hơn 3 tháng lương trung bình của người Indonesia.
Thông tin về giống sầu riêng mới với mức giá “khó tuởng tượng” đã nhanh chóng lan rộng tại Indonesia. Nhiều người chế giễu mức giá gần $1,000 Mỹ kim trên mạng xã hội, trong khi nhiều người khác đổ xô đến cửa hàng để chụp hình với sầu riêng “J-Queen.” Người tạo ra trái sầu riêng “J-Queen” là Aka, một nhà tâm lý học người Indonesia 32 tuổi. Ông cho biết đã tạo ra giống sầu riêng đặc biệt này bằng cách lai tạo 2 giống sầu riêng ngon có sẵn trồng ở những vùng khác nhau trên Indonesia.
Theo ông Aka, cây sầu riêng “J-Queen” ba năm mới ra trái một lần, trái của nó hình tròn và có mùi thơm giống mùi bơ đậu phộng. “Dự định của tôi là giúp tăng thu nhập của nông dân bằng cách tạo ra giống sầu riêng ưu việt,” ông Aka nói. Người đàn ông 32 tuổi này sở hữu nhiều nông trại tại Java. Tuy nhiên những người nông dân ở Java cho biết, họ chưa bao giờ nghe đến giống sầu riêng kỳ lạ này. Theo họ, các loại sầu riêng quý hiếm và ngon nhất ở Indonesia, là Montong và Kumbokarno, thông thường cũng chỉ bán với giá khoảng $14 Mỹ kim mỗi trái. Theo truyền thông Indonesia, hai trái sầu riêng “J-Queen” đã được bán kể từ khi được giới thiệu trong cửa hàng ở Tasikmalaya.

Băng tan để lộ vùng đất chưa từng thấy trong 40,000 năm
CANADA - Khu vực Bắc Cực thuộc Canada đang phải đối mặt với giai đoạn nóng nhất trong 115,000 năm qua, để lộ những điều các nhà khoa học chưa từng thấy qua. “Đây không phải chỉ là một vài sinh vật cổ xưa,” nhà nghiên cứu Simon Pendleton đến từ Đại học Colorado Boulder nói. “Cả một vùng đất cổ đã lộ diện trên đảo Baffin.” Các nhà khoa học tìm thấy nhiều mẫu thực vật vẫn còn ở nguyên tại nơi chúng bị đóng băng đến chết từ hàng chục ngàn năm trước. Bằng phương pháp tính đồng vị carbon, các nhà nghiên cứu phát hiện thực vật ở đây đã tồn tại dưới lớp băng ít nhất 40,000 năm.
Khu vực này vốn là nơi băng giá quanh năm, cao hơn mặt nước biển hàng trăm mét. Băng tan vì khí hậu ấm lên để lộ cả một thảm thực vật cổ xưa. So sánh với các mẫu thực vật ngày nay, nhóm nghiên cứu không nhận thấy có nhiều sự khác biệt, ông Pendleton nói. Dựa trên tuổi thọ của thực vật, dữ liệu về nhiệt độ, các nhà khoa học nhận thấy đây là quãng thời gian nóng nhất trong 115,000 năm qua ở khu vực này. “Xu hướng này vẫn còn tiếp diễn và chỉ vài trăm năm nữa, toàn bộ băng giá ở Baffin sẽ tan chảy hết,” nhà nghiên cứu cho biết.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT