Bình Luận

Hai quốc gia thân hữu mới của Hoa Kỳ

Wednesday, 06/09/2017 - 08:14:19

Hội trường với sức chứa trên 2,000 người đã chật cứng nên khá đông Phật tử phải đứng phía ngoài tham dự giữa nhiệt độ khoảng 100 độ F. Điều hợp buổi lễ có nhà báo Thái Tú Hạp, nữ sĩ Ái Cầm, cô Minh Phượng và cô Tuyết Nha của đài IBC.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Hai, 4 tháng 9, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp theo lời yêu cầu của Hoa Kỳ và bốn quốc gia thân hữu cũ, Anh, Pháp, Nhật và Nam Hàn; trong phiên họp đó bà Nikki Haley -Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiện Quốc- yêu cầu Hội Đồng Bảo An (HĐBA) nhanh chóng quyết định một biện pháp trừng phạt Bắc Hàn đủ mạnh về vụ thử nghiệm nguyên tử lần thứ 6; lần này mạnh hơn những lần trước rất nhiều.

Hai quốc gia thân hữu mới của Hoa Kỳ -Nga và Trung Cộng- bác bỏ đề nghị Mỹ, và đòi Mỹ trở lại bàn thương thuyết với Bắc Hàn, tiếp nối cuộc thảo luận dài đã 32 năm, tính từ phiên họp đầu tiên - ngày 12 tháng Chạp 1985.


Bà đại sứ Mỹ tại LHQ được đại sứ Anh và Nam Hàn yểm trợ

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (United Nations Security Council) là cơ quan chính trị quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm về việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, và hoạt động thường xuyên. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì bắt buộc các nước hội viên LHQ phải thi hành. Hội Đồng Bảo An không phục tùng Đại Hội Đồng LHQ.

Mặt khác, mọi nghị quyết của Hội Đồng Bảo An chỉ được thông qua với sự nhất trí của toàn bộ năm nước thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc; năm siêu cường này có quyền phủ quyết, do đó chỉ cần một trong năm siêu cường dùng quyền phủ quyết bác bỏ cũng đủ khiến nghị quyết liên hệ bị loại.
Nghị quyết bà Haley đề xướng là cắt nguồn cung cấp nhiên liệu cho Bắc Hàn để làm tê liệt mọi xê dịch quân sự; nghị quyết vô cùng chính xác đó không thực hiện được, vì cả hai nước thân hữu mới của Hoa Kỳ -Nga và Trung Quốc- đều không đồng ý.


Đồng sàn, dị mộng

Một lý do khác nữa khiến nghị quyết của Hoa Kỳ bị loại bỏ là nguồn cung cấp nhiên liệu duy nhất cho Bắc Hàn lại chính là Trung Cộng.

Tổng Thống Donald Trump tuyên bố Chủ Tịch Tập Cận Bình có thiện chí giúp đỡ Hoa Kỳ, nhưng kết quả không tương xứng với nỗ lực; dư luận thế giới nhận xét ngược lại: họ cho là Trung Cộng đang nuôi và sử dụng Kim Jong-un trong vai trò “con chốt sang sông” để không bao giờ lui, chỉ biết nhắm mắt tiến tới, nhắm mắt đánh phá, để tạo tiện nghi cho Trung Cộng -quốc gia đang tranh giành ảnh hưởng chính trị với Mỹ tại Đông Á.

Ngoài đề nghị cắt nhiên liệu, bà Haley còn viết nhiều biện pháp trừng phạt khác trong bản nghị quyết của Mỹ, mà Hội Đồng Bảo An đang thảo luận và, thứ Hai tuần sau, 11 tháng 9, sẽ bỏ phiếu thông qua hay bác bỏ.

Không ai chờ đợi HĐBA thông qua nghị quyết của Hoa Kỳ, vì Nga và Trung Cộng -hai siêu cường có quyền phủ quyết- đang chủ trương đòi Mỹ ngồi vào bàn thương nghị với Bắc Hàn.

Hoa Kỳ và nhiều thành viên LHQ khác -những quốc gia từng tham dự thương thuyết với Bắc Hàn, và cũng từng nhiều lần cung cấp những tiện nghi sinh hoạt cho Bắc Hàn để đánh đổi việc Bắc Hàn ngưng thí nghiệm nguyên tử- đang chán ngán bó tay.

Họ biết, những nhượng bộ đó chỉ giúp Bắc Hàn thời gian và phương tiện để thử nghiệm thêm vũ khí nguyên tử, ngoài sáu quả bom đã thử -từ quả bom nguyên tử nhỏ xíu -nửa kí lô tấn, đến bom khinh khí 120 kí lô tấn.


Thử nghiệm sáu quả bom, từ nguyên tử, đến khinh khí

Bình tâm nhận định, mọi người đều thấy rõ là Nga và Trung Cộng không có ý định giải quyết vấn đề Bắc Hàn; họ chỉ ầu ơ phụ họa, rồi bàn ra để mua thời gian, giúp Bắc Hàn có thêm thời gian cần thiết để hoàn chỉnh dàn hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) còn chưa đủ tinh vi.

Ngày nào ICBM của Bắc Hàn có tầm bắn đủ xa, và đủ chính xác để lựa chọn rót vào - hoặc căn cứ không quân Guam để tấn công lực lượng không quân chiến lược của Hoa Kỳ tại đó - hoặc Bạch Cung, nơi có văn phòng làm việc của tổng thống Mỹ, thì trọng trách “ầu ơ, mua thời gian” của Nga và Trung Cộng không còn cần thiết nữa.

Kim Jong-un sẽ mời Trump qua thăm Bình Nhưỡng, đem theo cả cái khí thế “Mỹ lãnh đạo thế giới” để chôn trên vĩ tuyến 38, trước khi hồi hương 30,000 quân Mỹ đang trú đóng tại Nam Hàn.

Có thể Trump cũng không muốn ngồi đối diện với Kim Jong-un, và không muốn nhường địa vị lãnh đạo thế giới cho Tập Cận Bình; ông đang tìm cách võ trang cho Nam Hàn và Nhật, để hai quốc gia nhỏ này đối phó với Bắc Hàn.

Hôm thứ Ba, 5 tháng 9, ông Trump loan báo bằng Twitter, "Tôi đang cho phép Nhật và Bắc Hàn mua một số lượng lớn vũ khí tối tân của Mỹ."

Ông “cho phép” hai nước đó mua vũ khí Mỹ để đánh giặc cho Mỹ; là một doanh nhân làm giàu bằng cách buôn bán và bằng cách không đóng thuế, nên Tổng Thống Trump không thích động từ “viện trợ,” ông bắt Nhật và Nam Hàn “mua” vũ khí của Mỹ, cũng như ông đòi các nước Liên Âu trả nợ Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ đã phải chi phí quốc phòng để bảo vệ họ.

Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe hưởng ứng bằng cách tỏ ý muốn mua dàn hỏa tiễn chống hỏa tiễn Aegis Ashore để chống hỏa tiễn Bắc Hàn đã hai lần bắn qua không phận Nhật; nhưng Tổng Thống Nam Hàn lại lưỡng lự.


Hỏa tiễn chống hỏa tiễn Aegis Ashore

Trong chuyến thăm viếng Trung Quốc hôm thứ Ba, Tổng Thống Nga Vladimir Putin nói với phóng viên truyền thông, "Trong tình trạng bối rối này mà còn khuấy động hoảng loạn quân sự thì quả là thiếu ý thức. Hướng đi đó không đưa tới đâu hết." Câu nói đó, được nói trên đất Trung Quốc gợi lên hình ảnh nhất trí của khối cộng sản chống Mỹ ngày xưa.
Hôm sau, trong lúc tham dự Hội Nghị Kinh Tế Thượng Đỉnh tại Vladivostok -một thành phố cực Đông của Nga- Putin gặp riêng Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in- rồi sau đó tuyên bố với truyền thông, "Những hoạt động nguyên tử của Bắc Hàn vi phạm trầm trọng quy điều ngăn cấm phổ biến nguyên tử và đe dọa nền an ninh vùng Đông Bắc Á; tuy nhiên giải pháp để gỡ rối tình hình, lại không chỉ giới hạn vào việc uy hiếp và trừng phạt."
Putin gặp riêng Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in; ông này cho truyền thông biết là, "Tổng thống Nga và tôi đồng ý là phải cấp tốc giải quyết tình trạng căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên."



Moon Jae-in và Vladimir Putin thảo luận về cuộc khủng hoảng nguyên tử Bắc Hàn ngày thứ Tư, 9 tháng 6, tại Vladivostok, Nga.

Việc tổng thống Nam Hàn đồng ý với tổng thống Nga về đường lối giải quyết cuộc khủng hoảng nguyên tử có làm vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ có bị sứt mẻ chút nào không? Và hai quốc gia thân hữu mới của Hoa Kỳ -Nga, Tầu- có trách nhiệm tí nào trong sự sứt mẻ đó không? Nếu quả là có sứt mẻ.
Dù sao thì, trên vòm trời chính trị quốc tế, Nam Hàn cũng vẫn là tùy tinh của Mỹ từ 70 năm nay.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT