Hoa Kỳ

Hai phụ nữ Mỹ được cứu sống sau năm tháng trôi dạt ở Thái Bình Dương

Friday, 27/10/2017 - 08:46:17

Đôi khi họ nhìn thấy những chiếc tàu thương mại ở đằng xa, nhưng những chiếc tàu đó không bao giờ hồi đáp những tín hiệu lâm nạn của họ, hoặc trái sáng mà họ bắn lên trời.

 


Thuyền Trưởng Gary Wise đã đón chào bà Jennifer Appel lên chiến hạm USS Ashland (LSD 48). (US Navy)

HAWAII - Thay vì đến đảo Tahiti ở phía nam của Hawaii, chiếc thuyền buồm của hai phụ nữ Mỹ đã trôi dạt về hướng tây trong suốt năm tháng, và cuối cùng được cứu vớt trong hải phận Nhật Bản cách xa Hawaii hàng ngàn dặm.

Trong thời gian bị trôi giạt ở Thái Bình Dương, hai phụ nữ từng bị cá mập tấn công trong hai ngày, trải qua mấy trận bão lớn, trước khi được một chiếc tàu chiến của Hải Quân Hoa Kỳ giải cứu ở một nơi cách xa Tahiti gần 5,000 dặm.


Bà Jennifer Appel (trái) và cô Natasha Fuiava trên tàu chiến của Mỹ ngày thứ Năm, 26 tháng 10, 2017. (US Navy)

Trên chiến hạm USS Ashland giữa Thái Bình Dương, vào đêm thứ Năm, bà Jennifer Appel và cô Natasha "Tasha" Fuiava đã kể lại những kinh nghiệm gian nan của họ với các phóng viên qua điện thoại.
Chuyện phiêu lưu ly kỳ của hai bà này bắt đầu vào ngày 3 tháng Năm. Bà Jennifer Appel là một thủy thủ giàu kinh nghiệm với thuyền buồm, và cô Fuiva là người mới tập sự lái thuyền. Họ đã giương buồm từ Honolulu trên chiếc thuyền mang tên "Sea Nymph" dài 15 mét nhắm hướng Tahiti, cách 2,600 dặm về phía nam. Trên tàu còn có hai con chó "trai" của bà Appel, là Valentine và Zeus.

Chuyến hải hành mới bắt đầu chưa được bao lâu, thì họ phát giác có sự trục trặc trên cột buồm ảnh hưởng đến chuyến đi và hạn chế tốc độ thuyền chạy ở mức từ 4 tới 5 hải lý một giờ.

Ngay sau đó, họ bị một trận bão lớn với những cơn gió cuồng bạo và những đợt sóng cao gần 8 mét đánh vào chiếc thuyền buồm trong hai ngày liền.

Trận bão đã khiến cho động cơ bị ngập nước, nhưng họ vẫn cố gắng lái thuyền hướng tới Tahiti, để rồi bị trôi dạt về phía tây trên biển Thái Bình Dương.

Cuộc hành trình bắt đầu như vậy, kéo dài năm tháng băng qua Thái Bình Dương, mà trong đó có nhiều ngày họ bị buồn nản, tự suy ngẫm về cuộc đời, và đôi lúc cảm thấy kinh khiếp giữa đại dương mênh mông không một bóng người.

Hai bà đã chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến đi xa, nên chiếc thuyền buồm được chất đầy đủ thực phẩm dùng trong một năm. Họ từng đọc được đề nghị chất thực phẩm như vậy trong một cuốn sách. Chiếc thuyền buồm cũng được trang bị mấy bộ máy lọc nước mặn, giúp họ vượt qua được cuộc thử thách trên đại dương.
Bà Appel nói với đài ABC tại Hoa Kỳ rằng mặc dù được ăn uống đầy đủ, kinh nghiệm này đã "gây ra nhiều buồn nản và cảm giác bất lực." Bà nhận thấy rằng lúc bị thất lạc thì "chúng tôi làm những gì bạn có thể làm với những gì mình có, chúng tôi không có lựa chọn nào khác." Còn cô Faiuva thì nói, "Chúng tôi còn sống, được ăn no, có nước uống, hai con chó vui vẻ, và được chia sẻ tình thương, có những buổi bình minh và hoàng hôn khác nhau mỗi ngày."

Bà Appel nói thêm, "Chúng tôi đã có mặt vì một lý do, vì vậy chúng tôi dùng thời giờ để làm điều gì lợi ích."
Thế nhưng cả hai bà cũng nhìn nhận rằng có những ngày họ hoàn toàn thất vọng, cảm tưởng họ sẽ không bao giờ được tìm thấy.

Bà Appel nói, "Với sự khiêm tốn thật sự, có lúc chúng tôi tự hỏi rằng hôm nay có phải là ngày cuối cùng của đời mình hay không? Phải chăng đêm nay là đêm cuối cùng?"

Ngoài việc phải gánh chịu thêm hai cơn bão, bà Appel kể, "Chúng tôi đã sống sót qua hai vụ tấn công khác nhau của cá mập, và với cả hai vụ chúng tôi nghĩ rằng thế là tàn đời, và rất khủng khiếp."
Một đêm nọ, một bầy gồm bảy con cá mập, trong đó có năm con đã lớn, dài từ 6 mét đến 9 mét, cùng với hai con cá mập nhỏ, nhiều lần quật đuôi vào thân tàu.

Bà Jennifer Appel phỏng đoán rằng những cá mập lớn đang dạy mấy con cá mập nhỏ cách thức tấn công.
Đến sáng hôm sau, năm con cá heo xuất hiện dọc theo chiếc thuyền như "để chào hỏi" và, theo họ nghĩ, để xác định xem họ còn sống hay không. Sai đó mấy con cá heo bơi cách chiếc thuyền 200 mét, nơi chúng nhập bọn với từ 60 đến 70 con cá heo dường như "mở đại hội chơi bên cạnh chiếc thuyền của chúng tôi."
Qua đêm hôm sau một con cá mập hoa có vẻ như "nổi cáu" đã đến và đập vào thuyền. Cô Fuiava cho biết chiếc thuyền bị đánh nghiêng ngả như bị động đất, ở một nơi hẻo lánh xa xôi không có ai giúp đỡ, và họ có thể "trở thành mồi cho cá mập."

Đôi khi họ nhìn thấy những chiếc tàu thương mại ở đằng xa, nhưng những chiếc tàu đó không bao giờ hồi đáp những tín hiệu lâm nạn của họ, hoặc trái sáng mà họ bắn lên trời.

Cuối cùng vào ngày thứ Ba vừa qua, 24 tháng 10, 2017 họ được phát hiện bởi một chiếc tàu đánh cá Đài Loan, ở cách Nhật Bản 900 dặm, tức cách 5,000 dặm từ nơi họ muốn đi thuyền buồm.

Thủy thủ đoàn Đài Loan đã tìm cách giúp chiếc thuyền buồm, nhưng càng làm cho nó bị hư hại thêm nữa. Cuối cùng bà Appel nhờ các thủy thủ Đài Loan dùng máy truyền tin của họ, và nhờ đó cuối cùng họ được một chiếc tàu Hải Quân Hoa Kỳ đến cứu.

Bà Appel mô tả cảm xúc khi nhìn thấy các thủy thủ Mỹ chạy tới phía chiếc Sea Nymph. "Tạ ơn Trời, chúng tôi đang được giải cứu. Tôi chảy nước mắt khi tôi nói điều này, hết sức xúc động và mãn nguyện, khi biết rằng những người nam và nữ phục vụ đất nước của chúng ta sẽ đến và cứu giúp chúng tôi. Ấn tượng quá mạnh, khiến cho người ta cảm thấy mình nhỏ bé."

Hiện nay chiếc thuyền buồm đang trôi dạt ở Thái Bình Dương. Hai phụ nữ hy vọng đến một ngày nào đó, họ mang được chiếc thuyền trở về.

Khi được hỏi có muốn thực hiện một chuyến đi trên đại dương nữa không, bà Appel nói, "Đến lúc nào đó thì người ta cũng phải chết thôi. Thế nên bạn hãy làm một điều gì đó mà bạn thấy vui khi làm, đúng không?"

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT