Bình Luận

Hai nửa của tội ác

Monday, 25/12/2017 - 10:20:37

Lloyd không cho cô Jane Doe đi làm, đi học, mà bắt cô phải đau khổ, nhục nhã sinh nở, phải bận rộn, nghèo khó nuôi dưỡng đứa con mà cô không hề muốn có, phải trọn đời đầu tắt mặt tối trong cảnh túng thiếu, bần hàn.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Một thiếu nữ 17 tuổi đang bị giam về tội vượt biên vào lãnh thổ Hoa Kỳ; truyền thông Mỹ gọi cô là Jane Doe, để che dấu căn cước cho cô, vì cô còn trong tuổi vị thành niên.

Gái 17, bẻ gẫy sừng trâu là câu tục ngữ Việt Nam mô tả sự trưởng thành cơ thể của các cô thiếu nữ 17, mới lớn -nhưng chỉ lớn xác, chứ chưa đủ trưởng thành, chưa đủ khôn ngoan để tự quyết định, nhất là quyết định về chuyện giao cấu. Tiếng Việt gọi đùa các cô là con gái ông chánh án, có nghĩa là các cô được pháp luật bảo vệ chống những cuộc tấn công tình dục.

Người đàn ông làm tình với các cô vị thành niên -dưới 17 tuổi- không thể tự bào chữa là họ được sự đồng ý của người bạn tình; ra trước tòa họ vẫn bị truy tố vào tội hiếp dâm, vì các cô chưa đủ trưởng thành để quyết định “cho” hay “không cho.”

Cô Jane Doe này đến từ Trung hoặc Nam Mỹ, nhiều chỗ tại những quốc gia đó, pháp luật không mạnh bằng vũ lực, thế lực, và quyền lực, nên việc cô bị cưỡng hiếp là chuyện có thể thực sự xảy ra, chứ không vì lý luận theo tuổi tác.

Cô khai là cô bị hiếp dâm trên đường tị nạn, rời bỏ quê hương để trốn vào lãnh thổ Mỹ; điều này khiến người bàng quang còn phải chấp nhận cả giả thuyết cô có thể bị hiếp dâm trên lãnh thổ Mỹ.
Tuổi 17 khiến cô bị giam vào phòng “thiếu nhi phạm pháp”; để chua chát nhận thức được là mặc dù còn bị liệt vào tuổi thiếu nhi, nhưng cô sắp là mẹ của thiếu nhi, cái thai trong bụng cô đã được 15 tuần. Cô xin phá thai.
Viên chức cứu xét đơn xin phá thai của cô là ông Scott Lloyd -giám đốc ORR (Office of Refugee Resettlement -Văn phòng định cư người tị nạn), chức vụ của ông trong bộ Y Tế Xã Hội; trong giới hạn quyền lực của ông có cả khám đường đang giam giữ cô thai phụ 17, nạn nhân bị hiếp dâm.

Tạp chí Business Insider tìm hiểu và viết, “Ông Lloyd thận trọng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để yên tâm là cô Jane Doe không tiếp xúc được với những phòng mạch chuyên phá thai.

Tổ chức ACLU (American Civil Liberties Union-Hiệp Hội Nhân Quyền Hoa Kỳ) giúp Jane Doe khẩn cấp đưa vấn đề ra tòa, để xin một bản án cho phép cô phá thai -không phải sinh ra đứa trẻ mà cô không mong muốn.

Ông Lloyd cho phóng viên Business Insider biết ông đang tìm cách “giúp” cô thai phụ 17 tiếp xúc với giới chức tôn giáo để được giải thích những nguyên do tâm linh hướng dẫn thai phụ tránh phá thai và nuôi dưỡng chăm sóc đứa trẻ mà thai phụ có bổn phận nuôi dưỡng, dù có phải trả giá bằng nguyên cả cuộc sống của mình.

Lloyd thành tín, hăng say trong sứ mạng chống phá thai đến mức truyền thông đặt cho ông cái bí danh là antiabortion crusader (chiến sĩ Thập Tự Chinh chống phá thai); ông không chỉ chống phá thai bằng những đạo luật mà chính quyền cho phép ông sử dụng -mà còn chống phá thai bằng toàn bộ đức tin mà tôn giáo đã truyền giảng, giáo dục, dưỡng nuôi tâm linh ông.
 

ÔngScott Lloyd-một viên chức vô cùng đạo đức

Vấn đề hiếp dâm người tị nạn mỗi ngày một tệ hại hơn, khiến tiểu ban Tư Pháp Đặc Trách Di Dân và Biên Phòng của Hạ Viện (House Judiciarys Subcommittee on Immigration and Border Security) phải mở điều trần về việc 60% phụ nữ bị hiếp dâm trong lúc vượt biên vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ông Lloyd bị cật vấn về kiến thức y khoa của ông; nhiều thành viên quốc hội cho là ông không đủ hiểu biết khoa học để quyết định về việc không cho cô Jane Doe phá thai. Họ không quan tâm đến góc cạnh luân lý của vấn đề.

Biện hộ cho Jane Doe trong phiên tòa ngày 26 tháng 10, 2017, nữ luật sư Brigitte Amiri, chỉ trích chính sách cấm phá thai của chính phủ là vô cảm, vi hiến, tàn nhẫn và quá đáng đối với phụ nữ tị nạn. Bà chánh án Patricia Millett tuyên án bằng cách viết ra bản án, “rất may, hôm nay tòa kịp sửa lại một điều chính phủ làm sai -quyết định sai về số phận của một đứa trẻ; đứa trẻ đó đang sống một mình ở ngoại quốc. Nó đi tìm một cuộc sống an toàn, rồi bị chính phủ Mỹ bắt nhốt, rồi trong cảnh tù tội đó, khám phá ra là mình có thai. Bất chấp Hiến Pháp, Bộ Tư Pháp từ chối không cho nó phá thai. Hôm nay tòa quyết định phục hồi nhân phẩm cho đứa bé, trả lại nó lòng tự tin, và quyền quyết định cuộc đời của chính nó."


Nữ luật sư Brigitte Amiri


Và nữ thẩm phán Patricia Millett

Hành động quá đáng của ông Lloyd còn khiến quý vị Dân Biểu Zoe Lofgren, Beto, và quý vị Nghị Sĩ Patty Murray, Diane Feinstein, Richard Blumenthal, Bob Menendez, cùng với trên 100 tổ chức xã hội, chính trị gửi kiến nghị đòi Bộ Y Tế, Xã Hội không để ông Lloyd can thiệp vào vấn đề phá thai của những phụ nữ tị nạn, bị hiếp dâm trong lúc vượt biên.

Từ vài chục năm nay, xã hội Mỹ đã chia đôi vì vấn đề phá thai; phe chống phá thai tự xưng là phe “Pro-Life” (thượng tôn sinh mạng), bảo vệ mạng sống của đứa bé chưa thành hình; phe này chống phá thai, chống cả ngừa thai nữa, dù khi uống thuốc ngừa thai người đàn bà không giết một mầm sống nào trong cơ thể của bà ta cả.

Đa số phụ nữ chủ trương thuyết “Pro-Choice” -tôn trọng quyền lựa chọn -phá hay dưỡng- của thai phụ. Dù bênh vực phe “Pro-Life,” cho là họ có thể nhân danh đạo đức chống việc phá thai trên nguyên tắc, và trong những trường hợp thụ thai bình thường; nhưng trong trường hợp mang thai vì bị cưỡng dâm như cô Jane Doe, thì hành động cấm đoán của ông Lloyd quả là quá đáng, độc ác, và vô cảm.
Phụ nữ Mỹ, không bị cưỡng dâm, nhưng vẫn thông cảm nhu cầu phá thai vô cùng hợp lý của cô Jane Doe; họ xuống đường, tự xưng “tôi là Jane Doe đây,” bênh vực cô thiếu nữ xấu số.


Phụ nữ Mỹ xuống đường đòi quyền phá thai cho cô Jane Doe

Gần nửa thế kỷ trước, bao nhiêu phụ nữ Việt Nam đã bị hiếp dâm trên đường tị nạn! Chúng ta nuốt mọi cay đắng, mọi buồn khổ để xây dựng một “nước” Việt Nam Hải Ngoại tự do và hùng mạnh ngày hôm nay.

Chúng ta thành công nhờ nghị lực, nhờ can đảm phấn đấu chống mọi nghịch cảnh, nhưng cũng phải nhìn nhận là chúng ta còn nhờ may mắn nữa: may mắn được xã hội Mỹ niềm nở mở cửa đón nhận.

So với thái độ đóng cửa, xua đuổi, giam cầm, như người tị nạn đến lãnh thổ Hoa Kỳ đang phải gánh chịu, thì chúng ta may mắn hơn rất nhiều -chúng ta chỉ là nạn nhân của một nửa tội ác: cái nửa đó là Việt Cộng, và hải tặc Thái.

Hôm nay, cái nửa thứ nhất của tội ác cũng vẫn còn là những tên hiếp dâm phục kích trên đường tị nạn, hãm hiếp 60% phụ nữ tị nạn; nửa thứ nhì là những nhà đạo đức kiểu Scott Lloyd, với quyền lực trong tay quyết định duy trì, kéo dài cái khổ của nạn nhân bị hiếp dâm cho đến mãn kiếp.

Lloyd không cho cô Jane Doe đi làm, đi học, mà bắt cô phải đau khổ, nhục nhã sinh nở, phải bận rộn, nghèo khó nuôi dưỡng đứa con mà cô không hề muốn có, phải trọn đời đầu tắt mặt tối trong cảnh túng thiếu, bần hàn.

Luật pháp và dư luận Hoa Kỳ không cho Lloyd thi hành toàn bộ ác ý của ông ta, nên cô Jane Doe đã được phá thai; nhưng phá thai rồi, cô vẫn phải rời khỏi lãnh thổ Mỹ, vì đó là lệnh của tổng thống.
Trở về làng cũ, với cuộc sống tối tăm nghèo nàn mà cô đã bỏ chạy, nhưng chạy không thoát, chắc chắn cô Jane Doe phải vô cùng buồn khổ trước nhiều mất mát. Nhưng cô sẽ mừng nếu cô nhận ra là cô còn có thể mất mát nhiều hơn nữa, khổ sở nhiều hơn nữa, nếu cô gặp thêm cái nửa thứ nhì của tội ác trên lãnh thổ Hoa Kỳ: ông giám đốc Lloyd và quyền thực hiện lập trường Pro Life của ông.
(ndt)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT