Đạo và Đời

Hai người con

Thursday, 24/09/2020 - 04:12:54

​Sau khi Chúa Giêsu đánh đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ vì họ đã biến nơi thờ phượng thành hang trộm cướp, những thượng tế và kỹ lão rất phẫn nộ.


Tranh vẽ cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ngài Gioan Tẩy Giả (John The Baptist) của một họa sĩ vô danh trong thế kỷ thứ 15. (Wikipedia)



Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG
​Sau khi Chúa Giêsu đánh đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ vì họ đã biến nơi thờ phượng thành hang trộm cướp, những thượng tế và kỹ lão rất phẫn nộ. Họ chất vấn Chúa là đã lấy quyền gì mà làm như vậy. Để trả lời cho họ, Ngài kể dụ ngôn Hai Người Con.

Người con thứ nhất nói với cha mình là sẽ không đi làm vườn nho, nhưng anh ta đã hối hận và sau này đi làm vườn nho cho cha. Còn người con thứ hai trả lời rất chắc chắn rằng anh sẽ đi làm, nhưng cuối cùng anh đã chẳng bao giờ ghé vườn nho. Chúa Giêsu dùng hình ảnh hai người con này để hỏi những thượng tế và kỳ lão, “Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?”
Họ trả lời, “Người con thứ nhất.”

​Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để vạch ra định kiến sai lầm của người Do Thái. Họ cho rằng ơn cứu độ Thiên Chúa dành cho họ là chuyện đương nhiên, và không cần phải có sự cộng tác của con người, kể cả việc ăn năn sám hối. Do vậy, khi Gioan Tẩy Giả đến rao giảng ơn hoán cải, họ đã dửng dưng, nhưng ngược lại, “những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài,” và Chúa nói, họ sẽ là những người trước hết được vào nước trời. Họ là hình ảnh của người con thứ nhất. Mặc dù đã không vâng lời cha mình từ đầu, họ đã hối lỗi và trở về làm theo ý cha mong muốn. Khi những thượng tế và kỳ lão trả lời Chúa, người con thứ nhất là người con đã làm theo ý cha mình, họ đã tự lên án chính mình vì không sẵn lòng sám hối.

​Thực ra cả hai người con đều không làm cho cha vui lòng. Do vậy Chúa Giêsu đã không khen người con nào. Cả hai người con là hình ảnh của hai loại người có sẵn bản chất bất toàn như nhau, nhưng nếu phải chọn một trong hai, người con nào đã làm theo ý cha mình, người con đó vẫn khá hơn. Nếu cần phải xác định đâu là người con lý tưởng, người con đó cần phải biết vâng lời ngay từ đầu và bắt tay làm việc từ khởi sự cho đến hoàn thành. Đó mới là người con lý tưởng.

​Câu chuyện dụ ngôn Chúa kể không chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo, nhưng bên ngoài xã hội, chúng ta thường xuyên gặp gỡ hai người con này. Trước hết là những người nói nhiều hơn làm. Họ sẵn sàng hứa hẹn đủ điều và bất cứ điều gì. Họ có thể thu phục lòng người bằng vẻ đạo đức và thành thật bề ngoài, nhưng việc làm chẳng đi đến, nếu không muốn nói hoàn toàn trái ngược. Tương phản với hạng người này, có những người có vẻ ương ngạnh, bướng bỉnh, nhưng họ lại khá được việc. Họ không phô trương, nhưng lặng lẽ thực hiện những việc bác ái, tông đồ, và xã hội. Họ không giữ những chức vụ nổi bật trong cộng đồng, nhưng luôn sẵn sàng đóng góp công, của khi cần đến. Dĩ nhiên họ được nhiều người quý mến hơn, nhưng đối với Chúa Giêsu, họ vẫn chưa là những người con lý tưởng. Người con lý tưởng cần phải mạnh dạn bày tỏ lòng vâng phục với cha mình ngay từ đầu và làm theo ý của người.

​Trong sinh hoạt mục vụ tại các cộng đoàn hay giáo xứ, những người hành xử như hai người con trong câu chuyện dụ ngôn thường gây nhiều khó khăn cho hội đoàn hay đoàn thể của họ. Được phục vụ cho Giáo Hội Chúa luôn là đặc ân của mỗi người tín hữu. Dĩ nhiên, Chúa không đòi buộc chúng ta phải làm cả những việc ngoài khả năng của mình. Chúng ta nên tránh những thái độ của cả hai người con, nhưng nên là người con lý tưởngcủa cha mình: vâng lời cha kêu gọi và làm theo ý cha mong muốn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT