Người Việt Khắp Nơi

Hà Văn Thành đã bị trục xuất về VN; Dân Biểu Lowenthal vẫn tiếp tục tranh đấu cho anh

Tuesday, 22/10/2019 - 08:02:40

Mặc dù đã được các dân biểu liên bang lên tiếng bênh vực, và cũng từng tuyệt thực trong lúc bị tạm giam tại Arizona...


Hà Văn Thành, người đội nón đứng bên phải, trong một lần tham gia biểu tình phản đối Formosa tại tỉnh Nghệ An năm 2016. (Hình từ Facebook của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, quản xứ Giáo Xứ Song Ngọc)


WESTMINSTER - Mặc dù đã được các dân biểu liên bang lên tiếng bênh vực, và cũng từng tuyệt thực trong lúc bị tạm giam tại Arizona, nhà hoạt động cho môi trường Hà Văn Thành, 37 tuổi, đã bị đưa lên phi cơ trục xuất về Việt Nam ngày thứ Hai, 21 tháng 10, 2019. Sự việc này xảy ra trong lúc chính sách đón nhận người tị nạn chính trị vào Hoa Kỳ đã bị siết lại rất chặt dưới thời chính phủ Donald Trump.
Tin anh Thành đã bị đưa lên phi cơ rời nước Mỹ như những di dân bất hợp pháp khác được loan báo bằng điện thư email từ văn phòng của Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal ở Hoa Thịnh Đốn ngày thứ Ba. Ông Lowenthal đại diện cho Khu Vực Cử Tri 47 tại California.

Thư cho biết thêm rằng anh Hà Văn Thành là “người có nguy cơ bị cầm tù bởi chính quyền Cộng Sản Việt Nam, dẫn đến việc anh đến xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ từ cuối năm ngoái. Hồ sơ xin tị nạn của anh đã bị chính quyền Hoa Kỳ từ chối và anh đã vừa mới bị trục xuất về Việt Nam ngày hôm qua (thứ Hai).”
Dân Biểu Lowenthal nói trong thư, “Trường hợp của nhà hoạt động Hà Văn Thành là một trong những trường hợp cần được chính quyền Hoa Kỳ quan tâm hàng đầu, chứ không phải chỉ nhìn thoáng qua. Những trường hợp như anh Hà Văn Thành chính là lý do vì sao chúng ta có quy chế tị nạn tại Hoa Kỳ. Anh đang phải trực tiếp đối diện với nhiều nguy cơ đến từ chính quyền Việt Nam, nơi mà Hoa Kỳ vừa mới trục xuất anh trở về.
“Tôi đã nhiều lần đích thân liên lạc với các bộ phận chính quyền hành pháp liên bang để trình bày rõ những nguy cơ đang chờ đợi Hà Văn Thành nếu anh trở về Việt Nam.

“Trong suốt những tháng qua từ khi hồ sơ của Hà Văn Thành lần đầu tiên được chuyển đến văn phòng của tôi, tôi đã liên lạc và nói chuyện với cơ quan Hải Quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (Customs and Border Protection), Cơ Quan Di Trú Hoa Kỳ (U.S. Citizenship and Immigration Services), cơ quan ICE, cũng như Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (Department of Justice) và văn phòng cứu xét di trú (Executive Office for Immigration Review).
“Sau cùng, tôi đã liên lạc trực tiếp với Tổng Thống Donald Trump, trong một lá thư được các đồng viện ký tên như Dân Biểu Liên Bang Lou Correa (CA-46) và Dân Biểu Liên Bang Harley Rouda (CA-48), với hy vọng rằng hồ sơ của nhà hoạt động Hà Văn Thành được cứu xét một cách nghiêm túc.
“Tôi rất quan tâm và bàng hoàng đối với sự thiếu uyển chuyển, cân nhắc, và thờ ơ của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay, trong việc đối xử với những người xin tị nạn nói chung, và đặc biệt, trường hợp của anh Hà Văn Thành, là một người thật sự cần quy chế tị nạn. Trong khi số phận và tình trạng của Hà Văn Thành đang nằm trong tay chính quyền Việt Nam, chính quyền Tổng Thống Trump cũng có một phần trách nhiệm lớn đối với trường hợp này vì chính sách thiếu quan tâm với những người thật sự cần có sự che chở của Hoa Kỳ.”
Dân Biểu Alan Lowenthal từng vận động để anh Hà Văn Thành được ở lại Mỹ, “kể cả việc trực tiếp vận động Tòa Bạch Ốc” trong lúc anh Thành đang tuyệt thực.

Từ Chicago, ông Lê Thanh Tùng, thành viên của Hội Anh Em Dân chủ, người gần đây có nhận được các cuộc gọi của ông Hà Văn Thành từ trại giam Arizona, đã nói với đài VOA tại Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Sáu, 18 tháng 10, “Thời gian này có vẻ Cơ Quan Di Trú làm việc quá căng. Mặc dù có sự can thiệp của một số dân biểu Hoa Kỳ và các NGO (tổ chức phi chính phủ) nhưng họ vẫn quyết định trục xuất anh Hà Văn Thành về Việt Nam.”
Cũng nói với đài VOA, ông Tùng cho biết Hà Văn Thành bị di lý từ tiểu bang New Mexico đến Texas, bị yêu cầu ký vào giấy trục xuất nhưng anh Thành không chịu ký. Sau đó, họ đưa anh về lại New Mexico, một tuần sau thì chuyển qua Texas.
“Một ngày sau đó thì anh bị chuyển đến trại tù ở Arizona và họ cho biết sẽ trục xuất anh Thành trong vòng vài ngày nữa cùng chung với những người di dân lậu từ Việt Nam qua,” ông Tùng nói với VOA.
Trong cuộc điện thoại gần nhất mà anh Thành từng gọi cho ông Tùng, anh cho biết anh đã quyết định tuyệt thực từ thứ Tư, ngày 16/10, tại nhà tù liên bang ở tiểu bang Arizona để phản đối việc bị trục xuất về lại Việt Nam.
“Anh Hà Văn Thành đã tiến hành tuyệt thực và tính đến ngày hôm nay (18/10) thì anh Thành đã tuyệt thực đến ngày thứ ba. Tối hôm qua (17/10), anh Thành gọi điện ra báo rằng tình hình rất là căng. Họ ép trục xuất anh Thành về Việt Nam nhưng do anh đang tuyệt thực, sức khỏe rất yếu, nên vẫn chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.”

Trong những bức thư các dân biểu Hoa Kỳ gửi cho ICE và Thẩm Phán Di trú vào tháng 6 cho biết Hà Văn Thành từng tham gia biểu tình phản đối Formosa cùng với hàng trăm nạn nhân của thảm hoạ môi trường biển do nhà máy thép của tập đoàn này gây ra ở ven biển bốn tỉnh miền Trung vào năm 2016.
Anh Thành sinh năm 1982, sống tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Anh đã thoát khỏi Việt Nam từ ngày 12 tháng 5, 2018, vì lo sợ sẽ bị công an địa phương bắt bỏ tù như một số nhà hoạt động về môi trường khác là Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong.
Anh Thành đã tìm đường thoát qua Lào, đến Thái Lan, rồi tới Cuba, Panama, Mexico. Từ Mễ Tây Cơ, anh đã đi bộ đến biên giới và xin tị nạn với cảnh sát tại cửa khẩu Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 7, 2018.
Hà Văn Thành từng nói với đài RFA tại Hoa Thịnh Đốn qua đường dây điện thoại trong tháng Sáu năm nay, “Tôi đi từ Việt Nam sang Lào và sang Thái Lan. Từ Thái Lan tôi mua vé bay qua Cuba. Rồi tôi tiếp tục mua vé máy bay sang Panama. Tôi xin tị nạn ở Panama. Trong lúc chờ xin tị nạn, tôi gặp được những người Cuba đi qua Mexico nên tôi xin tháp tùng. Đến Mexico thì họ cho tôi được ở lại trong vòng khoảng 20 ngày. Rồi từ thành phố Bonne Terre của Mexico, tôi đi bộ đến biên giới Mỹ và gặp cảnh sát tại cửa khẩu để xin tị nạn.”

Hà Văn Thành cho biết sau khi tham gia các cuộc biểu tình ôn để yêu cầu được bồi thường chính đáng cho những thiệt hại do nhà máy Formosa gây ra, tên của anh bị loan trên bản tin của Đài Truyền Hình An Ninh. Truyền thông trong nước gọi anh là “thành phần phản động,” đồng thời anh cũng nhận ba giấy triệu tập làm việc với công an. Ngoài ra anh còn bị công an canh chừng trong việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày.
Ông Lê Thanh Tùng cho biết, Tòa Án Di Trú Hoa Kỳ từ chối cấp quy chế tị nạn cho anh Thành vào ngày 10 tháng 5, 2019 sau ba lần ra toà, và nói sẽ trục xuất trong vòng 30 ngày sau đó.
Tuy nhiên, việc trục xuất chưa được thực hiện ngay sau đó vì có sự can thiệp của bốn dân biểu liên bang là ông Alan Lowenthal, bà Zoe Lofgren, ông Lou Correa, và ông Harley Rouda, và một số tổ chức phi chính phủ vận động chính phủ Hoa Kỳ xem xét cho ông Thành được hưởng quy chế tị nạn.
Hồi tháng Sáu, luật sư di trú Khanh Phạm từng nói với đài VOA, “Lúc quan tòa hỏi những câu hỏi thì có nhiều lúc anh Thành không xác định lại được thời gian và trả lời không phù hợp với câu hỏi.”
Vị luật sư này nói thêm, “Về vấn đề tị nạn thì bây giờ nói chung họ làm khó hơn.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT