Đời Sống Việt

GS. TS. Nhi Liêu: Người Việt tị nạn khẳng định văn hóa qua chiến tranh

Anvi Hoàng/Viễn Đông (thực hiện) Friday, 18/11/2011 - 09:18:03

Phỏng vấn của Anvi Hoàng với GS. TS. Nhi T. Liêu, tác giả một cuốn sách đưa ra cái nhìn dưới góc độ của một nhà nghiên cứu về văn hóa của người Việt lưu vong và di cư.

Anvi Hoàng/Viễn Đông (thực hiện)

Nghiên cứu thấu đáo về sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam ở miền Nam California chưa nhiều, nhưng ngày càng phong phú lên nhờ sự trưởng thành của lớp học giả người Mỹ gốc Việt và những đóng góp của họ cho giới học thuật ở Mỹ. Giáo Sư Tiến Sĩ Nhi T. Liêu nằm trong số người này. Cô hiện đang dạy trong khoa nghiên cứu về Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Á, cũng như ngành nghiên cứu về phụ nữ và giới tính ở trường đại học University of Texas ở Austin. Cuốn sách đầu tay mang tính đột phá của cô (tựa đề Anh ngữ: The American Dream in Vietnamese) do University of Minnesota Press xuất bản năm 2011, được giới học giả trong ngành rất hưởng ứng. GS Nhi T. Liêu nói về cuốn sách này và những vấn đề nghiên cứu mới của cô.

Viễn Đông: Một cách ngắn gọn, cuốn sách này nói về chuyện gì?
GS. Nhi Liêu: Cuốn sách này đề cập đến nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề là sự hình thành bản chất văn hóa Việt Nam của người Việt lưu vong và di cư tại Mỹ qua văn hóa phổ thông và các sản phẩm văn hóa khác. Điều mới mẻ về cuốn sách này là tôi nghiên cứu nhóm người di cư dưới lăng kính khác, xem những sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày và văn hóa phổ biến ảnh hưởng đến các khía cạnh trong đời sống văn hóa, xã hội, chính trị của người lưu vong như thế nào.

Viễn Đông:
Giáo sư có nhắm đến những độc giả nói tiếng Việt không?
GS. Nhi Liêu: Có chứ, như ba mẹ tôi chẳng hạn. Tôi nghĩ độc giả phần lớn là giới học thuật, nhưng tôi hy vọng nhóm sinh viên trẻ cũng học hỏi được về kinh nghiệm sống của cộng đồng nơi mình đang ở; hoặc những người dân trong cộng đồng; và cả những người đang tham gia vào những hoạt động văn hóa của cộng đồng ngày nay mà không biết được nguồn gốc xuất xứ của những hoạt động này là như thế nào. Đôi khi những bạn trẻ này chỉ mường tượng được cảm giác tha hương và hoài cổ về quê nhà là như thế nào qua các hoạt động văn hóa của cộng đồng như thi “Hoa Hậu Áo Dài”, hoặc xem ca nhạc Paris By Night, hoặc nghe Khánh Ly hát, mà không thật sự hiểu được xuất xứ và tình cảnh của người tha hương.

Viễn Đông:
Tầm quan trọng của những hoạt động văn nghệ như của Paris By Night, Trung Tâm Asia là như thế nào đối với sự hình thành bản chất văn hóa Việt Nam của người Việt lưu vong?
GS. Nhi Liêu: Những hoạt động này là những tiến trình văn hóa phức tạp, nhưng phần lớn chúng thể hiện ước muốn bảo tồn văn hóa, và sự trình bày tính Việt Nam trong văn hóa Việt Nam. Trong những băng đĩa nhạc này, người ta có thể học được nhiều điều về các vấn đề lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Ví dụ, ngay những màn hài kịch ngắn cũng miêu tả rất rõ các vấn đề mà người Việt Nam đang phải đối diện. Hình thức văn hóa phổ thông này cũng là nơi thể hiện quá trình hội nhập của người Việt vào xã hội mới, và nỗ lực của người lưu vong hội nhập vào văn hóa Mỹ.
Có rất nhiều màn trình diễn trong đó những nét đặc trưng của văn hóa Mỹ như West Side Story được kết hợp, hoặc giới thiệu, hoặc diễn giải theo kiểu Việt Nam cho khán giả Việt Nam thưởng thức.

Viễn Đông:
Có sự phân biệt rạch ròi về bản chất văn hóa Việt Nam trong các hoạt động âm nhạc này không, khi mà văn hóa Việt và Trung Quốc giao thoa đã lâu và người Việt và Hoa sống rất gần nhau?
GS. Nhi Liêu: Có và không. Một phần, các hoạt động âm nhạc này không thể cạnh tranh với hàng tá phim nhiều tập được sản xuất ở Hong Kong, Đài Loan, Nam Hàn. Do đó, trong các màn trình diễn âm nhạc, các nhà sản xuất cải biên hoặc diễn giải các chủ đề phổ biến trong phim, thay vì là thách thức các hình thức văn hóa này. Ngoài ra, họ hợp tác với các nhà sản xuất ở Nam Hàn và sang bên ấy trình diễn. Hình thức hợp tác và liên kết với văn hóa nước ngoài như thế là một cách thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam hiện đại của người Việt lưu vong, khác với người Việt trong nước.
Ở một khía cạnh khác, một yếu tố đặc thù Việt Nam gắn liền với bản sắc Việt Nam mà người Việt tại Mỹ mang trong mình trong khi các nước Châu Á khác hoặc Trung Quốc không giống chút nào, đó là kinh nghiệm chiến tranh và ý nghĩa của cuộc chiến tranh đó đối với họ.

Viễn Đông:
Giáo sư có thể nói rõ hơn về sự liên hệ giữa ý nghĩa của cuộc chiến tranh với bản sắc văn hóa Việt Nam?
GS. Nhi Liêu: Khi người Việt tị nạn tại Mỹ khẳng định bản sắc văn hóa của mình, kinh nghiệm chiến tranh của họ là điểm nổi bật nhất. Người Trung Quốc cũng có phần bị ảnh hưởng bởi chiến tranh 75. Tuy nhiên, bản tính người Trung Quốc là cứ đóng gói và di cư từ xứ này qua xứ khác. Lịch sử di dân của họ là thế. Do đó, họ coi chiến tranh 75 như là một trong những sự kiện khác dẫn đến cuộc di dân của họ thôi.
Trong khi đó, người Việt tị nạn nhìn thấy bản sắc dân tộc của mình bị đe dọa vì cuộc chiến tranh. Khi đến Mỹ, họ không muốn “biến mất” mà ngược lại muốn văn hóa của người Việt lưu vong được công nhận ở Mỹ. Họ đã tranh đấu để khẳng định bản sắc văn hóa của mình như những người tị nạn chính trị của một chiến tranh mà người Mỹ đã thất bại không giúp họ được.

Viễn Đông:
Giáo sư có thể nói về ý nghĩa của các cuộc thi hoa hậu đối với cộng đồng người Việt?
GS. Nhi Liêu: Đó là các hoạt động cộng đồng qua đó các suy nghĩ về bản thân, về giới tính, về phụ nữ được thể hiện. Đó là diễn đàn quan trọng để cộng đồng biểu trưng lòng tự hào, và phô trương những yếu tố họ cho là văn hóa chính gốc.

Viễn Đông:
Trong quá trình khởi công xây cất Little Sài Gòn, một người Việt gốc Hoa làm chủ nhiều tòa nhà trên con đường chính của Little Sài Gòn và muốn biến nó thành Chinatown nhưng cộng đồng người Việt đã tranh đấu để nó được mang tên Việt Nam như ngày nay, và rồi biến Little Sài Gòn thành hình ảnh thu nhỏ của một nước Việt Nam lý tưởng. Việc tranh đấu cho Little Sài Gòn nói gì về bản sắc văn hóa của người Việt Nam?
GS. Nhi Liêu: Đó là nỗ lực chính trị của người Việt lưu vong nhằm gầy dựng một bản sắc văn hóa khác biệt với người Trung Quốc, dựa vào kinh nghiệm sống sót qua chiến tranh của người lưu vong trên đất Mỹ.

Viễn Đông:
Bản sắc văn hóa này sẽ như thế nào trong tương lai?
GS. Nhi Liêu: Hiện tại có rất nhiều diễn biến xảy ra trong vòng cá nhân: những trao đổi qua lại giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như luồng người Việt di cư, cưới hỏi, qua lại giữa Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, một cách chính thức và ở nơi công cộng, bản sắc văn hóa Việt Nam của người lưu vong ở Mỹ không thay đổi gì mấy.

Viễn Đông:
Xin giáo sư cho biết những chủ đề nghiên cứu mới của mình là gì?
GS. Nhi Liêu: Một nghiên cứu là về các tiệm đồ cưới và cách họ trình bày những cặp vợ chồng trẻ như những cá nhân hiện đại, hạnh phúc bằng cách nhìn về Việt Nam để tìm kiếm các yếu tố văn hóa họ cho là chính gốc. Trong khi đó, người Việt Nam trong nước lại hướng sang Tây phương để mong tìm hình ảnh lý tưởng trong hôn nhân và hạnh phúc. Tất cả đều là vấn đề tái tạo văn hóa, chứ cái gọi là chính gốc thật sự thì không thể đạt được.
Một nghiên cứu song song là về việc thương mại hóa các cuộc thi hoa hậu. Ở đây, người đàn bà được yêu cầu phô bày da thịt nhiều hơn, các yếu tố sắc tộc thiểu số được thổi phồng, cơ thể con người được trưng bày như một món hàng. Đồng thời, tôi cũng xem xét vấn đề dùng giải phẫu thẩm mỹ để tạo ra danh tính cá nhân.

Viễn Đông:
Xin cám ơn giáo sư đã bỏ thời gian cho buổi phỏng vấn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT