Người Việt Khắp Nơi

GS Trần Huy Bích nói về học giả Huỳnh Tịnh Của và GS Dương Ngọc Sum nói về bác học Petrus Trương Vĩnh Ký

Sunday, 03/11/2019 - 08:12:41

Sau khi phong trào xây dựng văn học viết bằng chữ quốc lan ra tới miền Bắc, bốn nhân vật được coi là những nhà văn quốc ngữ tiên phong, có công lớn nhất trong giai đoạn đầu là: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh.


Ảnh GSTS Trần Huy Bích đang phát biểu vể học giả Huỳnh Tịnh Của. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Đại Nhạc Hội Tôn Vinh Chữ Quốc Ngữ và Vinh Danh QL/VNCH do thi, văn sĩ Quốc Nam tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019 tại thành phố Westminster. Nhật báo Viễn Đông đã có bài tường thuật chi tiết trên số báo ra ngày 30 tháng 10. Nay chúng tôi đăng tiếp bài phát biểu của hai vị giáo sư đề cập đến hai học giả có công làm đẹp chữ Quốc Ngữ do ký giả Thanh Phong ghi lại.

Bài phát biểu của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Huy Bích

Kính thưa ….
Cùng với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của là một trong hai nhân vật quan trọng của miền Nam đã góp sức một cách rất đáng kể vào việc phổ biến chữ quốc ngữ và gây dựng một nền văn học được ghi lại bằng chữ quốc ngữ. Sau khi phong trào xây dựng văn học viết bằng chữ quốc lan ra tới miền Bắc, bốn nhân vật được coi là những nhà văn quốc ngữ tiên phong, có công lớn nhất trong giai đoạn đầu là: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh.

Ông NVV nổi tiếng với câu, “Nước Nam ta sau này hay hay dở cũng là nhờ ở chữ quốc ngữ.”
Chúng ta có khá nhiều tài liệu về các ông TVK, NVV, PQ. Với ông TVK, nhiều sách đã viết về ông, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức để nghiên cứu thêm về ông. Cho tới khi CS chiếm được miền Nam, một trường trung học lớn ở SG đã mang tên ông. Nhưng với HTC, tài liệu về ông hiện có rất ít. Trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Gs Dương Quảng Hàm, phần nói về Huỳnh Tịnh Của chỉ có 4 dòng.
Trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên của Gs Phạm Thế Ngũ, HTC được chú ý hơn: Gs. PTN dành ra 4 trang để nói về ông, nhưng vẫn còn rất sơ lược. Cho tới nay, trong các sách in cũng như trên Internet, chưa thấy tài liệu nào phổ biến chân dung ông. Nếu vào Wikipedia, chúng ta sẽ thấy một bức tượng bán thân, nói rằng đó là Huỳnh Tịnh Của. Thực ra, đó chính là tượng của ông Trương Vĩnh Ký. Ngay năm sinh và năm mất của HTC, các tài liệu cũng nói khác nhau. Có chỗ nói ông sinh năm 1834, có chỗ nói năm 1830. Về năm mất, có tài liệu ghi 1907, có tài liệu ghi 1908. Thiết nghĩ với những đóng góp của HTC cho nền văn học chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu tiên, ông xứng đáng được chúng ta biết đến một cách đầy đủ và chính xác hơn. Chúng tôi rất vui nhận lời đề nghị của thi sĩ Quốc Nam, tới đây để trình bày thêm ít điều về ông.
Kính thưa Quý vị,
Huỳnh Tịnh Của là một người Công Giáo, có tên thánh là Paulus, nên thường đuợc gọi là Paulus Của, hay Huỳnh Tịnh Paulus Của. Ông có tên hiệu là Tịnh Trai. nên cũng có khi được gọi là Huỳnh Tịnh Trai.
Ông sinh tại làng Phước Thọ, Huyện Phước An, thời xưa thuộc tỉnh Biên Hòa (Nam phần hồi ấy chỉ có 6 tỉnh—Lục tỉnh). Nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa--Vũng Tàu (thời VNCH: tỉnh Phước Tuy).
Thuở nhỏ ông được học chữ nho (chữ Hán) Năm 12 tuổi, ông được đưa sang học một trường công giáo ở Paulo-Penang (Malaysia). Ông tinh thông cả Hán văn và Pháp văn.
Học trường đạo tới chức “Thầy Bốn” thì ông hoàn tục, về quê cưới vợ. (Trong đạo Công giáo, sau khi học hết chức “Thầy Sáu” thì có thể trở thành Linh mục). Sau khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ phải nhường cho Pháp theo Hòa ước năm Nhâm Tuất (9/5/1862) thì đến ngày 1/8/1862, ông “vào ngạch quan viên” (viên chức của Pháp), giúp việc phiên dịch giấy tờ hành chánh và pháp lý. Ngày 1/1/1873 thăng Huyện hạng nhứt, ngày 1/3/1881 thăng Phủ hạng nhứt, và ngày 1/8/1884 thăng Đốc phủ sứ. Nhiều lần ông được mời làm giám khảo trong các cuộc thi về Hán và Việt văn.

Các tài liệu về ông cho biết: Ông là người chịu ảnh hưởng Tây phương. Cùng với Trương Vĩnh Ký, cổ động người Việt dùng chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La tinh. Nhưng ông cũng tỏ ra là người yêu chuộng văn hóa dân tộc, biết giữ gìn, khai thác di sản tinh thần của ông cha để lại bằng cách phiên âm, phổ biến những áng văn xưa của người Việt. Về đời sống, mặc dầu được nhà cầm quyền Pháp hậu đãi, có chức vị khá cao, nhưng ông tỏ ra là một người khiêm tốn, giản dị, làm công chức cao mà nhà vẫn thanh bần. Ông cũng được ghi nhận là người “hình dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành...”
Ông viết trên Gia Định Báo từ những số đầu tiên (tháng 4/1865), lúc đầu chỉ là những bản tin. Sau đó làm Chủ bút một thời gian ngắn, rồi giữ việc biên tập trong nhiều năm cho tờ báo này. Ông có chân trong Ban biên tập bán nguyệt san Revue Indochinoise, một tạp chí rất có giá trị chuyên nghiên cứu về Đông Dương, xuất bản từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 (1893-1925).
Đuợc tiếp nhận ảnh huởng văn hoá Âu Tây, Huỳnh Tịnh Của chia sẻ quan niệm với Trương Vĩnh Ký, theo đó, xã hội Việt Nam cần vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm của học thuật Âu Tây về các vấn đề khoa học, kỹ nghệ, kinh tế, chính trị … để canh tân, nhưng vẫn cần giữ gìn, đào sâu và phát triển văn hoá Đông phương cổ truyền để duy trì bản chất độc lập.
Theo các thống kê, HTC có cả thảy 23 tác phẩm. Các sách do ông soạn có thể được chia làm hai loại : loại biên khảo và loại phiên âm.
Loại biên khảo có nội dung phổ biến kiến thức hay sưu tầm, phóng tác các tác phẩm đời truớc. Đó là những cuốn:

1. Chuyện giải buồn, 2 tập, 112 truyện, in năm 1880 và 1885
2. Maximes et proverbes, in năm 1882
3. Gia lễ, in năm 1886
4. Sách bác học so giải, in năm 1887
5. Sách quan chế, in năm 1888
6. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 2 cuốn, in năm 1895 và 1896
7. Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn, in năm 1897
8. Câu hát góp, in năm 1904.
9. Ca trù thể cách, in năm 1907
Loại phiên âm, chuyển sang chữ quốc ngữ những chuyện nôm xưa của các tác gia đời truớc. Đó là những cuốn:
1. Quan Âm diễn ca, in năm 1903
2. Trần Sanh diễn ca, in năm 1905
3. Chiêu Quân cống Hồ truyện, in năm 1906
4. Bạch Viên, Tôn Các truyện, in năm 1906
5. Văn Doan diễn ca, in năm 1906
6. Thoại Khanh, Châu Tuấn truyện, in năm 1906
7. Thơ mẹ dạy con, in năm 1907
8. Tống Tử Vưu truyện, in năm 1907
Theo Gs. Phạm Thế Ngũ thì đa số các sách trên đều đã thất truyền, hiện chỉ còn tìm lại đuợc 3 tác phẩm Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, Chuyện giải buồn và Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn.
Đại Nam quốc âm tự vị gồm 2 quyển, dày 1168 trang, là bộ tự vị đầu tiên về tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ, xuất bản các năm 1895 và 1896, cùng thời với bộ Pháp Việt tự điển của Trương Vĩnh Ký. Đây là bộ sách đầu tiên đã thu thập và giải thích nhiều từ văn học, từ phổ thông, từ cổ điển, và từ địa phương. Cuốn “tự vị” này, tuy xuất bản đã trên 120 năm, vẫn được coi là bộ sách kinh điển của những người nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam:
Một trong 3 (4) bộ tự điển tiếng Việt quan trọng nhất: Việt Nam Tự Điển / Hội Khai Trí Tiến Đức, Tự Điển Việt Nam / Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, ĐNAQTV/ HTCủa (trong nước: Từ Điển Tiếng Việt / Viện Ngôn Ngữ Học—Hoàng Phê chủ biên)
Ông viết: "Có kẻ hỏi Tự điển, Tự vị khác nhau thế nào? Sao sách ta làm kêu là Tự vị mà không gọi là Tự điển?... Tự điển, Tự vị khác nhau ở sự rộng hẹp. “Tự điển” phải có chú giải, mỗi chữ, mỗi tiếng đều phải dẫn điển, dẫn tích, nguyên là chữ sách nào, nguyên là lời ai nói, cả thảy đều phải có kinh truyện làm thầy. “Tự vị” cũng là sách hội biên các chữ, song trong ấy chỉ thích chữ một, nghĩa một, mà không dẫn điển tích gì".
(Theo định nghĩa của HTC, nhiều cuốn hiện đang mang tên “tự điển” thực ra chỉ là “tự vị”)
Nhận xét về ĐNQATV:
Chữ “Dòng/giòng”
Chữ “Xử dụng/Sử dụng”
Một đoạn trong Câu hát góp (sưu tập dân ca bằng chữ quốc ngữ sớm nhất trong lịch sử):
(đọc ….)
Chuyện giải buồn:
Có một người đi buôn (bán) bên đất Vu Hồ, được tiền bạc nhiều, mướn ghe mà về xứ sở. Xảy thấy phường làm thịt chó khiêng một con chó đi trên đàng, người ấy chịu (bỏ ra) nhiều tiền, chuộc đem xuống ghe, nuôi dưỡng tử tế.
Chẳng dè ghe mướn ấy là ghe ăn cướp, thấy bộ hành chở tiền bạc nhiều, chèo ngay vào chỗ hóc hiểm, vác gươm ra toan làm dữ. Người ấy lạy khóc xin cho toàn thây, quân ăn cướp bèn lấy mền nỉ gói anh ta lại, cột chặt, bỏ xuống sông.
Con chó thấy vậy kêu la nhảy theo cắn lấy gói, hụp lên hụp xuống dưới nước, linh đinh trôi theo dòng nước một đỗi xa xa, may tới chỗ cạn cản ngang lại đó. Con chó lội lên bờ kiếm chỗ có nhà người ta, chạy tới chạy lui kêu sủa tiếng buồn bực.
Có kẻ lấy làm sự lạ chạy theo nó tới chỗ cạn, con chó vùng lội xuống nước, người chạy theo ngó ra, thì thấy một gói sùm sùm nằm trên mặt nước, liền lội ra vớt lên bờ, mở dây ra thì người bộ hành hãy còn sống, tỉnh lại nói hết sự tình, thuê ghe trở lại đất Vu Hồ cho đặng thám ghe ăn cướp.
Người ấy bước chơn xuống ghe liền mất con chó, lấy làm thương tiếc quá chừng. Tới cửa Vu Hồ ba bốn ngày, thuyền đậu chật sông mà không thấy chiếc ghe ăn cướp. Tình cờ con chó ở đâu chạy tới, ngó thấy chủ liền la lên dường như kêu chủ đi, chủ theo nó chạy tới trước.
Con chó nhảy lên ghe lạ, cắn cứng ống chơn người dưới nghe, đánh không nhả, chủ nói lại gần la lên; té ra người nó cắn là đứa ăn cướp bữa trước. Nó thay quần đổi lốt đi qua ghe khác cho nên khó nhìn. Bắt ép tên ấy trói lại, xét trong mình nó, thì vàng bạc nó ăn cướp hãy còn.
Ấy là chó mà còn biết trả ơn, những người đen bạc (bội bạc) không biết liêm sỉ cũng phải hổ cùng nó dường nào!
Căn cứ vào nhiều tài liệu khả tín, đặc biệt là tiểu luận cao học ngữ học “Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị” của ông Nguyễn Văn Y, đệ trình khoảng năm 1970 ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, chúng ta có thể điều chỉnh tiểu sử của HT Của như sau:
Ông sanh năm Canh Dần 1830 tại làng Phước Tụy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa (nay là Bà Rịa-Vũng Tàu), mất ngày 26-1-1908 dương lịch nhằm ngày 23 tháng chạp năm Đinh Mùi 1907. Về năm sanh và mất cùng nơi sanh của ông, tôi căn cứ vào điếu văn của Thống đốc Nam Kỳ đọc sau khi ông Huỳnh Tịnh Của vừa mất đăng trên báo Lục Tỉnh Tân Văn số 13 ngày 13 fevrier 1908: “Ông sanh năm Canh Dần …. Riêng về năm mất của ông, có thể có sự lầm lẫn giữa dương lịch và âm lịch: Năm dương lịch thường đi trước năm âm lịch một tháng. Năm Đinh Mùi nói chung là năm 1907, nhưng ngày 23 tháng chạp năm Đinh Mùi đã thành ra 26 tháng 1 năm 1908.


Ảnh GS Dương Ngọc Sum đang phát biểu về bác học Petrus Ký. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Bài phát biểu của giáo sư Dương Ngọc Sum về học giả Petrus Trương Vĩnh Ký
Kính thưa…

Chúng tôi cũng là một sĩ quan trừ bị trước khi biệt phái trở về Bộ Giáo Dục để làm Phụ Tá Khối Nghiên Cứu và Phát Triển tại Bộ Giáo Dục VNCH. Là cựu học sinh Petrus Ký sau đó trở về dạy tại trường Petrus Ký từ năm 1958 cho đến năm 1975 cho nên tôi phải trả ơn cụ Petrus Trương Vĩnh Ký đã cho chúng tôi được mang tên Trường Petrus Trương Vĩnh Ký nổi danh ở miền Nam. Chúng tôi xin được phép trình bày vắn tắt tiểu sử của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký. Xin cám ơn quý vị.

Nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký tên trước là Trương Chánh Ký sau đổi chữ lót là Trương Vĩnh Ký, tên đầy đủ là Jean Baptiste Petrus Trương Vĩnh Ký, chữ Petrus là chữ La Tinh, là tên Thánh của ông chứ không phải Việt gian, dân Tây, có quốc tịch Pháp cho nên chúng tôi có bổn phận phải đính chánh cái việc đó.
Khi chúng tôi học Petrus Ký thì thầy của chúng tôi cũng giảng rằng “Các trò nhớ chữ Petrus Ký không có nghĩa ông là dân Tây”. Ông Petrus Ký không phải là dân Tây, ông đã từ chối nhiều lần gia nhập quốc tịch Pháp, và suốt đời ông mặc quốc phục khăn đóng áo dài chứ không mặc âu phục của Tây phương. Chúng tôi xin quý vị nhớ điều đó, vì có nhiều người xuyên tạc nói rằng ông Petrus Ký là dân Tây, là Việt gian; Đó là một sự xuyên tạc!

Năm vừa qua, ông Đỗ Đình cho xuất bản một quyển sách “Petrus Ký - Nỗi Oan Của Thế Kỷ” thế mà khi quyển sách sắp ra mắt thì có lệnh ngưng lại để duyệt xét thì đó là việc làm rất độc tài, không có lý do chính đáng và chúng tôi hoàn toàn phản đối. Bây giờ chúng tôi bắt đầu giới thiệu thân thế và sự nghiệp của bác học Trương Vĩnh Ký. Ông sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837, nếu tính tới ngày hôm nay là sinh nhật thứ 182. Ông mất ngày 01 tháng 9 năm 1898.

Ông sinh tại Cái Mơn, tỉnh Vĩnh Long. Thân phụ ông là Lãnh Binh Trương ChánhThi . Thân mẫu là bà Nguyễn thị Châu. Năm ông Petrus Ký lên 3 tức năm 1840 thì cha mất, ông được cố Tám nhận làm con nuôi, và năm lên 5 tuổi cho ông học chữ Nho, ông rất thông minh. Năm 7 tuổi, ông được cố Long và cố Hòa cho ông vào học trường đạo ở Cái Nhum và ông tỏ ra rất thông minh. Khi chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp bùng nổ, việc cấm đạo mỗi ngày một gắt gao, Chủng viện Cái Nhum bị đốt phá, cố Long mới đưa Petrus Ký qua Campuchia học chung với một số sinh viên các nước Đông Nam Á, ông tỏ ra thông minh đĩnh ngộ, và đặc biệt ông có năng khiếu về ngoại ngữ. Trong thời gian học tại Campuchia, ông làm quen với các bạn học và học tiếng của các nước đó, nên ông biết rành tiếng Campuchia, tiếng Lào, Thái Lan, Trung Hoa, Indonesia.
Năm 11 tuổi ông cùng với ba học viên xuất sắc được cố Long đưa sang Malaysia học tại Giáo Hoàng Học Viện. Ở đây ông lại làm quen với các học viên các nước Tây phương như Pháp, Anh, Đức và ông cũng học và nói thông thạo tiếng các nước này. Sau 6 năm học , tới năm 1858, đáng lý ông sắp được truyền chức Linh Mục, nhưng vào năm 21 tuối được tin mẹ mất, ông bèn trở về Việt Nam thọ tang mẹ, gặp lúc Pháp tấn công thành Gia Định và chiếm Saigon nên ông không trở qua trường học ở Penang nữa, và ở lại dạy học tại trường Cái Nhum, Khi trường bị đốt, ông lánh nạn lên trường Chợ Quán và trú ngụ tại chủng viện của Linh mục LeFerbre.

Tới đây coi như ông đã trưởng thành ở tuổi 21, cuộc đời ông gặp nhiều trở ngại khó giải quyết. Trở ngại thứ nhất là ông được mời làm thông ngôn cho Pháp. Đó là một sự quyết định vô cùng khó khăn cho ông, vì nếu ông nhận làm thông ngôn thì ông mang tiếng là hợp tác với Pháp, là Việt gian. Chính cái tiếng đó mà ông mang cho tới ngày hôm nay gọi là “Nỗi Oan Thế Kỷ”.

Nhưng ông suy nghĩ, nếu mình không làm trung gian giữa người Pháp và chánh quyền Việt Nam thì làm sao có cuộc thương thuyết, có sự thông cảm giữa hai bên để mà giải quyết những vấn đề rắc rối giữa hai quốc gia, cho nên ông nhận làm thông ngôn, nhận hợp tác với Pháp theo quan niệm “sống với họ mà không làm theo họ”. Điều đó, chúng ta thấy suốt thời gian làm thông ngôn, ông đã thực hiện đúng như quan niệm của ông, ông đã làm những gì có lợi cho phía Việt Nam và chúng đã sa thải ông.

Năm 1861 ông lập gia đình. Năm 1865 một trong những công tác quan trọng nhất của ông là được cụ Phan Thanh Giản, trưởng phái đoàn đi Pháp chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bèn cử ông làm thông ngôn cho phái đoàn, và ông đã hoàn thành nhiệm vụ. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 01.9.1898 tại Chợ Quán, Saigon.

(Bài phát biểu của GS Dương Ngọc Sum còn rất dài nhưng Ban Tổ Chức thông báo hết giờ nên giáo sư Dương Ngọc Sum đã kết thúc bài phát biểu tại đây).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT