Hôm Nay Ăn Gì

Gỏi bắp chuối luộc

Thursday, 28/05/2020 - 10:34:14

Thời kinh tế tập trung bao cấp, cái ăn luôn là nỗi ám ảnh, nó ám ảnh đến độ tôi nhắc đi nhắc lại nó nhiều lần mà lúc nào nói tới


(Tom/ Viễn Đông)

 


Bài TOM

Thời kinh tế tập trung bao cấp, cái ăn luôn là nỗi ám ảnh, nó ám ảnh đến độ tôi nhắc đi nhắc lại nó nhiều lần mà lúc nào nói tới, nhắc tới, tôi cũng có cảm giác đây là lần đầu mình nói về nó với biết bao ngạc nhiên và cả sợ hãi. Và có lẽ cũng cái thời ấy, bất kì món ngon nào, món ăn có sáng tạo nào được thưởng thức cũng sẽ gắn mãi với người ta đến những ngày tháng sau này, không chừng nó gắn cả cuộc đời với đầy đủ mùi vị, nỗi buồn, niềm vui và cả sự trắc ẩn của nó! Món bắp chuối mốc luộc làm gỏi, với tôi là một món ăn như vậy!
Thời đó, Việt Nam xuất khẩu chuối sang Liên Xô, nhà nào cũng trồng chuối ba hương để xuất khẩu. Lạ ở chỗ là chuối chưa đủ già thì người ta đã chặt đi để bán xuất khẩu, bán cho hợp tác xã. Lúc đó bà tôi hay hỏi, “Người Liên Xô họ ăn chuối xanh không thôi, họ không ăn chuối chín hay sao mà cứ xuất sang họ toàn chuối non vậy hè?”

Tôi nghe thì biết vậy, sau này mới hiểu rằng Việt Nam xuất chuối sang Liên Xô để trả nợ. Và nhục ở chỗ là hầu hết các tàu chở chuối sang Liên Xô, tới nơi, người ta loại bỏ hết 95% chuối để đổ xuống biển, số 5% còn lại có thể dùng chất hóa học làm chín để cấp phát ở các cửa hàng lương thực. Và cứ mỗi tàu chuối chở sang, Liên Xô sẽ trừ đi một khoản nợ viện trợ với Việt Nam. Như vậy, người nông dân Việt Nam ngay từ thời kinh tế tập trung bao cấp đã góp tay trả nợ cho chính phủ một cách nhiệt tình.


(Tom/ Viễn Đông)

 

Đáng sợ ở chỗ người nông dân bán chuối cho hợp tác xã nhưng không dễ gì nhận được tiền chuối. Thời đó hợp tác xã quỵt tiền của nông dân như cơm bữa nhưng nông dân không dám hó hé. Ngay cả việc kéo điện về nhà, thời đó, người dân muốn được đóng điện thì phải đóng tiền cọc 50 ngàn đồng. Giá một chỉ vàng 100 ngàn đồng, như vậy nghĩa là sau khi mua tất cả các thiết bị điện, phải bỏ ra nửa chỉ vàng cho hợp tác xã gọi là tiền cọc thì mới được đóng điện.
Thời mới phát triển, mới có điện, người ta chẳng hiểu gì, cứ đóng để có điện, được “ăn đèn ngủ điện,” nghĩa là giờ ăn cơm thì điện quá yếu, bật không lên, giờ đi ngủ thì điện mạnh. Mà cũng chẳng ai hỏi han tiền cọc đó là cọc cái gì, bởi người dân có mượn cái gì của hợp tác xã hay ngành điện đâu mà cọc? Tiền điện phải trả đầy đủ hằng tháng, tự mua thiết bị… Vậy mà phải cọc. Rồi mấy chục năm sau, hợp tác xã giải thể, tiền cọc đó cũng bay hơi, không ai nhắc đến.

Rồi tiền cổ phần hợp tác xã, mỗi nhà một chỉ vàng, hai chỉ vàng bỏ vào, hợp tác xã sản xuất kiểu gì không biết mà dân đói sặc máu, hơn ba chục năm sau, vài năm thì gọi dân lên nhận vài ngàn đồng tiền cổ đông, tiền vốn thì bay mất. Vấn đề giải thể hợp tác xã không rốt ráo tại Việt Nam cũng vì lý do này, nghĩa là nếu giải thể thì phải trả tiền cổ đông cho bà con nông dân, mà nếu qui ra vàng để trả thì không có cơ quan nào gánh nổi, nếu qui ra tiền hồi đó với tiền bây giờ thì mấy chỉ vàng mua không được ổ bánh mì, dân sẽ oán! Bi kịch như vậy nên thay vì nói là hợp tác xã thì chuyển thành công ty nông nghiệp với chức danh chuyển từ Chủ nhiệm sang Giám đốc nông nghiệp. Lếu láo đủ điều để trốn nợ mà cũng không xong!
Và giữa cái thời đói khó ấy, hễ có món ăn ngon nào thì người ta nhớ suốt đời. Món bắp chuối luộc trộn nước mắm tiêu hành tỏi ớt của bà ngoại dành cho tôi cũng là món như vậy. Số là năm đó mẹ tôi làm mất bộ tem phiếu thịt, cả năm không biết lát thịt là gì, chỉ có lâu lâu, bà tôi bán chỉ vàng mới mua được ký thịt ngoài chợ đen, mà phải mua lén lút, khó lắm. Đã vậy, nhà còn bị quỵt tiền bán chuối cho hợp tác xã, vậy là coi như năm xui tháng hạn, bà mới nghĩ cách phải kiếm món nào đó bổ dưỡng mà không phải bán vàng mua thịt heo nữa, phòng khi đói kém hơn nữa…


(Tom/ Viễn Đông)

 


Nhớ bữa đó bà đi thăm ông cậu ở tít tận trên núi về, vừa tới ngõ thì bà hào hứng gọi tôi chạy ra khiêng phụ với bà, cả một bao tải lô nhô những cái gì đó nhọn nhọn, đoán không ra, đến khi bà mở ra thì tôi hỡi ôi vì toàn là bắp chuối, mà lại bắp chuối mốc, thứ này không thể xắt làm rau sống, vì rất đắng. Nhìn gương mặt thất vọng của tôi, bà cười, “Con yên tâm, thịt đó, quí lắm đó!”
Vậy là bà bảo tôi phụ bà rang đậu phụng, còn bà thì xắn tay áo, lấy một thau nước, bỏ muối vào hòa tan rồi bắt đầu chẻ một bắp chuối, chẻ nhỏ, cắt đoạn, xong ngâm trong nước muối chừng nửa giờ, sau đó bắc nồi lên luộc chín rồi vớt ra rổ để nguội. Trong lúc chờ nguội, bà giã nước mắm ớt tỏi chanh đường, phi dầu phụng hành tím, tỏi, giã đậu phụng rang, rửa rau răm… Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, bắp chuối đã nguội, bà vắt nó thành búi như dưa cải, sau đó dùng đôi đũa xởi lên cho rời và cho chén nước mắm đường tỏi chanh ớt vào, trộn đều, sau đó cho dầu phụng vào trộn đều cùng với rau răm.

Nghe mọi thứ đơn giản vậy chứ vị bùi bùi, ngọt ngọt, thơm mùi vỏ chuối luộc và mùi thơm của đậu phụng rang, rau răm, nước mắm chanh đường tỏi… hòa quyện vào khó mà cưỡng lại được cái ngon và hấp dẫn của món này. Có lẽ do vậy mà ăn nhiều năm, người ta vẫn còn nhớ, hơn nữa, đây là món giàu dinh dưỡng, chứa cả tinh khí đất trời, không nhiễm độc vì chẳng ai đi bỏ phân hay bơm thuốc cho cây chuối cả! Đây là món ăn an toàn, ngon và thú vị. Xin chúc quí vị có một bữa ăn ngon miệng, vui vẻ!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT