Bình Luận

Góc Nhìn

Wednesday, 14/12/2016 - 10:49:38

Nhận xét của Andanar -một viên chức trong chính phủ Phi Luật Tân- có thể cũng một chiều như bài báo ông chỉ trích, nhưng những lá thư của độc giả Phi phải là phản ánh của dư luận Phi; và chính tờ The New York Time cũng xác nhận 80% người Phi ủng hộ chính sách bài trừ ma tuý bằng cách giết cả người bán lẫn người mua ma tuý để tiêu thụ.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Ông Martin Andanar tuỳ viên truyền thông của tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte gửi kháng thư cho tờ The New York Time phản đối bài phóng sự “They Are Slaughtering Us Like Animals” (Họ giết chúng tôi như giết thú vật) đăng trên số báo phát hành ngày thứ Tư 12/7/2016; Andanar cho là bài báo mô tả cuộc sống tại Phi Luật Tân như sinh hoạt trong một xứ man rợ. Bức kháng thư chỉ trích bài báo là dối gạt, và những gì mô tả trong bài là những điều 'xa rời sự thật đến mức tối đa, không có gì có thể xa hơn,' góc nhìn của người viết -anh phóng viên Daniel Berehulak hoàn toàn sai lệch và một chiều.


Nhận xét của Andanar -một viên chức trong chính phủ Phi Luật Tân- có thể cũng một chiều như bài báo ông chỉ trích, nhưng những lá thư của độc giả Phi phải là phản ánh của dư luận Phi; và chính tờ The New York Time cũng xác nhận 80% người Phi ủng hộ chính sách bài trừ ma tuý bằng cách giết cả người bán lẫn người mua ma tuý để tiêu thụ.

Anh phóng viên Berehulak, đến Phi Luật Tân, sống tại đó 5 tuần để chụp hình 57 nạn nhân bị giết tại 41 địa điểm ngay trong thủ đô Manila. Anh tường trình là chỉ trong vòng 4 tháng, 2,000 người bị cảnh sát giết; phát ngôn viên cảnh sát Phi Dionardo Carlos xác nhận con số đó không xa sự thật, nhưng vẫn chê Berehulak là không nhìn thấy sự thật xa hơn cái máy hình của anh.

Bài phóng sự mô tả cảnh sát giết cả người bán lẫn người mua ma tuý; giết vô tội vạ, không cần xét xử; xác chết đầy đường, nhiều gia đình nghèo than là không chạy được tiền ma chay cho người chết.


4 tháng cảnh sát giết 2,000 người; xác chết đầy đường



Xác chết chồng chất lên nhau, gia đình nạn nhân khốn đốn vì chạy tiền chôn cất.

Trong một bài diễn văn, tổng thống Duterte than thở, "tôi có sung sướng gì đâu trước cảnh người Phi bị giết; nhưng họ phải chết để Phi Luật Tân không chết."

Nhiều người Phi chấp nhận lý luận của ông, trong lúc ông có vẻ đã hơi chùn tay; ông giải thích, "Tôi không hề cho phép cảnh sát giết người bán và người hút ma tuý; tôi chỉ cho họ quyền tự vệ khi gặp nguy hiểm trong bổn phận ngăn cấm ma tuý."

Bênh vực anh phóng viên Berehulak, chủ bút quốc ngoại của tờ Times, ông Michael Slackman, nói, "Bài phóng sự của Daniel là một đóng góp quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi để trình bầy chính xác và sâu sắc tình hình Phi Luật Tân. Anh đưa độc giả đến từng góc đường, chứng kiến cảnh giết chóc qua những góc cạnh nhân bản nhất."

NHƯNG ĐỘC GIA HOA KỲ lại đồng ý với Berehulak, họ ca ngợi bài báo đáng được chấm giải Pulitzer 2016 về bộ môn 'phóng sự thế giới', mặc dù tác phẩm của bà Alissa J. Rubin cũng đăng trên tờ The New York Times đang được báo giới chọn là xuất sắc. Bà viết về số kiếp đoạ đầy của phụ nữ A Phú Hãn trong một xã hội lạc hậu.


Chủ tịch viện đại học Columbia, ông Lee C. Bollinger trao giải thưởng phóng sự quốc tế
cho bà Alissa J. Rubin, bài đăng trên tờThe New York Times

Tiếp lời tổng thống Duterte về việc cảnh sát Phi giết người vì nhu cầu tự vệ, ông Andanar cho biết một số cảnh sát bị thiệt mạng trong lúc thi hành lệnh cấm ma tuý; ông chỉ nói như vậy mà không cho biết chi tiết, như bao nhiêu cảnh sát viên bị giết, hoặc tên tuổi những người này.

Andanar cũng yêu cầu phóng viên ngoại quốc trình bầy cả 2 mặt của vấn đề bài trừ ma tuý; ý ông muốn nói là trong lúc đưa lên hình ảnh và con số những người bị giết, báo chí ngoại quốc cũng cần nói lên nguyên nhân của hành động giết người.

Tờ The New York Time không giúp chính phủ Phi giải thích việc làm của họ, nhưng tờ báo vẫn đăng lên những nhận xét của độc giả, nhất là độc giả Phi.

Bà ANN MENDOZA via nytimes.com, viết, "Sống trong những ổ chuột của thành phố Manila chúng tôi thường xuyên khiếp sợ từ cả chục năm nay, chỉ vì những chính phủ trước không tạo an ninh cho chúng tôi. Quý ông không có quyền nói 2 chữ 'sợ gì' khi các ông chưa nếm mùi bạo lực do bọn nghiện ma tuý gây ra."

JAH RASTAFARI via Facebook viết, "trước đây, mỗi ngày những người lương thiện như chúng tôi bị bọn nghiện ma tuý giết để cướp chút tiền, đem nạp cho bọn con buôn ma tuý; bọn này thu góp bạc triệu pesos, bạc triệu mỹ kim. Tôi nghĩ thà chính phủ giết chúng chết còn hơn chính phủ để mặc chúng giết chúng tôi.

JHUN BARREY GELACIO LAGGUI viết trên Facebook: Bọn trùm buôn bán ma tuý và tay sai mới chính là bọn giết người; cảnh sát giết bọn đó để chấm dứt 6 năm khốn khổ của người Phi dưới triều đại Aquino.

AGAPITO BAGUMBAYAN viết trên Facebook: Tôi sống tại quận Tondo, quận đang xẩy ra nhiều vụ giết người, nhưng tôi lại cảm thấy an toàn hơn trước. Tôi tiếc là anh phóng viên Berehulak không nhìn chính xác được những biến chuyển tốt đẹp tại quận này. Chúng tôi đang sống an toàn hơn với chính sách bài trừ ma tuý của tổng thống Duterte.

NICOLE NEPOMUCENO viết trên Facebook: "chữ 'slaughter' (tàn sát) anh Berehulak viết trong bài phóng sự đã bị dùng sai chỗ; tàn sát không đem lại an toàn cho chúng tôi như chính sách bài trừ ma tuý đang đem lại. Tổng thống Duterte dùng đồng tiền chúng tôi đóng thuế để trả lương cho cảnh sát bảo vệ xã hội lương thiện bị con buôn và người hút ma tuý phá nát từ nhiều năm nay. Chúng tôi tín nhiệm ông ta.

Dĩ nhiên ký giả Berehulak không thể ca tụng chính sách 'slaughter' của ông Duterte, nhưng tờ The New York Time vẫn phải nhìn nhận là 80% thư độc giả gửi đến cho họ, phản đối nội dung bài báo.

                     Thân nhân khóc thương người bị giết, nhưng vẫn ủng hộ chính sách giết người

Dù có thông cảm được với góc nhìn của người Phi Luật Tân, anh phóng viên Berehulak cũng không thể nào viết bài ca tụng chính sách bài trừ ma tuý của tổng thống Duterte được; anh phải chiều theo cảm quan của độc giả Mỹ.

Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama có thể khéo hơn anh trong việc tìm kiếm mẫu số chung của những người Mỹ đảng viên cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, khi ông ra lệnh cho CIA tìm hiểu và báo cáo chi tiết về những nỗ lực của Nga để lèo lái cử tri Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử vừa rồi.

Từ khởi điểm đó, dư luận Mỹ đang chỉ trích việc tổng thống tân cử Donald Trump tuyển chọn nhân viên cho nội các mới của ông: đa số đều là những doanh nhân đã hoặc đang cộng tác với Nga; nhân vật bị chỉ trích nhiều nhất là tỉ phủ Rex Tillerson, tổng giám đốc công ty Exxon Mobil, người có nhiều liên hệ với tổng thống Nga Vladimir Putin.Trump mời ông nhận trọng trách tổng trưởng ngoại giao.
Sự tuyển chọn đó đúng hay sai? Tuỳ góc nhìn của người trả lời câu hỏi này.

Nguyễn Đạt Thịnh

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT