Thế Giới

Giun đông lạnh 42,000 năm được hồi sinh

Saturday, 28/07/2018 - 12:07:56

Đất ở khu vực này chỉ tan tới độ sâu khoảng 80 centimét, và không rã đông quá 1.5 mét trong 100,000 năm qua.



MOSCOW – Viện hàn lâm khoa học Nga hôm thứ Năm thông báo, họ đã hồi sinh các con giun tròn được khai quật trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở đông bắc Siberia, Nga. Theo nhóm nghiên cứu đến từ Moscow và Princeton, các con giun tròn được tìm thấy trong mẫu vật lấy từ lõi sông băng ở độ sâu 30 mét, bên dưới bề mặt lớp đất đóng băng vĩnh cửu gần bờ sông Kolyma, có niên đại 32,000 năm. Một nhóm giun tròn thứ hai tách từ mẫu trầm tích ở độ sâu 3.5 mét gần sông Alazeya, tồn tại từ cách đây 41,700 năm.

Đất ở khu vực này chỉ tan tới độ sâu khoảng 80 centimét, và không rã đông quá 1.5 mét trong 100,000 năm qua. Các nhà khoa học cho rằng, sinh vật tìm thấy không phải giun tròn hiện đại, vì chúng không thể chui qua nhiều tầng đất đóng băng vĩnh cửu lèn chặt lên nhau như vậy. "Dữ liệu của chúng tôi chứng minh khả năng sống sót hàng chục ngàn năm của những tổ chức đa bào trong điều kiện bảo quản đông lạnh tự nhiên,” nhóm nghiên cứu viết. Phát hiện này chứng tỏ giun tròn ở thế Canh Tân có thể thích nghi với môi trường, có ý nghĩa quan trọng đối với những lĩnh vực liên quan như y học đông lạnh, sinh học đông lạnh và sinh vật học không gian.

Sau khi lấy những con giun ra khỏi mẫu vật, nhóm nghiên cứu đặt chúng trong môi trường 20 độ C trong đĩa thí nghiệm Petri, và cung cấp cho chúng thức ăn. "Sau khi thoát khỏi tình trạng đông lạnh, đám giun tròn có dấu hiệu hồi sinh. Chúng bắt đầu cử động và ăn thức ăn,” nhóm nghiên cứu cho biết. Tất cả các con giun tròn này đều là con cái. Những nghiên cứu trước đây từng cho thấy giun tròn, ngành động vật đa dạng bao gồm hơn 25,000 loài, có thể chịu đựng nhiều điều kiện cực hạn.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT