Tiêu Thụ

Giới tiêu thụ nên khai thác những lợi ích của thẻ tín dụng

Friday, 15/06/2018 - 08:17:04

Đó là lý luận của những người chủ trương không nên dùng thẻ tín dụng. Thật là những lý luận chính xác. Nhưng như bài trước có nói, trong thị trường hiện nay, lý luận đó không còn là điều “tuyệt đối đúng” nữa.

 


Một trong những lợi ích mà thẻ tín dụng mang lại cho người sử dụng là “lãi ngược” (cash back)

Bài ERIC TRẦN

Chúng ta thừa biết cái thẻ nhựa mang tên “thẻ tín dụng” (credit card) đích thực chỉ là cái thẻ vay tiền. Nhiều người chủ trương đừng nên sử dụng thẻ tín dụng, bởi vì nó có thể dìm bạn vào sâu trong nợ nần, cả đời ngóc đầu lên không nổi. Người khác thì cho rằng thẻ tín dụng mang lại nhiều quyền lợi cho người tiêu thụ. Trước hai chủ trương trái ngược nhau như vậy, chúng ta nên hiểu như thế nào?

Tại sao không nên dùng thẻ tín dụng?

Bởi vì thẻ tín dụng căn bản chỉ đưa chúng ta vào chỗ nợ nần, từ ít đến nhiều, dần dần trở thành “nợ như chúa Chổm.” Nếu có thể làm chủ bản thân, tiêu xài vừa phải trong khả năng chi trả của mình, để không rơi vào cảnh nợ đầm nợ đìa, thì cũng chỉ là … huề vốn, nợ trước trả sau, chứ có miễn giảm được đồng nào. Muốn giữ thế chủ động khi vay mượn, bạn phải có sẵn tiền để khi cần trả nợ thì trả được ngay. Nhưng đã sẵn tiền thì tại sao phải vay mượn cho mang tiếng?


Không biết tự chế thì thà đừng dùng thẻ tín dụng, cắt nát vất bỏ còn hơn

Đó là lý luận của những người chủ trương không nên dùng thẻ tín dụng. Thật là những lý luận chính xác. Nhưng như bài trước có nói, trong thị trường hiện nay, lý luận đó không còn là điều “tuyệt đối đúng” nữa. Bởi vì, bên cạnh nó, có một lập trường khác, cũng đúng và có thể đúng hơn, đó là: Phải dùng thẻ tín dụng và khai thác những lợi ích độc đáo của nó.

Tại sao nên dùng thẻ tín dụng?

Như bài trước có nói, thẻ tín dụng mang lại lợi ích cho cả ba giới: Giới bán hàng, giới chủ nợ, và giới tiêu thụ. Hai giới trên được lợi ra sao thiết tưởng chưa cần nói đến. Hãy nói về giới tiêu thụ: Từ góc độ của người đi mua sắm, chúng ta dễ dàng nhận thấy cầm tấm thẻ tín dụng trong tay thì tiện lợi và gọn gàng hơn nhiều so với mang tiền mặt trong túi; Quan trọng hơn nữa, tấm thẻ là tiền thực sự, nhưng nếu lỡ bị mất thì… ở trong tay người vô tình nhặt được (chúng tôi nói “vô tình”, trường hợp kẻ gian cố ý đánh cắp thẻ tín dụng thì khác, sẽ được đề cập sau), nó chỉ là miếng giấy vô giá trị, chứ không còn là tiền nữa. Sở dĩ cái thẻ tín dụng “biến hóa” được như vậy là vì, bạn chỉ cần gọi báo ngay cho chủ nợ để họ vô hiệu hóa cái thẻ, và chẳng ai có thể sử dụng nó được nữa.
Hai lợi ích trên đây thật là cụ thể và hiển nhiên. Nhưng còn những lợi ích khác, có thể gọi là “độc đáo” vì chỉ có thẻ tín dụng mới mang lại được. Hôm nay xin nói về lãi ngược.


Khi có good credit, bạn sẽ nhận được nhiều lời chào mời của các công ty chủ thẻ, từ đó tha hồ chọn lựa.

1. Lãi ngược là gì?

Chẳng hạn, bạn vay $100, nhưng bạn chỉ cần trả $99, $98… thậm chí $95, mà chủ nợ vẫn vui lòng nhận lại, không kỳ kèo, và cũng không đòi bạn trả lãi trên số tiền còn thiếu. Điều này cho thấy bạn không “huề vốn” mà rõ ràng bạn có lãi: Vay $100 trả lại $95, lãi $5! Số tiền $5 có thể gọi là … lãi ngược, tuy chẳng đáng bao nhiêu, nhưng rất thú vị! Vay tiền không phải trả lãi mà lại được lãi, nếu đó không là sự ngược đời thú vị thì cái gì mới đáng được coi là thú vị đây?

Hơn nữa, “chẳng đáng bao nhiêu” chỉ là lời nói khiêm tốn… giả bộ. Bởi vì, cái khoản tiền lãi ngược (tiền lãi mà người đi vay được hưởng) không chỉ giới hạn $2 đô hoặc $5 đô, mà có thể là vài trăm đô hoặc cả ngàn đô. Chủ thẻ sẽ tính lãi ngược theo tỷ lệ - có thể 1%, 2% hoặc lên tới 5% - trên số tiền bạn vay để mua sắm. Nếu mỗi khi mua sắm bất cứ thứ gì, thay vì trả tiền mặt, bạn dùng thẻ tín dụng, thì tổng số tiền tích lũy được sau nhiều năm chắc chắn không nhỏ. Đây thực là những đồng tiền rơi vào tay bạn một cách bất ngờ, những đồng tiền nhặt được một cách hoan hỉ. Nói “hoan hỉ” là vì bạn sẽ không có cảm giác áy náy khi nghĩ tới ai đó đang khóc lóc xót xa ở một góc phố nào đó vì rơi mất tiền.

Tại sao lại xảy ra cái sự ngược đời như vậy?
Sự ngược đời là tại sao chủ nợ lại muốn “thưởng” cho con nợ? Trở về chuyện đã nói trước đây, khi giới tiêu thụ dùng thẻ tín dụng để mua sắm, thì chủ thẻ ngay lập tức thu phí từ 2%, 5% hoặc 10% trên số tiền họ bỏ ra. Với mức lệ phí 5%, thì khi bỏ ra $100 cho bạn mua một món hàng nào đó, chủ thẻ đã xoắn lấy $5 (người bán chỉ thu được $95). Từ $5 lấy được của người bán, chủ nợ chia chác với con nợ (là bạn) $1 hoặc $2 để khuyến khích bạn dùng thẻ mua thêm, mua thêm.

Thực ra, việc thu lệ phí diễn tiến một cách kín đáo giữa chủ thẻ và người bán, người mua không hề hay biết vì hóa đơn tính tiền vẫn ghi rõ giá tiền món hàng là $100. Việc chủ thẻ đồng ý chia chác với giới tiêu thụ là một việc tự ý, nằm trong kế hoạch “khuyến mãi” để giúp bạn lên tinh thần mà tiêu xài nhiều hơn. Ngoài ra, còn có nhu cầu “cạnh tranh” trong giới chủ nợ. Trên thị trường có rất nhiều chủ nợ sẵn sàng cấp thẻ tín dụng cho giới tiêu thụ. Để làm cho mình nổi bật hơn đối thủ, chủ nợ thường phải nghĩ ra nhiều phương thức lạ đời hầu lôi kéo con nợ: Cho con nợ được hưởng “lãi ngược” là một trong những phương thức đó.

2. Làm sao hưởng được lãi ngược?

Là người tiêu thụ, bạn cần phải chọn lựa. Người ta thường nói “Chọn mặt gửi vàng”, ở đây thì bạn chọn mặt để ….. vay tiền. Làm chủ thẻ tín dụng là một “business” mang lại doanh thu rất cao, nên thiên hạ tranh nhau nhảy ra cho vay tiền. Nếu bạn được thị trường ghi nhận là người có uy tín, nói cụ thể là có “good credit”, bạn sẽ nhận được nhiều lời chào mời, và từ đó bạn có thể tha hồ chọn lựa. Nếu thích lãi ngược, bạn hãy chọn chủ thẻ nào tự nguyện cho mình quyền lợi đó. Các chủ thẻ không giống nhau: Người này cho lãi ngược (cash back), người kia cho điểm thưởng để mua vé máy bay (airline ticket points), người khác lại cho vay theo phân lời ưu đãi 0%. Chỉ cần bạn có good credit, bạn sẽ có thể đón nhận nhiều lợi ích như “trăm hoa đua nở” trong ngôi vườn mùa xuân. Trên thị trường tài chánh của thời hiện đại, các chủ thẻ - vốn là những nhà băng lớn như Bank of America, Chase, Discover….. – lúc nào cũng nặn óc tìm tòi sáng kiến cạnh tranh để thuyết phục khách hàng dùng thẻ tín dụng của mình. Nếu muốn “lãi ngược”, xin bạn hỏi họ về “Cash Back”.
Tuy nhiên, cần phải nói rõ ngay ở đây rằng, khi nhận hóa đơn hằng tháng của chủ thẻ, bạn vẫn phải trả đầy đủ số nợ tích lũy trong 30 ngày trước đó, bằng không sẽ phải trả lãi rất cao (có thể tới 29%) trên số nợ còn thiếu lại. Tiền “cash back” cũng được ghi trong hóa đơn, nhưng ở một trang khác.
Tóm lại, thẻ tín dụng luôn luôn là “con dao 2 lưỡi”, đưa lại nhiều lợi ích nhưng cũng đòi hỏi người tiêu thụ phải có tinh thần trách nhiệm và sự tự chế. Có tinh thần trách nhiệm cao thì mới xây dựng được uy tín, mới có good credit, và các lời chào mời mới bay đến.
erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT