Văn Nghệ

Giới thiệu vở kịch Tía ơi... má dìa... của kịch Idecaf

Friday, 14/10/2016 - 08:14:56

“Khi chúng tôi xem vở kịch này, hiểu được giá trị đằng sau của tình nghĩa vợ chồng lớn như vậy, nên cố gắng muốn truyền thông điệp mà vở kịch mang lại.

Bài BĂNG HUYỀN

Sau thành công của tour diễn tại Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2016 vừa qua do công ty Sala Entertaiment tổ chức, giới thiệu vở kịch “Dạ cổ hoài lang” (Kịch bản của nghệ sĩ Thanh Hoàng, đạo diễn Vũ Minh) của đoàn kịch Idecaf (tại Sài Gòn) qua diễn xuất của diễn viên Thành Lộc, Hữu Châu, Lương Thế Thành và Tường Vi, sắp tới đây, vào Chủ Nhật, ngày 27 tháng 11 năm 2016, tại sân khấu Saigon Performing Arts Center, Sala Entertaiment tiếp tục mời đoàn kịch Idecaf hạnh ngộ lại với các khán giả quận Cam qua 2 xuất diễn lúc 1 giờ trưa và 6 giờ 30 tối, qua vở kịch “Tía ơi... má dìa...” (kịch bản Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Vũ Minh) cùng các diễn viên Thành Lộc, Hữu Châu, Phi Phụng, Hoàng Trinh, Phương Dung, Lương Thế Thành, Tường Vy, Thanh Bình, Trương Nam Thành và Don Nguyễn...

Những khán giả đã từng xem các vở diễn của kịch Idecaf tại Sài Gòn hay qua 2 vở đã lưu diễn tại Mỹ “Hợp đồng mãnh thú”(vào năm ngoái) và “Dạ cổ hoài lang” (tháng 8 năm nay), đều dành rất nhiều thiện cảm. Bởi tác phẩm nào cũng được gửi gắm những giá trị nhân văn sâu sắc và những thông điệp tích cực về cuộc sống. Sân khấu luôn được trau chuốt kĩ càng từ cảnh trí, đạo cụ sân khấu, phục trang bám sát bối cảnh câu chuyện. Các diễn viên luôn hết mình và hóa thân trọn vẹn cho vai diễn dẫu là vai chính hay vai phụ, đặc biệt là tài biến hóa xuất thần của diễn viên Thành Lộc, anh được mệnh danh là phù thủy sân khấu bởi khả năng ứng biến và thay đổi linh hoạt, tinh tế, khiến khán giả phải khóc, cười theo từng biến chuyển tâm lý của nhân vật, của chuyện kịch.

               Poster kịch Tía ơi… má dìa… diễn tại Quận Cam nhân mùa lễ Tạ Ơn 2016. (Hình cung cấp)


Vở kịch “Tía ơi... má dìa...” cũng không ngoại lệ, với cách kể chuyện hấp dẫn cùng thông điệp sâu sắc về những tình cảm hồn hậu của tình nghĩa vợ chồng, sự thủy chung, tình người, tình làng nghĩa xóm của những người dân miền Tây chân chất mộc mạc, về niềm tin và sự chờ đợi, tất cả đều được gửi gắm trong tác phẩm rất nồng đượm. Cùng bối cảnh của vở diễn với cảnh sông nước miền Nam, cầu tre, mái lá, cảnh chèo thuyền trên sông, cái lu, cái phản, cụm dừa nước, chiếc bàn trà, trái dừa khô... sẽ là những cảnh sắc tạo nên nhiều rung động cho các khán giả đang sống ly hương, cộng với vẻ đẹp trữ tình của 6 ca khúc được viết riêng cho vở diễn, sẽ góp thêm một món ăn tinh thần tròn vị cho khán giả nhân mùa lễ Tạ ơn 2016 này.

Nội dung vở diễn và những nét hay, lạ
Tiết lộ về nội dung của chuyện kịch, chị Christy Huyền Nguyễn (giám đốc điều hành của công ty Sala Entertaiment) giới thiệu: “Tía ơi...má dìa... là câu chuyện về tình yêu thủy chung của ông Tư Chơn (diễn viên Thành Lộc), một nghệ sĩ đàn kìm theo ghe hát xuôi ngược kiếm sống và bà Thắm (diễn viên Hoàng Trinh), một tiểu thư gốc Sài Gòn vì yêu ông mà chấp nhận sống cuộc đời nghèo khổ cơ hàn. Bà Thắm mất tích trong vụ đắm đò một ngày giông bão. Trái tim ông Tư tan nát nhưng vẫn một lòng tin vợ mình còn sống và đang ở một nơi nào đó. Vì thế nên ông chờ. Chờ suốt 10 năm trong nỗi nhung nhớ khôn nguôi về người vợ yêu thương của mình và vẫn một mình gà trống nuôi con. Những người trong xóm ai cũng nói ông lấy vợ mới đi, vợ ông mất tích lâu vậy, một là đã bỏ ông lấy chồng khác, hai là đã mất rồi. Tươi (Tường Vy) - cô con gái đầu của ông - cũng vì thương cha mà ở vậy không dám lấy chồng, dù thầy giáo Mộc (Lương Thế Thành) sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang ở Sài Gòn để về cù lao dạy học và chờ đợi cô. Đến một ngày ông Tư chợt nhận ra rằng, không thể chỉ ngồi đó mà chờ đợi mãi được, dù vợ ông còn sống hay đã chết, dù có gặp được hay không ông cũng phải đi tìm bà. Ngày nào cũng vậy, cứ lo cho con xong, chiều xuống là ông lại chèo xuồng ra sông tìm vợ. Kết thúc vở diễn là cảnh đoàn viên của cả nhà trong nước mắt, nụ cười.”

Giới thiệu thêm về nét hấp dẫn của vở diễn “Tía ơi... má dìa...”, chị Christy Huyền Nguyễn nói: “Vở không chỉ là bi hài trường kịch quý vị thường xem, mà có cả phần nhạc kịch. Phần âm nhạc của vở có 6 bài hát được viết riêng. Khán giả đến xem kịch, mới nghe được những bài hát này. Đây là vở diễn có dàn diễn viên hùng hậu, toàn ngôi sao được yêu thích. Ngoài diễn viên Thành Lộc, khán giả sẽ gặp lại diễn viên Hữu Châu trong vai ông Sáu Lôi, bạn hàng xóm của ông Tư Chơn. Vở diễn còn có 3 nhân vật nữ là chị Phi Phụng (con gái diễn viên hài Phi Thoàn) vai bà Tám Diệu là hàng xóm ông Tư, chị Phương Dung vào vai Tô Ánh Ngọc (vai mẹ của thầy giáo Mộc) rất hay và chị Hoàng Trinh rất duyên dáng, đằm thắm trong vai người vợ bị mất tích, cùng các diễn viên Lương Thế Thành (thầy giáo Mộc), Tường Vy (Tươi, con gái lớn của ông Tư Chơn), Trương Nam Thành (Thành, con trai thứ của ông Tư Chơn), Thanh Bình, và có sự xuất hiện của Don Nguyễn (chưa xuất hiện trong phiên bản tại Sài Gòn).

Giải thích vì sao lại chọn “Tía ơi... má dìa...” để mời đoàn kịch Idecaf qua diễn nhân mùa lễ Tạ ơn năm nay, chị Christy Huyền Nguyễn cho biết: “Vì đây là vở kịch về tình gia đình, tình vợ chồng, nên chúng tôi cố gắng dành vở diễn này ra mắt khán giả ngay dịp lễ Tạ Ơn là vì vậy. Tình nghĩa tào khang, tình vợ chồng nói ra thì bình thường, nhưng nghĩ kỹ thì rất thiêng liêng. Nhất là trong thời đại ngày nay, những người trẻ hiện đại đã bị phai lạt tình nghĩa đó. Đôi khi vì quá thiêng về cảm xúc, cái tôi, nên không giữ được gia đình, hôn nhân dễ bị lung lay, nhiều người không còn xem trọng nền tảng của tình nghĩa tào khang.

“Khi chúng tôi xem vở kịch này, hiểu được giá trị đằng sau của tình nghĩa vợ chồng lớn như vậy, nên cố gắng muốn truyền thông điệp mà vở kịch mang lại.

Theo chị Christy Huyền Nguyễn: “Sự chọn lựa của công ty Sala Entertaiment thay vì thực hiện những show ca nhạc ở sòng bài, sẽ nhận được bảo trợ rất nhiều, nhưng chúng tôi lại chọn mời đoàn kịch Idecaf qua diễn, phải chi tiền lớn ra trước, thu lại tiền nhỏ. Về kinh tế thì rất lo, nhưng chúng tôi tin rằng khi mình đưa ra thông điệp tốt thì nhận được phản ứng tốt từ khán giả.

“Điều mong muốn của chúng tôi đã và đang làm là mang đến những món ăn tinh thần vừa hay, vừa ý nghĩa, vừa có tính chất giáo dục, tính giải trí đến cho khán giả. Khi mời kịch Idecaf qua diễn cho khán giả bên này, những vở diễn chúng tôi chọn không phải chỉ là vở diễn đang rất ăn khách tại Việt Nam, mà vì chúng tôi đứng trên quan điểm là những người làm truyền thông, có trách nhiệm với những gì mình đưa ra, phải có thông điệp gì trong đó. Thông điệp phải mang tính nhân văn, vì khi người ta xem xong tác phẩm, người xem học được cái gì và từ đó người ta sử dụng trong đời sống người ta tốt hơn, chứ không chỉ thuần túy mang tính giải trí, thưởng thức cái hay, cái đẹp của sân khấu.”

Vì người bạn đời của chị (diễn viên điện ảnh Trương Minh Cường) và chị đều là Phật tử tại gia rất thuần thành, nên chị bảo: “Chúng tôi quan niệm là khi làm nghệ thuật, cũng là một cách để mình pháp thí. Ngay tên gọi của công ty, chúng tôi chọn Sala cũng có ý nghĩa. Sala là hoa vô ưu, Đức Phật Thích Ca đã chọn giữa bóng hai cây Sala để nằm nghỉ và đi vào Niết Bàn. Tôi nghĩ ai cũng có nghề nghiệp để kiếm sống, để cống hiến cho cuộc đời. Nhưng trong cuộc đời của mình, mình có được ý nghĩa gì, mình mang được lợi ích được cho bao người và mình không gây tổn hại cho người khác thì đó là điều mình chọn để đi. Đương nhiên làm công việc gì cũng cần phải có lợi nhuận, nhưng ý nghĩa không tổn hại đến người khác đó cũng là điều quan trọng đối với tôi. Tôi nghĩ không có thành công nào dễ dàng hết, cái gì cũng có thử thách, quan trọng là mình học được cái gì. Vì vậy tôi nghĩ nếu mình vẫn kiên trì đi theo con đường dù nhiều chông gai, nhưng mà mục đích tốt thì sẽ nhận được quả tốt, tuy rằng sẽ lâu, nhưng không sao.”

Những khó khăn khi mời đoàn kịch sang diễn
Tâm sự về những khó khăn của buổi đầu khi mời đoàn kịch Idecaf sang Mỹ biểu diễn, chị Christy Huyền Nguyễn nói: “Ngoài một số khán giả rất thích, rất mê xem trường kịch, thì vẫn có một số khán giả vẫn chưa quen xem kịch dài mà không có ca nhạc, không có hài kịch. Để thay đổi quan niệm thì chúng tôi cũng phải mất một thời gian dài trong quá trình giải thích với khán giả và bán vé. Dẫu rằng hiệu ứng của khán giả rất tốt, khó khăn là do chi phí nhiều, dù đã sold out vé, nhưng do không bán vé quá cao, thành ra chi phí chúng tôi thu lại được chỉ vừa đủ thôi. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Bởi vì, có nhiều khán giả nói với tôi họ già rồi, nghe con cháu đi về Sài Gòn kể rằng coi kịch Idecaf hay lắm, hỏi tôi những vở đó có phát hành dvd không, để họ mua xem. Tôi cho biết vì kịch Idecaf vẫn đang diễn hằng đêm tại Sài Gòn, vì vậy không phát hành dvd. Từ những khán giả cao tuổi, mình xem như ông bà, cha mẹ mình, nên mình rất cảm kích và muốn đem những vở kịch hay của Idecaf qua đây diễn. Chỉ với mong muốn mang nghệ thuật tinh túy để khán giả bên này thưởng thức. Vì khán giả bên này có quyền nâng cao món ăn tinh thần của mình lên. Riêng đối với ký ức của rất nhiều khán giả trẻ mới qua định cư những năm sau này, thì kịch Idecaf là nét văn hóa ở Sài Gòn. Xa Sài Gòn, nhớ món ăn và kịch Idecaf vô cùng, giờ đây thật may mắn khi ở Cali món ăn gì cũng có và rất ngon, lại còn có kịch Idecaf để coi nữa thì đến Cali thật tuyệt. Tôi nghĩ sẽ có đông đồng hương ở tiểu bang xa chọn đến Nam Cali dịp lễ Tạ Ơn năm nay kết hợp du lịch, giải trí, đây là dịp rất thuận lợi để đồng hương xem vở diễn Tía ơi...má dìa.”

Nói về công tác chuẩn bị cho một vở diễn khi mời đoàn kịch Idecaf sang Mỹ biểu diễn, chị Christy Huyền Nguyễn giải thích: “Chúng tôi làm việc là các công ty làm việc với nhau, chứ không làm việc cá nhân. Có 3 công ty cùng kết hợp với nhau, đó là công ty Sala Entertaiment của tôi, Hiệp Hội Nghệ Thuật của Mỹ (trụ sở tại thành phố New York) chuyên tổ chức biểu diễn, để lo tất cả các giấy tờ của đoàn đi đến nơi đến chốn, và bên Việt Nam là đoàn kịch Idecaf (thuộc công ty nghệ thuật biểu diễn Thái Dương).

“Sở dĩ khi mời đoàn kịch Idecaf qua diễn, chúng tôi phải tốn thêm chi phí khi thông qua Hiệp Hội Nghệ Thuật của Mỹ, vì chúng tôi muốn việc lưu diễn này được thực hiện bài bản, danh chính ngôn thuận, giảm thiểu tối đa những trục trặc về visa của diễn viên khi sang đây biểu diễn. Vì thông qua Hiệp Hội Nghệ Thuật của Mỹ, nên việc chuẩn bị của một vở diễn khi quyết định mang qua đây mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc hơn. Chúng tôi phải chuẩn bị trước nội dung kịch bản, những giấy tờ liên quan đến vở diễn, về diễn viên, tất cả đều phải dịch ra tiếng Anh, ngay cả việc phải chọn ngày thuê rạp để còn gửi trong tài liệu nộp cho Hiệp Hội Nghệ Thuật của Mỹ. Vì chúng tôi mời cả đoàn kịch gồm nhiều diễn viên, chứ không phải chỉ 1, 2 người, thành ra việc mời đoàn là làm đúng tính chất đi diễn quốc tế. Ngay cả poster của vở diễn, chúng tôi chăm chút rất kỹ, toàn bộ hình của diễn viên trên poster mà chúng tôi thực hiện, đều chụp mới hết. Các nhân vật hóa trang trong vở kịch ra sao, thì trên poster đúng y như vậy. Như vở kịch “Tía ơi... má dìa...” bối cảnh chính diễn ra ở một khúc sông ở miền Tây Nam phần vào chiều hoàng hôn, nên chúng tôi phải làm việc với người thiết kế poster thực hiện cho ra đúng hình ảnh mô tả đó.”

Chị Christy Huyền Nguyễn kể: “Chúng tôi phải mất gần 2 năm thì mới thu xếp để đưa được vở kịch “Tía ơi... má dìa...” sang lưu diễn. Đây là vở có đông diễn viên nhất từ xưa đến nay khi công ty Sala Entertaiment mời đoàn kịch Idecaf qua Mỹ diễn. Diễn viên và ê kíp của đoàn kịch qua đây gồm 18 người, chưa kể những nhân viên làm về đạo cụ, trang trí sân khấu mà chúng tôi thuê tại Mỹ và khâu tổ chức nữa. Kịch không giống ca nhạc, nếu làm show ca nhạc, ca sĩ chỉ cần bay qua là hát thôi, còn kịch phải tính toán kỹ, đạo cụ làm sao, mỗi lần như vậy, mất cả ngày trời để sắp đặt, Bên này đâu có đủ người làm đạo cụ, cảnh trí, nên có những cái mình phải kết hợp việc thiết kế bên Việt Nam đem qua, có cái làm bên đây, nên chi phí rất tốn kém. Ngoài chuyện đó, chúng tôi phải tính toán sao cho sân khấu không bị thời gian chết, nghĩa là phải chuyển cảnh không quá 3 phút, phải rất nhanh, phải tính kỹ, vì vậy người làm công việc chuyển cảnh cũng phải chuyên nghiệp, chứ không phải mướn đại người để làm. Mà người chuyên nghiệp thì cũng sẽ mắc tiền hơn. Cảnh trí mà chúng tôi dàn dựng cho vở kịch đúng như đã diễn bên sân khấu Idecaf tại Sài Gòn, ví dụ diễn viên bước qua 3 bước thấy được món đồ đó...Có điều sân khấu này thì bự, sân khấu khác nhỏ hơn, khi đi tour lưu diễn phải chuẩn bị kỹ hết với sân khấu này thì sao, sân khấu khác thì thế nào...

“Tour diễn vở “Tía ơià mà dìaà” lần này, do thời gian không đủ, nên dù cộng đồng người Việt bên Boston, bên Virginia, Houston và Dallas cũng muốn chúng tôi đưa đoàn qua diễn, nhưng do không có rạp để chúng tôi book trước vào đúng ngày mà chúng tôi sắp xếp được, để gửi lên cho Hiệp Hội Nghệ Thuật Hoa Kỳ trước đó. Vì vậy, lần này chúng tôi chỉ tổ chức diễn được tại San Jose vào Chủ Nhật ngày 20 tháng 11, và tại quận Cam Chủ Nhật, ngày 27 tháng 11.”

Chị Christy Huyền Nguyễn nói: “Tôi mong là khán giả nào đã từng xem kịch Idecaf rồi thì hãy tiếp tục ủng hộ. Vì chúng tôi không làm cho khán giả thất vọng. Còn khán giả nào chưa biết, chưa từng xem kịch do công ty Sala mời đoàn kịch Idecaf sang diễn, thì hãy thử một lần, hãy dành 3 tiếng đồng hồ trong ngày Chủ Nhật 27 tháng 11 để thưởng thức vở diễn, thưởng thức thông điệp nghệ thuật, giá trị nhân văn của tác phẩm, để mình nhìn lại mình là ai trong những nhân vật đó, để có thể sống với những người xung quanh mình, những người mình đã từng biết và những người mình sẽ biết như thế nào. Ngoài vở diễn hay, đến xem kịch, quý vị còn cảm nhận được công lao, tấm lòng của những nghệ sĩ đoàn kịch Idecaf, họ rất háo hức mong được gặp những khán giả hâm mộ ở nửa vòng trái đất. Nếu quý vị thấy thích hợp với mình thì hãy tiếp tục ủng hộ tiếp lần sau (dự định trong tháng 4 năm 2017, chúng tôi sẽ mang vở Tấm Cám sang diễn, và tiếp theo sẽ là những vở hay khác nữa của kịch Idecaf), còn không tham dự, cũng không sao, nhưng quý vị hãy thử đi. Để thấy rằng mình học được những gì trong đó, đó là mong muốn nhất của tôi xin gửi đến độc giả qua bài viết này.”

Vé có các loại VIP $100, hạng nhất $80, hạng nhì $60, hạng ba $45. Vé đã bán tại Tú Quỳnh: 714.531.4284.
Ban tổ chức 714-399-8850, và 949-681-9999
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT