Văn Nghệ

Giới thiệu “Tự Truyện Của Người Nữ Tù Chung Thân” của nhà văn Chu Tất Tiến

Thursday, 22/07/2021 - 08:27:34

Báo Viễn Đông vừa nhận được cuốn“Tự Truyện Của Người Nữ Tù Chung Thân” do nhà văn Chu Tất Tiến xuất bản và gửi tặng.


Bìa trước “Tự Truyện Của Người Nữ Tù Chung Thân”


Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Báo Viễn Đông vừa nhận được cuốn“Tự Truyện Của Người Nữ Tù Chung Thân” do nhà văn Chu Tất Tiến xuất bản và gửi tặng.

Tự Truyện Của Người Nữ Tù Chung Thân là câu chuyện có thật của người con gái có cha mang quốc tịch Nam Dương, mẹ người Ả Rập (Yemen). Cha của Lê Thị Vân 17 tuổi lấy vợ 16 tuổi và sinh ra cô năm mẹ cô 20 tuổi. Ngày xưa ông Ngoại của Lê Thị Vân xuôi tàu rượu và cập vào bến bờ Việt Nam, sau đó lấy bà ngoại người Việt Nam theo đạo Cao Đài. Bố mẹ Vân sống với ông bà nội trên đường Công Lý, gần bùng binh chợ Bến Thành, Saigon.

Sau khi sanh, hai ông bà đặt tên con là Manam Binty Oman, sau đổi thành Lê Thị Vân. Gia đình cô theo đạo Hồi. Vì phong tục Hồi Giáo người đàn ông được quyền lấy nhiều vợ, nhưng người đàn bà nếu phạm tội ngoại tình thì phải đem ra ném đá cho đến chết. Ngay từ nhỏ, Lê Thị Vân đã chứng kiến người cha độc ác đánh mẹ mình tàn nhẫn, và hết ăn nằm với người đàn bà này đến người đàn bà khác mà mẹ cô không dám hé môi.

Cô rất thương người mẹ, tuy là người Trung Đông nhưng rất hiền lành, và có thể khi sống ở Việt Nam 17 năm trời, bà mẹ đã lây nhiễm đức tính của người mẹ Việt Nam, cần cù, chịu đựng và hy sinh cho chồng cho con. Cuộc đời của Lê Thị Vân thật đúng với câu “Ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh.”

Sau khi miền Nam rơi vào tay Việt Cộng, gia đình cô được Tòa Lãnh Sự Ả Rập đưa lên phi cơ rời Việt Nam sang Cộng Hòa Ả Rập Yemen, rồi từ Yemen lại chạy qua nhiều nước khác cuối cùng được người cha bảo lãnh qua Canada. Vào ngày 12.4.2003 Lê Thị Vân nghe lời dụ ngọt của người tình 17 năm xưa là Mohamed nick name là Hải, cô rời Canada và về Oklahoma, Hoa Kỳ.

Tại đây, gia đình người hàng xóm cũng người Việt làm nghề Nail sang năn nỉ nhờ Vân coi giùm hai đứa con cho họ đi làm. Cô nhận lời. Theo lời của Vân, trước đó bà mẹ sẩy tay làm rớt cháu nhỏ xuống nền xi măng bị nứt sọ nên cháu đau, sốt hoài và họ giấu không cho Vân biết. Ngày 22.9.2012 khi cha mẹ bé Jessica vừa rời nhà Vân khoảng 15 phút đi làm thì bé Jessica trợn mắt, tay chân cong lại, sau đó thân thể không nhúc nhích. Vân sợ quá gọi cho bố mẹ Jessica nhưng mãi 8 giờ tối họ mới gọi lại, em bé được đưa vào nhà thương cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Cũng theo lời tự thuật của Vân, bình thường bố mẹ của Jessica rất ngọt ngào với Vân, thường xuyên cám ơn, khen Vân coi hai con họ rất cẩn thận và thương bé Jessica như con mình. Nay khi ra tòa bà nói Lê Thị Vân làm chết con bà. “Con tôi chết trong tay bà kia, tôi muốn tòa xử Bà ấy suốt đời ở trong tù cho đến chết!”

Mặc dù có nhân chứng hàng xóm thấy mẹ đứa bé làm rơi con xuống nền xi măng, có giấy bác sĩ gia đình mà cháu bé Jessica vẫn đi khám quả quyết là “con bé bị chạm đầu vào vật cứng lâu ngày rồi nhưng bây giờ mới bộc phát; nhưng tòa lờ đi lời khai quan trọng này, và thế là quan tòa phán “Lê Thị Vân can tội giết con nít phải tù chung thân, không có ân xá, án tù 100 năm.”


Bìa sau “Tự Truyện Của Người Nữ Tù Chung Thân”

Với bản án oan trái này, Lê Thị Vân nghẹn ngào than thở, “Số trời đã định, oan nghiệt đã bắt đầu thực hiện giai đoạn sau cùng cho số phận tôi. Sau bao nhiêu năm vất vả, long đong, homeless, ăn mày, ăn xin, làm đủ thứ việc vặt để sống còn, thì tòa án là nơi kết liễu số phận tôi. Quan tòa không thèm nghe nhân chứng, không cần vật chứng mà nhanh chóng kết luận là tôi phạm tội giết con nít, bị kết án chung thân, không được lãnh nhận ơn đại xá và phải sống trong tù suốt đời...”

Cuộc đời của người nữ tù Lê Thị Vân quá sức khổ cực, cay đắng, nghiệt ngã, đói đến nỗi phải đi bới thùng rác kiếm đồ ăn, ở trong tù bị tù cũ bắt nạt, thường xuyên bị kẻ khác ngang nhiên lấy dĩa đồ ăn cô vừa lãnh về mà không dám cự cãi. Ngoài việc thường xuyên bị lấy mất phần ăn, cô còn bị một nữ tù cũ chửi, “Đ.M. Mày! Đồ da vàng dơ bẩn!”

Lê Thị Vân đã kể lại quãng đời của mình từ lúc nhỏ đến nay cho nhà văn Chu Tất Tiến, và ông đã viết lại với lời văn và sự sắp xếp để câu truyện có đầu có đuôi một cách mạch lạc và với mục đích như một đọan trong Lời Tựa ở đầu trang sách: “Tác giả chỉ mong Công Lý được trả lại cho Lê Thị Vân, mong cho cô gặp được những nhà làm Luật hiểu biết rộng rãi, nghiêm khắc nhưng thông cảm, biết đặt “Chúng Nó" lên trên “Cái Ta” biết “Thế Thiên Hành Đạo” để gỡ bỏ án oan cho cô, trả lại cho cô những gì mà tù ngục đã lấy mất. Gia Đình và Hạnh Phúc. Đồng thời cũng mong, qua cuốn sách này, cha mẹ, anh chị em của người tù Lê Thị Vân hiện đang ở đâu đó, biết tin về người thất lạc mà đến nâng đỡ tâm hồn kẻ cô đơn, luôn đau đáu nhớ về một mái gia đình êm ấm. Cũng tha thiết mong những Tâm Hồn Cao Thượng vẫn còn nhiều trong xã hội vô cảm này cùng đến chia sẻ chút tình thông cảm đến cho Lê Thị Vân, người con gái mang tên Việt Nam, đang bị án oan ở xứ người để có thể sống nốt quãng đời còn lại, dù trong ngục tù hay ngoài xã hội, với lòng tin là Tình Người Vẫn Đẹp.”

Người đọc dễ xúc động sẽ không cầm được nước mắt, vì không chỉ chuyện ở tù mà suốt cuộc đời của người con gái tên Vân đã phải chịu trăm cay nghìn đắng. Đọc Tự Truyện của Lê Thị Vân người đọc còn biết thêm về những sự ghê gớm, xấu xa xảy ra trong tù hàng ngày, biết thiếu trình độ Anh ngữ sẽ thiệt thòi như thế nào và nhất là người con gái da vàng sẽ bị bọn tù “Ma cũ bắt nạt ma mới” tàn nhẫn ra sao. Ngoài ra, cũng hiểu biết một số điều về đạo Hồi và vì sao cô cải đạo sang làm tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Tự truyện của Lê Thị Vân được Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San, nhà văn Chu Tất Tiến, chị Thảo Edwards, chị Phạm Thị Hòa, chị Nga, nhạc sĩ Đỗ Thiện, Souer Dâng và nhiều người khác được Lê Thị Vân gửi thư hay nhắc đến tên để tạ ơn. Đặc biệt sách có Lời Bạt của Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân (kinh tế gia) và lời cám ơn nhà văn Chu Tất Tiến của Phó Tế Nguyễn Mạnh San: “Cảm tạ nhà văn Chu Tất Tiến đã viết lại một câu chuyện thương tâm đầy nước mắt của nữ tù nhân chung thân Lê Vân, mà Thiên Chúa đã gửi tôi đến các trại tù, để an ủi các tù nhân nam nữ, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và màu da vào những ngày nghỉ cuối tuần, liên tục suốt hơn 21 năm qua.”

Quý độc giả Viễn Đông muốn có sách xin liên lạc nhà văn Chu Tất Tiến qua email: vietnguyen2016@aol.com.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT