Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Giới thiệu sách: Nước Mỹ: Thiên Đường Hay Địa Ngục của Nguyên Anh

Friday, 24/11/2017 - 10:58:37

Nước Mỹ: Thiên đường hay địa ngục sẽ cho mọi người biết được cuộc sống thật của những con người xa xứ, của nhịp sống tại nước ngoài, và những suy nghĩ theo góc nhìn của tác giả. Hiện nay tác giả Nguyên Anh đang là chủ bút của trang tin Quyền Được Biết.

Bài BÍCH NGA

Đây là cuốn hồi ký của nhà báo Nguyên Anh, một cây viết tranh đấu cho Việt Nam. Cuốn hồi ký ghi lại khoảng thời gian tác giả đến Mỹ để xin tị nạn chính trị, và những trải nghiệm về thế giới người Việt tại Hoa Kỳ, trong suốt thời gian ba năm sinh sống, học tập và làm việc tại đây, trong đó là những con người mà tác giả đã gặp, các công việc đã từng trải qua.

Nước Mỹ: Thiên đường hay địa ngục sẽ cho mọi người biết được cuộc sống thật của những con người xa xứ, của nhịp sống tại nước ngoài, và những suy nghĩ theo góc nhìn của tác giả. Hiện nay tác giả Nguyên Anh đang là chủ bút của trang tin Quyền Được Biết.

Trong phần "Lời Mở Đầu" tác giả viết, "Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay là khoảng thời gian mà tôi đã trải qua tại đây, đó là những tháng ngày tôi không bao giờ có thể quên được, với những khoảng khắc ghi dấu ấn đậm nét trong những ngày sống dưới đáy xã hội, trong một quốc gia giàu có bậc nhất hành tinh: Nước Mỹ. Những gì tôi viết đều là sự thật, tuy nhiên đó chỉ là những cảm nhận và suy nghĩ của riêng tôi, chứ có thể sẽ không phải là của bạn. Hãy lật thật chậm từng dòng thời gian và sống cùng tôi trong đó, hy vọng rằng bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình..." (trang 3)

Là người cầm visa du lịch nhưng ở lại Hoa Kỳ để xin tị nạn chính trị, cuộc sống của tác giả trong thời gian chờ đợi tiến trình thủ tục hết sức bi thảm vì không thể kiếm được việc làm. Nếu có, thì cũng chỉ được trả $5 Mỹ kim một giờ. Khi được một chủ tiệm phở nhận vào làm việc, mới ngày đầu tiên, tác giả bị chủ tiệm đẩy xuống bếp bắt chế biến thịt gà, sau đó thì kêu đi rửa chén.

Tác giả viết, "Nhưng nào đâu đã hết, công việc trong bếp luôn có sẵn, và bọn chủ nhân khi mướn người làm luôn có tâm lý muốn bóc lột bằng các vắt kiệt sức lao động, cho nên không việc này thì làm việc khác. Đến trưa, tôi vẫn chưa được chủ cho ăn một thứ gì nhưng con vợ thằng chủ lại bắt tôi phải ra xe của nó để khiêng những bao lương thực vào bếp. Vừa khiêng tôi vừa thầm nghĩ cái con này ở Việt Nam nó đi ở đợ hay đến Mỹ này, nó đi làm công cho người ta bị chúng nó đì bầm dập nên nó thù người làm đấy mà. Vừa làm xong mấy bao bột thì thằng chủ xuống bắt tôi thái thịt." (trang 15)

Công việc tiếp theo của tác giả là phục vụ cho một quán cà phê... bikini. Tác giả viết, "Để thực khách ghé nhiều đến những quán cà phê loại này, thì điều tiên quyết là các cô gái phải trẻ, đẹp và chìu khách. Các cô thường chia làm hai ca, sáng và tối, những khi tôi làm buổi sáng thì phải đến sớm từ lúc trời còn tối, việc đầu tiên là phải bắt bếp nấu nước sôi, sau đó châm vào hàng trăm ly cà phê mà người làm ca chiều để sẵn, châm liên tục đến ba lần thì cà phê chảy ra một loại nước cốt đen thui, sau đó được đổ vào những ca lớn, thường thì một buổi sáng phải pha sẵn từ 150-200 ly, sau đó cà phê được đưa vào tủ lạnh để khi khách yêu cầu sẽ được pha chế thêm sữa hoặc đường.

“Sau khi hoàn tất việc pha cà phê, tôi phải rửa hàng trăm cái ly đó để lại trên bàn và cho cà phê vào từng cái phin cho người sẽ đến làm sáng hôm sau. Ở cái quán cà phê này tôi cũng khá thoải mái, mỗi ngày vào ca, tôi được quyền uống một ly cà phê đen hay sữa tùy mình chọn. Trong thời gian này, tôi nộp hồ sơ để xin thẻ lao động đến sở di trú, tuy nhiên đã hơn ba tháng mà vẫn chưa thấy hồi âm, chờ, chờ và tiếp tục chờ. Sau hơn bốn tháng thì cuối cùng chiếc thẻ cho phép làm việc tại Mỹ đã được chấp thuận. (trang 40)
Sau khi bị tiệm cà phê... bikini cho nghỉ việc, tác giả viết, "Lại thất nghiệp nhưng lần này hoàn cảnh thê thảm hơn khi tiền tôi dành dụm đem theo đã cạn, tiền nhà lại đến, không còn cách nào khác tôi phải đi cầm cái giấy chủ quyền xe. Tại Mỹ, giấy chủ quyền xe không quan trọng như tại Việt Nam, cái giấy quan trọng nhất của mọi người là cái bằng lái, được gọi là ID, tương đương chứng minh nhân dân của nhà nước cộng sản, vì thế ít người đem theo cái giấy chủ quyền cho nên cũng có thể cầm cố khi kẹt tiền, vì vậy tôi đành phải vay tiệm cầm đồ 900 đô la để trả tiền nhà, sống trong thời gian chờ đợi kiếm được việc làm...

“Đôi khi buồn bã tôi tự hỏi mình đến Mỹ để làm gì trong khi tôi có một công việc ổn định tại Việt Nam, có người vợ hiền và hai đứa con ngoan ngoãn, tôi cần gì đến nỗi phải hốt cả phân người, chà cầu tiêu cho người khác tại một quốc gia xa lạ, nhưng sau đó tôi cũng cảm thấy an ủi khi nhớ lại chuyện Việt Vương Câu Tiễn năm xưa, phải nếm cả phân của Ngô Phù Sai để sau đó dựng lại cơ đồ, đối với họ tôi thật nhỏ bé tầm thường vì tôi không có điều kiện cũng như bối cảnh không gian như họ, tôi đến Mỹ để được bảo đảm về quyền tự do ngôn luận mà trong nước hoàn toàn không có, đến đây để tiếp tục công việc mà mình yêu thích mà không phải lo lắng sẽ bị cầm tù: Quyền được tự do tư duy và viết báo." (trang 47)

Khi bị thất nghiệp lần nữa, tác giả viết, "Là một người chưa được cấp quy chế tị nạn, tôi chỉ được xem là một người nước ngoài tạm cư tại đây, tôi cũng không phải là một người đến Mỹ theo diện bảo lãnh chính thức, tôi đến bằng thị thực du lịch và xin tị nạn, do đó tôi không có tên trong các chương trình được chính phủ trợ cấp, tôi phải sống bằng chính sức lao động của mình, và một lối thoát duy nhất là phải đi làm có đóng thuế, để nếu lỡ chẳng may thất nghiệp thì sẽ được ngân quỹ của tiểu bang giúp đỡ trong một thời gian tìm việc mới." (trang 52)

Để kết luận, tác giả viết, "Nước Mỹ - Thiên đường hay địa ngục sẽ ở trong cảm nhận của các bạn, còn tôi, một kẻ tạm cư tại đất nước này hoàn toàn không có gì để phải bận tâm, có thể tôi sẽ ở lại để đóng góp cho Tổ Quốc mới của mình, và cũng có thể tôi sẽ ra đi như đã từng đến trước đây, một túi hành trang, một cái ba lô chứa đựng dụng cụ của một nhà báo và những bước chân cất bước lên đường, tiếp tục công việc mà nhiều người đang làm dang dở. Tuy nhiên những kỷ niệm buồn vui trong khoảng thời gian sống tại đây sẽ sống mãi trong tôi, tôi sẽ nhớ mãi những người bạn học, những người thầy, người cô, những viên chức, hội đoàn đã chia sẻ, giúp đỡ cho tôi, cuối cùng điều tôi sẽ không bao giờ có thể quên là sự giáo dục bình đẳng mà tôi đã có được tại đất nước này."

Sách dày 216 trang, giá bán $18 USD được bán tại các hệ thống phân phối có chỉ định tại Little Sài Gòn.
Để mua sách xin liên lạc:
- Điện thoại (714) 707-8485
- Gửi email đến BBT Quyền Được Biết theo địa chỉ: quyenduocbiet@gmail.com
 Website: quyenduocbiet.com
- Nhà Sách Tự Lực, 14318 Brookhurst Street, Garden Grove, Ca 92843.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT