Văn Nghệ

Giới thiệu buổi nhạc Kỷ Niệm 30 Năm Ngàn Khơi

Friday, 18/10/2019 - 07:21:30

2 giờ kém 5 phút trưa Chủ Nhật. Tôi mở cửa tòa báo Viễn Đông, bật đèn, mở máy lạnh, tìm cây đàn keyboard để lên một chiếc bàn làm việc của nhân viên và cắm điện.

Nữ danh ca Thái Thanh trong buổi nhạc Việt Nam Quê Hương Mến Yêu năm 1990

 

Bài NHƯ AN

2 giờ kém 5 phút trưa Chủ Nhật. Tôi mở cửa tòa báo Viễn Đông, bật đèn, mở máy lạnh, tìm cây đàn keyboard để lên một chiếc bàn làm việc của nhân viên và cắm điện. Tôi đang sửa soạn cho một buổi tập thêm của bè Alto.
Chốc lát nữa đây, các chị em bè Alto (giọng nữ trầm) sẽ vào ngồi chung quanh chiếc bàn này tập hát bè, một công việc thích thú nhưng cũng rất mất thời gian và công sức. Này nhé, hát bè 1 hay Soprano (giọng nữ cao) thì ít khó hơn vì thường được hát những dòng giai điệu của ca khúc, rất thuận miệng và rất hay. Ngược lại, bè 2 hay Alto thường phải hát những nốt nhạc khác trong cái hợp âm mà người làm hòa âm dùng cho ca khúc. Thí dụ: nếu nốt nhạc của bè 1 là Đô thì nốt nhạc của bè 2 có thể là Mi hay Sol hay La chẳng hạn, tùy theo người làm nhạc dùng hợp âm nào. Việc hát những nốt này làm những dòng nhạc của bè 2 hơi khó nghe, hát muốn "trẹo bản họng". Thí dụ: "buốn thay kiêp ngưới ai thầu nôi niêm" thay vì "buồn thay kiếp người ai thấu nỗi niềm". Bè Tenor (giọng nam cao) hay bè Bass (giọng nam trầm) cũng vậy. Ấy vậy mà khi 4 bè cùng hợp lại và đều hát đúng, lỗ tai bạn sẽ được nghe một âm đa thanh rất huy hoàng, chỉ có thể nói lên một câu: nghe sướng lỗ tai. Đó là cái thú của hát hợp ca.

Cái thú này tôi đã trót vướng vào từ những năm tuổi "teen" ở Sài Gòn, hát trong toán du ca Mùa Xuân. Qua Mỹ, gián đoạn mươi năm mắc lo ăn học, sau khi ổn định mọi việc, tôi lại vướng ngay vào cái nghiệp hợp ca khi, một buổi chiều rảnh rỗi nào đó, tôi và chị bạn Tuyết Long nảy ra ý tưởng thành lập một ban hợp ca. Ý tưởng ấy thành hình cách đây hơn 30 năm, sau đó được những tâm hồn đồng điệu - anh ca trưởng Trần Anh Linh, anh chị tôi là Duy Hiển và Ngọc Sương, anh ca trưởng Trần Chúc, sáng tác gia Lê Văn Khoa, các bạn và các anh chị em trong các ca đoàn nhà thờ nhiều kinh nghiệm - tán đồng và góp sức để tạo nên một ban hợp xướng vững mạnh về nghệ thuật cũng như về cách sinh hoạt, thấm thoát đã 30 mùa lá rụng.


Nhạc trưởng Lê Văn Khoa và nhạc trưởng Trần Chúc

 

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi đề ra "sứ mạng" của mình là gìn giữ và phát triển tân nhạc và dân ca Việt Nam dưới hình thức hòa tấu và hợp xướng. 29 năm trước đây, Ngàn Khơi mới lên một tuổi nhưng cũng không ngần ngại cộng tác với nhạc sĩ Lê Văn Khoa tổ chức một buổi nhạc hòa tấu hợp xướng mang tên "Việt Nam Quê Hương Mến Yêu" có thể nói là vĩ đại nhất vào lúc đó, năm 1990. Vĩ đại về số người tham dự: 50 ca viên và 60 nhạc công, cũng như công sức bỏ ra rất nhiều bởi anh Lê Văn Khoa, người soạn hòa âm cho dàn giao hưởng và dàn hợp xướng, làm thăng hoa những ca khúc "kinh điển" của tân nhạc và dân ca Việt Nam: Hòn Vọng Phu, Hẹn Một Ngày Về, Đôi Mắt Người Sơn Tây, liên khúc dân ca Bắc Trung Nam…

Thuở ấy, mới ba bốn mươi tuổi, ai nấy trông đều tươi trẻ và đầy nhiệt huyết. Sáng nay chị Ngọc Sương của tôi mới lục lại những hình ảnh năm 1990 ấy đưa lên email gửi cho mọi người xem. Trẻ đến không ngờ. Nay còn đâu Phạm Đình Chương. Cô Thái Thanh lúc đó cũng rất tươi trẻ trong chiếc áo dài cách tân mầu xanh lá cây với ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây. Còn các cô Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao lại còn trẻ hơn nữa, với những ca khúc thính phòng thật du dương.

Những năm sau đó, anh nhạc trưởng Trần Chúc cũng dấn thân vào công việc hòa âm và sáng tác. Anh đã bỏ thật nhiều tâm huyết vào những ca khúc "nặng kí" như trường ca Hội Trùng Dương, trường ca Con Đường Cái Quan, tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ. Ai có thấu nỗi niềm cho Lê Văn Khoa và Trần Chúc, làm việc gần như không công để viết hòa âm cho hàng mấy chục ca khúc, cho dàn hợp xướng cũng như dàn giao hưởng.
Trong những buổi nhạc Đêm Ngàn Khơi tiếp theo, Ban Ngàn Khơi đã có cơ hội hát nguyên trường ca Con Đường Cái Quan và tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ cũng như các tác phẩm khác của Lê Văn Khoa, Phạm Duy, Trần Chúc, Phạm Đình Chương, Lê Thương, Văn Phụng,..., rất nhiều, hầu hết những tên tuổi của tân nhạc Việt Nam.


Ca sĩ và nhạc trưởng: Tiến Dũng-Vũ Anh- Mai Hương-Thái Thanh-Trần Chúc-Lê Văn Khoa

 

Sau khi anh Trần Chúc rời Ngàn Khơi, nhạc trưởng Vũ Tôn Bình đã gánh vác trách nhiệm, đứng ra điều khiển những Đêm Ngàn Khơi kế tiếp, trong đó có buổi nhạc Mẹ Trong Lòng Người Đi thật vĩ đại, với trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy do Vũ Ngọc Quang soạn hòa âm cho dàn hợp xướng và giao hưởng. Thời kỳ này có thể nói là số ca viên tham dự lên tới con số cao nhất: hơn 60 người. Trường ca Mẹ Việt Nam rất dài, toàn ban đứng hát hơn 40 phút. Mệt thì cũng mệt nhưng nói sao cho vừa niềm vui sướng được hát lên tiếng lòng của dân tộc trong một trường ca bất hủ.

Tôi thấy mình may mắn quá vì được hát hết tất cả những trường ca Việt Nam, được hát hầu hết những ca khúc tân nhạc và dân ca tiêu biểu cho âm nhạc Việt. Bao nhiêu lời hay ý đẹp từ những ca khúc này đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ gần bảy chục năm tôi sống trên đời, nhất là trong ba chục năm tham dự ban hợp xướng Ngàn Khơi, tôi được thắm đẫm trong lời ca tiếng nhạc thật đẹp.

Sau hơn ba mươi năm, Ngàn Khơi đã cùng các nhà sáng tác phát triển nhạc Việt bằng cách viết ca khúc và hòa âm, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích việc sáng tác và viết hòa âm cho trên 300 ca khúc. Và để chuẩn bị cho chương trình NGÀN KHƠI 30 NĂM KỶ NIỆM vào ngày Chủ Nhật 24 tháng 11, 2019 sắp tới, Ngàn Khơi đã chọn ra 26 ca khúc để hát. Những ca khúc mà Ngàn Khơi đã đạt nhiều thành công trong những năm tháng qua, cũng là những ca khúc đã được soạn hòa âm rất công phu do các sáng tác gia Lê Văn Khoa, Trần Chúc, Hồ Đăng Tín. 3 vị này là những người đóng góp vô vàn trong việc phát triển tân nhạc Việt Nam. Cùng với họ là những sáng tác gia khác, cũng đóng góp rất nhiều: Vũ Văn Tuynh, Vũ Ngọc Quang, Trần Đại Phước…


Nhạc trưởng Lê Văn Khoa trao tấm plaque kỉ niệm cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương


Tiếng bước chân của các chị em bè Alto bước vào đã cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Các ca viên Ngàn Khơi, dưới sự dẫn dắt của 3 vị nhạc trưởng hiện nay là Nguyễn Hoàng Hương, Bùi Quỳnh Giao, và Trần Mộng Thủy, đã miệt mài tập luyện trong hơn 7 tháng nay để thấm nhuần từng dòng nhạc. Anh Hương, với kiến thức hợp ca trên 50 năm cùng với kiến thức văn hóa Việt Nam, đã đem đến cho các ca viên linh hồn của từng ca khúc để họ hiểu rõ bài hát hơn. Anh Giao với kiến thức âm nhạc và ca hát, đã luyện cho các ca viên cách xướng âm và hát sao cho hay, cho đúng. Cô Thủy là một ca trưởng đầy kinh nghiệm và tận tâm đã đem hết tâm huyết và sự kiên nhẫn để nắn nót từng câu, từng chữ cho các ca viên. Phải nói Ngàn Khơi đã vượt một bước dài trong nghệ thuật hát hợp xướng để ngày càng hát hay hơn.

Để đạt được thành quả này, họ đã phải bỏ ra nhiều thời gian tập luyện, điển hình là 5 tiếng đồng hồ mỗi chiều Chủ Nhật, và thỉnh thoảng, 3 tiếng đồng hồ tối Thứ Sáu. Họ đã hiểu thêm nhiều về văn hóa và tiếng nói Việt Nam xuyên qua việc học hát cho hay.

Mời quí vị đến với chương trình NGÀN KHƠI 30 NĂM KỶ NIỆM vào 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật 24 tháng 11, 2019 sắp tới để cùng sống trong âm nhạc Việt, được làm người Việt Nam, được hãnh diện nói tiếng Việt Nam, qua những ca khúc hợp xướng Hòn Vọng Phu 1,2, và 3, Bài Ca Ngợi Tự Do, liên khúc Biển Mẹ trích trong trường ca Mẹ Việt Nam: Mẹ Trùng Dương, Biển Đông Gợn Sóng, Chớp Bể Mưa Nguồn, Thênh Thang Thuyền Về, Mẹ Việt Nam Ơi, Việt Nam Việt Nam, Hương Xưa, Lữ Hành…, cùng với những ca khúc quê hương và trữ tình qua giọng đơn ca của các ca sĩ Bích Vân, Bích Liên, Vasa Diệu Nga, Ngọc Hà,Thu Vàng, Mê Linh, Nguyên Khang, Lê Hồng Quang và sự đóng góp của giới trẻ qua ban hợp ca Sóng Xanh và nhóm thiếu nhi VS Music Studios.


Ca sĩ Mai Hương trong buổi nhạc Việt Nam Quê Hương Mến Yêu năm 1990

Ngoài 3 vị nhạc trưởng kể trên còn có sự góp mặt đặc biệt của nhạc trưởng trẻ tuổi tài cao David Rentz, điều khiển dàn nhạc giao hưởng Orchestra Collective of Orange County với gần 40 nhạc công chọn lọc.
Rất xứng đáng để khán giả yêu nhạc đến thưởng thức bạn ạ.
Vé $40, $55, $75, $100 và SPONSOR. Có bán tại Tú Quỳnh (714) 531-4284; Nhật Báo Viễn Đông (714) 379-2851 và Ban Tổ Chức (714) 675-8761 (message)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT