Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Giới thiệu "Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa" của Ngô Thế Vinh

Friday, 17/11/2017 - 08:50:27

Ra trại, về Sài Gòn, một thời gian sau trở lại làm việc tại Trung Tâm Phục Hồi Bà Huyện Thanh Quan và trường Vật Lý Trị Liệu Sài Gòn. Hiện nay ông định cư tại Long Beach, California, hành nghề bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện ở miền Nam California.

Bài BÍCH NGA

Ông Ngô Thế Vinh tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn 1968. Nguyên tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên Tình Thương trường Y Khoa Sài Gòn từ 1963 tới khi báo đình bản 1967. Nguyên y sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tu nghiệp ngành Y Khoa Phục Hồi tại Letterman General Hospital San Francisco.

Trở về Việt Nam, làm việc tại trường Quân Y. Sau 1975, tù ba năm qua các trại cải tạo Suối Máu, Trảng Lớn, Phước Long, Bù Gia Mập... Ra trại, về Sài Gòn, một thời gian sau trở lại làm việc tại Trung Tâm Phục Hồi Bà Huyện Thanh Quan và trường Vật Lý Trị Liệu Sài Gòn. Hiện nay ông định cư tại Long Beach, California, hành nghề bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện ở miền Nam California.


Tác phẩm Ngô Thế Vinh:
- Mây Bão, nxb Sông Mã Sài Gòn 63, nxb Văn Nghệ California 1993
- Bóng Đêm, nxb Khai Trí Sài Gòn 1964
- Gió Mùa, nxb Sông Mã Sài Gòn 1965
- Vòng Đai Xanh, nxb Thái Độ Sài Gòn 1971, nxb Văn Nghệ California 1987
- Mặt Trận ở Sài Gòn, nxb Văn Nghệ California 1996
- Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, nxb Văn Nghệ 2000, Tái Bản 2001
- Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, nxb Văn Nghệ Mới 3/07, Tái Bản 12/2007
- Audiobook Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, nxb Văn Nghệ Mới 12/2007
- Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, nxb Văn Nghệ Mới Tái Bản 2009

Tác phẩm dịch qua tiếng Anh:
- The Green Belt, ivy house 2004
- The Battle of Saigon, xlibris 2005

Tuyển tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa dày 461 trang, giới thiệu 16 chân dung văn học nghệ thuật, gồm Mặc Đỗ (trang 19), Như Phong Lê Văn Tiến (trang 45), Võ Phiến (trang 63), Linh Bảo (trang 87), Mai Thảo (trang 107), Dương Nghiễm Mậu (133), Nhật Tiến (trang 157), Nguyễn Đình Toàn (trang 181), Thanh Tâm Tuyền (trang 199), Nguyễn Xuân Hoàng (trang 221), Hoàng Ngọc Biên (trang 239), Đinh Cường (trang 265), Nghiêu Đề (trang 295), Nguyên Khai (trang 315), Cao Xuân Huy (trang 335), Phùng Nguyễn (trang 355). Hai chân dung văn hóa gồm Giáo Sư Y Khoa Phạm Biểu Tâm (trang 393), và Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ (trang 419).

Nhận xét về cuốn Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa, Trịnh Y Thư viết, "Mười sáu chân dung văn học nghệ thuật và hai chân dung văn hóa, qua giọng văn đầy thân ái và nhân hậu của nhà văn Ngô Thế Vinh, là một công trình biên soạn phong phú tư liệu, một tập hợp quý hiếm quy tụ những khuôn mặt văn nghệ và văn hóa tiêu biểu của một thời đại vốn được xem là nhiễu nhương nhất của dân tộc, suốt nửa sau thế kỉ 20 cho đến nay.

"Ngô Thế Vinh không khoác áo nhà phê bình, ông không làm kẻ đứng trên bục giảng nghiêm khắc phê phán tác phẩm hay sự nghiệp mỗi văn nghệ sĩ được nhắc đến. Ông không làm thế, bởi họ chẳng phải ai xa lạ mà chính là những bằng hữu văn nghệ, những vóc dáng tài năng, gần như trọn đời người, đã cùng ông dấn thân trên những chặng đường trắc trở nhất, trong những điều kiện ngặt nghèo nhất, để xây dựng một nền văn nghệ nhân bản đích thực và có giá trị nghệ thuật cao cho dân tộc.

"Ông mượn tác phẩm của họ như cái cớ để ngồi xuống nhẩn nha lần giở từng trang kí ức bộn bề, len lỏi vào từng ngõ ngách tâm hồn dưới lớp bụi dày thời gian, cố tìm lại những cung bậc hoài niệm mù tăm để làm nên những trang viết thật đẹp, thật ấm áp tình bằng hữu, thật chan chứa tình người. Tất cả những gì ông viết trong cuốn sách gần như chỉ là những nét phác họa đại cương về con người, khung cảnh sống, hoàn cảnh sáng tạo của những văn nghệ sĩ, mà chính ông cũng là một thành viên.

"Đan xen vào đấy là những không gian và thời gian kỉ niệm, đầy ắp kỷ niệm, kỷ niệm nào cũng được nâng niu, trân quý như món bảo vật khó tìm. Tuy thế, đọc kỹ hơn, chúng ta có thể cảm nhận ra một điều, là bên dưới lớp sắc màu tương đối hiền hòa, dịu êm ấy là niềm xác tín chắc nịch, một cái nhìn quả quyết cộng thêm chút tự hào, về một nền văn nghệ, văn hóa miền Nam Việt Nam tự do thời kì 1954-1975, và, trong chừng mực nào đó, vẫn tiếp nối ở hải ngoại, mà sự đột phá về các mặt tư tưởng, nghệ thuật, nhân sinh, tưởng như chưa thời nào qua mặt nổi." (Trịnh Y Thư)

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) viết, "Ngô Thế Vinh là một thầy thuốc, một bác sĩ y khoa. Nên dù là một nhà văn, nhà báo, nổi tiếng với nhiều tác phẩm, đặc biệt những cuốn sách viết về dòng Mekong gần đây của anh, thì người ta vẫn thấy thấp thoáng bóng blouse trắng. Anh luôn nhìn con người như một tổng thể, thân tâm nhất như. Cho nên những bài viết của anh về các văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa trong cuốn tuyển tập này luôn có những chi tiết, những góc nhìn của người thầy thuốc, lấp lánh tình người trong mỗi câu chữ." (Đỗ Hồng Ngọc)

Nguyên Giác Phan Tấn Hải viết ở đoạn kết của phần Thay Lời Tựa, "Để nói ngắn gọn, thời gian đang cuốn trôi tất cả, nhưng tác phẩm Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa của Ngô Thế Vinh sẽ vẫn ở mãi với văn học Việt Nam, vừa là sử liệu, vừa là chứng liệu, vừa là nhận định văn học từ chính một người cùng chia sẻ nỗ lực sáng tạo một thời. Nơi một góc thư viện, tác phẩm của Ngô Thế Vinh vẫn là độc đáo, và những dòng chữ đó - dù là viết về dòng sông Mekong hay về dòng sông văn học - cũng là từ máu tim của ông." (Phan Tấn Hải)

Họa Sĩ Trịnh Cung viết, "Sau khi đọc Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa của Ngô Thế Vinh, tôi phải cám ơn anh thật nhiều về những thông tin quý giá trong mỗi bài viết về từng tác giả, những nhà văn và nghệ sĩ rất tài năng mà tôi từng ngưỡng mộ, trong số họ có cả những bạn thân của tôi. Dù hiển nhiên đây là một sự lựa chọn có nhiều phần thuộc về tình cảm, thân hữu, nhưng cách viết, cách nhìn của anh về từng nhân vật là rất tinh tế và rất đáng tin cậy, nói đúng hơn là nó có giá trị lịch sử.

"Đây là chỗ rất khó vì ai trong số họ đều là "người của công chúng," nên những dữ liệu phải thật xác đáng, những thông tin phải đáng được tin cậy, điều này tôi đã nhận được sự bổ sung rất nhiều giúp cho việc lấp đi những lỗ trống hiểu biết từ lâu nay về một số nhân vật như Linh Bảo, Như Phong, Mặc Đỗ...

"Mặt khác, với tôi, đây là một việc làm hiếm hoi, công việc của người kéo màn lịch sử văn học và nghệ thuật của một đất nước đã bị xóa sổ, một hiện tượng "Mekong" đối với những gì đang xảy ra cho nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Riêng về giới cầm cọ, cá nhân tôi xin cám ơn nhà văn Ngô Thế Vinh đã có một tình bạn thân thiết mà anh đã dành cho hội họa từ thuở còn rất trẻ, những người bạn "tấm cám," nhất là vào lúc này. (Trịnh Cung)

Tuyển tập "Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa" của Ngô Thế Vinh
Mẫu bìa Hoàng Ngọc Biên
Nxb Việt Ecology Press
ISBN ấn bản màu: 978-1976114472; đen trắng: 978-1978108042
Phát hành Tháng Mười, 2017
www.amazon.com, Việt Ecology Press, các hiệu sách
Liên lạc: vietecologypress@gmail.com
P.O. Box 3893, Seal Beach, CA 90740
Giá US $87

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT