Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Giới thiệu "Thiền Tập Trong Đời Thường" của Nguyên Giác

Friday, 30/06/2017 - 08:14:44

'Thiền Tập Trong Đời Thường' là một tuyển tập gồm nhiều bài viết, hy vọng giúp độc giả nhìn thấy từng khoảnh khắc hiện tiền cảm thọ hạnh phúc hơn, yêu thương hơn

Bài BÍCH NGA

Ông Nguyên Giác Phan Tấn Hải hiện nay là chủ bút của tờ Việt Báo ở Nam California và trang tin vietbao.com. Ông xuất bản cả thảy tám cuốn sách về Phật Giáo và Thiền. "Thiền Tập Trong Đời Thường" là cuốn sách thứ 9. Sách dày 275 trang, ấn loát rất mỹ thuật theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, do Ananda Viet Foundation xuất bản và Amazon phát hành.

"Thiền Tập Trong Đời Thường" được cư sĩ Tâm Diệu thuộc Thư Viện Hoa Sen giới thiệu như sau:

"Giá trị của cuốn sách "Thiền Tập Trong Đời Thường" là khi đọc ai cũng có thể hiểu được vì tác giả đã dùng ngôn ngữ đời thường và ai cũng có thể thực hành được dù đang làm việc, đang ăn uống, đang đi, đang đứng ở khắp mọi nơi, mọi lúc. May mắn thay, tác giả cho chúng ta biết pháp Thiền này được phổ biến và thực hành như thế nào tại các nước Tây Phương như Hoa Kỳ và Canada.”

Trong Lời Thưa, tác giả Nguyên Giác viết:

"Thiền Tập Trong Đời Thường" là một tuyển tập gồm nhiều bài viết, hy vọng giúp độc giả nhìn thấy từng khoảnh khắc hiện tiền cảm thọ hạnh phúc hơn, yêu thương hơn, và tự chữa trị nhiều bệnh về thân-tâm. Tuyển tập cũng ghi lại một số cuộc nghiên cứu thực dụng về các Thiền pháp chữa trị bệnh tự kỷ và bệnh chậm trí, giữ gìn làn da đẹp cho nhan sắc, tăng trí tuệ nhạy bén, ngăn ngừa trầm cảm... Và, cũng có một số bài với chủ đề khác."

"Thiền Tập Trong Đời Thường" có cả thảy 28 bài viết, bao gồm Thiền Tập Và Nhan Sắc (tr. 1), Thiền Tập Cho Cảnh Sát (tr. 9), Thiền Tập Chữa Bệnh Chậm Trí (tr. 17), Thiền Như Pháp Giảm Đau (tr. 25), Cà Phê Và Thiền (tr. 35), Ăn Chay Để Cứu Địa Cầu (tr. 43), Đá Banh Vì Quê Nhà (50), Hội Sinh Viên Phật Tử Delta Beta Tau (tr. 56), Thiền Tông Tại Cuba (tr. 63), Một Góc Vắng Lặng (tr. 70), Tập Thiền Chạy Bộ (tr. 76), Thiền Tông Và Thi Ca (tr. 83), Nói Gì Với Giới Trẻ Về Phật Giáo (tr. 106), Thiền Tập Và Bạo Lực (tr. 124), Thế Vận Và Thiền Tập (tr. 132), Tây Tạng, Phật Giáo Và Bóng Đá (tr. 143), Vài Ý Nghĩ Rời Về Hoằng Pháp (tr. 149), Hội Sinh Viên Phật Tử (tr. 163), Tưởng Nhớ Thầy Giác Nhiên (tr. 169), Phật Học Về Nghệ Thuật: Từ Thiền Tông Tới Tịnh Độ (tr. 180), Hội Họa Và Thiền Tập (tr. 194), Phật Giáo Thái Lan Nhìn Lại 50 Năm (tr. 200), Tu Học: Nói, Nghe, Đọc, Viết... (tr. 209), Tu Học Và Những Nỗi Sợ (tr. 232), Tự Thiêu Và Giới Sát (tr. 243), Vài Ý Nghĩ Về Hoằng Pháp ở Xứ Người (tr. 248), Lễ Hội Và Công Đức (tr. 255), Người Ăn Cơm Phật (tr. 265)
Nhà văn Đào Văn Bình viết về tác giả và tác phẩm Thiền Tập Trong Đời Thường:

Với học Phật uyên thâm, do làm báo phải theo dõi tin tức thế giới từng giờ, trình độ Anh Ngữ thông thạo và tâm hồn rất nghệ sĩ, Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã bỏ công tìm tòi những tài liệu quý giá về sinh hoạt Thiền và Phật Giáo trên toàn thế giới hầu như viết bằng tiếng Anh. Và ông đã đúc kết lại thành cuốn sách ngày hôm nay với một số bình giảng và trích dẫn kinh giáo. Với lời giới thiệu chỉ vỏn vẹn có vài trang, tôi không thể nói hết những dữ kiện thú vị , có giá trị mà ông đã thu thập được và đóng góp thêm phần trí tuệ - mà quý vị chỉ còn cách tìm đọc. Muốn mua sách “Thiền Tập Trong Đời Thường” xin vào www.Amazon.com và đánh chữ: “thien tap trong doi thuong” quý vị sẽ có một cuốn sách quý để đọc.

Về tác giả: Nguyên Giác là pháp danh, cư sĩ Phật giáo, sinh năm 1952 tại Việt Nam. Hiện nay đang định cư tại tiểu bang California. Đã từng cộng tác với nhiều báo, như Tập San Nghiên Cứu Triết Học (Đại Học Văn Khoa, Sài Gòn), Tự Thức, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ, Việt Báo, Tạp Chí Giao Điểm, Giác Ngộ và nhiều báo khác.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Cậu Bé Và Hoa Mai (tập truyện ngắn)
- Thiếu Nữ Trong Ngôi Nhà Bệnh (tập truyện ngắn)
- Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ
- Thiền Tập (biên dịch)
- Ba Thiền Sư (dịch từ nguyên tác của John Stevens)
- Trần Nhân Tông, Đức Vua Sáng Tổ Một Dòng Thiền (song ngữ)
- The Wisdom Within, Teachings And Poetry Of The Vietnamese Zen Master Tue Trung Thuong Sy (song ngữ)
- Teachings From Ancient Vietnamese Zen Master (song ngữ)


Cà Phê và Thiền (trích đoạn)


(...) Thời này là thời cà phê. Hồi chiều Chủ Nhật, trong khi chờ xem lễ trao Giải Oscars trên đài ABC, tôi bấm trúng một làn sóng tiếng Việt, lúc đó thấy đoạn cuối một bản tin ngắn về cà phê Thiền ở Hà Nội. Một tiệm đúng là cà phê Thiền, vì nhìn lên tường thấy có hình Đức Phật, trên bàn có vườn Thiền bằng cát thu nhỏ kiểu Nhật Bản. Tiệm thứ nhì hình như không thuần túy, vì ngó lên tường thấy có tranh Bát Tiên của Trung Hoa; có thể là liên hệ tới Lão giáo hay võ phái, nhưng không biết chắc, vì hình chiếu thoáng qua có mấy giây… Hiển nhiên, đây là một bước tiến lớn của xã hội. Trước giờ, chỉ nghe chuyện về các quán cà phê Thiền ở Sài Gòn, ở Đà Lạt… Khi thủ đô Hà Nội chuyển mình, cả nước rồi sẽ thay đổi.

Tôi nhớ về một Sài Gòn với cà phê: nhiều thập niên trước, làm gì có chuyện quán cà phê Thiền.
Cũng để ngưng một chút: lúc đó, tôi chợt thắc mắc về khả năng nhớ của mình. Bất chợt nhớ, hẳn là công năng của tiềm thức hay vô thức gì đó, không phải tự ý chủ động nhớ -- tiếng Anh gọi là “the latent tendencies.” Nhưng rồi tôi tự nhủ, phải quay lại xem đài ABC để khuya nay còn viết bản tin về Giải Oscars. Và rồi thắc mắc, nãy giờ, mình vừa dao động giữa vô thức và tỉnh giác nhiều lần, trên nguyên tắc là dao động giữa rất nhiều niệm, vì luận Abhidhamma nói rằng mỗi niệm sinh và diệt là gồm 7 niệm vi tế (hay 16 niệm vi tế? Chỗ này không nhớ chính xác). Tự nghĩ, như thế, vô thức có một chiều sâu nối kết ký ức mạnh như thế, mới biết rằng tu không dễ, vì vô thức thường khởi lên bất ngờ những ký ức tầm bậy, hay hình ảnh đau đớn (cũng là lý do, nhiều chiến binh Mỹ trở về từ Iraq và bị hình ảnh bom đạn chết chóc ám ảnh tới bệnh).

(...)
Có một thói quen từ xa xưa, hễ tôi ngồi quán cà phê là tay phải cầm sách. Dĩ nhiên, xã hội bắt mình phải học, phải đọc liên tục. Bây giờ cũng quen rồi.

Tôi nghĩ rằng các quán cà phê Thiền ở Việt Nam nên để sẵn trên bàn những cuốn sách về Thiền -- đặc biệt là những cuốn sách viết rất cận nhân tình, thực dụng, có thể áp dụng tức khắc (và cả lâu dài).
Và phải chi, có một đại gia nào có lòng với Thiền, hãy mua các sách thiền cần thiết để tặng cho tất cả các tiệm cà phê Thiền tại Việt Nam.

Nếu hỏi tôi rằng, nên tặng sách nào cho các quán cà phê Thiền?
Nếu kể đầy đủ, hẳn là phải kể tên rất nhiều tác giả.
Nhưng nếu phải nói lên ý riêng (và ý riêng, không hẳn phù hợp với tất cả độc giả), tôi sẽ do dự. Ý tôi muốn nói rằng, đó là sách theo sở thích riêng. Thí dụ, Thiền để giữ sức khỏe, để an lạc, để trí tuệ minh mẫn, để tâm xa lìa hay để giảm bớt tham sân si...

(...)
Bây giờ, nếu có ai hỏi cà phê Việt Nam thế nào, tôi sẽ nói rằng không biết... vì thời xưa tôi uống không hề cảm nhận trong chánh niệm tỉnh giác, và có khi chỉ ngồi cãi nhau với bạn bè về những câu thơ nào bên trời Tây.
Và bây giờ, nơi phương xa, tôi nhớ cà phê quê nhà. Phải chi, lúc đó, mình vừa ngấm từng ngụm, vừa thở rất dịu dàng...

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT