Thế Giới

Giới lập pháp chống lại những thay đổi về luật bầu cử trên toàn quốc

Vanessa White/Viễn Đông Wednesday, 09/11/2011 - 12:00:18

Những điều thay đổi về giờ giấc đi bầu, những giới hạn đối với những ngày bầu cử sớm, và chuyện không cho những cựu tù nhân phạm trọng tội hình sự đi bỏ phiếu, cũng đều nằm trong những luật lệ mới của một số tiểu bang.

Vanessa White/Viễn Đông

WASHINGTON D.C. – Những khoản thay đổi trong luật bầu cử đang gặp phải sự chống đối của các nghị sĩ Quốc Hội. Những sự thay đổi này có thể tước mất quyền bỏ phiếu của hơn 5 triệu người Mỹ.
Hôm 12-10 và 19-10-2011, nhật báo Viễn Đông có đưa tin về những điều được Trung Tâm Brennan vì Công Lý (Brennan Center for Justice) phát giác, liên quan tới những luật mới có thể tạo thất thế cho các cử tri.
Từ kỳ bầu cử năm 2010, có 34 tiểu bang, trong số đó có California, đã đưa ra những khoản thay đổi trong luật lệ tuyển cử, và 12 tiểu bang thực sự đã thay đổi các luật bầu cử của họ. Một số luật lệ tiểu bang sẽ đòi các cử tri phải có những thẻ căn cước có dán ảnh, do chính phủ cấp, trong khi đó những tiểu bang khác sẽ phạt tiền những tổ chức tham gia vào việc ghi danh các cử tri, chẳng hạn như Liên Đoàn Nữ Cử Tri, nếu có những sai sót trong việc ghi danh. Những điều thay đổi về giờ giấc đi bầu, những giới hạn đối với những ngày bầu cử sớm, và chuyện không cho những cựu tù nhân phạm trọng tội hình sự đi bỏ phiếu, cũng đều nằm trong những luật lệ mới của một số tiểu bang.
Phần lớn các tiểu bang đã thông qua những luật mới như vậy đều là những tiểu bang ở miền Nam và miền Trung Tây Hoa Kỳ, nằm trong những vùng từng xảy ra một cách nhất quán trong lịch sử những cảnh bất công về mặt dân chủ, như Alabama, Florida, Georgia, South Carolina, Tennessee, Texas, West Virginia, Kansas, Ohio, Wisconsin, Rhode Island, và Maine. Những thay đổi trong luật bầu cử của những tiểu bang này cũng đã được ủng hộ phần lớn bởi các nhà lập pháp Cộng Hòa liên minh với các công ty tư nhân, để tìm cách gây ảnh hưởng trên kết quả bầu cử nhằm thu lợi về cho họ.
Trên trang mạng của Brennan Center, người ta đọc thấy: “Bầu cử là trung tâm của nền dân chủ... thế nhưng ngày nay những hệ thống tuyển cử của chúng ta đã có những khuyết điểm trầm trọng. Chúng ta hãnh diện có một chính phủ dân cử kỳ cựu nhất trên thế giới, nhưng chỉ có chưa tới một phân nửa trong tổng số dân Mỹ đi bầu”.

Các nhà lập pháp Dân Chủ chống đối, phe Cộng Hòa biện bạch
Hôm 3-11-2011, các dân biểu Dân Chủ đã gởi một số bức thư cho các giới chức phụ trách bầu cử tại 50 tiểu bang, đan cử những điều khoản thay đổi trong luật bầu cử và những bất công mà những thay đổi ấy có thể gây ra trong kỳ tuyển cử năm 2012. Thông tấn xã Agence Free Press (AFP) trích dẫn lời Thượng Nghị Sĩ Bill Nelson của Florida nói: “Bộ [Tư Pháp] cần phải xác định xem liệu có hay không có những động lực có căn cứ rộng rãi để ngăn cản việc đi bỏ phiếu – và nếu có, thì phải xem có những luật nào bị vi phạm hay không”. Các nhà lập pháp Dân Chủ tin rằng những luật mới này sẽ gây khó khăn cho những cử tri cao niên, những cử tri trẻ tuổi và người Mỹ gốc Phi Châu trong việc đi bầu cử, vì họ là những người ít có được những thẻ căn cước ID có dán ảnh do chính phủ cấp.
Trong hai kỳ bầu cử tổng thống năm 2004 và 2008, đa số giới trẻ và những người Mỹ gốc Phi Châu đều dồn phiếu cho các ứng cử viên Dân Chủ.
Các nhà lập pháp Dân Chủ cũng tin rằng những thay đổi trong luật lệ mới về tuyển cử làm cho người ta nhớ lại những luật trước đây trong lịch sử từng ngăn cản việc bỏ phiếu của những người Mỹ gốc Phi Châu, những người Mỹ thổ dân, cũng như những người nghèo da trắng, tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ. Những luật mới ấy bao gồm những khoản thuế bầu cử và những cuộc thi về khả năng biết chữ, đòi người ta phải đóng thuế thì mới được đi bầu, và trắc nghiệm khả năng biết đọc biết viết của những cử tri có thể bỏ phiếu. Những luật này đã bị hủy bỏ bởi Đạo Luật Quyền Bỏ Phiếu (Voting Rights Act) trong năm 1965, theo đó việc làm tan loãng đi những tiếng nói cử tri được xem là một điều bất hợp pháp.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Dân Chủ cảm thấy rằng việc xóa bỏ những luật như thế chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa ra thêm những luật bầu cử mới hơn nữa có thể làm cho cử tri đoàn gặp phải thất thế bất lợi. Chẳng hạn, các nhà lập pháp Dân Chủ chia sẻ câu chuyện đã được nhiều người biết của bà Dorothy Cooper, một phụ nữ 96 tuổi từng đi bỏ phiếu trong 70 năm qua mà không gặp phải một chuyện rắc rối nào cả. Trong năm nay, bà gặp phải khó khăn trong việc nhận được tấm thẻ cần thiết để đi bầu, chiếu theo luật tuyển cử mới của tiểu bang Tennessee. Bà đã bị từ chối hai lần khi đi xin cấp thẻ ID. Một lần là vì bà mang giấy khai sinh của mình đi, nhưng không đem theo giấy chứng hôn để cho thấy bà đã đổi danh tánh. Lần thứ nhì, bà cầm theo giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, hóa đơn điện thoại và giấy mướn nhà, nhưng lại không mang theo thẻ an sinh xã hội. Sau khi các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ công bố hoàn cảnh của bà, bà mới nhận được thẻ ID cần thiết.
Các nhà lập pháp Cộng Hòa tin rằng những luật lệ mới này sẽ ngăn cản những người di dân bất hợp pháp, không cho họ đi bầu, cũng như gây thêm khó khăn cho những người bỏ phiếu tại nhiều tiểu bang khác nhau. AFP trích dẫn lời Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham của tiểu bang South Carolina nói: “Tôi không muốn ngăn chặn người ta đi bỏ phiếu. Nói đến chuyện đi bầu, tôi không nghĩ rằng quá cường điệu khi nói rằng bạn phải chứng minh bạn chính là người mà bạn nói rằng mình là người đó”.

California đưa ra dự luật đòi ID

Dự luật Hạ Viện AB 663 và 945 của California, cũng đòi thay đổi luật về ID bầu cử, đã chuốc lấy thất bại. Giữa lúc những thay đổi trong luật bầu cử tiểu bang trên toàn quốc Hoa Kỳ nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp Cộng Hòa tại hầu hết các tiểu bang, thì một số thay đổi nơi luật lệ bầu cử của California đã được ủng hộ và thậm chí được soạn thảo bởi các nghị sĩ Dân Chủ.
Tiểu bang California suýt nữa đã thông qua một dự luật kiểm soát việc ghi danh đi bầu cử, làm cho những tổ chức đệ tam nhân lo việc ghi danh cử tri khó mà trả tiền cho các nhân viên của họ, căn cứ trên số lượng cử tri mà những nhân viên này cố gắng ghi danh. Dự luật Thượng Viện SB 205, mà tác giả là Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Lou Correa của địa hạt thứ 34, đã được đệ trình cho cơ quan lập pháp tiểu bang trong tháng 2 năm 2011, và đã bị Thống Đốc Jerry Brown phủ quyết trong tháng 10 năm 2011. Trong dự luật này, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa viết rằng, vào năm 2010, các giới chức tuyển cử Quận Cam đã nhận được những lời cử tri than phiền rằng họ đã được tái ghi danh với một đảng phái chính trị, mà không có sự đồng ý cho phép của họ. Những công ty phụ trách ghi danh cử tri đã trả tiền cho các nhân viên của họ 8-10 Mỹ kim cho mỗi tờ đơn ghi danh cử tri được hoàn tất.
Thống Đốc Brown viết trong một tín điệp phủ quyết: “Tôi hiểu được ước nguyện của tác giả là muốn ngăn chặn việc ghi danh cử tri có tính cách gian lận. Những nỗ lực nhằm ghi danh cử tri cần phải được khuyến khích chứ không nên hình sự hóa”.
Tuy nhiên, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã thành công trong một đề nghị khác do ông soạn thảo nhằm thay đổi luật bầu cử. Trong tháng 10 năm 2011, Thống Đốc Brown ký dự luật SB 183, cho phép tiểu bang đếm những lá phiếu nào có những dấu hiệu hoặc những tin tức thấy rõ được trên phiếu, giống như vết nguệch ngoạc để thử mực của một ngòi bút. Trước khi có luật mới, những lá phiếu mang những dấu hiệu hoặc tin tức có thể thấy rõ đều bị vất bỏ.
Một bản thông cáo báo chí đã trích dẫn lời Thượng Nghị Sĩ Correa nói: “Dự luật này không những chỉ bảo đảm rằng có thêm số phiếu được kiểm, mà còn hướng dẫn cho các cử tri về cách thức đánh dấu cho đúng cách lá phiếu của họ. Luật mới này làm một sự thay đổi đơn giản trong tiến trình bầu cử của chúng ta. Sự thay đổi ấy sẽ đem lại lợi ích đáng kể cho các cử tri California.

Ý tưởng để suy gẫm

Những thay đổi trong luật bầu cử có hữu ích cho cộng đồng hay không? Những khoản sửa đổi ấy sẽ gây trở ngại cho sự tham gia dân chủ của cộng đồng hay không? - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT