Người Việt Khắp Nơi

Giới làm nail, làm tóc rúng động vì Đạo Luật AB 5

Sunday, 15/12/2019 - 04:49:39

Có người hỏi: Nếu thợ muốn về giờ nào thì về, vậy khi khách tới đông mà thợ bỏ về hết rồi thì làm sao đây? Người khác hỏi, mỗi thợ tự mua máy cà thẻ, tự hẹn với khách thì sẽ vô cùng lộn xộn vì giành giựt khách với nhau. Phải làm cách nào chứ thế này không ổn đâu.


Dân Biểu Tyler Diệp đang giải thích đạo luật AB 5 với các chủ tiệm và thợ nail, thợ tóc chiều thứ Tư, 11 tháng 12, 2019. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

Bài THANH PHONG
WESTMINSTER - Nghề làm tóc và làm móng tay được người Việt Nam ưa chuộng từ lúc mới sang định cư tại Hoa Kỳ, và đã giúp nhiều gia đình có đời sống ổn định. Cuộc sống và hành nghề đang êm ả, nhưng tuần lễ vừa qua giới làm tóc, làm nail tại California bỗng nhiên xôn xao, hoang mang lo lắng vì Đạo Luật AB 5 (Assembly Bill 5) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2020 tức chỉ còn nửa tháng nữa mà thôi, và khi áp dụng chắc chắn gây xáo trộn, không chỉ cho thợ mà cho cả chủ tiệm tóc và nail nữa.


Những điều kiện trong đạo luật AB 5 được chiếu trên màn hình, để giải thích sự việc nếu còn làm việc theo cách “ăn-chia” thì thợ phải trả tiền thuê, tự túc nhiều thứ từ dụng cụ đến lấy hẹn và đặt giá với khách, đóng thuế theo mẫu 1099. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Vào lúc 2 giờ 30 chiều thứ Tư, 11 tháng 12, 2019 Dân Biểu Tyler Diệp (Cộng Hòa, Địa Hạt 72) đã tổ chức buổi họp để phổ biến Dự Luật này tại phòng họp Hội Đồng Thành Phố Westminster với sự tham dự của khoảng 60 người gồm chủ và thợ nail, thợ tóc và hai phụ nữ được DB Tyler Diệp giới thiệu là hai người của State Board, trong đó có bà Marcene Melliza đại diện cho California Board of Barbering & Cosmetology. Ngoài ra có ông Bùi Mạnh Cường, phụ tá cho Dân Biểu Tyler Diệp và hai phóng viên báo Viễn Đông và báo Người Việt.

Mở đầu, Dân Biểu Tyler Diệp cho biết, Đạo Luật AB 5 do nữ Dân Biểu Lorena Gonzalez (Dân Chủ tại San Diego) soạn thảo, được Quốc Hội Tiểu Bang California thông qua và Thống Đốc Gavin Newsom chuẩn thuận và ký ban hành vào Tháng Tư năm 2018. Đạo Luật này bắt đầu áp dụng từ ngày 1 tháng 1, 2020.
*
Đạo Luật AB 5 được đưa nhằm giới hạn sự việc các công ty, cơ sở thương mại liệt kê công nhân là “independent contractor,” tức là người làm việc độc lập. Công nhân làm việc theo kiểu “độc lập” này không được chủ mua bảo hiểm lao động, trả lương tối thiểu hay những quyền lợi khác, và công nhân phải tự đóng thuế lợi tức (1099).

Với Luật AB 5, công ty hay chủ tiệm phải xem công nhân như nhân viên, tức là không được trả lương thấp dưới mức lương tối thiểu của tiểu bang, phải cấp bảo hiểm lao động, cho nhân viên ngày nghỉ lễ có trả lương. Đạo luật này được soạn thảo vì trong mấy năm gần đây đã có một nền kinh tế mới được gọi là kinh tế điện tử, gig economy, trong đó công nhân làm việc qua mạng điện toán và được xem là người làm việc độc lập, như tài xế lái xe Uber , Lyft, hay DoorDash chẳng hạn.

Thành phần công nhân trong lãnh vực gig economy đã vận động cho dự luật AB 5 để được bảo vệ với những quyền lợi như một công nhân làm việc cho các hãng xưởng. Đảng Dân Chủ và nghiệp đoàn công nhân có khuynh hướng ủng hộ AB 5, trong khi Cộng Hòa, chủ công ty thì không tán thành. Trong một số ngành nghề, AB 5 sẽ có ngoại lệ và không được áp dụng, trong đó có cả bác sĩ, nha sĩ, bác sĩ tâm lý, nhân viên bán bảo hiểm, nhân viên địa ốc, luật sư, nhân viên bán cổ phiếu, kỹ sư, kế toán viên, v.v..

Riêng đối với ngành tóc và nail mà trong đó đa số công nhân là người gốc Việt, thì luật AB 5 sẽ được áp dụng từ đầu năm sau. Nói chung, AB 5 sẽ giảm quyền lợi của chủ tiệm, tăng quyền lợi cho thợ nail.
*
Trong buổi họp chiều thứ Tư, Dân Biểu Tyler Diệp chiếu trên màn hình Đạo Luật AB 5 và giải thích, các tiệm tóc, tiệm nail tại California phải đổi từ hình thức “ăn-chia” sang hình thức chủ nhân - công nhân. Trước đây người thợ có thể làm việc theo cách ăn chia với người chủ (tức là thợ làm việc theo qui chế independent contractor, đóng thuế theo mẫu 1099). Nay người thợ được coi là công nhân và được hưởng những quyền lợi như nhân viên của một công ty.

Trong trường hợp vẫn ăn chia, tức là theo cách thức independent contractor, thì người thợ được xem như một người đến thuê chỗ để làm, chỉ phải trả tiền thuê chỗ cho chủ tiệm, phải tự túc dụng cụ hành nghề, phải có máy để nhận thẻ tín dụng của khách hàng trả tiền, phải tự hẹn giờ với khách và nếu không có khách, muốn về giờ nào thì về; người thợ cũng tự ra giá với khách.

Dân Biểu Tyler nói tới đây thì không khí trong phòng họp bắt đầu ồn ào với rất nhiều những cánh tay giơ lên đặt câu hỏi. Có người hỏi, nếu tự đặt giá cả, thí dụ có thợ lấy $30 cho bộ móng, có thợ lấy $40 thì giải quyết sao đây?

Có người hỏi: Nếu thợ muốn về giờ nào thì về, vậy khi khách tới đông mà thợ bỏ về hết rồi thì làm sao đây?
Người khác hỏi, mỗi thợ tự mua máy cà thẻ, tự hẹn với khách thì sẽ vô cùng lộn xộn vì giành giựt khách với nhau. Phải làm cách nào chứ thế này không ổn đâu.

Một người chủ tiệm nói, nếu áp dụng như thế này, chủ tiệm sẽ phải đóng cửa vì không có lợi tức trong khi bỏ rất nhiều tiền ra mở tiệm, đăng quảng cáo, phải đóng thuế rất nặng, phải mua bảo hiểm cho nhân viên và trả tiền thuê mướn chỗ cũng rất cao.
Dân Biểu Tyler Diệp trả lời không xuể các câu hỏi, có lúc ôn hòa có lúc giận dữ. Ông cho biết Đạo Luật AB5 còn tạo điều kiện để có người còn được khai thuế bằng mẫu 1099 thêm hai năm nữa (tức là điều kiện cho người làm việc theo independent contractor).
Nghe vậy, nhiều người chỉ trích các nhân viên State Board quá khắt khe (thật ra đây là luật chung cho nhiều ngành nghề trong lãnh vực gig economy như nói trên, không chỉ cho nghề nail). Tuy nhiên, cũng có một số thợ nail cho rằng Đạo Luật AB 5 sẽ tạo sự công bằng giữa chủ và thợ.
Sau cùng, DB Tyler Diệp nói với mọi người, “Sau cuộc họp này, nếu quý vị cần sửa đổi điều gì trong việc làm ăn của quý vị xin gặp ông Bùi Mạnh Cường, vị trợ lý cho tôi, ông Cường sẽ ghi nhận những ý kiến, những lời than phiền của quý vị thì chúng tôi mới có thể giúp qúy vị được.”
Đạo luật AB 5 chắc chắn còn gây nhiều tranh cãi và cần được giới chức trách nhiệm giải thích một cách rõ ràng hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT