Thế Giới

Giới khoa học lần đầu tiên chụp được hình lỗ đen trong không gian

Thursday, 11/04/2019 - 06:59:29

Bằng một mạng lưới kính viễn vọng toàn cầu, các nhà khoa học quốc tế vào thứ Tư đã công bố một cột mốc quan trọng trong ngành Vật lý thiên văn


Hình ảnh Black Hole (lỗ đen) do các khoa học gia cung cấp ngày thứ Tư, 10 tháng 4, 2019.



CHILE – Bằng một mạng lưới kính viễn vọng toàn cầu, các nhà khoa học quốc tế vào thứ Tư đã công bố một cột mốc quan trọng trong ngành Vật lý thiên văn - bức ảnh đầu tiên về lỗ đen. Đây sẽ là một thành tựu giúp xác nhận một trong những lý thuyết trụ cột của nhà khoa học Albert Einstein đưa ra từ hơn 1 thế kỷ trước.

Lỗ đen là một thực thể có lực hấp dẫn lớn đến mức không có vật chất nào có thể thoát ra khỏi nó, kể cả ánh sáng. Bức ảnh hơi mờ về lỗ đen ở trung tâm Messier 87 (M87) - một thiên hà to lớn nằm ở trung tâm cụm thiên hà Virgo - cho thấy một vòng sáng màu đỏ, vàng và trắng bao quanh một trung tâm tối đen.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi dự án Kính viễn vọng Event Horizon (EHT), một sự hợp tác quốc tế với khoảng 200 nhà khoa học, bắt đầu vào năm 2012 để cố gắng quan sát môi trường ở khu vực “đường chân trời vật chất – event horizon” – ranh giới trước khi vật chất bị lỗ đen hút gọn và không thể quay về.

Thông báo về hình ảnh lỗ đen được công bố đồng thời ở Washington, Brussels, Santiago, Thượng Hải, Đài Bắc và Tokyo. Các bức ảnh mới được hình thành bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập vào tháng 4 năm 2017, từ 8 kính viễn vọng vô tuyến ở 6 địa điểm trên toàn cầu.

Lỗ đen M87 nằm cách Trái Đất khoảng 54 triệu năm ánh sáng và có khối lượng bằng 6.5 tỷ lần so với mặt trời. Dự án EHT cũng nhắm tới 1 lỗ đen khác là Sagittarius A, nằm tại trung tâm Dải Ngân Hà của chúng ta. Nó có khối lượng lớn gấp 4 triệu lần Mặt Trời, nằm cách Trái Đất 26,000 năm ánh sáng. Hình ảnh về lỗ đen Sagittarius A dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT