Hôm Nay Ăn Gì

Giêng Hai heo quay dưa cải

Monday, 21/02/2022 - 06:45:20

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc tháng Ba rượu chè/ Tháng Tư đình đám hội hè/...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc tháng Ba rượu chè/ Tháng Tư đình đám hội hè/ Tháng Năm xôi đậu bỏ bè ăn chơi…” Mấy câu ca dao của người Việt có từ thời xưa, mà hình như bây giờ cũng còn xài, thế nên mới có chuyện Tết rề rà đến bay cả cái nhà vì cờ bạc, rượu chè. Nhưng, cái thú ăn chơi thì người Việt thực sự chỉ chạm cái vỏ bề ngoài là cùng, chứ chạm vào được hồn cốt của nó, có vẻ như người Tày, người Nùng mới có đủ khả năng này. Không tin vào nhà họ mà thăm, mà bằng cách nào đó để họ mời lại dùng cơm với họ, mà ăn cơm nóng với dưa cải muối kho thịt lợn quay của họ thì sẽ biết ngay cái thú chơi xuân của họ!

Bắt đầu từ mồng bốn tháng Giêng, lớn rộng dần vào Mồng Mười và kéo dài mãi cho hết tháng Ba âm lịch, người Tày, người Nùng tắm mình trong khống khí lễ hội, du xuân, những lễ cúng, thầy mo và cả những điện hầu đồng theo cách của người Việt (Kinh). Tuy người Việt cũng có chuỗi các lễ hội như người Tày, người Nùng nhưng cái cách đón nhận lễ hội của Việt khác với Tày, Nùng xa, Việt càng nhiều tiền thì chơi lễ càng vui, Tày, Nùng thì càng nhiều sức khỏe chơi lễ càng vui. Và cũng đừng hiểu rằng sức khỏe của người Tày, Nùng là sức cơ bắp, hoàn toàn không phải vậy.

Bởi dường như người ta nhìn vào sức khỏe con người thông qua sinh hoạt, thể tạng, và cả sức khỏe tiền bạc, ấy là thói thường, nó khác với một số dân tộc trên trái đất này, họ định nghĩa sức khỏe thông qua hạnh phúc, niềm khoái cảm và khả năng hưởng thụ những gì mình có được. Mà hình như kiểu sức khỏe này không gần với người thành phố, càng không gần với người đã sống trong nền văn minh công nghiệp, cơ giới, tin học… Nó thuộc về thiên nhiên, nó thuộc về một điều gì đó không có mặt ở thế giới vốn dĩ tự xem mình là văn minh số một này!


(Tom/ Viễn Đông)

Bạn cứ tưởng tượng người ta hạnh phúc, sung sướng biết nhường nào sau khi nhóm bếp, thổi một nồi cơm nóng và kéo hủ mắm cà, lấy thêm chén mắm tôm rồi cả nhà ngồi quây quần bên nồi cơm nóng, mắm cà, mắm tôm, giữa cái se lạnh của mùa xuân, ăn xong thì uống chén chè nóng và mặc vội cái áo đẹp nhất mình có được để đi dự hội, đi lang thang ngoài bìa rừng để tìm đến một nhà nào đó ngồi chơi, trò chuyện, uống rượu, nói về thời tiết, mùa màng, rồi lại nói đủ các chuyện, lại kéo đến một nhà nào đó để uống rượu, rồi rủ nhau ra ngoài các lễ hội mà chơi, chơi mút mùa lệ thủy, chơi chống đói, chơi hết đói, chơi cho quên đói. Nhưng thực sự là quên đói thật, bởi vui, niềm vui tự đáy lòng, và hơn nữa, trong cái vui có cả cái no, no vì có đi chơi mới có cái ăn, có cái mang về nhà mà ăn.

Các lễ hội của người Tày, Nùng ở vùng núi Đông Bắc Việt Nam, nếu tính những lễ hội lai rai, tự phát, tùy hứng, thì hình như ngày nào cũng có lễ hội, suốt cả tháng Giêng, rồi tháng Hai, kéo dài tới Ba ta, lễ hội chạy mùa giáp hạt, thế mới hay. Thường vào giữa năm trước, nhà nào cũng nuôi lấy con lợn sề, còn gọi là lợn mọi, nuôi cho đến tháng Chạp, tháng Giêng thì nó cũng được ba chục, bốn chục ký lô, chừng đó mà quay lá mắc mật thì trên cả tuyệt vời.

Đến mùa lễ hội, cứ chia theo phiên, ăn nợ theo sổ, hết nhà này tới nhà khác, cứ một tuần thì quay hai con lợn của hai nhà trong bản nếu bản đông nhà, hoặc hai bản, ba bản xúm lại quay hai con, quay xong đặt ra trước sân mà cúng tế, cúng tế xong thì vào ăn mừng phần tiết canh, phần lòng lợn nấu cháo, còn phần thịt quay thì bán ghi nợ, một kiểu hôm nay tôi ăn của anh, mai anh ăn của tôi, cả mùa tụi mình không đói…


(Tom/ Viễn Đông)

Lại nói về cái thú cân thịt lợn quay của người Tày, người Nùng, phải nói rằng họ quá văn minh, quá sòng phẵng và chẳng mang dấu ấn của thời kinh tế tập trung bao cấp như người Việt. Bởi người Việt thời kinh tế tập thể cũng có chia thịt ngày Tết, nhưng chia theo kiểu phân thành từng phần trên miếng lá chuối và hình như chẳng ai nhường ai phần nhỉnh hơn, còn người Tày, người Nùng chưa chắc đã no hơn người Việt thời kinh tế tập trung bao cấp, nhưng họ có cách chia rất riêng, mà cũng chẳng gọi là chia. Nghĩa là khi làng có hai nhà quay lợn, thì các nhà khác cứ yêu cầu chủ nhà có lợn quay chặt một ít, vừa để gia đình mình dùng mà mang về, có cân bao nhiêu lạng, bao nhiêu ký hẳn hoi, rồi mai mốt lại quay lợn nhà mà trả.

Thường thì mấy ngày đầu, cái thú vui ăn thịt lợn quay chấm muối tiêu, muối ớt trên miếng lá chuối, khề khà chén rượu còn hứng khởi, chừng sang tuần thứ hai thì ngán, người ta sẽ dùng thịt lợn quay để kho măng hoặc kho với dưa cải muối, phần lớn là kho với dưa cải muối. Bởi khi kho thịt lợn quay với dưa cải muối, đặc biệt là cải ngồng hoặc cải bắp thảo muối chua cộng với lợn quay sẽ cho hương vị khá là giống với món khâu nhục những giản tiện và tươi mới hơn. Nếu như món khâu nhục, làm quá công phu, quá tốn thời gian thì món thịt lợn quay làm đơn giản hơn nhiều, dưa cải rửa sạch, đoạn thành từng khúc vừa với việc gắp bằng đũa, thịt lợn quay chặt thành từng miếng, cho cả hai vào nồi, cho thêm trái ớt đỏ, vài hạt tiêu, một ít nước tương, tức xì dầu vào, bắc lên bếp, để lửa riu riu, chừng 10 phút thì cho một chén nước sôi vào kho tiếp chừng 5 phút nữa là tắt lửa, cho ra bát mà dùng.

Nếu có trái dừa thì cho một trái nước dừa thay vì chén nước sôi, món lợn quay kho dưa cải muối càng ngon. Món này ăn với cơm nóng, nhất là khi trời lạnh, nó cho quí vị cảm giác đang lang thang đâu đó ở vùng Đông Bắc tít tận địa đầu đất nước, một vùng mà người miền Nam không phải ai cũng từng tới đó, và khi tới đó rồi, mới ngớ người hiểu ra rằng sở dĩ người ta thích đi du lịch miền Bắc, yêu miền Bắc bởi cái hồn của miền Bắc lại nằm ở những nơi nghèo khổ mà đậm chất người, lãng mạn và đầy nghệ sĩ tính này!
Xin cầu chúc quí vị một bữa cơm ngon miệng và ý vị!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT