Hoa Kỳ

Giáo Hoàng Francis bắc nhịp cầu cho Mỹ mật đàm với Cuba

Friday, 19/12/2014 - 11:01:21

Thay vì vậy, một người bên ngoài hai quốc gia này lại đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kết thúc một chương cuối cùng của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Giáo Hoàng Francis và Tổng Thống Obama bắt tay trong cuộc diện kiến trong tháng Ba 2014 tại Vatican. Trong dịp này, ông Obama đã nhờ Đức Giáo Hoàng trợ giúp việc khai thông bang giao với Cuba. (Getty Images)

 

Hoa Kỳ và Cuba đã đồng ý mở lại tòa đại sứ và tái lập bang giao, sau 53 năm đoạn giao hoàn toàn. Thỏa thuận bất ngờ này không có những cuộc họp mật ở Mỹ hay Cuba, cũng không có sự tham gia của lãnh tụ già nua Fidel Castro.
Thay vì vậy, một người bên ngoài hai quốc gia này lại đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kết thúc một chương cuối cùng của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Người đó chính là Đức Giáo Hoàng Francis. Ngài đã đảm nhiệm một phận vụ hiếm hoi trong nền ngoại giao quốc tế, nhập cuộc để duy trì các cuộc đàm phán phức tạp vào những thời điểm quan trọng. Sau đó ngài giám sát các cuộc đàm phán cuối cùng tại Rome cách đây hai tháng.
Đức Francis sinh ra tại Argentina, và là người Mỹ Châu La Tinh đầu tiên lên làm giáo hoàng. Ngài tuyên bố tại Vatican ngày thứ Năm, một ngày sau khi có tin bang giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Havana, “Hôm nay tất cả chúng ta đều vui mừng, vì hôm qua chúng ta đã thấy hai dân tộc đã có một bước tiến lại gần nhau hơn, sau nhiều năm cách xa nhau.”
Tổng Thống Obama đã kêu gọi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, sau khi ông lên nhậm chức vào năm 2009. Tuy nhiên, việc chấm dứt tình trạng cô lập của Cuba là một mục tiêu từ lâu đối với Đức Giáo Hoàng Francis. Ngài coi lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ, được thi hành suốt mấy chục năm nay, như là một nguồn gây ra chia rẽ ở Tây Bán Cầu, và là một nguyên nhân gây ra đau khổ cho dân chúng Cuba.
Đức Giáo Hoàng đã làm việc đằng sau hậu trường, sau khi Tổng Thống Obama nhờ ngài giúp đỡ vào ngày 27 tháng Ba, trong một chuyến viếng thăm Vatican. Hai vị đã nói chuyện với nhau trong 45 phút, mỗi vị có một thông dịch viên. Cuộc hội đàm diễn ra tại bàn làm việc của Đức Francis, trong thư viện rộng lớn của giáo hoàng, nằm sâu bên trong Dinh Tông Đồ.
Đó là cuộc thảo luận đầu tiên của họ, và Cuba “đã được chú ý nhiều ngang hàng với những chuyện quan trọng khác.” Một giới chức cao cấp của chính phủ Obama giấu tên nói như vậy với các phóng viên.
Vào đầu mùa hè năm nay, Đức Giáo Hoàng Francis viết thư cho Tổng Thống Obama và Chủ Tịch Raul Castro của Cuba. Ngài kêu gọi họ “giải quyết những vấn đề nhân đạo mà hai bên cùng quan tâm.” Đặc biệt là việc phóng thích ông Alan Gross, một người Mỹ bị tù ở Cuba, và thả ba người Cuba bị giam ở Florida, theo Vatican cho biết,
Vai trò bí mật của Đức Giáo Hoàng đằng sau hậu trường được xem là rất quan trọng. Với tư cách là một nhà lãnh đạo tôn giáo được cả hai bên tin tưởng, ngài đã có thể thuyết phục hai chính phủ Obama và Castro rằng phía bên kia sẽ thi hành đúng theo thỏa thuận này, theo các nhà phân tích cho biết.
Ông Obama đã chọn hai phụ tá để cầm đầu phía Mỹ: ông Benjamin J. Rhodes và ông Ricardo Zuniga. Rhodes là phụ tá cố vấn an ninh quốc gia và là người soạn diễn văn. Zuniga là một nhà ngoại giao Mỹ ở Havana, và là giám đốc cao cấp đặc trách sự vụ Tây Bán Cầu tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Họ đã tổ chức buổi gặp mặt đầu tiên với một nhóm Cuba tại Canada, trong tháng Sáu, 2013. Trong 18 tháng kế tiếp, họ gặp nhau năm, sáu lần ở Ottawa hay Toronto. Canada không tham gia vào các cuộc đàm phán.
Giữa các phiên họp, họ liên lạc thông qua Phân Bộ Quan Tâm Lợi Ích Hoa Kỳ ở Havana, phân bộ này nằm dưới sự che chở của Thụy Sĩ, và thông qua cơ quan tương đương của Cuba tại Washington. Họ cũng đã gửi các tin nhắn thông qua các phái bộ ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc ở New York, và trong các cuộc điện đàm giữa Ngoại Trưởng Mỹ John F. Kerry và Ngoại Trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla.
Phía Hoa Kỳ đã quyết tâm giành cho được việc phóng thích ông Gross, 65 tuổi, một nhà thầu phụ của chính phủ Hoa Kỳ. Ông bị nhà chức trách Cuba bắt giam vào năm 2009, vì phân phát những thiết bị thông tin liên lạc cho cộng đồng Do Thái nhỏ bé ở hòn đảo này. Cuba coi hoạt động đó là một mối đe dọa cho chính phủ.
Cuba muốn thả Gross để đổi lấy ba điệp viên Cuba bị giam trong một nhà tù liên bang ở Florida. Ba người này là những thành viên của nhóm gọi là Cuba Five. Họ được coi như là anh hùng ở Cuba, vì làm gián điệp theo dõi các nhóm chống Castro ở Florida.
Nhưng các cuộc đàm phán đã khựng lại, vì Tòa Bạch Ốc không muốn thả nhóm gián điệp bị kết án để đổi lấy ông Gross. Họ lập luận rằng Gross không phải là một nhân viên tình báo, mà là một công dân Mỹ bị giam tù một cách bất hợp pháp.
Vấn đề đã được khắc phục khi phía Mỹ đưa ra một giải pháp bất ngờ. Họ đề nghị thả ba điệp viên ấy để đổi lấy một cựu nhân viên tình báo người Cuba bị cầm tù ở Cuba vào năm 1995. Người này bị giam sau khi báo động cho nhà chức trách Mỹ biết về một loạt các nhóm điệp viên Cuba tại Hoa Kỳ. Chính phủ Castro đã đồng ý.
Điều cấp bách là các cuộc đàm phán vẫn được giữ bí mật, vì nếu có sự chú ý của công chúng thì những người chống đối việc bình thường hóa ngoại giao, trong số đó có phái đoàn quốc hội tiểu bang Florida, gióng chuông báo động và ngăn chặn các cuộc đàm phán, theo các giới chức cho biết.
Các vòng thương lượng đã trở thành một cuộc chạy đua với thời gian vì một lý do khác nữa. Ông Gross sống trong một xà lim tồi tàn 8 x 10 bộ với hai tù nhân khác. Chỉ có giường và một buồng vệ sinh, họ sống dưới ánh đèn sáng rực suốt đêm. Với thời gian trôi qua, ông Gross xuống ký mất 100 pound, và sức khỏe của ông sa sút, trong đó có thị lực của ông.
Rốt cuộc trong tháng 11, các thương thuyết gia gặp nhau ở Vatican để dự một phiên họp cuối cùng. Trong số những nhân vật đóng vai trò chủ chốt, có Bộ Trưởng Ngoại Giao của Vatican là Hồng Y Pietro Parolin, và Tổng Giám Mục Havana là Hồng Y Jaime Ortega, người thân thiết với Giáo Hoàng Francis.
Đức Thánh Cha và các phụ tá của ngài một lần nữa kêu gọi phía Cuba hãy cộng tác với việc trao đổi tù nhân. Các vị cũng xem xét lại những bước mà cả hai bên sẽ làm để bình thường hóa quan hệ và mở rộng kinh doanh, du lịch và những cơ hội khác.
Việc kết thúc thỏa thuận này đã diễn ra suôn sẻ. Hôm thứ Ba, 16 tháng 12, 2014, Tổng Thống Obama và Chủ Tịch Castro đã nói chuyện qua điện thoại trong gần một giờ đồng hồ. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia, tính từ năm 1959 khi cuộc cách mạng ở Cuba rốt cuộc đưa những người cộng sản lên nắm quyền.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT