Người Việt Khắp Nơi

Giáo dân Mexico tại GX Saint Barbara và GX Đức Mẹ La Vang mừng lễ Đức Mẹ Guadalupe

Friday, 14/12/2018 - 08:54:20

Thứ hai, nhiều người kể các họa sĩ nổi tiếng, cụ thể như họa sĩ Miguel Cabrera (thế kỷ 18) muốn tạo ra một bản sao để thay thế bức ảnh gốc nhưng không thể thực hiện được, vì chỉ sau một thời gian, tác phẩm bị phai mờ, và ông đã thừa nhận mình không thể làm được bức ảnh như bản gốc.

Nông dân Juan Diego diện kiến Đức Mẹ, phần đầu trong vở kịch diễn lại sự tích Đức Mẹ Guadalupe tại thánh đường Saint Barbara. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Ngày thứ Tư, 12 tháng 12, 2018 vừa qua, Giáo Hội Công Giáo nói chung và giáo dân Mễ Tây Cơ nói riêng đã long trọng mừng đại lễ Đức Mẹ Guadalupe tại các giáo xứ. Riêng tại thánh đường giáo xứ Đức Mẹ La Vang do LM Giuse Nguyễn Văn Luân làm chính xứ và giáo xứ Saint Barbara do LM Giuse Phạm Ngọc Tuấn làm chính xứ, các giáo dân Mễ Tây Cơ đã trang hoàng bàn thờ Đức Mẹ Guadalupe với nhiều hoa, đèn rực rỡ; đồng thời tổ chức các giờ đọc kinh, cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi và hiệp dâng thánh lễ suốt từ 10 giờ tối ngày 11 tháng 12 đến 7 giờ tối thứ Tư, ngày 12 tháng 12 tại thánh đường Saint Barbara, 730 S. Euclid St, Santa Ana.

Trước thánh lễ do Linh Mục Ramon Cisneros, Phó Xứ Saint Barbara cử hành, các giáo dân Mễ Tây Cơ đã trình diễn một hoạt cảnh nói về sự kiện Đức Mẹ hiện ra với Juan Diego, được toàn thể giáo dân Mễ Tây Cơ ngồi chật kín các hàng ghế trong thánh đường nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng.


Bàn thờ Đức Mẹ Guadalupe tại thánh đường Giáo xứ Đức Mẹ La Vang. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Theo tài liệu được viết vào thập niên 1640 một bằng tiếng Tây Ban Nha, một bằng tiếng Nahuatl (ngôn ngữ của người dân Aztec) cùng thuật lại giống nhau về câu chuyện Đức Mẹ Guadalupe:

Vào sáng sớm ngày 9 tháng 12, 1531, trước ngày Lễ kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, anh Juan Diego, một nông dân 57 tuổi đi bộ từ ngôi làng của mình đến thành phố Mexico, trên đường đi anh nhìn lên sườn đồi Tepeyac và thấy một thiếu nữ chừng 15, 16 tuổi được bao quanh bởi hào quang ánh sáng. Thiếu nữ nói chuyện với Juan Diego bằng tiếng địa phương Nahuatl.


Phần kết thúc vở kịch diễn lại sự kiện Đức Mẹ Guadalupe với chiếc áo tilma có hình Đức Trinh Nữ Maria Guadalupe tại giáo xứ Saint Barbara. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Qua cuộc nói chuyện, Juan nhận ra thiếu nữ đó chính là Đức Trinh Nữ Maria. Bà yêu cầu Juan Diego đến trình với Đức Giám Mục Fray Juan de Zumarraga, dòng Phanxico người Tây Ban Nha là hãy xây dựng tại đây một đền thờ. Sau khi trình bày, Đức Giám Mục yêu cầu anh Juan trở lại đồi Tepeyac để nói với người thiếu nữ lạ là hãy cho một dấu hiệu để chứng minh.

Đức Mẹ Maria đã cho anh hai dấu hiệu, thứ nhất là cho người chú của anh được lành bệnh ngay tức khắc, thứ hai, bà bảo anh hãy leo lên đồi hái những bông hoa hồng Castilian. Loại hoa hồng này thường không nở hoa vào tháng 12 và cũng không phải là loại cây sống được ở vùng này vì nó không có nguồn gốc từ Mexico. Nhưng khi leo lên đồi, Juan Diego đã tìm thấy nhiều hoa hồng Castilian. Đức Trinh Nữ yêu cầu Juan hãy xếp những bông hồng vào trong chiếc áo choàng tilma anh đang mặc. Chiếc áo choàng này được dệt bằng sợi xương rồng. Khi Juan đến gặp Đức Giám Mục vào ngày 12 tháng 12,1531, anh cởi áo choàng ra trước mặt vị Giám Mục , những bông hoa hồng rơi xuống sàn nhà nhưng ở trên ngực áo lại xuất hiện hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria đẹp một cách kỳ diệu như thêu trên vải.

Chiếc áo choàng có hình Đức Mẹ Guadalupe hiện nay vẫn còn được trưng bày tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe ở thành phố Mexico, một trong những điểm hành hương thu hút hàng triệu người trên khắp thế giới.

Chỉ trong vòng 7 năm, những sự kiện kỳ diệu lạ lùng đã xảy ra trên bức ảnh mà các khoa học gia chưa thể giải thích được khiến có hàng triệu người gia nhập đạo Công Giáo. Linh mục Joseph Nguyễn Thái, nguyên Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo VN, hiện là Phó Xứ Saint Barbara đã đến tận nơi trưng bày bức ảnh lạ lùng này và cha chia sẻ với giáo dân sự thật đáng kinh ngạc về chiếc áo tilma in hình Đức Mẹ:

Thứ nhất, chiếc áo tilma làm bằng sợi cây xương rồng, chất liệu rất kém và không thể để lâu, bề mặt vải thô ráp khó in hình. Nhưng khi rờ vào những chỗ có hình Đức Mẹ thì mịn như lụa trong khi những chỗ không có hình vẫn thô ráp. Các chuyên gia và những khoa học gia đã dùng tia hồng ngoại để kiểm chứng và không tìm ra một nét cọ vẽ nào, toàn bộ bức ảnh như sáp nhập làm một với tấm ảnh, và từ năm 1531 đến nay vẫn nguyên vẹn không hề phai mờ. Ngoài ra, tấm vải có in hình Đức Mẹ còn thay đổi màu sắc tùy góc nhìn của mỗi người. Màu sắc của bức ảnh cũng không thể tìm thấy nơi các loài động vật hay trong các nguyên tố khoáng chất, chứng tỏ chất liệu và màu sắc đặc biệt mà loài người không thể tái tạo.

Thứ hai, nhiều người kể các họa sĩ nổi tiếng, cụ thể như họa sĩ Miguel Cabrera (thế kỷ 18) muốn tạo ra một bản sao để thay thế bức ảnh gốc nhưng không thể thực hiện được, vì chỉ sau một thời gian, tác phẩm bị phai mờ, và ông đã thừa nhận mình không thể làm được bức ảnh như bản gốc.


Anh Juan Diego (áo trắng) đang trình bày với Đức Giám Mục (ngồi) về việc anh gặp Đức Mẹ hiện ra. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Thứ ba, năm 1958, Philip Serna Callahan, Tiến sĩ sinh lý học và côn trùng học USDA đã chụp ra 40 bức hình của bức ảnh bằng tia hồng ngoại tuyến. Các bức ảnh và phát hiện của ông được in thành sách vào năm 1981, trong đó ông kết luận: “Bức vẽ nguyên thủy không có bản vẽ dưới, không có bản phác thảo hay bất kỳ một nét cọ nào” và còn rất nhiều chứng từ lạ lùng khác.

Năm 1556 Đức Tổng Giám Mục Mexico đã cho xây dựng ngôi đại thánh đường kính Đức Mẹ tại đây và hoàn thành vào năm 1567. Ngày 25.5.1574 Đức Giáo Hoàng Benedicto XIV chấp thuận lời thỉnh cầu của giáo dân Tây Ban Nha chọn Đức Mẹ Guadalupe làm Bổn Mạng cả nước và cho phép cử hành lễ kính vào ngày 12 tháng 12 hàng năm.

Năm 1910, Đức Giáo Hoàng Pio X công bố Đức Mẹ Guadalupe là Bổn Mạng của Mỹ Châu La Tinh. Năm 1946 Đức Giáo Hoàng Pio XII tuyên bố “Đức Trinh Nữ Guadalupe là Nữ Hoàng của Mexico và quan thầy của toàn Châu Mỹ. Năm 1961 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, sau đó các Đức Giáo Hoàng Phaolo VI, Gioan Phaolo II đều đến kính viếng Đức Mẹ Guadalupe để cầu xin Đức Mẹ phù hộ cho thế giới được hòa bình.
Theo quy định của Giáo Hội, ngày 12 tháng 12 là ngày Lễ Kính Đức Mẹ Guadalupe theo lịch phụng vụ cho toàn châu Mỹ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT