Người Việt Khắp Nơi

Giám Sát Viên Andrew Đỗ phản bác chữ "go back" gợi ý kỳ thị của ông Trump

Monday, 22/07/2019 - 06:41:25

Trong suốt tuần qua, dư luận tại Hoa Kỳ đã tranh luận sôi nổi, và bất bình, về lời lẽ kỳ thị chủng tộc mà Tổng Thống Donald Trump đã dùng để nói về bốn nữ dân biểu gốc thiểu số tại Hạ Viện. Ông Trump dùng câu “send her back” để nói ý


Ông Andrew Đỗ trong ngày nhậm chức Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát Quận Cam đầu năm 2018. Năm nay bà Lisa Bartlett, cũng là người Mỹ gốc Á Châu, đang giữ chức chủ tịch. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


WESTMINSTER - Trong suốt tuần qua, dư luận tại Hoa Kỳ đã tranh luận sôi nổi, và bất bình, về lời lẽ kỳ thị chủng tộc mà Tổng Thống Donald Trump đã dùng để nói về bốn nữ dân biểu gốc thiểu số tại Hạ Viện. Ông Trump dùng câu “send her back” để nói ý “cho bà ấy về nước.” Câu này thường được dùng đối với di dân không là người da trắng. Và ông Trump đã lập lại ý này trong tuần, bênh vực nó như muốn dùng kỳ thị làm đề tài để lấy lòng cử tri bảo thủ cực đoan đã ủng hộ ông từ bấy lâu nay. Hầu hết các chính khách cùng đảng Cộng Hòa với ông Trump đã tránh lên tiếng công khai. Riêng tại Quận Cam, một chính khách có uy tín đã lên tiếng, và người đó là Giám Sát Viên Andrew Đỗ. Dưới đây là tóm lược bản tin của báo mạng Voice of OC đăng ngày thứ Hai, 22 tháng 7, về ý kiến của ông Andrew Đỗ trước câu “send back” của ông Trump.
*
Một giám sát viên Cộng Hòa tại Orange County đã công khai chống lại thứ ngôn ngữ mà Tổng Thống Trump đã dùng để nói bốn nữ dân biểu không-là-người-da-trắng hãy “go back” về quốc gia của họ.
Giám Sát Viên Andrew Đỗ nói thứ ngôn ngữ đó là “cuồng tín” và liên kết nó với “sự thù ghét” đưa đến sự tấn công mà ông và gia đình ông đã phải hứng chịu khi ông lớn lên tại Orange County. Gia đình ông là người tị nạn sau khi cộng sản Bắc Việt chiếm được Nam Việt vào năm 1975.

Ông Andrew Đỗ nói tại cuộc họp của Hội Đồng Giám Sát Orange County hôm thứ Ba, 16 tháng Bảy, “Có một lằn ranh rất mỏng giữa việc phân loại màu da của người khác, và bước kế tiếp là nói câu hãy trở về nơi mà anh đã từ đó tới đây. Tôi phải chống lại thứ suy nghĩ hạn hẹp, cuồng tín đó.”

Ông Andrew Đỗ nói tiếp, “Tôi đã từng lớn lên và nghe thứ ngôn ngữ chính xác như vậy –là cách họ nhìn tôi chính xác như thế. Và đó là một lằn ranh rất mỏng thúc đẩy sự thù ghét tràn ngập trong cuộc sống của họ, khiến cho tôi và gia đình tôi bị họ tấn công hết ngày này qua ngày khác. Và tôi sẽ mang tội nếu tôi chấp nhận nó mà không chống cự lại, mỗi ngày mà tôi phải nghe sự cuồng tín đó.”

Ông Andrew Đỗ sống tại Garden Grove, là một dân cử Cộng Hòa trong hơn một thập niên qua. Ông đã nói điều kể trên trong cuộc họp của Hội Đồng Giám Sát, sau khi có một cư dân nói rằng ông Andrew Đỗ và những giám sát viên không-là-người-da-trắng là thành phần “di dân” và “không biết gì hết” về quyền tự do ngôn luận theo Đệ Nhất Tu Chính Án của nước Mỹ.

Trong lời phát biểu đáp lại lời của cư dân, Giám Sát Viên Andrew Đỗ không nhắc tới tên Tổng Thống Trump, nhưng ông phản bác lại chữ “go back” mà tổng thống đã sử dụng với bốn nữ dân biểu liên bang hai ngày trước đó, gây ra một cuộc tranh luận trên toàn quốc.

Trong một loạt tweet được viết hôm Chủ Nhật, 14 tháng 7, tổng thống nói bốn nữ dân biểu Dân Chủ “đã đến từ những quốc gia mà chính quyền hoàn toàn là thảm họa” và ông đề nghị họ hãy “trở về những nơi đã hoàn toàn gãy đổ và đầy rẫy tội ác mà họ đã từng từ đó đến đây.”

Bốn nữ dân biểu đều là công dân Hoa Kỳ, và ba trong bốn người đã chào đời tại nước Mỹ. Người thứ tư là bà Ilhan Omar di cư từ Somalia, Phi Châu tới Mỹ khi mới 12 tuổi và đã có quốc tịch Hoa Kỳ, nay đại diện tiểu bang Minnesota.

Vào ngày ông Andrew Đỗ lên tiếng tại Quận Cam, 16 tháng Bảy, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua một quyết nghị lên án tổng thống vì những “lời lẽ kỳ thị cho thấy sự hợp thức hóa nỗi lo lắng và sự thù ghét đối với những người Mỹ mới và người da màu.”

Tổng thống và những người ủng hộ ông đã biện hộ rằng lời phát biểu của ông Trump không kỳ thị chủng tộc, và ông Trump cũng nói thêm rằng ông “không có cục xương kỳ thị nào không cơ thể của tôi.”

Những đảng viên Cộng Hòa khác nói rằng họ kịch liệt không đồng ý với những quan điểm của bốn nữ dân biểu thuộc khuynh hướng cấp tiến, tuy nhiên, họ phải chỉ trích lời lẽ kỳ thị mà tổng thống đã đưa ra.
Tại Quận Cam, ông Andrew Đỗ đã nói lên ý kiến chống từ ngữ “go back” sau khi có một người chỉ trích cá nhân ông và các giám sát viên gốc di dân rằng họ đã không biết tôn trọng quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Hội Đồng Giám Sát gồm năm người, ba nam và hai nữ. Trong năm người này thì ông Andrew Đỗ và hai nữ giám sát viên là người Mỹ gốc Á Châu.

Nhân vật khiến cho ông Andrew Đỗ phải lên tiếng phản bác là ông Brian Kaye. Ông này nói trước mặt các giám sát viên, “Tôi vẫn thường gặp những di dân và người thiểu số khoe với tôi rằng họ hiểu luật pháp nước Mỹ còn hơn những người như tôi, mặc dù gia đình tôi đã sống ở Mỹ ba, bốn thế hệ.” Nói xong câu này, ông Brian đã chỉ tay vào ông Andrew Đỗ và các giám sát viên khác thuộc thế hệ di dân thứ nhất hoặc thứ nhì.

Ông Brian Kaye nói tiếp, “Tôi đang đứng trước mặt ba di dân, hay đúng hơn là bốn di dân, người kia là ông da trắng, một ông da trắng già, họ không biết gì hết về Đệ Nhất Tu Chính Án. Vậy mà họ lại là những người đưa ra những quyết định.”

Vài phút sau thì ông Andrew Đỗ đã đáp lại, cho rằng phát biểu của ông Kaye mang tính chất còn hơn kỳ thị, và sau đó ông Andrew Đỗ nhắc tới chữ “go back” của tổng thống.

Ông Andrew Đỗ nói, “Tuần này trong tất cả các tuần, tôi đã phải chống lại. Ý tưởng mà bạn dùng để phân loại người khác theo màu da của họ và gián tiếp nói rằng họ kém người Mỹ – thì chữ “kỳ thị” vẫn chưa đủ để mô tả tầm mức dốt nát đó. Thành thử khi bạn chỉ tay vào những người ở đây và gọi họ là di dân, mà không hề biết rõ về họ, thì bạn là kẻ dốt nát.”

Ông nói thêm, “Ở thời buổi này, có một lằn ranh rất mỏng giữa việc phân loại màu da của người khác, và bước kế tiếp là nói câu hãy trở về nơi mà anh đã từ đó tới đây. Tôi phải chống lại thứ suy nghĩ hạn hẹp, cuồng tín đó.”

Một trong các giám sát viên khác cũng lên tiếng về vấn đề này là ông Don Wagner. Giám sát viên này nói rằng ông ủng hộ cho sự đa dạng của Quận Cam. Ông Wagner nói, “Là một trong những ông da trắng già, tôi hân hạnh được phục vụ trong một hội đồng phản ảnh sự đa dạng, phong phú của hạt quận này.”

Ba vị giám sát viên kia đã tránh lên tiếng về đề tài mà ông Brian Kaye đã nêu ra.

Sự đa dạng của Orange County đã thay đổi rất nhiều trong mấy thập niên qua. Theo Cơ Quan Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ, vào năm 1970, tỷ lệ người da màu ở Quận Cam là 14 phần trăm. Ngày nay tỷ lệ này là 60 phần trăm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT