Pháp Luật

Giải tỏa áp lực khi bị rớt phỏng vấn Visa

Wednesday, 09/01/2013 - 08:07:48

Vợ tôi nói rằng tụi tôi đã phạm pháp gì đấy nên hồ sơ mới xảy ra như vậy. Tệ hơn nữa, cô rất ngại và sợ khi đề cập đến việc xin đi phỏng vấn lại lần nữa. Tôi không biết phải lý giải cũng như khuyên nhủ như thế nào. Xin quý vị cho tôi ý kiến. Chân thành cám ơn.

Hỏi: Thư của anh Hoang (Washington DC):
Chào anh Huy Tôn,
Tôi là một độc giả thường xuyên của báo Viễn Đông, tôi rất vui mừng khi được biết mục Tương Lai Mới, tôi thấy mục này sẽ giúp ích rất nhiều và thiết thực cho chúng tôi.
Hôm nay tôi có một số thắc mắc về việc bảo lãnh cho gia đình, xin anh vui lòng cho vài ý kiến.
Tôi sang Mỹ được 10 năm, đã có quốc tịch, hiện nay tôi muốn bảo lãnh cho vợ của tôi sang để được đoàn tụ. Tôi về Việt Nam và cưới vợ đầu năm ngoái. Chúng tôi có làm đám cưới và đăng ký kết hôn. Tôi nộp hồ sơ xin bảo lãnh, và có nhờ một dịch vụ xin Visa giúp hoàn chỉnh hồ sơ. Tôi đã theo đúng như những chỉ dẫn của họ về thủ tục hành chánh.
Chúng tôi rất tự tin vào hoàn cảnh và cuộc hôn nhân thật của mình, và nghĩ rằng không lý do gì mà bị từ chối cấp visa cho vợ tôi. Cách đây ba tháng, vợ tôi được hẹn đi phỏng vấn. Cả hai chúng tôi và gia đình hai bên rất yên tâm. Tôi vì bận công việc ở sở, không sắp xếp xin được vacation nên không về trong dịp đó. Kết quả của cuộc phỏng vấn là vợ tôi bị đánh rớt. Vợ tôi cho biết rằng người phỏng vấn đã hỏi nhiều câu quá riêng tư về mối quan hệ và đời sống của chúng tôi và cô ta không trả lời được. Hiện nay cô ấy rất buồn, tệ hơn nữa, cô còn nói là lỗi của tôi khi bị rớt phỏng vấn.
Vợ tôi nói rằng tụi tôi đã phạm pháp gì đấy nên hồ sơ mới xảy ra như vậy. Tệ hơn nữa, cô rất ngại và sợ khi đề cập đến việc xin đi phỏng vấn lại lần nữa. Tôi không biết phải lý giải cũng như khuyên nhủ như thế nào. Xin quý vị cho tôi ý kiến. Chân thành cám ơn.
nnthoang…@gmail.com

Đáp: Chào anh Hoang,
Trước tiên SG VISA chúng tôi xin chia sẻ sự lo buồn của anh chị về kết quả của cuộc phỏng vấn vừa qua. Vì anh không cho chúng tôi biết cụ thể hơn về chi tiết hồ sơ của anh chị nên chúng tôi chỉ nói về phần tâm lý trong trường hợp này. Sau này, nếu anh còn thắc mắc thêm về tình trạng hồ sơ, xin đừng ngại liên lạc với chúng tôi. Chúng tôi xin trả lời anh theo từng câu hỏi sau đây.
1. Theo sự mô tả của anh thì: “Có nhờ một dịch vụ xin Visa giúp hoàn chỉnh hồ sơ và đã theo đúng như những chỉ dẫn của họ về thủ tục hành chánh”.
SG VISA chúng tôi nghĩ, điều này rất tốt, nhưng có thể là chưa đủ. Việc cấp visa nhập cảnh nhiều phần được quyết định bởi sự nhận định của Viên Chức Lãnh Sự (VCLS) về hoàn cảnh và tình trạng thật của hồ sơ, chứ không chỉ ở phần hoàn tất giấy tờ thủ tục hành chánh. Chỉ có chút khúc mắc đáng ngờ, hay vài chi tiết không rõ ràng trong việc trình bày của người được phỏng vấn, thì VCLS sẽ quyết định đánh rớt ngay.
2. Cô cho biết rằng người phỏng vấn đã hỏi nhiều câu quá riêng tư về quan hệ và đời sống của chúng tôi làm cô bị bất ngờ và không trả lời được… vì sao họ lại làm khó chúng tôi như vậy chứ?
Lý do VCLS hỏi như vậy là để xác minh sự thật về tình trạng hôn nhân của anh chị, chứ không phải làm khó anh chị đâu. Chúng ta biết rằng số hồ sơ bảo lãnh theo diện hôn nhân và hôn thê/phu từ Việt Nam làm giả với mục đích nhập cảnh Hoa Kỳ là rất lớn. VCLS có trách nhiệm phải ngăn ngừa và loại trừ tình trạng này, và một trong những cách thực hiện điều đó là đặt câu hỏi về những chi tiết riêng tư để tìm hiểu sự thật mà chỉ người trong cuộc (vợ/chồng hoặc hôn thê/hôn phu thật) mới biết về nhau. Trách nhiệm của VCLS là giải tỏa mọi nghi ngờ có thể có về cuộc hôn nhân của đương đơn và người bảo lãnh. Vì vậy, đương đơn và người bảo lãnh cần phải biết rõ mọi chi tiết về nhau, cả những thói quen và sở thích riêng tư trong sinh hoạt hằng ngày của vợ/chồng mình. Việc này rất tế nhị và cần có sự hợp tác để chuẩn bị tốt trước khi phỏng vấn.
3. Giải tỏa những áp lực và mặc cảm về việc bị đánh rớt phỏng vấn.
Chúng tôi rất hiểu và thông cảm với những cảm xúc của chị. Qua quá trình làm việc tại Bộ Phận Tái Định Cư Nhân Đạo (HRS) thuộc Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ (LSQ) tôi biết có rất nhiều trường hợp bị đánh rớt như trường hợp của anh chị, thậm chí không phải chỉ bị đánh rớt một lần mà là nhiều lần, nhưng cuối cùng họ đã vượt qua được. Tôi muốn nhấn mạnh nhóm chữ “của anh chị”, vì trách nhiệm của kết quả đáng thất vọng đó không chỉ thuộc về chị - người đi phỏng vấn - mà thôi, mà còn là do sự thiếu sót của cả anh nữa.
Lúc này, theo chúng tôi, anh nên bình tĩnh, kiên nhẫn phân tích tình hình, hầu an ủi và khuyến khích chị để tiếp tục chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn lần tới. Anh chị nên hội ý, nghiên cứu những câu hỏi và cách trả lời trong cuộc phỏng vấn vừa qua, để tìm ra những sai lầm, thiếu sót của mình để tìm cách cải thiện chúng. Cần có những cuộc tập dượt phỏng vấn giả định; tự đặt các câu hỏi và nghiên cứu cách trả lời tốt nhất, có lợi nhất cho mình. Tốt nhất là cần có sự cố vấn chuyên nghiệp của người am hiểu. Anh cần tham gia vào việc này để chính mình cũng có những cảm xúc và sự thông cảm với chị và sự hiểu biết tình trạng hồ sơ. Và nếu có thể, rất nên có sự có mặt của anh trong lần đi phỏng vấn tới, vì anh chị cũng có thể yêu cầu LSQ cho phép anh cùng được tham gia vào cuộc phỏng vấn cùng thời điểm đó, vậy cơ hội thành công được nâng lên rất cao.
Nếu anh và các độc giả khác còn những thắc mắc gì xin vui lòng liên lạc với chúng tôi để được trình bày cụ thể và chi tiết hơn. Chúc anh chị sớm được đoàn tụ để có được sống mới tại Hoa Kỳ.

Huy Tôn & SG VISA Team
Địa Chỉ: 42/6 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn
Điện thoại: 848-2217-3680
Đường dây 24/24: 849-1910-6590
Email: info@sgvisa.org
Website: www.sgvisa.org


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT