Đời Sống Việt

Giấc mộng hôn nhân của người Việt thế kỷ 21

Thursday, 15/09/2011 - 08:59:05

Ở Việt Nam, hình ảnh người chồng Việt kiều thường được nhắc đến, liên tưởng tới một chú rể bảnh bao đến từ thế giới thứ nhất, tiền rủng rỉnh trong túi.

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Sóng đôi - ảnh: Lê Thị Tất
Ở Việt Nam, hình ảnh người chồng Việt kiều thường được nhắc đến, liên tưởng tới một chú rể bảnh bao đến từ thế giới thứ nhất, tiền rủng rỉnh trong túi. Đó là chuyện quá khứ rồi. Trong hơn 10 năm trở lại đây, hình ảnh này đã trở thành lạc hậu. Chú rể Việt kiều và cô dâu Việt Nam ngày nay gần như đổi vai cho nhau.

* Khuynh hướng kết hôn mới?
Vào những năm 50 đến 70, nghiên cứu về vấn đề di cư chú trọng vào đàn ông, cho họ là chim đầu đàn, là những người đánh liều đi xa để tìm cơ hội tốt hơn. Đàn bà và trẻ em thì được xem là yếu tố hỗ trợ tinh thần thôi. Từ những năm 90, nhiều nghiên cứu chuyển hướng tập trung vào đàn bà như là nhân vật chính trong quá trình di cư. Theo đó, vai trò của người đàn bà được kể đến, và mối quan hệ phức tạp giữa người đàn ông và đàn bà trong một cuộc hôn nhân được mô tả chính xác, rõ ràng hơn về nhiều mặt.
Một nghiên cứu mới cho biết trong nhóm người gốc Châu Á nói chung, và người gốc Việt nói riêng, sinh ra ở Mỹ sau năm 1965, tỉ lệ kết hôn với người cùng sắc tộc đang gia tăng. Những người bạn đời của họ có thể cũng là người gốc Việt sinh ở Mỹ, hoặc người Việt mới di cư sang Mỹ, hoặc là người Việt trong nước (1).

* Điều kiện và môi trường gặp gỡ
Theo nghiên cứu này, có 3 yếu tố góp phần làm tăng tỉ lệ kết hôn giữa người Việt với nhau. Thứ nhất, sau năm 65, luật di cư cho phép lớp người Việt di cư sang Mỹ liên tục và đều đặn hơn. Vì vậy công dân Mỹ gốc Việt có nhiều cơ hội gặp gỡ người cùng sắc tộc qua các tổ chức tôn giáo, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trường đại học, v.v.. Thứ hai, mối liên hệ của họ với quê hương còn đó; việc bay qua lại giữa Việt Nam và Mỹ dễ dàng hơn; các phương tiện thông tin liên lạc quốc tế bằng điện thoại hoặc qua mạng phổ biến, nhất là trong thời gian gần đây. Tất cả những điều kiện này giúp việc sắp xếp cưới hỏi với người Việt trong nước thuận tiện hơn. Thứ ba, việc toàn cầu hóa ngôn ngữ, văn hóa trẻ, và các phương tiện truyền thông đại chúng giúp làm giảm đi rào cản về văn hóa giữa người gốc Việt sinh ở Mỹ và người Việt trong nước.
Ngoài các yếu tố kể trên, một lý do thiết thực phải được nhắc đến là vai trò của cha mẹ trong các gia đình gốc Việt. Họ cho rằng việc có con dâu hoặc con rể cùng sắc tộc sẽ dễ giữ gìn truyền thống gia đình và dân tộc hơn. Ngoài ra trong thời buổi kinh tế toàn cầu, người trẻ tuổi ở Việt Nam cho rằng người bạn đời gốc Việt nhưng sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ có sức hấp dẫn hơn vì mức sống ở Mỹ cao hơn; nhiều cha mẹ giàu có ở Việt Nam cũng sẵn sàng ủng hộ tài chính cho con mình lấy người Mỹ gốc Việt; sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ cũng hay lấy chồng cùng sắc tộc là công dân Mỹ để ở lại Mỹ (1). Vì những thay đổi như thế này trong suy nghĩ và cách sống của người Việt ở Mỹ và trong nước, sự lựa chọn trong hôn nhân mở rộng ra hơn trước.

* Thị trường kết hôn của người Việt ở Mỹ
Giáo Sư Tiến Sĩ Xã Hội Học Thái Cẩm Hưng nghiên cứu về vấn đề hôn nhân quốc tế của người Việt Nam ở Mỹ với người Việt trong nước. Nghiên cứu của anh là một mảng trong khuynh hướng kết hôn này, một phần lớn gồm các cuộc hôn nhân giữa đàn ông Mỹ gốc Việt làm lương thấp với đàn bà Việt Nam có học trong nước. Anh tập trung miêu tả ý nghĩa xã hội của những cuộc hôn nhân này, và những gay cấn về văn hóa và thực tế cuộc sống mà những người trong cuộc trải qua. Theo nghiên cứu của anh, trong thời đại kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế và các quan hệ riêng tư được thiết lập và tồn tại dựa vào nhau (2).
Theo thống kê ở Mỹ, người ngoại quốc di cư vào Hoa Kỳ theo chương trình đoàn tụ gia đình là nhiều nhất. Trong nhóm đoàn tụ gia đình này, đi theo kiểu kết hôn với người quốc tịch Mỹ hoặc có thẻ xanh là nhiều hơn cả (gần phân nửa). Trong số đi theo kiểu kết hôn, 65% là đàn bà. Nghiên cứu của GS Hưng tập trung vào nhóm người Việt di cư sang Mỹ theo kiểu kết hôn này.
Trong nghiên cứu của mình, GS Hưng phỏng vấn tổng cộng được 129 cá nhân, bao gồm cả cô dâu, chú rể, và các thân nhân trong gia đinh. Tổng cộng là 69 cặp vợ chồng. 93 người ở Việt Nam, bao gồm các cô dâu và người nhà. Các cô dâu đều trong giai đoạn chờ giấy tờ bảo lãnh để đoàn tụ với chồng ở các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Úc, Canada, Bỉ, Na Uy. Tuy nhiên anh chỉ phỏng vấn được 36 người ở Mỹ, gồm chú rể và các thân nhân khác trong gia đình. Nghiên cứu của anh đã loại bỏ tối đa các trường hợp kết hôn giả.

* Vấn đề dân số người Việt
Theo GS Hưng, hiện tượng nhiều người Mỹ gốc Việt về Việt Nam tìm vợ là có lý do thiết thực. Trong hơn 30 năm qua, vì nhiều lý do như chết chóc trong chiến tranh, rồi sau chiến tranh nhiều đàn ông Việt Nam di tản ra nước ngoài, mà dân số đàn ông ở độ tuổi kết hôn thấp hơn đàn bà nhiều. Ở Việt Nam, đến năm 1999, cứ 100 đàn bà trong độ tuổi 30-34 thì có 92 đàn ông. Trong khi đó năm 2000 ở Mỹ, trong cộng đồng người Việt, cứ 129 đàn ông Mỹ gốc Việt ở độ tuổi 24-29 thì có 100 đàn bà; còn ở độ tuổi 30-34, 135 đàn ông có 100 đàn bà.
Theo thống kê này, ở Việt Nam thì dư đàn bà, ở Mỹ thì dư đàn ông. Đây là một trong những lý do khiến đàn ông Mỹ gốc Việt quay về Việt Nam tìm vợ, và đàn bà Việt Nam sẵn sàng tìm chồng ở ngoại quốc. Có những lý do khác nữa khiến hai nhóm người độc thân này tìm đến nhau. Câu chuyện của họ như thế nào?

* Chuyện cô dâu (2)
Trang ở trong một căn nhà to lớn sang trọng ở Việt Nam, đồ dùng trong nhà toàn là thuộc loại đắt tiền nhập từ phương Tây. Và hai người giúp việc trong nhà chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn. Trang giỏi tiếng anh, tốt nghiệp một đại học lớn về kinh tế. Sau khi ra trường, Trang quay về phụ gia đình quản lý nhà máy sản xuất nho khô cung cấp cho cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Có thể nói gia đình cô thuộc loại kinh doanh quốc tế và đã hội nhập vào kinh tế thế giới.
Trang cho rằng đàn ông Việt Nam trong nước truyền thống quá và chậm hơn đàn bà trong phong trào đòi bình đẳng trong hôn nhân và gia đình. Trang muốn lấy người chồng biết tôn trọng cô, và tôn trọng sự hiện đại và bình đẳng cho phụ nữ.
Câu chuyện của Trang là tiêu biểu cho nhóm cô dâu trả lời phỏng vấn. Truyền thống Việt Nam là vẫn dùng tiêu chuẩn chọn vợ cho đàn ông khác tiêu chuẩn kén chồng cho đàn bà. Chuyện con trai lấy vợ nhà quê, hiền lành, chịu khó, không học cao, là chuyện thường. Nhưng con gái thì phải lấy chồng cao hơn mình. Vì vậy những người có học và thành đạt như Trang gặp khó khăn trong việc tìm một người chồng ưng ý.
Hầu hết những cô dâu được phỏng vấn đều là những người có học và ở trong hoàn cảnh tương tự như Trang. Họ làm nhiều nghề khác nhau như luật sư, dạy tiếng Anh, chủ tiệm thuốc tây, v.v.. Họ có một, hay nhiều hơn, những đặc điểm như trên 30 tuổi, tự lập, hiện đại, ăn to nói lớn, học cao, kén chọn, cho rằng mình thuôc loại “ế” ở Việt Nam nhưng thà ở một mình chứ không muốn lấy chồng mà bị cầm đầu, v.v..
95 phần trăm các cô dâu nói rằng sau khi lấy chồng muốn được tiếp tục đi làm kiếm tiền. Ước mơ của họ khi tìm người bạn đời bên ngoài biên giới Việt Nam là mong tìm thấy sự tôn trọng và những giá trị xã hội mà họ nghĩ người bên kia có thể đem lại cho mình.

* Chuyện chú rể (2)
Hiếu có bằng trung học, làm việc trong một siêu thị địa phương, ở thành phố nhỏ gần Boston, ở chung với cha mẹ trong một căn nhà 2 phòng ngủ hầu như không có trang trí vật dùng gì nhiều.
80 phần trăm chú rể được phỏng vấn tương tự như hoàn cảnh của Hiếu, hoặc có khi điều kiện sống còn tệ hơn. Họ làm việc trong các nghành thuộc loại lương thấp như làm ở tiệm bánh mì, hoặc công nhân vệ sinh, phụ bếp trong nhà hàng v.v., những công việc mà họ cho là không được tôn trọng. Địa vị xã hội của họ ở Mỹ nằm ở tầng lớp thấp. Và họ không kiếm được vợ ở Mỹ.
Hiếu tiêu biểu cho phong trào của những người Mỹ gốc Việt không muốn lấy người vợ quá hiện đại, quá độc lập, không tôn trọng đàn ông đúng mức trong hôn nhân. Ước mơ của họ là quay lại tìm người phụ nữ Việt Nam truyền thống - những người biết tôn trọng chồng và biết nghe lời chồng, trong nhiều trường hợp là có thể chấp nhận sống chung và chăm sóc cho cha mẹ chồng.

* Xung đột giấc mơ và lý giải
Có thể thấy rõ ràng rằng giấc mơ của các cô dâu và chú rể xung đột gay gắt với nhau. Với những khác biệt như vậy, làm sao họ lại gặp nhau ở một điểm chung để đi đến kết hôn?
Theo nghiên cứu của GS Hưng, về phần chú rể, vấn đề chuyển đổi giá trị đồng tiền và giá trị xã hội giúp họ rất nhiều. Ở Mỹ, họ chắt bóp, dành dụm mỗi ngày. Tiền làm ở Mỹ không có bao nhiêu, nhưng qua Việt Nam giá trị tăng gấp nhiều lần. Vì vậy khi qua Việt Nam họ tiêu xài tiền Việt Nam rộng rãi. Thế là họ được để ý, được nể trọng vì tiêu xài rộng rãi, họ cảm thấy rất sung sướng. Địa vị xã hội của họ đi từ “khó kiếm vợ” thành “dễ kiếm vợ”. Tư cách đàn ông của họ tự động được nâng cao lên. Đây là tất cả những thứ mà họ không có được ở Mỹ và là lý do họ đi Việt Nam tìm vợ.
Trong khi đó ở Việt Nam, đàn bà có khuynh hướng tập trung vào sự nghiệp nhiều hơn và đòi hỏi nhiều hơn ở người bạn đời. Phong trào đòi bình đẳng cho phụ nữ trong hôn nhân và gia đình không còn là chuyện mới lạ nữa. Khi họ không còn hy vọng tìm được người chồng ở Việt Nam, họ tin rằng có thể tìm bạn đời bên ngoài biên giới Việt Nam. Họ tin rằng người đàn ông sống ở Mỹ là người hiện đại và có thể đem lại sự tôn trọng và bình đẳng xã hội mà họ không tìm thấy cho mình ở Việt Nam.
Ngoài sự khác biệt về ước mơ, những cô dâu chú rể này còn có những khác biệt về học vấn đáng kể. Trong số 69 cô dâu: 70% (48 người) có ít nhất là bằng đại học; trong số này, 40% (19 người) có bằng sau đại học. 69 chú rể: 23% (16 người) có bằng đại học; trong số này, hơn phân nửa (9 người) lấy bằng trước khi qua Mỹ, vì vậy không giúp ích gì nhiều khi họ gia nhập thị trường lao động ở Mỹ; 11,5 % (8 người) lấy bằng đại học sau khi di cư qua Mỹ; 1 người có bằng sau đại học. 60% chú rể (41 người) chưa có bằng trung học, so với 3 cô dâu không có bằng trung học (2).

* Tương lai?
Không cần suy nghĩ nhiều, ai cũng có những dự đoán riêng của mình về kết quả của những cuộc hôn nhân như thế này. Tôi cũng muốn phán một quẻ: một số cặp sẽ nhượng bộ nhau để có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Có nhiều cặp sẽ dẫn đến ly dị. Y như thầy bói mù tiên đoán! Nhưng đôi khi cuộc sống cũng đơn giản thế thôi - được thì ở, không được thì đi. Tuy nhiên, cuộc sống cũng luôn luôn đầy những bất ngờ.
Theo cập nhật mới nhất, GS Hưng cho biết anh còn giữ liên lạc với 30% các cặp vợ chồng và có nhiều cặp đã thích ứng với nhau và sống hạnh phúc. Còn một số khác đã hoặc đang chuẩn bị ly hôn. Có những cặp anh tưởng sẽ chung sống vui vẻ với nhau, cuối cùng lại tan rã. Lại có những cặp anh “từng thầm nghĩ sẽ chia tay nhau sau 3 năm”, đến khi gặp lại sau 10 năm, “hóa ra họ là những cặp rất hạnh phúc”. GS Hưng chia sẻ, “cuộc sống của những cặp vợ chồng này vẫn tiếp tục trải rộng ra trước mắt họ và không đoán trước được” (3).

* * *
Nói tóm lại, tùy theo kinh nghiệm sống cá nhân mà mỗi người trong chúng ta có nhìn thấy đây là khuynh hướng kết hôn mới hay không. Còn như theo nghiên cứu của mình, GS Hưng dự đoán khuynh hướng kết hôn giữa người Mỹ gốc Việt và người Việt Nam trong nước như thế này sẽ kéo dài trong 10 năm nữa.
Một điều đáng nói là câu chuyện kết hôn vượt biên giới thế này không nhằm giải thích hoặc định hướng tất cả các lựa chọn và quyết định trong hôn nhân của người Việt. Phỏng vấn 69 cặp trong nghiên cứu xã hội học là khá nhiều, đủ để miêu tả một mảng trong vấn đề hôn nhân của người Việt Nam trong thời đại mới.
Đối với nhiều người Mỹ, và người ngoại quốc nói chung, Việt Nam vẫn là một nước nhỏ ít được biết đến, với những con người không có “mặt” và không tên. Câu chuyện hôn nhân này của người Việt Nam ít nhất đã vẽ lên chân dung người Việt như là những cá nhân sống động với tính cách và lựa chọn riêng của mình trong thế kỷ 21. Còn trong vấn đề hôn nhân, cuối cùng lại, ai “hơn” ai “thua”, ai “cao” ai “thấp”, đều là tùy theo người ta dùng tiêu chuẩn nào để đánh giá mà thôi. Những bất ngờ thú vị trong đời sẽ là phần thưởng cho những ai sẵn sàng mở lòng ra với cuộc sống.

Ghi chú:
(1) Pyong Gap Min, Chigon Kim. “Patterns of Intermarriages and Cross-Generational In-Marriages among Native-Born Asian Americans”. International Migration Review 43.3 (2009): 447–470.
(2) Hung Cam Thai. For Better or For Worse – Vietnamese International Marriages in The New Global Economy. Rutgers UP: NJ, 2008.
(3) Anvi Hoàng. Phỏng vấn với GS Thái Cẩm Hưng. 5-9-2011.

Bài đăng trên ấn bản nhật báo Viễn Đông số ra ngày Thứ Năm, 8-9-2011.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT