Người Việt Khắp Nơi

Gia đình Andy Trần được bồi thường $1.3 triệu

Friday, 06/09/2013 - 11:36:02

Thảm kịch xảy ra khi anh bị còng tay và có thêm một cảnh sát viên thứ nhì đến trợ lực với cảnh sát viên thứ nhất. Cảnh sát viên thứ hai đã bắn súng điện Taser...

andy tran
Andy Trần. (Tumblr)

WESTMINSTER – Thành phố Garden Grove đã âm thầm giải quyết đơn kiện của gia đình anh Andy Trần, một người bị cảnh sát gây thiệt mạng bằng súng điện Taser mấy năm trước.

Theo tìm hiểu của nhật báo Orange County Register, vào năm ngoái chính quyền Garden Grove đã trả món tiền $1.3 triệu Mỹ kim để giải quyết đơn kiện của gia đình Andy Trần. Nhật báo khám phá sự bồi thường này sau khi nạp đơn mới đây để được phép xem hồ sơ tài chánh của thành phố. Kể từ khi vụ bắn Taser xảy ra gần 5 năm trước, hầu như báo chí cũng như chính quyền đều không nhắc đến vụ này cho đến khi tờ Register loan tin hôm thứ Sáu.

Tuy vậy, nhiều chi tiết về vụ án nằm trong một chồng hồ sơ dày hơn 500 trang được các luật sư nộp tại tòa liên bang. Cảnh sát đã thực hiện một cuộc điều tra trong nội bộ và từ đó đưa ra những cải cách về trường hợp sử dụng súng điện Taser để tránh xảy ra những vụ đáng tiếc trong tương lai như trường hợp của Andy Trần.

Trước đây, vào tháng Chín năm 2008, nhiều người đã gọi số 911 để báo cảnh sát Garden Grove về những hành đồng kỳ lạ của Andy Trần, 32 tuổi. Cha của Andy từng nói với tiếp viên đường dây 911 rằng Andy đang nổi điên và đã đánh người khác, anh cần được đưa vào bệnh viện.

Các tiếp viên đã ghi nhận đây là một vụ bạo động liên quan đến một người mắc bệnh tâm thần. Một cảnh sát viên thuộc sở cảnh sát Garden Grove là người đầu tiên đến điều tra. Cảnh sát viên này thấy Andy Trần đứng bên ngoài nhà của anh, không có vũ khí và có vẻ đang rối trí.

Tuy vậy, Andy Trần vẫn đủ sáng suốt và tuân theo tất cả các mệnh lệnh của cảnh sất viên. Anh bước đi, dừng lại theo đúng lệnh của cảnh sát viên có mặt lúc bấy giờ và không có hành vi nào được xem là bạo động. Và anh đã để tay lên đầu theo lệnh của nhân viên công lực.

Thảm kịch xảy ra khi anh bị còng tay và có thêm một cảnh sát viên thứ nhì đến trợ lực với cảnh sát viên thứ nhất. Cảnh sát viên thứ hai đã bắn súng điện Taser vào chân bên phải của Andy Trần, khiến anh ngã quỵ xuống đất, ngưng thở và rồi qua đời sau đó.

Trong đơn kiện thành phố, gia đình của Andy Trần cho rằng các cảnh sát viên đã dùng vũ lực quá đáng trrong lúc bắt giữ nghi can. Kết quả giảo nghiệm tử thi cho thấy Andy Trần qua đời vì bị đột quị tim. Một chuyên viên từng nói rằng súng điện đã có thể đóng góp vào nguyên nhân gây cái chết cho Andy.

Tuy nhiên, cho đến nay thành phố Garden Grove không nghĩ súng điện gây thiệt mạng cho Andy. Một luật sư đại diện thành phố nói rằng súng Taser chỉ gây giật điện trên cẳng của Andy, và kết luận của chuyên viên giảo nghiệm chỉ là sự phỏng đoán.

Thành phố cũng không đồng ý về cáo buộc các cảnh sát viên dùng vũ lực quá đáng. Theo sự thỏa thuận bồi thường, thành phố không nhận lỗi trong cái chết của Andy.

Theo ghi nhận trong hồ sơ tòa liên quan đến đơn kiện, hai cảnh sát viên cho biết Andy Trần đã chống cự ở một mức thấp. Anh không tự lấy hai tay xuống từ trên đầu để bị còng tay. Theo từ ngữ đặc biệt của cảnh sát, hành động này được liệt kê là “sự chống đối thụ động” (passive resistance). Theo qui tắc của sở cảnh sát, các nhân viên công lực chỉ áp dụng vũ lực ở mức thấp trong trường hợp chống đối này.

Trong trường hợp của Andy Trần, cảnh sát đã còng được một tay và chưa còng được tay thức nhì. Mặc dù chỉ đứng cách nhau chừng một, hai thước, hai cảnh sát viên đã ghi nhận những điều mâu thuận nhau trước khi Andy bị bắn bằng súng điện.

Ông Richard Gendreau là cảnh sát viên thứ nhì đến hiện trường và cũng là người sử dụng súng điện. Ông khai rằng ông đã nắm bàn tay còn lại của Andy và tìm cách kéo tay xuống từ trên đầu. Thế nhưng ông Daniel Karschamroon, cảnh sát viên đến hiện trường đầu tiên, nói rằng chuyện đó đã không xảy ra.

Gendreau cho biết ông đã cảnh cáo Andy rằng “Anh phải để hai tay sau lưng bằng không anh sẽ bị bắn Taser. Tuy nhiên ông Karschamroon nói rằng ông Gendreau chỉ yêu cầu Andy hãy thư giãn bằng không thì sẽ bị bắn điện.

Hai cảnh sát viên cũng có những lời khai khác biệt khác. Gendreau nói rằng hai bàn tay của Andy Trần đã nắm chặt như một nắm đấm. Karschamroon lại không nhớ bàn tay của Andy như vậy. Gendreau nói Andy đã càu nhàu, miệng chảy nước dải. Karschamroon không nhớ chuyện đó xảy ra.

Khi được hỏi tại sao ông Gendreau sử dụng súng Taser, ông Karschamroon chỉ nói, "Tôi không thể thấy những gì mà ông ấy thấy.”

Gendreau từng cho biết ông sợ tình hình sẽ tệ hơn và nếu Andy trở nên hung hăng thì anh ta có thể vung tay đánh cảnh sát viên với còng sát đeo trên một cổ tay.

Cả hai cảnh sát viên đều cho biết Andy không nói một lời nào trong suốt thời gian bị bắt điều tra.

Ông Mark Zimmerman, một người hàng xóm bị yêu cầu điều trần trước tòa, đã nêu thắc mắc về việc dùng súng Taser. Ông nói rằng cảnh sát viên Gendreau đã đến với thái độ của một tay cao bồi kiêu ngạo và sự việc diễn ra quá đột ngột.

Trong cuộc điều tra về cái chết của Andy Trần trước đây, Phòng Biện Lý Orange County kết luận hai cảnh sát viên không làm điều gì sai trái. Ty cảnh sát Garden Grove cũng điều tra trong nội bộ và cũng đi đến kết luận tương tự, vì chiếu theo qui luật từng có vào năm 2008 thì cảnh sát được phép dùng súng điện trong trường hợp chống cự thụ động.

Tuy vậy, cái chết của Andy Trần, cộng với những kết quả nghiên cứu khác và tài liệu huấn luyện cập nhập của hãng Taser International đã đưa đến sự việc ty cảnh sát Garden Grove phải cải cách lại qui luật. Từ năm 2012, các cảnh sát viên phải cứu xét thêm một số yếu tố khác, kể cả yếu tố bệnh tâm thần, trước khi quyết định dùng súng Taser.

Trong thời gian đơn kiện của gia đình được cứu xét, có lúc Thẩm Phán Liên Bang David Carter đã không đồng ý với thành phố về việc bác bỏ đơn kiện. Thẩm phán nói rằng đơn kiện được tiếp tục cứu xét vì có những yếu tố, kể cả việc quyền công dân của Andy Trần bị xâm phạm.

Andy Trần đã để lại một người vợ và con trai bốn tuổi khi anh qua đời. Một luật sư từng mô tả Andy là một người cha sống ở nhà, cần uống thuốc để trị bệnh tâm thần và được xem là bình thường.

Vài tháng sau khi thẩm phán tòa liên bang cho phép vụ kiện được tiếp tục, gia đình của Andy và thành phố đã thỏa thuận về tiền bồi thường $1.3 triệu Mỹ kim.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT