Người Việt Khắp Nơi

Gần 40 năm, vụ án 19 thuyền nhân Việt Nam anh dũng chống lại hải tặc Thái không hề phai nhòa

Saturday, 18/07/2020 - 12:04:55

Mỗi tháng 19 đứa tụi tôi bị dẫn từ nhà tù qua tòa án, mỗi hai người bị xiềng chân vào nhau, đi đi về về qua cây cầu này, nhìn xuống bến sông, có lúc tụi tôi đã ước liều mạng nhảy xuống sông biết đâu có thể trốn thoát.

Cha Joe Devlin chụp cùng 19 người tại tòa án Pak Phanang năm 1981.

 

 

‘Ráng lên Uyên, ráng lên Uyên, tụi mình sống rồi, tụi mình sống rồi!’

Bài NGỌC ÂN

Đã ngoài 60 tuổi, nhưng khi đi lại con đường từ toà án sang nhà thương ở Pak Phanang, Thái Lan, rõ ràng anh đi bằng những bước chân của một chàng thanh niên rắn rỏi từ 36 năm trước, hai tay anh đưa lên vai như đang khiêng người bạn tù, chân dang ra như còn xiềng xích dưới chân, miệng la lớn “Ráng lên Uyên, tụi mình sống rồi!”

Tháng 3 năm 2017, anh Đoàn Văn Nguyên là người trong nhóm 19 thuyền nhân lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm 1981 trở về thăm lại nhà tù và tòa án tại Pak Phanang, miền nam Thái Lan, nơi đã giam giữ 19 Thuyền Nhân Chống Hải Tặc Thái Đã Được Tòa Án Tha Bổng. Chúng tôi may mắn được cùng đi với anh trong chuyến trở về này, được ghi lại chuyện của anh, một câu chuyện sống sót hy hữu của thuyền nhân Việt Nam, cũng là một vụ án từng làm rung động thảm cảnh tỵ nạn Việt nam trước thế giới khoảng năm 1981-1982.

 

Anh Đoàn Văn Nguyên trước Trạm Cảnh Sát Pak Phanang, Thái Lan tháng 3, 2017. (Ngọc Ân)

 

Ba-mươi sáu năm, ký ức về cả một năm trời đằng đẵng trong nhà tù khổ sai Pak Phanang của Thái không hề phai mờ. Anh đếm từng bước chân khi đi qua cây cầu từ nhà tù đến tòa án, đầu ngẩng lên nhìn ánh nắng ban mai xuyên qua cành lá, gật gù, “Chị thấy không, tôi vẫn còn nhớ bao nhiêu bước chân là chiều dài của cây cầu nầy. Mỗi tháng 19 đứa tụi tôi bị dẫn từ nhà tù qua tòa án, mỗi hai người bị xiềng chân vào nhau, đi đi về về qua cây cầu này, nhìn xuống bến sông, có lúc tụi tôi đã ước liều mạng nhảy xuống sông biết đâu có thể trốn thoát, vì mỗi lần ra tòa là một lần tuyệt vọng, tuy ban đầu có lúc chúng tôi nghĩ vẫn còn có hy vọng.”

Anh kể thời gian đầu, đã có Đài Truyền Hình Atenne 2 của Pháp, tổ chức Các Bác Sĩ Không Biên Giới (Medicines Sans Frontiers) và các phóng viên, ký giả Pháp, từng vào tận nhà tù PakPanang phỏng vấn, quay hình, về sau khi ra tù, anh mới biết đài truyền hình, các ký giả của các tờ báo danh tiếng của Pháp đã lên tiếng công kích Đại Sứ Thái Lan ở Paris về tinh thần và trách nhiệm của Chính Phủ Thái Lan, đối với thuyền nhân và nạn nhân Cộng Sản, đã khiến dư luận cả Âu Châu phải chú ý.

Tuy nhiên, đó là chuyện sau này, còn lúc đó thì sau thời gian đầu ồn ào, mọi việc ngày càng bất lợi, dư luận Thái đòi kết án 19 thuyền nhân với bản án tử hình hay tù chung thân vì chính họ là những người cướp tàu, giết người Thái, nhất là khi có nhân chứng là vợ của một trong bốn tên hải tặc bị chết trên biển ra tòa, chỉ vào các anh, “Bọn họ, chính là bọn họ giết chồng tôi!”

Anh kể lại các anh chỉ cố gắng tự vệ, liều chết chống lại hải tặc, sau lần đầu bị cướp, lần thứ hai chiếc tàu khác ập tới, chúng lùa hết tất cả mọi người lên tàu của chúng, sau đó các tên hải tặc nhảy xuống ghe vượt biên, chia nhau lục lọi, tìm vàng bạc trong những túi xách của các thuyền nhân và phá vỡ ghe làm nước ngập cả hầm máy.

Anh ngồi thẳng người lên, hai tay như đang cầm một cây lao trong trí nhớ, sau khi lục soát, chúng xua đuổi người ty nạn xuống lại chiếc ghe đã bị bể nát và tràn ngập nước. Thấy người tỵ nạn lưỡng lự vì không chịu xuống chiếc ghe đã bị bể nát, bọn cướp biển liền ra tay đâm lòi ruột một người. Trước hành động dã man, tất cả người tỵ nạn đồng loạt la lớn, “Tấn công, tấn công, giết tụi nó, giết tụi nó, nếu không nó cũng giết mình.”

Anh kể, “Có vài anh chụp được mấy cây lao tụi ngư phủ dùng để đâm cá, vậy là tụi tôi phóng lao về mấy tên cướp lao, chĩa ba, dao , bất cứ vật gì có thể làm vũ khí tự vệ, chúng tôi liều mạng với bọn cướp, vì bị trở tay bất ngờ, có mấy tên bị trúng lao gục xuống, mấy tên khác nhảy xuống biển, lúc đó chúng tôi phát giác còn một tên trong hầm máy, thấy chỉ còn một mình, nó xả cho bể máy, rồi cũng nhảy xuống biển tẩu thoát.”

Anh ngẩng đầu nhìn lên bầu trời xanh, không một gợn mây, chung quanh chỉ có tiếng chim ríu rít trên cành lá quanh bến sông, anh như nín thở, sống lại cảnh hỗn chiến chỉ trong tích tắc 36 năm trước. “Không còn một tiếng động, các cô, các chị sau khi gào thét như những liều thuốc kích thích cho chúng tôi đủ sức tự vệ, cũng gục xuống trên bong tàu, bọn đàn ông thanh niên thì vẫn còn bị bất ngờ, ngừng lại để thở, chưa kịp hoàn hồn!”

Khoảng chiều hôm sau, bắt đầu nghe tiếng máy bay của Hải Quân Hoàng Gia Thái bay xà xuống trên đầu quan sát, con tàu của hải tặc với hơn 120 thuyền nhân không chạy được vì máy đã bị phá bể, bị vây ở giữa những con tàu đánh cá của Thái, mấy tên sống sót nhảy xuống biễn đã gọi đồng bọn đến cứu, rồi tàu của Hải Quân Thái rẽ sóng chạy tới, bắn những phát đại bác thị oai và cho người nhái đổ bộ lên bắt tất cả những người tỵ nạn và kéo về thành phố Pattani. Trên bong tàu, những người đàn bà, trẻ con bắt đầu khóc, vì đói khát, sợ hãi, kiệt sức sau những chuyện quá bất ngờ xảy ra.

 

Bài trên báo Tiền Phong tháng Giêng 1982

 

Mười-chín người đàn ông, thanh niên trên 18 tuổi sau đó bị đưa thẳng vào nhà tù ở Pak Phanang chờ xét xử, đàn bà trẻ con thì được đưa vào trại tị nạn Songkhla. Hơn một năm sau, có lệnh ân xá của Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái, sau khi có sự can thiệp đặc biệt của bà phu nhân đại sứ Hòa Lan Van Dongen Bùi Tuyết Hồng, bà nguyên là giáo sư của các Hoàng Tử và Công Chúa của Hoàng Gia Thái trong thời gian ông làm Đại Sứ ở Thái, có được cảm tình và lưu tâm đặc biệt của Hoàng Hậu Thái.

Bà Bùi Tuyết Hồng đến tận trại tị nạn Songkhla, hỏi thăm và an ủi những người vợ con, gia đình của 19 tù nhân, rồi tường thuật laị những tâm tình oan nghiệt, hình ảnh xúc động của những nạn nhân của hải tặc, trình bầy với Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái. Điều gay cấn đến phút chót, là ngay sau khi lệnh ân xá của Quốc Vượng Thái được đưa ra, một thẩm phán đã vội vã choàng chiếc áo chánh án lên người, đọc lệnh trả tự do một cách hết sức ngạc nhiên, (lúc đó là giờ nghỉ trưa của toà án,) thì một người trong 19 người là anh Lê Văn Uyên, thình lình bị đau ruột cấp tính, gục xuống trong phòng giam, tất cả các anh còn lại khiêng anh Uyên ra nhà tù và qua nhà thương, chân còn mang xiềng, miệng hô lớn, “Ráng lên Uyên, ráng lên Uyên, mình sống rồi, mình sống rồi!” Hôm đó là ngày cuối năm 28 thang 12, 1981.

Tháng 3, 2017, đi quanh nhà tù một lần nữa trước khi chia tay Pak Phanang, anh Đoàn Văn Nguyên lắng nghe những tiếng động ở bên trong, qua bốn bức tường gạch đỏ cao, có rào dây thép ở trên, “giờ này mới sáng sớm, tôi có thể hình dung ra quang cảnh bên trong nhà tù, đang là giờ vệ sinh cá nhân trước khi bị tù nhân bị đưa đi lao động.” Đi qua bến sông, anh chỉ cho chúng tôi thấy những đống thân dừa, lá dừa nằm chất đống bên bờ nước. “Tụi tôi bị đày vào một trong những việc nặng nhọc nhất của nhà tù, đó là đập những thân dừa, lá dừa đến cho mềm, mềm đến thành ra những sợi dây dừa trơn mịn để làm thảm dừa rất phổ biến ở Thái.”

 

Hình chụp ở garage Trạm Cảnh Sát Pak Phanang ngày 12 tháng 1,1982, bốn ngày sau khi được tha bổng

 

Anh vẫn giữ liên lạc với tôi, luôn nhắc đến ơn của những vị ân nhân người ty nạn VN như Cha Joe Devlin, ngài đến tòa thăm các anh trong phiên xử, vui mừng đón các anh về trại Song Khla sau khi được tha bổng. Ngài là niềm vui, sự an ủi, nâng đỡ tinh thần to lớn cho các anh trong thời gian kiệt quệ từ thế chất đến tinh thần trong tù. Như bà Bùi Tuyết Hồng với những lá thư của bà gởi cho người thân của anh chuyển vào trong tù, từng lời nói, ngay cả từng dấu chấm, hỏi trong thư đã được các anh chuyền tay nhau đọc gần như thuộc lòng. Một thầy giáo người Thái bạn tù, đã từng mật báo cho các anh tránh được bọn du đãng trong tù được mướn tính giết các anh diệt khẩu trước ngày ra tòa. Anh thao thức đợi tin của vị ân nhân mà nay được biết có thể còn ở Hat Yai, không xa trại tỵ nạn Song Khla bao nhiêu.

Sau gần 40 năm rồi, nhóm 19 người tù Pak Phanang mong muốn liên lạc được với tất cả bạn tù năm xưa. Sau đây là danh sách “19 thuyền nhân anh dũng chống lại hải tặc Thái được tha bổng cuối năm 1981.” (Trích lời của Ký Giả Nguyễn Ang Ca, báo Tiền Phong)

1. Bác Sĩ Dương Chi Lăng

2. Trần Xuân Vinh

3. Lê Quang Phương

4. Hứa Thiện Hùng

5. Âu Diêu

6. Khuất Hà Chảy

7. Đoàn Văn Nguyên

8. Trịnh Duy Phước

9. Hồ Minh Tâm

10. Châu Chí Cường

11. Huỳnh Công Danh

12. Nguyễn Anh Loi

13. Trần Khắc Đức

14. Huỳnh Quốc Tuấn

15. Quan Chí Cường

16. Huỳnh Trung Thuần

17. Trần Chánh Thành

18. Lê Văn Uyên

19. Dương Hán Minh

Xin liên lạc với anh Đoàn Văn Nguyên 818-426-5449, e-mail Doanj9@gmail.com, hay anh Hứa Thiện Hùng số (512) 905-7767 ở  Orange County, California.

 

Hình chụp với Cha Joe Devlin ở Songkhla. (Hình do Đoàn Văn Nguyên cung cấp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT