Hôm Nay Ăn Gì

Gà nướng lá chanh mật ong bằng lò điện

Tuesday, 18/08/2020 - 11:16:43

Một ít mật ong, một chút mùi thơm của hạt ngò ta, một ít tiêu bột, một ít muối hạt giã nhuyễn, và một vài củ sả, một ít lá chanh… Mọi thứ đều có thể tìm ngay trong tủ bếp

(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Một ít mật ong, một chút mùi thơm của hạt ngò ta, một ít tiêu bột, một ít muối hạt giã nhuyễn, và một vài củ sả, một ít lá chanh… Mọi thứ đều có thể tìm ngay trong tủ bếp, tìm ngay trong vườn hoặc tủ đông. Và đặc biệt, lò nướng điện chứ không phải lò than mù mịt. Thường thì người nấu bếp sợ nhất là nướng gà trong lò điện, vì nó làm cho thịt gà hơi bay mùi lò nướng hoặc xa xôi hơn là mùi công nghiệp. Nhưng, thịt gà nướng lá chanh, mật ong bằng lò điện thì lại khác, khác lắm!

Những năm 2000, những ai từng ghé Tân Bình, Sài Gòn, chắc còn nhớ đến món gà nướng lu, sau này có thêm thịt heo ba chỉ nướng lu, rồi vịt quay lu, kính thưa các loại… lu (đó là chưa muốn nhắc đến một tiến sĩ lu từng làm dậy sóng cộng đồng mạng cả năm trời vì sáng kiến dùng lu chống ngập của bà…). Dường như những gì liên quan đến lu đều do người Nam nghĩ đến, phát kiến thì phải. Bởi cái lu, cái chum, cái vại gắn với người Nam nhiều hơn người Bắc, vì người Bắc gần với ao chuôm, với giếng làng rộng lớn (trong văn hóa ăn uống, người Bắc có tính tập thể hơn người Nam trong chuyện chia phần, từ cái giếng tập thể cho tới ao chuôm, đồng rau muống làng… cho thấy điều này, còn người miền Nam lại có tính cá nhân hơn trong vấn đề chia phần, hay nói khác đi là tự lực, tự giác, tự vận động. Nhưng khi ăn, người Bắc lại có tính riêng tư hơn, ví dụ như đi ăn cúng làng thời phong kiến, chỉ có địa chủ miền Bắc mới nghĩ ra được chuyện lận theo đôi đũa sau lưng, trong lúc các quan viên còn loay hoay chờ anh hầu mang đũa thì người nào có đũa lại rút ra gắp rặt đùng…, người Trung hình như cũng giống người Bắc điểm này, chỉ có người miền Nam là khác, tới hội hè đình đám chủ yếu là vui, là uống rượu, uống thật tình, uống tới bến…).

Và cũng từ chỗ cái lu, cái chum, cái vại này, người miền Nam sáng tạo ra hàng loạt món ăn được nấu nướng, chế tác từ nó, gà nướng lu, cá lóc nướng lu… Nhưng, khi món nướng lu trở thành món ngon, được ưa chuộng thì những chủ quán gốc Bắc lại rất thành công trong việc kinh doanh các món ăn chế tác từ lu. Đây là điểm khá đặc biệt và khác biệt giữa người miền Nam và người miền Bắc. Người miền Nam nghĩ để vui, sáng tạo để chơi, còn người miền Bắc tìm thành tựu từ mọi sáng tạo, không chấp nê vùng miền, miễn sao đạt được thành công hay thành tựu thì làm tới. Cái khác của người Bắc và người Nam ở chỗ, khi tới nhà người Bắc, ở lại mấy cũng được, nhưng ăn thì nên tự giác ra ngoài thì hay hơn, ngược lại, vào thăm người Nam, ăn uống thoải mái, dắt nhau ra quán, tới nhà ăn, ở đâu cũng ăn thoải mái, nhưng ở thì chịu khó tự kiếm chỗ. Người ta hay nói “Nam ăn Bắc ở” là vậy!

Nhưng tự dưng nói chuyện gà nướng lu thì liên quan chi tới Nam với Bắc ở đây? Số là những năm 2000, tôi đang học năm cuối đại học, có ông anh ra trường, kiếm việc làm ổn định, thi thoảng ghé tới rủ tôi đi ăn gà, mà phải là gà nướng lu Tân Bình kia mới chịu. Ông anh này người miền Trung, ông chỉ ghé đúng một quán không tên trên đường Đồng Đen, khu Bàu Cát, Tân Bình (cũng xin nói thêm, khu Bàu Cát trước 1975 là một bàu rau muống khá lớn và sâu, nơi thoát nước của khu vực Tân Bình, sau 1975 thì Bàu Cát bị san lấp lấy mặt bằng bán người ta xây nhà cửa, cả một khu phố rộng lớn của giới nhà giàu vừa mới phất đều dồn về đây, Tân Bình ngập sớm nhất Sài Gòn là do vậy), không hiểu ông anh tôi ưa gì chứ tôi thì hơi dị ứng khu này bởi ven đường có một con kinh nước đen, bốc mùi nặng lắm, hơn nữa có một công ty của Trung Quốc nằm ngay góc đường Đồng Đen nên bao nhiêu nước thải xả xuống kinh, thật là đáng sợ. Thế nhưng cứ chiều đến là quán đông nghịt. Chủ quán là một cô Bắc Kỳ (không răng khểnh và cũng không để tóc đờ mi gạc xông) khá chua ngoa.

Có bữa, tôi đánh bạo hỏi cô giữa gà nướng lu và gà nướng lửa than thì có gì khác biệt mà gà nướng lu luôn có giá cao gấp đôi gà nướng lửa than, cô trả lời lạnh lùng “vì nó nướng trong cái lu, mà nướng vài chục con gà thì bể mất cái lu, mất nhiều tiền nên giá nó phải cao hơn.” Nghe vậy thì tôi hết muốn ngồi, lần sau ông anh rủ, tôi không đi nữa. Mãi đến sau này, cách đây vài năm, ngoại tôi bị bệnh, nằm bệnh viện Đà Nẵng, tôi chăm sóc ngoại xong thì ghé vào khu phố ẩm thực bên cạnh siêu thị Bài Thơ cũ (sau này siêu thị thành chợ đầu mối vàng mã của miền Trung, còn phố ẩm thực đã bị dẹp không rõ lý do), ở đây có một quán bán thịt gà, thịt heo ba chỉ nướng lu khá ngon và rẻ, của một anh dân Sài Gòn ra đây làm ăn.

Thấy tôi cứ vài ngày ghé mua một lần để mang về, anh hỏi, tôi mới kể thật là bà xã đang mang bầu, đứa con đầu thì nhỏ quá, mẹ thì sau tai biến, ngoại chỉ mình tôi nên bận bịu quá, thôi ghé mua thức ăn mang về, lâu lâu đổi vị, món thịt này khá bắt cơm. Nghe vậy, anh bảo, “Mang bầu thì đừng cho ăn thịt nướng nhiều quá, vì khói này nguy hiểm, thôi lần sau gọi điện trước, anh nướng lò điện, nướng mật ong cho mà mang về.” Vậy là từ đó về sau, tôi gọi trước và mang món gà nướng lá chanh, mật ong, lò điện về cho cả nhà. Cho đến khi bà ngoại qua đời, tôi không ghé Đà Nẵng gần hai năm, vì ghé là nhớ tới chuyện đi lại, chăm sóc, nhớ tới ngoại… Tôi không ghé!

 

(Tom/ Viễn Đông)

 

Hai năm sau, tôi chở vợ con ghé khu ẩm thực thì không còn, may sao còn số điện thoại của anh, tôi gọi hỏi địa chỉ mới thì anh nói rằng anh đã bỏ nghề rồi, lần đó anh mới mua chỗ chưa đầy một năm, lại bị giải tỏa nên lỗ sặc máu (lời của anh), giờ anh về Nam chạy xe ôm một thời gian rồi tính tiếp. Tôi chạnh buồn, hỏi thăm sức khỏe, nói lảng sang chuyện khác rồi chào tạm biệt. Không ngờ sau đó anh nhắn tin “Chú nói vợ chú làm như thế này nè: Gà ta, loại tơ, làm thịt sạch sẽ, để ráo, sau đó cho vào bụng gà hai cái giò gà, năm khúc sả dài chừng nửa tấc, một chút xíu ớt bột, vài lá chanh già, rồi may bụng lại, sau đó bên ngoài thì ướp tỏi, hành, sả giã nhuyễn, một chút xíu ngũ vị hương, xì dầu, chút muối. Ướp, tẩm xong để chừng nửa giờ. Sau đó cho vào lò điện quay, để nhiệt độ từ 210 đến 230 độ nha. Để thời gian chừng 60 phút. Và nướng xong 60 phút thì lấy ra, phết mật ong lên gà, để ngoài cho nguội một chút lại đưa vào lò, nướng thêm 20 phút nữa với nhiệt độ 250 độ. Nước chấm thì giã ớt xanh với muối hạt, đâm nhuyễn xong thì vắt một lát chanh, xắt một ít là chanh non, xắt thật nhỏ, nhuyễn hơn cả thuốc rê, bỏ vào chén muối ớt chanh kia, đánh đều lên. Món gà nướng chấm muối ớt chanh xem như ổn.”

Giữa lúc co cụm vì dịch bệnh, cách ly, giãn cách, tự dưng bà xã tôi lôi gà trong tủ đông ra để làm món này, đương nhiên quá trình rã đông kéo dài khá lâu vì gia đình tôi không có bếp từ rã đông. Nhưng món gà nướng này có vị thơm, ngọt, da giòn vừa, quyện với mật ong, nói chung là ngon khó tả, và cũng không có mùi nướng công nghiệp bởi có thời gian mang ra ngoài lò để phết mật, làm nguội trước khi nướng giòn. Mà hơn hết, khi nướng rồi chúng tôi mới hiểu làm món này tốn công và công phu biết dường nào, vậy mà khi bán cho tôi, anh không hề đổi giá. Vậy mới biết tâm tính người Nam ra sao, xin cảm ơn anh! Giữa lúc này, nghề xe ôm chắc cũng ế ẩm, tự dưng thấy chạnh lòng khi gọi vào số điện thoại của anh thì nghe một giọng khác bắt máy, nói rằng đây là số mới của họ, nghĩa là anh đã bỏ số này!

Giữa muôn trùng đời sống, xin cầu nguyện anh chân cứng đá mềm. Và xin cầu nguyện mọi người cũng chân cứng đá mềm!



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT