Thế Giới

EU kêu gọi giải quyết vụ khủng hoảng trứng gà

Thursday, 10/08/2017 - 08:55:45

EU nói rằng mọi nước thành viên của tổ chức này đều có trách nhiệm điều tra và thực hiện các biện pháp cần thiết.



BRUSSELS – Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Năm đã kêu gọi các nước nên có những hành động nhanh chóng và quyết đoán, trong bối cảnh các ảnh hưởng thương mại của vụ trứng gà nhiễm thuốc chống côn trùng đang dần dần lan rộng. Vụ trứng gà nhiễm thuốc chống côn trùng Fipronil đã khiến các hãng bán lẻ tại một số nước châu Âu phải hủy bỏ hàng triệu quả trứng gà, do lo ngại chúng có thể gây hại cho sức khỏe người dùng. 
Fipronil là loại thuốc thông dụng, thường được dùng để trị bọ chét cho thú nuôi, nhưng bị cấm dùng cho các gia cầm và gia súc làm thực phẩm cho người, vì hóa chất này có thể gây tổn hại nội tạng nếu bị hấp thụ vào cơ thể với số lượng lớn. Trứng gà nhiễm thuốc Fipronil được phát hiện lần đầu tiên tại Bỉ và Hòa Lan. Không chỉ trứng gà, một số sản phẩm từ thịt gà cũng bị phát hiện nhiễm loại hóa chất này. 
Bộ Nông Nghiệp Bỉ hôm thứ Tư đã chỉ trích Hòa Lan, cho rằng nước này đã không đẩy nhanh việc điều tra trong cuộc khủng hoảng. Trước tình trạng này, Ủy Ban Châu Âu đã ra thông báo kêu gọi các nước hợp tác làm việc trong tinh thần minh bạch, và không nên đổ lỗi cho nhau. EU nói rằng mọi nước thành viên của tổ chức này đều có trách nhiệm điều tra và thực hiện các biện pháp cần thiết. EU cũng đề nghị hỗ trợ các thành viên tổ chức các cuộc thảo luận chính trị nếu cần, để bảo đảm hệ thống thương mại trong tổ chức tiếp tục hoạt động một cách hiệu quả.

Ấn Độ di tản dân sống gần biên giới Trung Quốc
NEW DELHI – Người dân tại một ngôi làng Ấn Độ, nằm trong khu vực gần biên giới với Bhutan và Trung Cộng, đã được lệnh di tản khỏi nơi sinh sống. Hôm thứ Năm quân đội yêu cầu dân làng Nathang, cách khu vực tranh chấp Doklam khoảng 35 cây số, phải di tản ngay lập tức. Lệnh này được coi là một biện pháp phòng ngừa cần thiết của quân đội Ấn Độ, để tránh thương vong cho dân thường trong trường hợp xảy ra giao tranh, trong bối cảnh nước này đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng cao nguyên Doklam, nơi được Bắc Kinh gọi là Donglang.
Trước đó, vào tuần trước, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố, sự kềm chế của nước này tại Doklam đã đến cực hạn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lệnh di tản được ban hành nhằm lấy chỗ cho hàng ngàn binh sĩ Ấn Độ, thuộc quân đoàn 33, sắp di chuyển từ khu vực Sukna đến Doklam. Căng thẳng Trung-Ấn bùng lên từ giữa tháng 6, khi quân đội Trung Quốc đưa công nhân đến Doklam để xây đường giao thông. Sau khi phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản hành động của phía Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, New Delhi phải rút quân vô điều kiện và ngay lập tức khỏi Doklam nếu muốn giải quyết tình trạng đối đầu. Đáp lại, Ngoại Trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố, điều kiện đầu tiên để đàm phán là cả hai bên phải cùng rút quân.

Thổ: Bắt nghi can Nga âm mưu tấn công máy bay Mỹ
ADANA – Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một nghi can phiến quân Hồi Giáo Quốc, xuất thân từ Nga, sau khi kẻ này định phá hoại một máy bay Hoa Kỳ ở căn cứ Incirlik. Công dân Nga Renat Bakiev bị bắt sau khi cảnh sát phát hiện anh ta đang thăm dò thành phố Adana, nơi đặt căn cứ Không quân, với ý định thực hiện một vụ tấn công. Bakiev khai rằng hắn là thành viên của ISIS, đang dự định dùng máy bay điều khiển từ xa (drone) để đánh rớt phi cơ Hoa Kỳ, và thực hiện các vụ tấn công nhắm vào công dân Hoa Kỳ.
Bakiev cũng do thám một hiệp hội của cộng đồng tôn giáo thiểu số Alevi ở Adana, vì cho rằng giáo phái Alevi là “kẻ thù của thánh Allah.” Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của liên minh chống ISIS do Hoa Kỳ dẫn đầu. Nước này cho liên quân sử dụng căn cứ Incirlik để làm nơi thực hiện các vụ không kích nhắm vào phiến quân.

Anh: Tài xế bất tỉnh, lao xe bus vào cửa hàng
LONDON – Mười người đã bị thương sau khi một chiếc xe bus hai tầng lao vào các cửa hàng trên con đường đông đúc ở London, Anh quốc. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng thứ Năm, giờ địa phương, tại đường Lavender Hill, một trong những khu mua sắm nổi tiếng ở London. Chiếc xe hoàn toàn lao ra khỏi con đường, tông nát một phần mặt tiền của một cửa hàng. Theo các nhân chứng, người tài xế, 40 tuổi, nói rằng anh bị bất tỉnh trước khi chiếc xe lao vào lề đường.
Một hành khách cho biết có khoảng hơn chục người có mặt trên xe khi sự việc xảy ra. "Ngay khi chiếc xe dừng lại, tôi nghe thấy những tiếng la hét vang lên", anh Andrew Matthews, 34 tuổi, cho hay. "Tôi thấy một phụ nữ ở phía tay phải phía trước xe. Bà ấy kêu la cầu cứu. Tôi thấy rất nhiều máu,” anh Matthews kể. Mười người bị thương được sơ cứu ngay tại hiện trường, trong đó có ba người được đưa tới bệnh viện, bao gồm tài xế.
Nước Anh và thủ đô London đã được đặt trong tình trạng báo động cao, sau hàng loạt vụ tấn công bằng cách lao xe vào đám đông trong thời gian qua. Hầu hết sự việc đều được xác định là tấn công khủng bố.

Nhật viện trợ phụ tùng trực thăng cho Phi Luật Tân

TOKYO – Một số nguồn tin cho biết, chính phủ Nhật đang sắp viện trợ hàng ngàn món phụ tùng trực thăng cho quân đội Phi Luật Tân, trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á này trước Trung Quốc. Ngoại giao quân sự là phương pháp mới của Nhật để giảm bớt sự kiểm soát của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, đồng thời cũng là công cụ giúp Thủ Tướng Shinzo Abe tìm kiếm vai trò quân sự lớn hơn trong khu vực cho Nhật Bản, sau nhiều thập niên im lặng vì theo đuổi chủ nghĩa hòa bình.
Hiệp ước với Phi Luật Tân là thỏa thuận đầu tiên trong hàng loạt các hiệp ước tương tự, trong bối cảnh Tokyo đẩy mạnh chính sách ngoại giao quốc phòng với các nước Đông Nam Á. Một chỉ huy Không Quân Phi Luật Tân cho biết, Nhật sẽ viện trợ khoảng 40,000 món phụ tùng, và đây là bằng chứng cho sự hợp tác chiến lược giữa hai nước. Giá trị của số hàng viện trợ này không được xác định.
Số hàng gởi đến Phi Luật Tân là thỏa thuận viện trợ quân sự đầu tiên của Nhật, sau khi các nhà lập pháp tại Tokyo phê chuẩn việc chuyển giao thiết bị quân sự cho nước khác vào tháng 6 vừa qua. Mã Lai Á, Phi Luật Tân, và Việt Nam, đều đã đề nghị Nhật cho lại các máy bay săn tàu ngầm P3-C, được sản xuất bởi hãng Lockheed Martin, khi phi đội này được thay thế bởi các máy bay P-1 của hãng Kawasaki. Sự thay đổi chính sách của Nhật diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang dùng các khoản viện trợ tài chính và quân sự để trấn áp sự chống đối trong tranh chấp biển Đông.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT