Thế Giới

EU công bố kế hoạch trừng phạt Nga đợt thứ 6

Wednesday, 04/05/2022 - 01:59:23

Âu Châu sẽ loại bỏ dầu Nga một cách có quy củ, để có thể bảo đảm nguồn cung cấp thay thế và giảm ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.


Hình chụp ngày 3 tháng 5, 2022 cho thấy quang cảnh tổng quá của xưởng lọc dầu Slovnaft ở Bratislava. Đây là xưởng lọc dầu lớn nhất của Slovakia. Quốc gia này cùng với Hungary đã nhiều lần nói rằng họ không thể tham gia lệnh cấm nhập cảng dầu hỏa từ nước Nga mà Liên Hiệp Âu Châu đang khởi xướng. (Joe Klamar/ AFP via Getty Images)

 

BRUSSELS - Vào thứ Tư, tổ chức Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã đề nghị cấm tất cả việc nhập cảng dầu từ Nga trong kế hoạch trừng phạt thứ 6, để phản đối Nga xâm lăng Ukraine.

"Đây sẽ là lệnh cấm nhập cảng hoàn toàn đối với tất cả dầu của Nga, bằng đường biển và đường ống, bao gồm cả dầu thô và dầu tinh lọc,” chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen nói khi công bố kế hoạch trừng phạt tại Nghị Viện Âu Châu.

Việc cấm nhập cảng dầu Nga được coi là vấn đề quan trọng nhất trong đợt trừng phạt lần này của EU. Hiện EU chỉ công bố kế hoạch chứ chưa đạt đồng thuận về việc cấm nhập cảng dầu Nga, do một số quốc gia thành viên, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn dầu từ Nga, không muốn tham gia lệnh cấm vận này.

"Chúng ta sẽ loại bỏ dầu Nga một cách có quy củ, theo cách mà chúng ta và đối tác có thể bảo đảm nguồn cung cấp thay thế và giảm ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Đây là lý do chúng ta sẽ loại bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trong vòng sáu tháng và các sản phẩm dầu tinh lọc vào cuối năm nay,” bà von der Leyen nói thêm.

Những biện pháp khác được đề nghị trong lệnh trừng phạt thứ 6 bao gồm liệt kê danh sách các sĩ quan quân đội cao cấp và cá nhân bị cáo buộc "phạm tội ác chiến tranh" ở Bucha và bao vây thành phố Mariupol, cấm 3 đài truyền hình Nga chiếu ở Âu Châu và loại trừ SberBank, hiện là ngân hàng lớn nhất của Nga, cùng hai ngân hàng khác khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT.

Kế hoạch trừng phạt cần được sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực.

Slovakia đã cho biết sẽ yêu cầu miễn trừ và Hungary cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với nguồn cung cấp năng lượng là "giới hạn đỏ" đối với họ. Hai nước này gần như phụ thuộc 100% nguồn dầu thô của Nga.

Một số viên chức giấu tên trước đó nói rằng Bulgaria và Cộng Hòa Czech cũng có thể tìm cách không tham gia đợt trừng phạt này. Một nhà ngoại giao Âu Châu khuyến cáo, việc cấp miễn trừ cho một hoặc hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu Nga có thể gây hiệu ứng domino, khiến các nước khác cũng muốn được miễn trừ và do đó làm suy yếu lệnh cấm vận.

EU nhập cảng từ 3 – 3.5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, trả tiền $400 triệu Mỹ kim/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập cảng của cả khối. Theo Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT