Thế Giới

EU cáo buộc Nga tống tiền bằng khí đốt

Wednesday, 27/04/2022 - 07:24:53

Ba Lan và Bulgaria gần như hoàn toàn phụ thuộc Nga về lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm, được Gazprom thông báo về quyết định cắt đứt trước một ngày.


Thủ Tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đang trình bày với báo chí hôm thứ Tư, ngày 27 tháng 4, 2022, tại trạm chuyển khí đốt ở Rembelszczyzna gần thủ đô Warsaw, về việc Ba Lan phải mua lại khí đốt từ các nước Liên Âu sau khi bị Nga cắt đứt nguồn cung cấp. (Janek Skarzynski / AFP via Getty Images)

 

 

BRUSSELS - Tổ chức Liên Hiệp Âu Châu (EU) cáo buộc Nga dùng khí đốt như "công cụ tống tiền," sau khi tập đoàn Gazprom cắt dòng chảy năng lượng tới Ba Lan và Bulgaria.

"Thông báo của Gazprom về việc đơn phương ngừng cung cấp khí đốt cho khách hàng ở Âu Châu là một nỗ lực nữa của Nga nhằm tống tiền chúng tôi bằng khí đốt. Điều này không chính đáng và không thể chấp nhận được, đồng thời một lần nữa cho thấy sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách nhà cung cấp khí đốt,” bà Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen tuyên bố.

Ý kiến của bà Ursula được đưa ra sau khi công ty năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga thông báo cắt đứt tất cả nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, vì hai nước này không trả tiền hợp đồng bằng đồng ruble của Nga.

Gazprom đã thông báo cho nhà điều hành khí đốt quốc doanh Bulgargaz của Bulgaria, và công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan, về việc "ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 27 tháng 4, cho đến khi quá trình thanh toán được thực hiện" bằng đồng ruble.

Cả Ba Lan và Bulgaria, quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc Nga về lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm, cho biết đã được Gazprom thông báo về quyết định này trước đó một ngày. "Chúng tôi đã chuẩn bị cho tình huống này. Chúng tôi liên hệ chặt chẽ với tất cả quốc gia thành viên, đã và đang làm việc, để bảo đảm các lô hàng thay thế và mức lưu trữ tốt nhất có thể trên khắp EU,” bà von der Leyen nói. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế, cùng những lãnh đạo Âu Châu cũng như thế giới, để bảo đảm an ninh năng lượng ở Âu Châu.”

Theo truyền thông, giá khí đốt tại Âu Châu đã tăng 24% sau tuyên bố của Gazprom, cho dù thời tiết tại Âu Châu đang ấm hơn, làm giảm nhu cầu sưởi ấm.

EU là thị trường tiêu thụ khí đốt lớn của Moscow, khi nhập khoảng 40% nguồn cung từ Nga vào năm 2021. Bulgaria gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt từ Nga, với mức tiêu thụ hàng năm khoảng 3 tỷ mét khối.

Trước đó, Điện Kremlin từng cảnh báo các nước thành viên EU rằng, nguồn cung khí đốt sẽ bị cắt nếu không trả tiền bằng đồng ruble.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT