Thế Giới

Em bé 2 đầu ra đời ở Cambodia

Friday, 09/03/2018 - 09:59:51

Em bé gái vẫn đang phải ở trong lồng kính và được truyền thức ăn qua ống. Các bác sĩ cho biết họ cần theo dõi sức khỏe của bé gái trước khi có thể đưa ra quyết định tiếp theo.

SIEM REAP – Một em bé 2 đầu vừa ra đời ở Cambodia, và hiện có sức khỏe khá yếu. Bà mẹ 35 tuổi của cặp song sinh, cô Ket May, tưởng rằng cô đang mang thai một em bé rất to lớn, và không ngờ rằng cô sẽ cho ra đời một cặp song sinh dính liền vào ngày 3 tháng 3 ở tỉnh Siem Reap. Người mẹ hiện vẫn đang hồi phục tại bệnh viện Kantha Bopha, và khá phiền muộn.
Một đầu của em bé có thể cử động được trong khi chiếc đầu còn lại thì không thể. Gia đình cô Ket May khá nghèo. Cô chưa bao giờ đi siêu âm trong thai kỳ, vì chi phí cho mỗi lần siêu âm khoảng $16 Mỹ kim, và gia đình cô không trả nổi số tiền này. Cô Ket May và chồng, anh Kam Sary, đã có 3 người con, và sinh sống tại một làng quê ở huyện Battambang, nơi không có dịch vụ kiểm tra trước khi sinh.
Em bé gái vẫn đang phải ở trong lồng kính và được truyền thức ăn qua ống. Các bác sĩ cho biết họ cần theo dõi sức khỏe của bé gái trước khi có thể đưa ra quyết định tiếp theo. Phát ngôn viên của bệnh viện cho biết: "Nhịp tim của bé rất yếu. Em bé cần được theo dõi liên tục tại bệnh viện. Chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp tương tự trước đây.” Bệnh viện cho biết họ sẽ làm mọi điều có thể để giữ mạng sống cho bé gái.

Bị nhiễm hơn 30 nang trứng sán trong đầu
TRUNG QUỐC – Ông Wu Mingsheng, cư dân Trung Quốc, được đưa vào bệnh viện đại học Quý Châu trong tình trạng nghiêm trọng. Người đàn ông 46 tuổi này bị lên cơn đột quỵ và có chứng buồn nôn mãn tính, bị nghi tràn dịch màng não do có dị vật đè nén. Ban đầu, các bác sĩ cho rằng có khối u trong não ông Mingsheng. Tuy nhiên, khi phẫu thuật, họ tá hỏa phát hiện trong hộp sọ ông Mingsheng có rất nhiều trứng sán và ấu trùng sán dây đang sống.
“Sau khi mở hộp sọ, chúng tôi phát hiện các mô thần kinh của ông ấy bị bao phủ bởi rất nhiều trứng và ấu trùng sán còn sống,” bác sĩ phẫu thuật thần kinh Yang Ming cho biết. Đến khi kết thúc, các bác sĩ đã lấy ra hơn 30 nang trứng sán và ấu trùng khỏi não của ông Mingsheng. Dựa vào số lượng ký sinh trùng quá nhiều như vậy, người đàn ông 46 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh neurocysticercosis - bệnh nhiễm ấu trùng sán heo ở não.
Đây là một căn bệnh nhiễm ký sinh trùng hiếm gặp, bắt nguồn từ việc sán dây của heo xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Căn bệnh nếu kéo dài sẽ có các triệu chứng như nhức đầu, buồn nôn, động kinh, rối loạn vận động, suy giảm nhận thức, đột quỵ. Sau 1 tuần phẫu thuật, ông Mingsheng đang hồi phục và phần lớn các triệu chứng bất thường đã biến mất. Dù vậy, ông vẫn phải tiếp tục uống thuốc. “Bệnh neurocysticercosis thường là hậu quả của quá trình sinh sống không vệ sinh và có tiếp xúc với heo. Con người bị nhiễm sán heo khi có tiếp xúc với phân heo, hoặc do ăn thịt heo nhiễm ký sinh trùng,” bác sĩ Yang nói.

Tường băng không ngăn được nước nhiễm xạ
FUKUSHIMA - Tường băng dưới lòng đất bao quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, mà Nhật Bản hoàn thành năm ngoái với chi phí khoảng $320 triệu Mỹ kim, chưa đạt hiệu quả như nhiều người kỳ vọng. Bức tường sâu hơn 38 mét và dài gần 1.6 cây số, được xây dựng nhằm ngăn nước ngầm hòa lẫn với nước nhiễm xạ rò rỉ từ nhà máy này. Nhà máy Fukushima Daiichi bị động đất và sóng thần phá hủy năm 2011. Bảy năm sau thảm họa, các chất phóng xạ từ lò phản ứng bị hư hại vẫn làm ô nhiễm nước mưa và nước ngầm. Thậm chí những robot được đưa vào để nghiên cứu và dọn dẹp cũng không chịu nổi mức phóng xạ quá cao trong nhà máy.
Việc xây dựng tường băng rất tốn kém. Chi phí bảo trì và vận hành công trình này mỗi năm lên đến $9.5 triệu Mỹ kim. Một số chuyên gia từng cho rằng, giải pháp xây tường băng ngầm quá phức tạp và có thể không hiệu quả. Theo số liệu mới từ Công ty điện Tokyo (TEPCO), tường băng giảm lượng nước ô nhiễm bên trong nhà máy xuống 95 tấn mỗi ngày, trong khi con số trước đây là gần 200 tấn. Nhà máy vẫn làm ô nhiễm tổng cộng khoảng 500 tấn nước mỗi ngày, trong đó có 300 tấn được bơm ra và tích trữ để lọc sạch.
"Chúng tôi nhận thấy tường băng có hiệu quả, nhưng cần làm nhiều hơn để xử lý lượng nước mưa trước mùa bão,” Yuzo Onishi, giáo sư tại Đại học Kansai, cho biết. Dù không phải giải pháp hoàn hảo, tường băng cũng góp phần làm ổn định các dòng nước ngầm và giảm lượng nước cần bơm ra hàng ngày.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT